Chương XII. Hiệu quả của Cầu nguyện
“Tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người sẽ ban cho anh em.” — Ga 15,17
Như vậy, chúng ta đã xem xét tính thiết yếu của khổ chế và thập giá, vừa để thanh tẩy chúng ta khỏi mọi tình cảm dành cho bản thân và cho những sự thế gian, vừa để thiêng liêng hóa tri giác và siêu nhiên hóa tinh thần của chúng ta. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã xem xét cách mà thập giá thanh tẩy đức khiêm nhường, đức tin, đức cậy và đức ái của chúng ta.
Sự thanh tẩy này chủ yếu nhằm mục đích giúp chúng ta nhận biết và yêu mến Thiên Chúa cách tốt hơn. Nhờ phương thế là tri thức và tình yêu này, sự kết hiệp của chúng ta với Thiên Chúa được hiện thực hóa. Thật vậy, sau khi đã phán: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24), Chúa chúng ta còn nói thêm: “Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12).
Tính thiết yếu của cầu nguyện
Tri thức và tình yêu đối với Thiên Chúa như vậy có thể đạt tới cách trực tiếp thông qua các phương thức cầu nguyện khác nhau mà đặc biệt là tâm nguyện. Để có một đức tin sống động được vận hành nhờ đức ái, để khơi dậy và gia tăng lửa ái mà chúng ta phải đốt lên trong mình, thì việc thông truyền với Thiên Chúa là điều không thể thiếu. Chúng ta bước vào sự thông truyền này với Chúa qua việc thường xuyên suy ngẫm về các chân lý của Đạo và nhờ vào phương thế tâm nguyện.
Thật vậy, chúng ta chỉ biết được những gì mà chính mình đã xem xét và suy ngẫm cách kỹ lưỡng. Vì chỉ yêu những gì mình biết, nên chúng ta cũng có thể chỉ tiếp tục yêu những điều mình không ngừng nghĩ tới mà thôi. Không gian và thời gian cho thấy chúng có thể làm suy yếu dần và sau cùng, dập tắt những tình cảm mãnh liệt nhất. Nếu chúng ta không bao giờ nghĩ tới Thiên Chúa, nếu tinh thần chúng ta vẫn ở cách xa Người, thì chúng ta sẽ không còn yêu mến Người nữa.
Vẻ đẹp nơi các chân lý đức tin của chúng ta—chẳng hạn, chân lý về Thiên Chúa Ba Ngôi, Mầu nhiệm Nhập Thể, Ơn Cứu Chuộc, Bí tích Thánh Thể, Sự thánh thiện của Đức Trinh Nữ—có thể thu hút người tín hữu như thế nào nếu người ấy chỉ biết đến chúng một cách hời hợt và không bao giờ suy ngẫm về chúng cách nghiêm túc hay thưởng nếm chúng một cách sâu xa?
Tâm nguyện và Khổ chế
Chúng ta nên lưu ý rằng khổ chế chuẩn bị cho tâm nguyện, và tới lượt mình, tâm nguyện lại tạo điều kiện cho khổ chế. Vì thế, cầu nguyện và khổ chế ảnh hưởng lẫn nhau. Khổ chế và kiên nhẫn chuẩn bị cho việc cầu nguyện qua sự thanh tẩy và dứt bỏ mà chúng tạo ra trong chúng ta. Chúng giúp con người có thể bay lên hướng về Thiên Chúa, và việc bay lên cao này chính là cầu nguyện.
Đồng thời, cầu nguyện giúp chúng ta vác thập giá của mình trong ánh sáng. Nó nhắc chúng ta nhớ về lý do tồn tại của thập giá này, khiến chúng ta vác nó với tình yêu và nhận được ơn nhẫn nhịn từ Thiên Chúa. Vì thế, cầu nguyện và khổ chế tương trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, chúng ta cần biết rằng cầu nguyện thì tốt hơn, cũng như việc kết hiệp với Thiên Chúa thì tốt hơn là tách mình ra khỏi thế gian. Thật vậy, chúng ta tách mình ra khỏi thế gian là để kết hiệp với Thiên Chúa, nhưng chúng ta không tìm cách kết hiệp với Thiên Chúa để tách mình ra khỏi thế gian.
