Sắc Lệnh Về Tác Vụ Và Đời Sống Các Linh Mục - Presbyterorum Ordinis - 07/12/1965
PHAOLÔ GIÁM MỤC
TÔI TỚ CÁC TÔI TỚ THIÊN CHÚA
HỢP NHẤT VỚI CÁC NGHỊ PHỤ CỦA THÁNH CÔNG ĐỒNG
ĐỂ MUÔN ĐỜI GHI NHỚ
SẮC LỆNH VỀ TÁC VỤ VÀ ĐỜI SỐNG CÁC LINH MỤC - PRESBYTERORUM ORDINIS
Ngày 7 tháng 12 năm 1965
LỜI MỞ ĐẦU
1
Chức linh mục trong Giáo Hội vô cùng cao trọng, đó là điều Thánh Công Đồng này đã nhiều lần nhắc nhở cho mọi người.1 Trong công cuộc canh tân Giáo Hội, hàng linh mục giữ một vai trò rất quan trọng và càng ngày càng thêm khó khăn, vì thế, thật hữu ích khi luận bàn cách rộng rãi và sâu sắc hơn về các linh mục. Những điều nói đây được áp dụng cho tất cả các linh mục, nhất là cho những vị hiện đang coi sóc các linh hồn, và tùy nghi ứng hợp cho các linh mục dòng. Quả thực, do chức thánh và sứ mệnh lãnh nhận từ các Giám mục, các linh mục được đặc cử để phụng sự Đức Kitô, là Thầy, là Tư Tế và là Vua, được chia sẻ với Người tác vụ xây dựng Giáo Hội ở trần gian thành Dân Thiên Chúa, nên Thân Thể Đức Kitô và Đền thờ Chúa Thánh Thần. Vì vậy, để nâng đỡ các ngài cách hữu hiệu hơn trong tác vụ và để hỗ trợ nhiều hơn nữa cho đời sống các ngài giữa những chuyển biến sâu rộng và mau lẹ trong môi trường mục vụ cũng như trong điều kiện nhân sinh, Thánh Công Đồng tuyên bố và xác quyết những điều sau đây.
CHƯƠNG I. LINH MỤC TRONG SỨ MỆNH CỦA GIÁO HỘI
2
Chúa Giêsu, “Đấng đã được Chúa Cha thánh hóa và sai đến trần gian” (Ga 10,36), đã làm cho tất cả Nhiệm Thể của Người được thông phần vào việc xức dầu mà Người đã nhận lãnh từ Chúa Thánh Thần2 : thật vậy, trong Người, tất cả các tín hữu được đặt vào hàng tư tế thánh thiện và vương giả, hiến dâng lên Thiên Chúa những lễ tế thiêng liêng nhờ Đức Kitô, và tuyên xưng quyền năng của Đấng đã gọi họ từ chốn tối tăm vào nơi đầy ánh sáng diệu kỳ.3 Vì thế, không có chi thể nào không thông phần vào sứ mệnh của toàn thân, trái lại mỗi chi thể đều phải tôn vinh Chúa Giêsu trong tâm hồn4 và phải làm chứng về Người với tinh thần ngôn sứ.5
Tuy nhiên, để liên kết các tín hữu thành một thân thể duy nhất, trong đó “mỗi chi thể có nhiệm vụ riêng” (Rm 12,4), chính Chúa đã cắt đặt một số thừa tác viên, những người nhờ chức thánh được trao quyền tế lễ và tha tội6 trong cộng đoàn tín hữu, và nhân danh Đức Kitô chính thức thi hành tác vụ linh mục cho mọi người. Bởi vậy, Đức Kitô đã sai các Tông Đồ như chính Người đã được Chúa Cha sai đến,7 và qua các Tông Đồ, Người đã cho các đấng kế vị là các Giám mục8 cũng được thánh hiến và tham dự vào sứ mệnh của Người, sau đó, thừa tác vụ của các Giám mục lại được trao ban cho các linh mục ở cấp độ thuộc quyền,9 để khi đã gia nhập hàng linh mục, các ngài trở thành những cộng sự viên của hàng Giám mục10 cùng nhau chu toàn cách tốt đẹp sứ mệnh Tông đồ đã được Đức Kitô ủy thác.
