Tuyên Ngôn Về Mối Liên Hệ Của Giáo Hội Với Các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo - Nostra Aetate - 28/10/1965

PHAOLÔ GIÁM MỤC
TÔI TỚ CÁC TÔI TỚ THIÊN CHÚA
HỢP NHẤT VỚI CÁC NGHỊ PHỤ CỦA THÁNH CÔNG ĐỒNG
ĐỂ MUÔN ĐỜI GHI NHỚ

TUYÊN NGÔN VỀ MỐI LIÊN HỆ CỦA GIÁO HỘI - VỚI CÁC TÔN GIÁO NGOÀI KITÔ GIÁO - NOSTRA AETATE

Ngày 28 tháng 10 năm 1965

1

Trong thời đại chúng ta, đang khi nhân loại ngày càng liên kết với nhau chặt chẽ hơn và các mối tương quan giữa các dân tộc cũng gia tăng, Giáo Hội càng thêm quan tâm đến mối liên hệ của mình với các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Với nhận thức về nhiệm vụ phải phát huy sự hiệp nhất và tình yêu thương giữa con người và nhất là giữa các dân tộc, trước tiên ở đây Giáo Hội nghiệm xét những gì đã được ban chung cho con người và đang dẫn đưa con người đến với nhau.

Quả thật, tất cả các dân tộc đều thuộc về một cộng đồng, có chung một nguồn gốc, vì Thiên Chúa đã cho toàn thể nhân loại sinh sống trên khắp mặt địa cầu,1 lại có chung một cùng đích tối hậu là Thiên Chúa, Đấng vẫn hằng trải rộng sự quan phòng, chứng tích lòng nhân hậu và ý định cứu độ trên tất cả mọi người,2 cho đến khi những người được tuyển chọn qui tụ trong Thành thánh, nơi rạng ngời ánh vinh quang Thiên Chúa, nơi chiếu toả ánh sáng dẫn đường cho muôn dân.3

Con người mong đợi các tôn giáo đưa ra lời giải đáp về những bí nhiệm tiềm ẩn trong thân phận con người, những điều xưa nay vẫn làm thâm tâm họ ưu tư trăn trở: Con người là gì? Cuộc sống chúng ta có ý nghĩa và mục đích gì? Sự thiện và tội lỗi là chi? Đau khổ có nguyên nhân và mục đích nào? Đâu là con đường dẫn tới hạnh phúc đích thực? Phải hiểu thế nào về cái chết, sự phán xét và thuởng phạt sau khi chết? Sau cùng, huyền nhiệm tối hậu và khôn tả bao trùm cuộc sống chúng ta là chi, chúng ta xuất phát từ đâu và chúng ta hướng về đâu?

2

Từ thuở xa xưa cho đến thời đại hôm nay, nơi nhiều dân tộc khác nhau, vẫn có những cảm nhận nào đó về một quyền lực tàng ẩn trong những biến chuyển của vạn vật và trong các biến cố của đời người, hơn nữa, đôi khi cũng thấy xuất hiện quan niệm về một Đấng Thượng Đế tối cao hoặc ngay cả nhận thức về một Người Cha. Cảm nhận và quan niệm đó đã đi vào cuộc sống các dân tộc qua cảm thức sâu xa về tôn giáo. Phần các tôn giáo, vốn gắn liền với đà tiến bộ của các nền văn hóa, cố gắng giải đáp những vấn nạn trên bằng những ý niệm cao sâu và bằng thứ ngôn ngữ ngày càng tinh tế. Như trong Ấn giáo, con người tìm hiểu huyền nhiệm thần linh và diễn tả huyền nhiệm ấy bằng những thần thoại vô cùng phong phú cũng như bằng các nỗ lực suy tư triết lý sâu sắc, đồng thời tìm cách giải thoát khỏi những nỗi lo âu của kiếp người, hoặc bằng những lối sống khổ hạnh, hoặc bởi tịnh niệm thâm sâu, hay nhờ việc tìm nương ẩn nơi Thượng Đế với lòng kính yêu và tin tưởng. Còn Phật giáo, với nhiều tông phái khác nhau, đã nhận ra sự bất túc tận căn của thế giới vô thường này và chỉ dạy cho những kẻ thành tâm và tin tưởng con đường tìm thấy sự giải thoát trọn vẹn hay đạt đến sự giác ngộ tối thượng, nhờ những cố gắng của bản thân hoặc sự trợ lực của ơn trên. Cũng vậy, với nhiều phương thế khác nhau, các tôn giáo khác trên thế giới đều cố gắng giúp cho tâm hồn con người thoát khỏi những âu lo, bằng cách đề nghị những đường hướng phải theo, nghĩa là giáo thuyết, luật sống cũng như các nghi lễ phụng tự.