Hiệu quả của Cầu nguyện
Bây giờ, chúng ta phải chuyển sang nói về hiệu quả của cầu nguyện và nguồn mạch của tính hiệu quả này. Trước hết, hãy tự hỏi: Chúng ta có thực sự tin vào hiệu quả của cầu nguyện không? Đây chắc chắn là một câu hỏi liên quan đến tất cả mọi người mà không có sự phân biệt. Nó không chỉ động chạm đến những người mới bắt đầu và những người đã đạt được nhiều tiến bộ trong đời sống thiêng liêng, nhưng ngay cả những người đang ở trong tình trạng tội trọng cũng cần phải đặt ra câu hỏi như vậy, bởi lẽ tội nhân, ngay cả khi đã đánh mất ân sủng thánh hóa và do đó, không còn xứng đáng nữa, cũng vẫn có thể cầu nguyện. Khái niệm “công phúc có quyền được đền bù” nhắm tới đức công bình của Thiên Chúa;1 trong khi đó, cầu nguyện hướng về lòng thương xót của Người. Lòng thương xót này thường lắng nghe và nâng đỡ những người rơi vào cái chết thiêng liêng mà không phải có công phúc gì.
Từ vực thẳm mà mình đã rơi xuống, người khốn khổ nhất vẫn có thể dâng lên Lòng thương xót Chúa lời than khóc gọi là cầu nguyện. Người ăn xin, với tất cả những gì sở hữu chỉ là sự nghèo khó, vẫn có thể cầu nguyện nhân danh nỗi khốn cùng của mình, và nếu đặt trọn tâm hồn mình để nài xin, người ấy buộc Lòng thương xót phải cúi xuống trên anh, vì vực thẳm của nỗi khốn cùng đã kêu lên vực thẳm của lòng thương xót. Linh hồn sống lại và Thiên Chúa được tôn vinh.
Chúng ta hãy nhớ lại cuộc hoán cải của Thánh nữ Maria Mađalêna. Hãy nhớ lại lời cầu nguyện của Ngôn sứ Đanien cho dân Ítraen: “Quả chúng con đã phạm tội, đã làm điều gian ác khi dám lìa xa Ngài. Chúng con đã bất tuân, đã không hành động theo lệnh Ngài truyền, nên không được hưởng nhờ ơn phúc... Phải, mọi sự Ngài đã bắt chúng con phải chịu, mọi sự Ngài đã làm cho chúng con, Ngài đã làm tất cả thật chính trực công minh... Ôi! Vì danh thánh Chúa, xin đừng mãi mãi bỏ rơi chúng con, đừng hủy bỏ giao ước của Ngài! Vì tình nghĩa với bạn thân Ngài là Ápraham, với tôi tớ Ngài là Ixaác, và kẻ Ngài thánh hóa là Ítraen, xin Ngài đừng rút lại lòng thương xót đã dành cho chúng con” (Đn 3,28-35). Và Thánh Vịnh cũng chứa đầy những lời cầu xin như vậy: “Lạy Chúa Trời, Đấng cứu độ chúng con... Xin giải thoát và thứ tha tội lỗi chúng con” (x. Tv 79,9). “Chúa là nơi con ẩn náu, là khiên thuẫn của con, con vẫn trông cậy ở lời Ngài” (x. Tv 119,114).