Vì được liên kết với hàng Giám mục, nên tác vụ linh mục cũng tham dự vào quyền bính mà chính Đức Kitô đã dùng để kiến tạo, thánh hóa và cai quản Thân Thể Người. Vì vậy, thánh chức linh mục, tuy lãnh nhận sau các bí tích khai tâm Kitô giáo, nhưng lại được trao ban qua một bí tích đặc thù, ghi khắc một ấn tích đặc biệt nơi các linh mục nhờ việc xức dầu của Chúa Thánh Thần, như thế, các ngài nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô linh mục, đến nỗi có quyền hành động với tư cách là hiện thân của Đức Kitô là Đầu.11
Vì được tham dự vào chức vụ của các Tông Đồ, nên các linh mục được Thiên Chúa ban ân sủng để làm thừa tác viên của Chúa Giêsu Kitô giữa muôn dân, và thi hành thánh vụ rao giảng Tin Mừng để hiến lễ của chư dân được chấp nhận và thánh hóa trong Chúa Thánh Thần.12 Thật vậy, việc loan truyền Tin Mừng của các Tông Đồ đã triệu tập và qui tụ đoàn Dân Thiên Chúa, để khi được Chúa Thánh Thần thánh hóa, tất cả những ai thuộc về dân này sẽ tự hiến làm “lễ vật sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1). Nhưng qua thừa tác vụ của các linh mục, lễ tế thiêng liêng của các tín hữu được hoàn tất nhờ kết hợp với hy tế của Chúa Kitô, Đấng Trung Gian duy nhất; trong mầu nhiệm Thánh Thể, lễ tế ấy được hiến dâng cách bí tích và không đổ máu nhờ tay các linh mục, nhân danh Giáo Hội, cho tới khi Chúa lại đến.13 Tác vụ linh mục hướng đến việc tế lễ và được thành toàn trong chính hiến lễ ấy. Thật vậy, bắt đầu bằng việc rao giảng Tin Mừng, tác vụ của các ngài đón nhận sức mạnh và năng lực từ Hy Tế của Chúa Kitô, và hướng đến việc làm cho “toàn thể thành đô đã được cứu chuộc, nghĩa là công hội và cộng đoàn các thánh, nên như hiến lễ chung toàn dâng lên Thiên Chúa nhờ vị Thượng Tế, Đấng đã dâng hiến chính mình trong cuộc Khổ nạn vì chúng ta, để chúng ta trở nên Thân Thể của Người là Đầu vô cùng cao cả”.14
Vì thế, mục đích mà các linh mục theo đuổi trong tác vụ và đời sống các ngài là phải tìm kiếm vinh danh Thiên Chúa Cha trong Chúa Kitô. Vinh danh này hệ tại việc mọi người ý thức, tự do và đầy lòng biết ơn khi đón nhận và biểu dương trong suốt cuộc đời công trình của Thiên Chúa đã được hoàn tất nơi Đức Kitô. Như thế, khi cầu nguyện, tôn thờ cũng như khi giảng dạy, khi dâng Hy tế Thánh Thể và cử hành các bí tích cũng như khi phục vụ mọi người, các linh mục vừa làm cho vinh quang Thiên Chúa thêm hiển sáng, vừa giúp con người tăng triển trong đời sống siêu nhiên. Tất cả những điều đó bắt nguồn từ mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô và sẽ được hoàn tất khi chính Người lại đến trong vinh quang, khi Người trao Vương Quyền cho Thiên Chúa Cha.15
3
Được tuyển chọn từ loài người và được thiết lập vì loài người trong những việc liên quan đến Thiên Chúa để dâng hiến lễ vật và hy tế đền tội, các linh mục sống với người khác như với những người anh em.16 Thật vậy, chính Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Người được Chúa Cha sai đến với loài người, đã ở giữa chúng ta và muốn nên giống chúng ta là anh em Người trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi.17 Các Thánh Tông Đồ đã sống như Người, và Thánh Phaolô, vị Tiến sĩ dân ngoại, “người được dành riêng để rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa” (Rm 1,1) chứng thực rằng, ngài đã trở nên tất cả cho