Giáo Hội Công giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo ấy. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết của các tôn giáo, dù có nhiều điểm khác với chủ trương và đề nghị của Giáo Hội, nhưng vẫn thường mang lại một tia sáng của chính chân lý đang chiếu soi tất cả mọi người. Tuy nhiên, Giáo Hội rao giảng và phải không ngừng rao giảng Chúa Kitô, Đấng là “đường, sự thật và sự sống” (Ga 14,6) trong Người, con người tìm được đời sống tôn giáo sung mãn và nhờ Người, Thiên Chúa giao hòa mọi sự với mình.4

Vì thế, Giáo Hội khuyến khích con cái mình nhìn nhận, gìn giữ và làm tăng triển những giá trị tâm linh, luân lý cũng như các giá trị xã hội-văn hóa nơi những tín đồ thuộc các tôn giáo khác, nhờ việc đối thoại và hợp tác với thái độ thận trọng và bác ái, trong khi vẫn nêu cao chứng tá của niềm tin và đời sống Kitô giáo.

3

Giáo Hội cũng tôn trọng các tín đồ Hồi giáo, những người thờ phượng Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và hằng hữu, nhân hậu và toàn năng, Đấng Tạo Thành trời đất,5 Đấng đã ngỏ lời với con người, Đấng đưa ra những phán quyết bí nhiệm mà họ luôn luôn tuân phục với trọn cả tâm hồn, theo mẫu gương tùng phục Thiên Chúa của Abraham, người mà niềm tin Hồi giáo vẫn luôn gắn bó. Dù không nhìn nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa, nhưng họ tôn kính Người như vị Tiên tri, kính trọng Mẹ đồng trinh của Người là Đức Maria và đôi khi cũng sốt sắng cầu khẩn Mẹ. Hơn nữa, họ cũng trông đợi ngày phán xét, ngày Thiên Chúa thưởng phạt mọi người khi sống lại. Chính vì thế, họ tôn trọng đời sống luân lý và thờ phượng Thiên Chúa, nhất là bằng việc cầu nguyện, bố thí và chay tịnh.

Dù trong lịch sử đã xảy ra không ít bất hòa và hiềm thù giữa các Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo, Công Đồng khuyên mọi người nên quên đi quá khứ và cố gắng chân thành tìm hiểu lẫn nhau, cũng như cùng nhau bảo vệ và cổ võ công bình xã hội, các giá trị luân lý, cũng như hòa bình và tự do cho tất cả mọi người.

4

Khi tìm hiểu mầu nhiệm Giáo Hội, Công đồng nhắc lại mối dây liên kết thiêng liêng giữa dân của Tân Ước và dòng dõi Abraham.

Thật vậy, Giáo Hội Chúa Kitô nhìn nhận rằng, theo mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa, khởi điểm của đức tin và việc tuyển chọn Giáo Hội được tìm thấy nơi các Tổ phụ, Môsê và các ngôn sứ. Giáo Hội tuyên xưng rằng tất cả các Kitô hữu, là con cháu của Abraham theo đức tin,6 đều được ẩn chứa trong ơn gọi của vị Tổ phụ này và sự cứu độ của Giáo Hội đã được tiên báo cách huyền nhiệm trong cuộc xuất hành khỏi miền đất nô lệ của đoàn dân được tuyển chọn. Vì thế, Giáo Hội không thể quên rằng mình đã nhận được mạc khải Cựu ước nhờ chính dân tộc mà Chúa đoái thương ký kết Giao ước cũ do lòng thương xót khôn tả của Ngài, và được nuôi dưỡng nhờ gốc rễ ôliu tươi tốt, trên đó những ngành ôliu hoang dã là chư dân đã được tháp nhập vào.7 Thật vậy, Giáo Hội tin rằng Chúa Kitô là Bình an của chúng ta, đã hòa giải dân Do Thái và dân ngoại bằng thập giá và liên kết cả hai nên một nơi chính bản thân Người.8

Giáo Hội luôn nhớ đến lời của tông đồ Phaolô viết về anh em đồng chủng của ngài “là những người được Thiên Chúa nhận làm con, được trao ban vinh quang, giao ước, lề luật, nền phụng tự và các lời hứa, họ có các vị tổ phụ, và chính Đức Kitô, con của Trinh Nữ Maria, xét theo xác thể, cũng xuất thân từ họ” (Rm 9,4-5). Giáo Hội cũng nhớ rằng các Tông đồ, nền móng và cột trụ Giáo Hội, cũng như nhiều môn đệ đầu tiên của các ngài, những người loan báo Tin Mừng Chúa Kitô cho trần gian, đã sinh ra từ dân tộc Do Thái.

Theo chứng từ Thánh Kinh, Giêrusalem đã không nhận biết thời gian Thiên Chúa viếng thăm9 và phần lớn dân Do Thái đã không tiếp nhận Tin Mừng, nhiều người lại còn chống đối việc loan truyền Tin Mừng.10 Tuy thế, vì các Tổ phụ, theo lời thánh Tông đồ, người Do Thái vẫn luôn được Thiên Chúa yêu thương, Đấng không hối tiếc vì đã ban ơn và kêu gọi họ.11 Cùng với các ngôn sứ và thánh Tông đồ, Giáo Hội chờ đợi ngày mà chỉ mình Thiên Chúa biết, ngày mọi dân tộc đồng thanh kêu cầu Đức Chúa và “kề vai sát cánh phụng sự Người” (Sp 3,9).12

Vì người Kitô hữu và Do Thái cùng có chung một di sản thiêng liêng thật cao quý, nên Công đồng muốn cổ võ và khuyến khích hai bên hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, nhất là bằng sự học hỏi Kinh Thánh và thần học cũng như bằng việc đối thoại huynh đệ.