Chúng ta có tin vào sức mạnh của cầu nguyện không? Khi cơn cám dỗ đe dọa làm chúng ta sa ngã, khi ánh sáng vụt tắt trong chúng ta, khi gặp khó khăn trong việc vác thập giá, chúng ta có cầu nguyện như Chúa đã dạy chúng ta không? Hay có khi chúng ta cũng nghi ngờ tính hiệu quả của cầu nguyện—nếu không phải về mặt lý thuyết thì ít nhất cũng là trong thực hành? Tuy nhiên, chúng ta biết rõ lời Chúa hứa: “Anh em cứ xin thì sẽ được” (Mt 7,7). Chúng ta đều biết giáo huấn chung của các nhà thần học. Lời cầu nguyện đích thực, thứ mà nhờ đó, chúng ta cầu xin những ân sủng cần thiết cho ơn cứu độ của chúng ta với sự khiêm nhường tín thác, có tính hữu hiệu không thể sai lầm (x. ST II-II, q. 83, a. 15).
Chúng ta biết giáo lý này; tuy nhiên, đôi khi chúng ta dường như đã cầu nguyện đúng cách mà vẫn không được lắng nghe. Chúng ta tin, hay nói đúng hơn, chúng ta nhìn thấy sức mạnh của một cỗ máy, nhưng chúng ta không đủ tin vào tính hiệu quả của cầu nguyện. Từ những kết quả mà cỗ máy mang lại, chúng ta thấy được sức mạnh của năng lực trí tuệ, tức là khoa học, và trong đó, không có điều gì là bí ẩn cả. Trên thực tế, chúng ta biết năng lực này đến từ đâu, nó được định hướng tới đâu và tạo ra những hiệu quả gì cho con người. Tuy nhiên, khi đề cập đến cầu nguyện, chúng ta tin tưởng quá yếu vào hiệu quả của nó, vì chúng ta không biết nó đến từ đâu và cũng chẳng nhớ nó hướng tới nơi nào. Chính vì thế, chúng ta phải biết và ghi nhớ để nắm rõ xem đâu là nguồn mạch cho tính hiệu quả của cầu nguyện, cũng như mục đích mà nó hướng tới, hay nói đúng hơn, phải đạt được.
Nguồn mạch cho Tính hiệu quả của Cầu nguyện
Thượng nguồn của các con sông được tìm thấy ở những nơi có độ cao lớn. Nước từ bầu trời, nước từ tuyết và sông băng tan ra tạo nên dòng chảy của nó. Ban đầu, trước khi làm phì nhiêu các thung lũng và đổ ra biển, sông là một dòng nước chảy xuống từ trên cao. Đây là một biểu tượng cho thấy nguồn mạch cho tính hiệu quả của cầu nguyện ngự trên cao đến mức nào.
Đôi khi, chúng ta lầm tưởng rằng cầu nguyện là một năng lực có nguyên lý đệ nhất nằm ở nơi chúng ta, rằng cầu nguyện là một phương thế giúp chúng ta có thể cố gắng lay chuyển ý muốn của Thiên Chúa. Khi đó, tư tưởng của chúng ta ngay lập tức vấp phải khó khăn sau đây, thứ thường được đưa ra bởi những người không tin Chúa (đặc biệt là những người theo thuyết thần luận ở thế kỷ XVIII và XIX): không ai có thể lay chuyển được ý muốn của Thiên Chúa, không ai có thể thay đổi ý muốn của Người. Tất nhiên, Thiên Chúa là Sự Thiện không đòi hỏi điều gì khác hơn là tự hiến chính mình, lòng thương xót luôn sẵn sàng trợ giúp những ai đau khổ. Nhưng đồng thời, Thiên Chúa cũng là Đấng hoàn toàn bất biến và ý muốn của Người cũng bất biến. Không ai có thể khoe khoang rằng mình đã soi sáng cho Thiên Chúa hay đã thay đổi các mệnh lệnh của Người. “Ta là ĐỨC CHÚA, Ta không hề thay đổi” (Ml 3,6). Nhờ các mệnh lệnh của Chúa Quan Phòng, trật tự của vạn vật và các sự kiện được thiết lập một cách nhẹ nhàng và vững chắc từ đời đời (x. Ds 23,19; Gc 1,17).