mọi người để giúp mọi người được cứu rỗi.18 Các linh mục của Giao Ước Mới, do ơn gọi và chức thánh, một cách nào đó được tuyển chọn ngay giữa Dân Chúa, không phải để tách biệt khỏi đoàn dân ấy hoặc khỏi bất cứ một ai, nhưng để được thánh hiến dành riêng hoàn toàn cho công việc Chúa trao phó.19 Các ngài không thể là thừa tác viên của Đức Kitô nếu không trở nên chứng nhân và nên người ban phát một đời sống khác với đời sống trần thế này, tuy nhiên các ngài không thể phục vụ nhân loại nếu lại trở nên xa lạ với cuộc sống và những hoàn cảnh của nhân loại.20 Chính thừa tác vụ đặc biệt của các ngài đòi buộc các ngài không được sống rập theo đời này;21 nhưng đồng thời lại đòi hỏi các ngài phải sống giữa mọi người trong thế gian này, phải như những mục tử nhân lành biết các con chiên của mình, lại phải tìm kiếm và dẫn về những con chiên chưa thuộc đàn này, để chúng được nghe tiếng Chúa Kitô và sẽ chỉ có một đàn chiên và một Chủ Chăn.22 Để được thế, các ngài cần phải có nhiều đức tính vẫn đáng được xã hội loài người quí trọng như từ tâm, chân thành, dũng cảm, kiên trì, yêu chuộng công lý, hòa nhã và những đức tính khác, như Thánh Phaolô Tông đồ đã khuyên nhủ: “Tất cả những gì là chân thật, tinh tuyền, công chính, thánh thiện, khả ái, những gì là danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, là đáng khen, thì xin anh em hãy tưởng nghĩ đến” (Pl 4,8).23
CHƯƠNG II. THỪA TÁC VỤ LINH MỤC
I. PHẬN VỤ CỦA LINH MỤC
4
Dân Chúa được qui tụ trước hết là nhờ lời Thiên Chúa hằng sống;24 lời này phải được đặc biệt tìm thấy nơi miệng lưỡi các linh mục.25 Thật vậy, không ai có thể được cứu rỗi nếu không có lòng tin,26 do đó, các linh mục, vì là cộng sự viên của các Giám mục, nên trước tiên có nhiệm vụ loan báo cho mọi người Tin Mừng của Thiên Chúa,27 để khi thi hành mệnh lệnh của Chúa: “Các con hãy đi khắp thế giới rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật” (Mc 16,15),28 các ngài thiết lập Dân Chúa và làm cho Dân Chúa càng ngày càng thêm đông số. Thật thế, chính lời cứu rỗi khơi động đức tin trong tâm hồn những người chưa tin và nuôi dưỡng đức tin trong tâm hồn những người đã tin, nhờ đức tin đó cộng đoàn tín hữu đã khởi sinh và phát triển, như lời Thánh Tông đồ: “Đức tin có được nhờ nghe rao giảng, nhưng điều nghe được phải là lời Chúa Kitô” (Rm 10,17). Do đó, các linh mục mắc nợ với mọi người về việc phải thông truyền cho họ chân lý Tin Mừng29 mà các ngài đã nhận được nơi Chúa. Vì thế, khi các ngài sống một đời sống tốt lành giữa các dân ngoại để làm cho họ tôn vinh Thiên Chúa,30 hay khi các ngài công khai giảng thuyết để loan truyền mầu nhiệm Đức Kitô cho những người chưa tin, khi dạy giáo lý Kitô giáo hay giải thích giáo thuyết của Giáo Hội, hay khi chăm lo nghiên cứu những vấn đề thời đại dưới ánh sáng Chúa Kitô, trong mọi trường hợp, không phải các ngài giảng dạy sự thông biết của mình, nhưng là giảng dạy Lời Chúa và phải khẩn thiết mời gọi mọi người cải thiện và nên thánh.31 Nhưng trong bối cảnh thế giới ngày nay, việc giảng thuyết của linh mục thường gặp rất nhiều khó khăn, vì thế để dễ lay chuyển tâm hồn thính giả, lời giảng không chỉ trình bày lời Chúa cách tổng quát và trừu tượng, nhưng phải áp dụng chân lý ngàn đời của Tin Mừng vào các hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống.
