Dẫn nhập
Đào tạo nên một Giáo Hoàng và một vị thánh
Khi xem xét cuộc đời và di sản của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người Công Giáo ở thế kỷ XXI hẳn có thể tự hỏi: loại hình đào tạo và chỉ dẫn nào đã góp phần tạo nên di sản thiêng liêng của một con người như thế? Mặc dù người ta có thể liệt kê ra vô số những ảnh hưởng đáng kể đối với ngài, tuy nhiên, có một điều hết sức rõ ràng mà chúng ta chắc chắn: Thánh Tôma Aquinô và những bậc thầy về đời sống thiêng liêng, những người đã nghiên cứu và chú giải các tác phẩm của vị Tiến Sĩ Thiên Thần, đã đóng vai trò làm nền tảng cho nền đào tạo Công Giáo mà thánh nhân thụ hưởng.
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thụ phong linh mục, Đức Gioan Phaolô II đã hồi tưởng và nhắc đến “các tập sách của Thánh Tôma Aquinô cùng với những phần chú giải” đã chỉ dẫn cho ngài trên con đường trở thành linh mục. “Có thể nói, tôi đã được học thần học từ chính ‘trung tâm’ của một truyền thống thần học vĩ đại.” Việc học hỏi đó không chỉ thuần túy mang màu sắc trí tuệ, nhưng đã định hình rất nhiều cho đời sống thiêng liêng và truyền cảm hứng cho chủng sinh Karol Wojtyla suốt nhiều giờ suy niệm.1
Sau khi thụ chức, lòng yêu mến chân lý đã đưa vị linh mục 26 tuổi đi một chặng đường dài từ Ba Lan đến Giáo hoàng Học viện (nay là Giáo hoàng Đại học) Thánh Tôma Aquinô ở Rôma. Ngài giải thích rằng mục đích của việc đăng ký học tại “Angelicum” khi ấy chính là để “đào sâu tri thức của tôi về giáo huấn của vị Tiến Sĩ Chung.”2 Dưới mái trường này, ngài đã tìm kiếm sự hướng dẫn cá nhân từ vị giáo sư nổi tiếng nhất khoa: Cha Réginald Garrigou-Lagrange, O.P. (1877-1964).3 Linh mục Wojtyla muốn nghiên cứu Thánh Tôma và truyền thống Học thuyết Tôma dưới sự chỉ dẫn khôn ngoan của ngài.4
Sau này, Đức Thánh Giáo Hoàng giải thích rằng việc lựa chọn cha Garrigou làm người hướng dẫn cho mình khi ấy không dựa trên tình cảm nhất thời. Khi trở lại viếng thăm các lớp học ở Angelicum vào ngày 17/11/1979, ngài nhớ lại: “Thứ Bảy hàng tuần… chúng tôi đến nghe các bài giảng của cha Garrigou-Lagrange: một nhà thần học vĩ đại, một chuyên gia về các khoa học thiêng liêng, người đã hơn bảy mươi tuổi nhưng vẫn sống sôi nổi một cách đáng kinh ngạc.” Ngài là một giáo sư “đã chứng tỏ bằng cuộc sống của mình rằng ngài luôn luôn giảng dạy.”5 Theo đánh giá của Đức Thánh Giáo Hoàng, cha Garrigou-Lagrange không phải là một thầy dạy trong số rất nhiều thầy dạy khác. Ngài là một bậc thầy thực sự về đời sống thiêng liêng.
Cha Réginald Garrigou-Lagrange là ai?
Linh mục, nhà thần học Dòng Đa Minh, Réginald Garrigou-Lagrange là một quà tặng độc đáo đối với Giáo Hội. Giống như nhiều vĩ nhân khác, ngài được tôn kính ngay trong thời đại của mình, phải chịu đựng thành kiến và thái độ dửng dưng sau khi qua đời, và gần đây, đã nhận được sự quan tâm và chú ý trở lại.6 Mặc dù chỉ dẫn của ngài rõ ràng đã đóng một vai trò nhất định trong việc hình thành tư tưởng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nhưng chúng ta cũng cần phải hỏi xem: Réginald Garrigou-Lagrange là ai và ngài có ảnh hưởng như thế nào?
Gontran-Marie Garrigou-Lagrange sinh ngày 21/02/1877 trong một gia đình công chức sống tại Auch, Pháp. Suốt giai đoạn đầu đời, Garrigou không cho thấy mình có vẻ gì là một thiếu niên sùng đạo. Chỉ tới khi theo học ngành y tại Đại học Bordeaux, chân lý về Thiên Chúa mới bất ngờ khiến cậu choáng ngợp nhờ kinh nghiệm một cuộc hoán cải làm thay đổi cuộc đời, khi chàng sinh viên trẻ đọc cuốn L’homme: La Vie-La Science-L’art [Con người: Cuộc sống, Khoa học và Nghệ thuật] của nhà văn Công Giáo Pháp, Ernest Hello. “Trong chớp mắt, tôi thấy rằng đây không phải là một chân lý tương đối đối với tri thức của chúng ta, nhưng là một chân lý tuyệt đối sẽ không qua đi mà trái lại, xuất hiện càng lúc càng rạng ngời hơn cho đến khi chúng ta được thấy Thiên Chúa diện đối diện.”7 Garrigou-Lagrange sau đó đã gia nhập Dòng Đa Minh và được trao tu phục đen trắng vào ngày 10/10/1897. Anh nhận tên khấn Dòng là “Réginald” theo tên vị linh mục dòng Đa Minh nổi tiếng sống ở thế kỷ XIII, Chân phước Réginald xứ Orléans.