Vâng, tất cả những điều này đều đúng. Tuy nhiên, người ta không nên vì lý do này mà rơi vào thuyết định mệnh và kết luận rằng cầu nguyện chẳng có tác dụng gì, rằng những gì phải xảy ra rồi cũng sẽ xảy ra theo số phận bất kể chúng ta có cầu nguyện hay không. “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7,7). Câu nói này của Tin Mừng vẫn đứng vững và đời sống nội tâm phải ngày càng tìm ra ý nghĩa của nó. Vì thế, cầu nguyện không phải là một năng lực có nguyên lý đệ nhất nằm ở nơi chúng ta; nó cũng không phải là nỗ lực của con người nhằm buộc Thiên Chúa thay đổi các mệnh lệnh quan phòng của Người. Nếu đôi khi chúng ta có nói theo cách này, thì đó chỉ là cách nói ẩn dụ và cách diễn đạt cho chính chúng ta theo một phương thức của phàm nhân. Trên thực tế, ý muốn của Thiên Chúa là hoàn toàn bất biến. Nhưng chính trong tính bất biến trổi vượt này mà nguồn mạch cho tính hiệu quả không thể sai lầm của cầu nguyện được tìm thấy.
Về cơ bản, đó là điều đơn thuần nhất. Bất chấp mầu nhiệm ân sủng bao quanh nó, chúng ta tìm thấy ở đây một trong những loại phối màu tương phản hấp dẫn và đẹp đẽ hơn cả. Trước hết, chúng ta hãy lưu ý một điều rõ ràng. Lời cầu nguyện đúng đắn có hiệu quả không thể sai lầm là do bởi Thiên Chúa, Đấng không thể tự mâu thuẫn, đã phán truyền như vậy (ST II-II, q. 83, a. 2). Việc chiêm niệm của các thánh đều tập trung nhấn mạnh điều này.
Quan niệm về một Thiên Chúa không muốn lắng nghe và từ đời đời đã thấy trước những lời cầu nguyện mà chúng ta sẽ dâng lên quả không kém phần ngây ngô so với quan niệm về một Thiên Chúa sẽ thay đổi kế hoạch của Người và đặt mình theo ý muốn của chúng ta. Bởi cùng một mệnh lệnh quan phòng, tất cả đều đã được thấy trước (hay ít nhất là được cho phép) ngay từ lúc khởi đầu: không chỉ điều gì sẽ xảy ra, nhưng còn cả cách thức nó xảy ra và nguyên nhân đưa tới các sự kiện. Để có vụ mùa vật chất, Thiên Chúa đã chuẩn bị hạt giống, đổ mưa xuống giúp chúng nảy mầm và cho mặt trời mọc lên làm chín trái cây trên mặt đất. Điều tương tự cũng xảy ra đối với mùa gặt thiêng liêng. Thiên Chúa chuẩn bị hạt giống thiêng liêng và những ân sủng thiêng liêng cần thiết cho việc thánh hóa và ơn cứu độ.
Trong mỗi trật tự, từ thấp kém nhất đến cao cả nhất, Thiên Chúa luôn chuẩn bị những nguyên nhân nhằm tạo ra những hiệu quả xác định. Và cầu nguyện là một trong những nguyên nhân này, với mục đích tạo ra một hiệu quả đặc biệt, đó là mang lại cho chúng ta những ân huệ của Thiên Chúa. Mọi thụ tạo có được hiện hữu cũng chỉ là nhờ những ân huệ này, tuy nhiên, thụ tạo có trí tuệ là loài duy nhất có thể nhận ra. Hiện hữu, sức khỏe, thể lực, ánh sáng trí tuệ, năng lực luân lý, thành công trong công việc, tất cả đều là những ân huệ của Thiên Chúa. Nhưng trên hết, ân sủng, thứ dẫn chúng ta đến thiện ích cứu độ, giúp chúng ta hoàn tất thiện ích đó và ban cho chúng ta phương thế để kiên trì, là một ân huệ của Thiên Chúa.