Như thế, có nhiều cách thức thi hành tác vụ rao giảng tùy theo nhu cầu khác nhau của các thính giả và tùy theo đặc sủng của các vị giảng thuyết. Nơi những miền hay những nhóm người chưa theo Kitô giáo, chính việc loan báo Tin Mừng đưa người ta đến với đức tin và lãnh nhận các bí tích ban ơn cứu rỗi,32 còn nơi cộng đoàn các Kitô hữu, đặc biệt đối với những người xem ra ít hiểu và ít tin những điều họ vẫn quen thực hành, việc giảng dạy lời Chúa lại rất cần thiết trong chính tác vụ trao ban bí tích, vì đây là những bí tích đức tin, mà đức tin lại được khởi sinh và nuôi dưỡng bằng lời giảng dạy;33 điều này đặc biệt phải được thực hiện trong phần Phụng vụ Lời Chúa khi cử hành Thánh lễ, trong đó, việc loan truyền Chúa chịu chết và sống lại, lời đáp trả của dân chúng đang nghe, cuộc tế hiến của Chúa Kitô để ký kết Giao ước mới trong máu của Người, cũng như việc các tín hữu thông phần vào hiến lễ đó bằng lời cầu nguyện và lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, tất cả không được tách rời, nhưng phải luôn liên kết chặt chẽ với nhau.34
5
Thiên Chúa là Đấng thánh thiện và là Đấng thánh hóa duy nhất đã muốn nhận một số người làm cộng sự viên và trợ tá, những người khiêm tốn phục vụ công việc thánh hóa. Vì thế, các linh mục được Thiên Chúa hiến thánh qua tay Đức Giám mục, để khi đã được tham dự cách đặc biệt vào chức tư tế của Chúa Kitô, các ngài cử hành việc phụng tự thánh với tư cách là thừa tác viên của Đấng không ngừng nhờ Chúa Thánh Thần mà thực thi trong Phụng vụ tác vụ tư tế của Người để mưu ích cho chúng ta.35 Thật vậy, nhờ bí tích Thánh tẩy, các ngài dẫn đưa nhiều người vào đoàn Dân Chúa; nhờ bí tích Giải tội, các ngài hòa giải tội nhân với Thiên Chúa và Giáo Hội; với dầu bệnh nhân, các ngài xoa dịu người đau ốm; đặc biệt nhờ việc cử hành Thánh lễ, các ngài hiến dâng cách bí tích Hy Tế của Chúa Kitô. Và như Thánh Ignatiô Tử Đạo36 đã minh chứng ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, khi cử hành bí tích, các linh mục liên kết trong phẩm trật với vị Giám mục theo nhiều ý nghĩa, và như thế các ngài thể hiện phần nào sự có mặt của Giám mục trong mỗi cộng đoàn tín hữu.37
Tuy nhiên, những bí tích khác cũng như tất cả các thừa tác vụ trong Giáo Hội và các hoạt động tông đồ đều gắn liền với bí tích Thánh Thể và qui hướng về đó.38 Thật vậy, phép Thánh Thể Chí Thánh chứa đựng tất cả ơn phúc thiêng liêng của Giáo Hội,39 chính là Chúa Kitô, Chiên Vượt qua của chúng ta và là bánh trường sinh trao ban sự sống cho nhân loại bằng chính Thịt của Người, Thịt đã được tác sinh bởi Chúa Thánh Thần và Thịt mang lại sự sống, nhờ đó, con người được mời gọi và sẵn sàng kết hiệp với Người để hiến dâng chính mình cùng với những lao công vất vả và toàn thể tạo vật. Vì thế, bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể công cuộc loan báo Tin Mừng, trong khi các người dự tòng được dẫn đưa dần dần đến việc tham dự bí tích Thánh Thể, thì các tín hữu, những người đã mang ấn tín Rửa tội và Thêm sức, sẽ được kết hợp trọn vẹn với Thân Mình Đức Kitô nhờ việc lãnh nhận Thánh Thể.
