Chúa Nhật. Ngày Thứ Tám Trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh – 01/01/2023

THÁNH MA-RI-A, MẸ THIÊN CHÚA, lễ trọng

Lời Chúa – Lc 2,16-21:

Khi ấy, các mục đồng hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.

Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.

Suy niệm:

“Mẹ sinh Chúa thiên đình, Đấng Tạo thành nên Mẹ…” Đây là một câu trong Ca vãn kính Đức Mẹ ở thế kỷ XI. Người không có đức tin sẽ chẳng thể nào hiểu nổi. Làm sao một phụ nữ có thể sinh ra Đấng đã tạo nên mình? Nhưng đây lại là đức tin của Ki-tô hữu chúng ta. Chẳng ai chối cãi chuyện Mẹ Ma-ri-a sinh Đức Giê-su. Nhưng nếu ta tin người con đó là Ngôi Lời nhập thể, là Thiên Chúa Con Một xuống thế làm người là Đấng Tạo Thành mọi thụ tạo, trong đó có Mẹ (Ga 1,1-18), chúng ta mới hiểu được ý nghĩa của câu: “Mẹ sinh Chúa thiên đình, Đấng Tạo thành nên Mẹ…”

Chúa Cha là Đấng tự hữu, không do ai sinh ra. Chúa Con được Chúa Cha sinh ra từ vĩnh cửu và có cùng thiên tính với Chúa Cha. Chúa Con được Chúa Cha sai xuống trần gian, làm người để cứu độ cả nhân loại. Vì muốn mang trọn phận người như chúng ta, Chúa Con cần được sinh ra bởi một người mẹ trần thế. Ma-ri-a là người được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ. Chúa Con được cưu mang và lớn lên trong bụng Ma-ri-a, và được Mẹ sinh ra như bao trẻ em khác. Cùng với các mục đồng, chúng ta hãy đến Bê-lem, để ngắm nhìn một bà mẹ mới sinh con. Bé sơ sinh được mẹ quấn tã và đặt trong máng cỏ.

Nếu chúng ta tin em bé ấy là Thiên Chúa làm người, chúng ta sẽ quỳ xuống trước hang đá để thờ lạy một Thiên Chúa yêu thương và khiêm hạ. Chúng ta cũng sẽ nhận ra khuôn mặt của Mẹ Ma-ri-a, người phụ nữ đã sinh ra Thiên Chúa làm người, sinh ra Đấng Em-ma-nu-en.

Chúng ta thường nghĩ Đức Ma-ri-a biết rõ mọi sự về Người Con do mình cưu mang và sinh ra, vì ngay từ lúc truyền tin, thiên sứ đã nói cho Mẹ biết rồi. Thật ra, Mẹ Ma-ri-a từ từ hiểu về Con của Mẹ. Đức Giê-su mà mẹ dạy dỗ, gần gũi, dưỡng nuôi, là một mầu nhiệm từng ngày vén mở dưới mắt Mẹ. Mẹ biết Con của Mẹ là Đấng Mê-si-a, là Vua, nhưng Ngài lại không phải là vua kiểu trần gian, với quyền lực và vinh quang trần thế. Mẹ biết Con của Mẹ là Con Thiên Chúa, nhưng để hiểu ý nghĩa thực sự của tước vị này, Mẹ cần nhiều thời gian, nghiền ngẫm và cầu nguyện.

Ma-ri-a là người có lòng tin. Lòng tin đòi Mẹ suy nghĩ, nghiền ngẫm những biến cố xảy ra mà lúc đầu không sao hiểu nổi. Mẹ đã từng đặt câu hỏi cho thiên sứ Gáp-ri-en: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào?” (Lc 1,34) Mẹ không hiểu nên hỏi, và đi tìm câu trả lời. Giờ đây, khi các người chăn chiên kể chuyện thiên sứ đã hiện ra với họ để báo tin mừng, Ma-ri-a đã lắng nghe, suy nghĩ và có những câu hỏi. Không phải lúc nào Mẹ cũng thấy một câu trả lời rõ ràng ngay lập tức. Khi nhìn vào những gì đang xảy ra cho Hài Nhi, nghèo khó, long đong, bị hất hủi, thiếu thốn mọi sự, Mẹ nhớ lại lời thiên sứ, lời các mục đồng… Vẫn thói quen của Mẹ: “ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19).

Mừng lễ Thánh Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa nhập thể, chúng ta thấy Mẹ không xa cách với phận người. Mẹ cũng là người đã vất vả trong hành trình đức tin, để hiểu và đón lấy những biến cố Chúa gửi đến. Mẹ chỉ hiểu hết về Đức Giê-su, Con của Mẹ, sau khi Ngài hoàn tất mầu nhiệm chết và phục sinh.

Trên thiên đàng, có khi nào Mẹ ngây ngất khi nhớ lại mình đã nhiều năm ở bên một vị Thiên Chúa, đã dưỡng nuôi và đã góp phần làm cho Ngài lớn lên?

Cha An-tôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Scroll to Top