Ân sủng—và hơn thế nữa là Chúa Thánh Thần, Đấng đã được sai đến với chúng ta và là nguồn nước hằng sống—là ân huệ ưu việt mà Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ Samari bên giếng Giacóp: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống,’ thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống” (Ga 4,10-14). Thụ tạo có trí tuệ là loài duy nhất có khả năng nhận ra rằng mình không thể sống một cách tự nhiên hay siêu nhiên nếu không nhờ ân huệ của Thiên Chúa. Vậy thì tại sao chúng ta lại ngạc nhiên nếu Chúa Quan Phòng muốn con người thụ tạo ấy cầu xin ân sủng? Trong vấn đề này, cũng như trong mọi sự, trước hết, Thiên Chúa muốn hiệu quả cuối cùng; sau đó, Người xếp đặt các phương thế và nguyên nhân để tạo ra nó. Sau khi đã quyết định ban cho, Người cũng quyết định rằng chúng ta phải cầu nguyện để lãnh nhận, giống như một người cha nhân hậu trong gia đình muốn con cái cầu xin khi quyết định ban cho họ một niềm vui nào đó.
Hãy lưu ý rằng ân huệ của Thiên Chúa là kết quả, trong khi cầu nguyện là phương thế để có được ân huệ đó. Thánh Grêgôriô Cả nói rằng con người phải sẵn lòng lãnh nhận những gì Thiên Chúa Toàn Năng đã quyết định ban cho họ từ đời đời. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu, khi muốn hoán cải người phụ nữ Samari, đã muốn chị cầu nguyện bằng cách nói với chị: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban.” Và như Chúa đã ban cho Maria Mađalêna một ơn hiện sủng rất mạnh mẽ nhưng cũng rất dịu dàng, khiến chị ăn năn và cầu nguyện, thì Người cũng hành động như vậy đối với ông Dakêu và người trộm lành.
Vì thế, việc cầu nguyện để có được sự trợ giúp từ Thiên Chúa, điều chúng ta cần để làm việc thiện và tiếp tục kiên trì làm việc thiện, cũng cần thiết như việc gieo hạt để có được vụ mùa. Đối với những người nói rằng: “Dù chúng ta cầu nguyện hay không cầu nguyện, chuyện phải xảy ra cũng sẽ xảy ra,” chúng ta cần trả lời: “Nói như vậy cũng vô nghĩa như khi nói: ‘Dù chúng ta gieo hạt hay không gieo hạt, thì tới mùa hè, chúng ta cũng sẽ có lúa ăn.’” Sự quan phòng của Thiên Chúa giúp thiết lập không chỉ kết quả nhưng còn cả phương thế mà chúng ta phải sử dụng. Nó khác với số phận ở chỗ nó tôn trọng quyền tự do của con người bằng cách ban ân sủng nhẹ nhàng nhưng hiệu quả. Do đó, chúng ta hẳn phải nhận được một ơn hiện sủng để cầu nguyện; nhưng điều này đã được trao cho tất cả mọi người và chỉ ai tự ý từ chối nó mới bị tước đoạt.2
Như thế, việc cầu nguyện để có được sự trợ giúp từ Thiên Chúa cũng cần thiết như việc gieo hạt để có được vụ mùa. Tuy nhiên, vẫn còn đó một vấn đề cần lưu ý: hạt giống cho dù tốt nhất, nhưng nếu thiếu đi những điều kiện thuận lợi bên ngoài, cũng có thể không sinh hoa trái—và hàng ngàn hạt giống đã bị mất đi theo cách này—trái lại, với việc cầu nguyện cách khiêm nhường và tin tưởng, trong đó, chúng ta xin cho mình những gì cần thiết cho ơn cứu độ, thì hạt giống sẽ không bao giờ mất đi. Chúng ta biết rằng điều đó đã được nhậm lời bởi chính sự kiện rằng nó mang lại cho chúng ta ân sủng để tiếp tục cầu nguyện.