Vì thế, cộng đoàn Thánh Thể là tâm điểm qui tụ các tín hữu mà linh mục là người chủ sự. Trong Hy Tế Thánh lễ, các linh mục hãy dạy cho các tín hữu biết dâng lên Chúa Cha lễ vật chí thánh và hợp dâng vào đó lễ vật đời mình; trong tinh thần của vị Mục tử nhân lành, các ngài khuyên nhủ họ thật tình thống hối xưng thú tội lỗi với Giáo Hội qua bí tích Giải tội để ngày càng quay về gần Chúa hơn, bằng cách luôn nhớ lời Người bảo: “Hãy thống hối vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17). Cũng thế, các ngài hãy dạy bảo họ tham dự những buổi cử hành Phụng Vụ Thánh với thái độ cầu nguyện chân thành; hãy hướng dẫn họ thực thi trong suốt cuộc sống tinh thần cầu nguyện ngày thêm hoàn hảo để lãnh nhận ân sủng tùy theo nhu cầu của mỗi người và khuyên dạy mọi người biết chu toàn bổn phận trong từng bậc sống, riêng với những người hoàn thiện hơn, hãy khích lệ họ thực thi những lời khuyên Phúc Âm theo cách thức thích hợp nhất. Sau cùng, các ngài dạy cho tín hữu biết dùng những bài thánh thi và thánh ca để chúc tụng Thiên Chúa trong lòng, biết luôn cảm tạ Thiên Chúa là Cha trong mọi sự, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.40
Những lời ca tụng và tạ ơn mà các linh mục dâng lên khi cử hành Thánh lễ còn được kéo dài suốt ngày trong các giờ Kinh Nhật Tụng, khi các ngài nhân danh Giáo Hội khẩn cầu cùng Thiên Chúa cho đoàn dân đã được trao phó cho các ngài, đồng thời cũng cầu cho toàn thể thế giới.
Nhà cầu nguyện, nơi để cử hành và cất giữ Thánh Thể, nơi các tín hữu tụ họp và đón nhận sự nâng đỡ ủi an khi tôn thờ sự hiện diện của Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, Đấng được dâng hiến vì chúng ta trên bàn thờ hy tế, nên phải khang trang, xứng hợp với việc cầu nguyện và những lễ nghi long trọng.41 Chính nơi đây, chủ chăn và tín hữu được kêu mời đáp trả với lòng tri ân Đấng đã dùng nhân tính của Người mà không ngừng đổ tràn sự sống siêu nhiên vào các chi thể của Thân Thể Người.42 Các linh mục phải chú tâm trau giồi kiến thức và nghệ thuật phụng vụ, để nhờ tác vụ của các ngài, cộng đoàn Kitô hữu biết ca ngợi Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần ngày càng hoàn hảo hơn.