Người hướng dẫn về trí tuệ và thiêng liêng của Réginald trong Dòng Đa Minh là cha Ambroise Gardeil O.P. (1859-1931), một người học thức. Dưới sự chỉ bảo của ngài, Réginald đã được làm quen với di sản triết học, thần học và thiêng liêng phong phú của Thánh Tôma Aquinô và truyền thống Thomist. Các tác phẩm của các nhà thần học như Đức Hồng Y Cajetan và Tu sĩ Gioan của Thánh Tôma đã giúp cho giáo huấn luôn tươi mới của vị Tiến Sĩ Giáo Hội trở nên sống động trong tâm trí và trái tim của Réginald. Vào ngày 28/09/1902, anh được thụ phong linh mục; và sau khi hoàn thành chương trình cao học, cha Réginald đã được bề trên giao phó công việc giảng dạy triết học và thần học cho các tu sĩ Dòng Đa Minh ở Pháp.
Sự tài hoa của ngài nhanh chóng thu hút sự chú ý của Cha Bề trên Tổng quyền Dòng Đa Minh, Chân phước Hyacinthe-Marie Cormier (1832-1916), và vào năm 1909, cha Réginald được bổ nhiệm chính thức vào trường Angelicum, nơi ngài sẽ giảng dạy trong nửa thế kỷ sau đó. Là tác giả của hơn 50 cuốn sách và 300 bài báo trong suốt sự nghiệp học thuật của mình, Réginald Garrigou-Lagrange còn phục vụ dưới tư cách là Cố vấn của Văn Phòng Thánh (nay là Thánh Bộ Giáo lý Đức tin) và là cố vấn thần học cho các Đức Giáo Hoàng kể từ Đức Bênêđíctô XV đến Đức Gioan XXIII. Ngài qua đời tại Rôma vào ngày 15/02/1964, trùng với ngày lễ kính nhà thần bí Dòng Đa Minh, Chân phước Henry Suso (1300-1366), và được chôn cất trong khu lăng mộ của Dòng tại vườn thánh Campo Verano ở Rôma.
Bậc thầy về đời sống thiêng liêng
Trong khi là một học giả tài hoa, Cha Réginald Garrigou-Lagrange trước hết là một linh mục Dòng Đa Minh. Và giống như tất cả những người con trung thành của Thánh phụ Đa Minh, mục đích chính yếu trong suốt cuộc đời của ngài vẫn là ơn cứu độ cho các linh hồn. Vì lòng nhiệt thành đối với chân lý về tình yêu Thiên Chúa, cha Réginald không phải là một học giả tháp ngà [tức kiểu người hay chữ, nhưng sống thu mình, viển vông và xa rời thực tại]. Thay vào đó, ngài là một linh mục thánh thiện, một người nổi tiếng về tính sẵn sàng mục vụ và khả năng tiếp cận cá nhân, một người cha thực sự trong đời sống thiêng liêng.
Những lớp học của ngài đầy sức sống và khôn ngoan. Một trong những cựu sinh viên của ngài nhớ lại rằng ngài “là một diễn viên xuất sắc theo nghĩa cao nhất của từ này... Tôi có thể so sánh ngài với Đức Giáo Hoàng đương kim của chúng ta [Đức Gioan Phaolô II] về ơn đoàn sủng, hay thậm chí ơn ngôn sứ trong khả năng giao tiếp hiệu quả và đầy khiêu khích của ngài.”8 Ngài không phải là một giáo sư khô khan, nhàm chán hay xa cách học trò, “trong lớp học, cả cử chỉ, cách nói chuyện, nét mặt, cách sử dụng bảng đen, sự vui vẻ và hài hước dí dỏm,... của ngài đều thực sự xuất sắc.” “Ngài nổi tiếng vì nội dung phong phú và cách trình bày các bài giảng hết sức tài hoa.”9 Một học trò khác nói rằng “các bài giảng của ngài có lẽ là những bài giảng hấp dẫn nhất mà tôi từng được nghe dù ở Rôma hay bất cứ nơi nào khác.”10
Một học trò cũ của ngài đã kể lại với người viết về cuộc gặp gỡ cuối cùng của mình với cha Réginald. Khi kết thúc phần thi vấn đáp cuối kỳ, ngài nhìn vị linh mục trẻ khi ấy và nói: “Này cha, con có thể hỏi cha một câu về Bí tích Thống Hối được không?” Dù rất ngạc nhiên vì đó không phải là chủ đề được đề cập đến trong khóa học, nhưng vị linh mục này đã đồng ý. Sau đó, vị linh mục lớn tuổi hỏi: “Cha có thường đi xưng tội không?” Vị linh mục trẻ tuổi nói rằng mình rất thường xuyên đi tới tòa giải tội. Và cha Réginald tỏ ra hài lòng: “Rất tốt: một linh mục không bao giờ có thể là một cha giải tội tốt nếu không phải là một hối nhân tốt.” Đây là điều cuối cùng mà cha Réginald nói với vị linh mục trẻ. Cho đến bây giờ, vị linh mục ấy vẫn trìu mến nhớ lại cuộc gặp gỡ này.