Hiệu quả của việc cầu nguyện đúng cách này đã được Chúa bảo đảm chắc chắn: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Lc 11,9-13).
Với các tông đồ, Người cũng phán: “Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 16,23-24).
Những linh hồn tận hiến cho việc cầu nguyện, thậm chí hơn những linh hồn khác, phải sống giáo lý này, giáo lý căn bản đối với mọi Kitô hữu. Vì thế, chúng ta phải tin tưởng vào tính hiệu quả của cầu nguyện! Nó không chỉ đơn thuần là một năng lực của con người có nguyên lý đệ nhất nằm ở nơi chúng ta; đúng hơn, nguồn mạch cho tính hiệu quả của nó nằm ở nơi Thiên Chúa và nơi công nghiệp vô cùng của Đấng Cứu Thế. Nó hạ xuống từ mệnh lệnh tình yêu có từ đời đời và bay lên lòng thương xót của Thiên Chúa.
Khi chúng ta cầu nguyện, chắc chắn đó không phải là vấn đề thuyết phục Thiên Chúa, thúc đẩy Người thay đổi ý định quan phòng của mình; vấn đề chỉ là nâng ý chí của chúng ta lên tới những tầm cao của Người, đồng ý với Người về những gì Người đã quyết định ban cho chúng ta từ muôn thuở. Cầu nguyện không hề có xu hướng kéo thấp Đấng Tối Cao xuống với chúng ta, nhưng đúng hơn, theo các Giáo Phụ, “nâng linh hồn lên tới Thiên Chúa.” Khi chúng ta cầu nguyện và được nhậm lời, chúng ta cảm thấy dường như ý Chúa đã nhượng bộ chúng ta. Tuy nhiên, sự thực là ý chí của chúng ta đã hướng về Người theo cách thức mà chúng ta sẵn sàng làm theo những gì Người muốn cho chúng ta từ đời đời. Như vậy, thay vì chống lại các chỉ dẫn của Thiên Chúa, việc cầu nguyện đã cộng tác với các chỉ dẫn này. Vì thế, chúng ta là hai khi ước muốn, thay vì một.
Ngoài ra, chẳng hạn, khi chúng ta đã cầu nguyện nhiều để xin ơn hoán cải cho một người và đã được nhậm lời, thì chúng ta có thể nói một cách chính xác rằng: chính Chúa đã hoán cải người này, nhưng Người đã bằng lòng cho tôi cộng tác với Người trong việc hoán cải anh ta; từ đời đời, Người đã quyết định bảo tôi cầu nguyện để nhận được ân sủng đó. Vì thế, chúng ta cộng tác vào ơn cứu độ bằng cách cầu xin những ân sủng cần thiết để đạt tới ơn cứu độ. Trong số những ân sủng này, có một số ân sủng, giống như ơn bền đỗ đến cùng, không thể là một ơn ban vì đáng thưởng [hay vì công phúc]3 nhưng có thể nhận được nhờ lời cầu nguyện khiêm nhường, tín thác và kiên trì.
Ân sủng hữu hiệu, vốn bảo vệ chúng ta khỏi tội trọng và giữ chúng ta trong tình trạng ân sủng, chắc chắn không thể là một ơn ban vì đáng thưởng, bởi lẽ nó giống như chuyện ban thưởng cho chính nguyên lý của sự ban thưởng (trạng thái ân sủng liên tục). Tuy nhiên, nó có thể đạt tới bằng cầu nguyện. Vì thế, ơn hiện sủng và hữu hiệu, vốn là khí cụ cho một sự chiêm niệm sống động, mặc dù nói một cách đúng đắn, không thể được ban de condigno [vì đáng thưởng], nhưng có được là nhờ lời cầu nguyện. “Vậy tôi nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết. Tôi kêu cầu, và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi” (Kn 7,7).