Mặc dù nhà cầm quyền Do Thái cùng các thuộc hạ đã gây nên cái chết của Đức Kitô,13 nhưng trách nhiệm về những lỗi phạm trong cuộc khổ nạn của Người không thể bị gán buộc cách hàm hồ cho tất cả người Do Thái đương thời hay cho người Do Thái ngày nay. Dù Giáo Hội thực sự là dân mới của Thiên Chúa, nhưng, dựa theo lời Thánh Kinh, người Do Thái không hề bị Chúa chê bỏ hay nguyền rủa. Vì thế, trong việc huấn giáo cũng như rao giảng Lời Chúa, mọi người cần lưu tâm tránh dạy những gì không phù hợp với chân lý của Tin Mừng và tinh thần của Chúa Kitô.

Vả lại, vì Giáo Hội luôn phi bác mọi cuộc bách hại đối với bất cứ ai, đồng thời vẫn nhớ mình có chung một di sản với người Do Thái, và được thúc đẩy bởi đức ái thiêng liêng của Tin Mừng chứ không do động cơ chính trị, nên Giáo Hội đau xót vì lòng thù hằn, những bách hại và mọi biểu hiện của chủ nghĩa bài Do Thái vào bất cứ thời điểm nào và do bất cứ ai chống lại người Do Thái.

Đàng khác, Giáo Hội đã luôn luôn và vẫn đang gắn bó với Đức Kitô, Đấng do tình thương vô biên, đã tự nguyện đón nhận cuộc khổ nạn và cái chết, vì tội lỗi của mọi người và để mọi người được cứu độ. Vì thế, khi rao giảng, Giáo Hội loan báo thập giá Đức Kitô như dấu chỉ tình yêu phổ quát của Thiên Chúa và như nguồn mạch của mọi ân sủng.

5

Chúng ta không thể kêu cầu Thiên Chúa là Cha tất cả mọi người, nếu chúng ta từ chối xử sự trong tình huynh đệ đối với những người cũng đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa là Cha và với anh em đồng loại, được liên kết chặt chẽ với nhau như lời Thánh Kinh: “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa” (1 Ga 4,8).

Điều đó làm sụp đổ nền tảng của mọi lý thuyết hay hành động dẫn đến việc kỳ thị giữa người này với người kia hay giữa dân tộc này với dân tộc khác, liên quan đến phẩm giá con người và những quyền lợi xuất phát từ phẩm giá đó.

Như thế, Giáo Hội phi bác mọi hình thức kỳ thị hoặc đàn áp con người do chủng tộc, màu da, giai cấp hay tôn giáo, vì thái độ ấy trái nghịch với tinh thần của Đức Kitô. Do đó, tiếp bước các thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, Công Đồng tha thiết kêu mời các Kitô hữu “hãy ăn ở ngay lành giữa dân ngoại” (1 Pr 2,12) nếu có thể được, và theo khả năng mà sống hòa thuận với tất cả mọi người,14 như con cái đích thực của Cha trên trời.15

Tất cả và từng điều được ban bố trong Tuyên Ngôn này đều đã được các Nghị phụ Thánh Công Đồng chấp thuận. Và, với thẩm quyền tông truyền nhận được từ Chúa Kitô, hợp nhất với các Nghị phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, quyết nghị và xác lập, và những gì đã được xác lập theo thể thức Công Đồng, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.

Rôma, tại Đền Thánh Phêrô, ngày 28 tháng 10 năm 1965
Tôi, PHAOLÔ, Giám mục Giáo Hội Công giáo
(Tiếp theo là chữ ký của các Nghị phụ)


Chú thích

1 x. Cv 17,26.

2 x. Kn 8, 1; Cv 14,17; Rm 2,6-7; 1 Tm 2,4.

3 x. Kh 21,23-24.

4 x. 2 Cr 5,18-19.

5 x. T. GRÊGÔRIÔ VII,Epist. III, 21 ad Anazir (Al-Nasir), regem Mauritaniae, xb. E. Caspar in MGH. Ep. sel. II. 1920, I. trg 288, 11-15: PL 148, 451 A.

6 x. Gl 3,7.

7 x. Rm 11,17-24.

8 x. Ep 2,14-16.

9 x. Lc 19,44.

10 x. Rm 11,28.

11 x. Rm 11,28-29; x. Hiến chế tín lý về Giáo HộiLumen Gentium 16

12 x. Is 66,23 - Tv 65,4 - Rm 11,11-32.

13 x. Ga 19,6.

14 X. Rm 12, 18.

15 X. Mt 5, 45.

Tuyên Ngôn Về Giáo Dục Kitô Giáo - Gravissimum Educationis - 28/10/1965Tuyên Ngôn Về Tự Do Tôn Giáo - Dignitatis Humanae - 07/12/1965