Là một nhà giảng thuyết và bậc thầy giảng tĩnh tâm rất được săn đón, cha Réginald đã đi khắp thế giới trong các kỳ nghỉ hè của mình để tổ chức các hội thảo và các kỳ tĩnh tâm cho các linh mục và tu sĩ nam nữ. Cuốn sách bạn đang cầm trên tay chứa đựng nội dung của các cuộc hội thảo mà ngài đã đưa ra. Réginald Garrigou-Lagrange yêu mến Đấng cứu độ ngài, Chúa Giêsu Kitô. Ngài hết lòng sùng kính Đấng mà Thánh Tôma Aquinô gọi là “người bạn khôn ngoan nhất và tốt nhất.”11 Tình yêu này đã ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình nghiên cứu, viết lách, giảng dạy và giảng thuyết của ngài. Ngài yêu mến Chúa Giêsu hơn bất cứ điều gì khác và mong muốn mọi người cùng nhận biết cách đầy đủ chân lý về tình yêu Thiên Chúa.
Knowing the Love of God [Nhận biết Tình yêu đối với Thiên Chúa] được xuất bản lần đầu vào năm 1969 dưới tựa đề The Last Writings of Reginald Garrigou-Lagrange [Những bài viết cuối cùng của Réginald Garrigou-Lagrange]. Theo nhiều cách, đây quả là một cái tên phù hợp. Thật thích hợp biết bao khi những lời cuối cùng được xuất bản của cha Réginald nên được tập hợp lại trong một cuốn sách để cho thấy—giống như chân lý mà ngài đã rất yêu mến, đã sống và đã giảng dạy—rằng chỉ Thiên Chúa mới là mục đích duy nhất của chúng ta.
Cuốn sách này thực sự là một kho báu. Nó là kết quả của nhiều năm nghiên cứu thánh thiêng và chiêm niệm thánh thiện. Thậm chí hơn năm mươi năm sau khi xuất hiện lần đầu, cuốn sách này vẫn tiếp tục giúp những người được Thiên Chúa biết đến và yêu thương nhận biết và yêu mến Thiên Chúa.
Rev. Cajetan Cuddy, O.P.
St. Joseph’s Church
Greenwich Village, NY
Chú thích
1 John Paul II, Gift and Mystery: On the Fiftieth Anniversary of My Priestly Ordination (New York: Doubleday, 1996), 17.
2 John Paul II, “Perennial Philosophy of St. Thomas for the Youth of Our Times,” L’Osservatore Romano, December 17, 1979: 6-8.
3 Để biết thêm về mối tương quan giữa Đức Gioan Phaolô II và cha Garrigou-Lagrange, xem: Cajetan Cuddy, O.P., and Romanus Cessario, O.P., “Witness to Faith: George Weigel, Blessed John Paul II, and the Theological Life,” Nova et Vetera 10, no. 1 (2012): 1-13.
4 Để có một sự tóm lược rõ ràng, súc tích về truyền thống Học thuyết Tôma, xem: Romanus Cessario, O.P., A Short History of Thomism (Washington, DC: The Catholic University of America Press, 2005).
5 P. Raymond Sorgia, O.P., “Record of an Unforgettable Saturday,” in John Paul II at the Angelicum (Rome: Pontifical University of St. Thomas Aquinas, 1980), 38-39.
6 Chẳng hạn, xem: Richard Peddicord, O.P., The Sacred Monster of Thomism: An Introduction to the Life and Legacy of Reginald Garrigou-Lagrange, O.P. (South Bend, IN: St. Augustine’s Press, 2005); Aidan Nichols, O.P., Reason with Piety: Garrigou-Lagrange in the Service of Catholic Thought (Ave Maria, FL: Sapientia Press, 2008).
7 Xem M.-Rosaire Gagnebet, “L’œuvre du P. Garrigou-Lagrange: itinéraire intellectuel et spirituel vers Dieu,” Angelicum 42 (1965): 9-10.
8 Fr. Joseph De Torre, “My Personal Memories of Fr. Reginald Garrigou-Lagrange, O.P.” (Manila: 2001), 2. Mặc dù ban đầu được xuất bản dưới dạng tập sách nhỏ ở Philippines, phiên bản chỉnh lý của tiểu luận này gần đây đã được đưa vào thành một chương trong tập sách trực tuyến: Reginald Garrigou-Lagrange, O.P.: Teacher of Thomism (link).
9 Torre, 2.
10 Msgr. John M.T. Barton, “Garrigou-Lagrange, O.P.,” The Tablet, February 29, 1964, 237.
11 Summa theologiae I-II, q. 108, art. 4, sed contra.