Ngoài ra, trong vấn đề xin ơn hoán cải cho một người có thể chống đối, thì khi chúng ta càng kiên trì cầu nguyện nhiều, chúng ta càng có hy vọng nhận được ân sủng.
Vì thế, cầu nguyện cộng tác mạnh mẽ vào kế hoạch Quan Phòng của Thiên Chúa. Nó có thể nhận được bất cứ điều gì, với điều kiện là trước hết và trên hết, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta ngày càng yêu mến Người nhiều hơn: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).
Nếu chúng ta không nhận được của cải vật chất, điều đó có nghĩa là chúng không cần thiết cho ơn cứu độ của chúng ta. Nhưng nếu lời cầu nguyện của chúng ta được thực hiện một cách đúng đắn, chúng ta sẽ nhận được ân sủng quý giá hơn nữa vì “Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa, mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người” (Tv 145,18). Và lời cầu nguyện nài xin, nếu thực sự nâng tâm hồn chúng ta lên với Thiên Chúa, sẽ đặt chúng ta vào một lời cầu nguyện tôn thờ, đền tạ, tri ân cách thân mật hơn, cũng như dẫn đưa chúng ta tới sự cầu nguyện hiệp nhất.
Chú thích
1 de condigno là dựa trên đức công bình, hay hợp lý, de congruo là dựa trên jure amicabili [các quyền của tình bạn], hay hợp tình.
2 Ân sủng hữu hiệu để cầu nguyện được ban cho mọi người trưởng thành, ngay cả những người tội lỗi nhất. Bên cạnh đó, mỗi người cũng thi thoảng nhận được ơn hiện sủng khiến cho việc cầu nguyện được khả thi. Trong ơn túc [dụng] sủng này, sẽ có một sự trợ giúp hữu hiệu, giống như trong bông hoa có quả vậy. Nhưng nếu một người chống lại điều gọi là ơn túc sủng, anh ta đáng bị tước đoạt ân sủng hữu hiệu giúp anh ta cầu nguyện một cách hiệu quả. Đây là mầu nhiệm của việc chống lại ân sủng, một sự dữ hoàn toàn phát xuất từ tính yếu đuối của chúng ta; còn sự ngoan ngoãn không phản kháng, vốn là một điều tốt, chủ yếu đến từ Thiên Chúa, nguồn mạch đệ nhất của mọi điều tốt lành. Và vì tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta là nguyên nhân của mọi sự tốt lành, nên không ai tốt hơn người khác nếu họ không được Thiên Chúa yêu thương nhiều hơn. “Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh?” (1 Cr 4,7; xem ST I, q. 20, a. 3 & 4). Chúa đã phán: “Không có Thầy, anh em chẳng làm được gì [để hưởng ơn cứu độ]” (Ga 15,5). Đây càng phải là lý do để chúng ta cầu xin Người ban ân sủng như Người đã khuyên nhủ chúng ta. Nếu sau khi chân thành cầu nguyện với lòng khiêm nhường, tín thác và kiên trì, mà chúng ta vẫn không nhận được sự trợ giúp cần thiết cho ơn cứu độ của mình, thì hẳn sẽ có sự mâu thuẫn nơi Thiên Chúa và nơi những lời hứa của Người. Tuy nhiên, những điều trên đây không bao giờ thay đổi và chính chúng là nền tảng cho tính hiệu quả không thể sai lầm của cầu nguyện.
3 Thật vậy, ơn bền đỗ đến cùng là tình trạng ân sủng liên tục cho đến chết. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tình trạng ân sủng là nguyên lý của sự ban thưởng, nó không thể là một điều đáng thưởng (x. ST I-II, q. 114, a. 9).