6
Khi thi hành phận vụ của Đức Kitô là Đầu và Mục tử trong quyền hạn của mình, các linh mục nhân danh Giám mục, tụ họp gia đình Thiên Chúa như một cộng đoàn huynh đệ duy nhất, và dẫn đưa họ đến cùng Chúa Cha, nhờ Đức Kitô, trong Chúa Thánh Thần.43 Để thi hành tác vụ này cũng như các phận vụ khác, các linh mục được trao ban quyền thiêng liêng để xây dựng Giáo Hội.44 Trong công trình xây dựng này, các linh mục phải noi gương Chúa để cư xử thật nhân hậu đối với tất cả mọi người. Tuy nhiên, các ngài không tìm cách làm đẹp lòng người đời,45 nhưng phải hành động theo những đòi hỏi của giáo thuyết và đời sống Kitô giáo, khi dạy dỗ và khuyên bảo họ như những người con rất yêu quý,46 như lời Thánh Tông Đồ dạy: “Hãy thuyết phục, khi thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện, hãy luận bác, khiển trách, khích lệ với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (2 Tm 4,2).47
Vì thế, với tư cách là những người giáo dục đức tin, các linh mục có nhiệm vụ, hoặc đích thân hoặc nhờ người khác, lo cho mỗi tín hữu được hướng dẫn trong Chúa Thánh Thần để vun trồng ơn gọi riêng của mình theo Tin Mừng, để sống đức bác ái chân thành và thiết thực, để có được sự tự do mà vì đó Đức Kitô đã giải thoát chúng ta.48 Những nghi lễ dù đẹp mắt, những hội đoàn dù phát triển rầm rộ, cũng không có ích bao nhiêu, nếu chúng không hướng về việc giáo dục con người đạt tới sự trưởng thành Kitô hữu.49 Để được như thế, các linh mục phải giúp họ sáng suốt nhận ra trong các biến cố lớn nhỏ, đâu là việc phải làm, đâu là điều Chúa muốn. Các ngài cũng phải dạy các Kitô hữu không chỉ biết sống cho riêng mình, nhưng theo những đòi hỏi của giới luật mới về tình bác ái, mỗi người phải dùng ơn đã nhận được mà phục vụ lẫn nhau,50 và như thế, mọi người chu toàn theo tinh thần Kitô giáo những bổn phận của mình trong cộng đồng nhân loại.
Tuy mắc nợ với hết mọi người, nhưng các linh mục phải dành sự săn sóc đặc biệt cho những người nghèo khổ và hèn kém, vì chính Chúa đã tự đồng hóa với họ51 và coi việc rao giảng Tin Mừng cho họ là dấu chỉ của công trình cứu thế.52 Các ngài cũng phải đặc biệt ân cần quan tâm đến các thanh thiếu niên, cũng như những đôi vợ chồng và các bậc phụ huynh, để ước gì họ họp thành những nhóm bạn hữu biết giúp nhau sống đời Kitô hữu cách dễ dàng và trọn vẹn hơn trong cuộc sống đầy khó khăn. Các linh mục cũng đừng quên các tu sĩ nam nữ, vì đó là thành phần ưu tú trong nhà Chúa, đáng được chăm sóc đặc biệt để thăng tiến trên đường thiêng liêng vì thiện ích cho toàn thể Giáo Hội. Sau cùng, các ngài phải tận tâm ân cần chăm sóc những người yếu đau và hấp hối bằng cách thăm viếng và an ủi họ trong Chúa.53
Thực ra, nhiệm vụ của chủ chăn không chỉ thu hẹp trong việc coi sóc tín hữu trên bình diện cá nhân, nhưng còn mở rộng tới việc đào tạo một cộng đoàn Kitô hữu đích thực. Tinh thần cộng đoàn đích thực này không chỉ được vun đắp nơi Giáo Hội địa phương, nhưng phải lan toả đến cả Giáo Hội phổ quát. Vì thế, cộng đoàn địa phương không chỉ lưu tâm chăm sóc các tín hữu của mình, nhưng khi đã thấm nhuần nhiệt tâm truyền giáo, phải dọn đường cho mọi người đến với Chúa Kitô. Vì thế, cộng đoàn đặc biệt chú trọng đến các dự tòng và tân tòng đang cần được hướng dẫn từng bước để hiểu biết và sống đời Kitô hữu.
Không cộng đoàn Kitô hữu nào được xây dựng nếu không bắt nguồn và định hướng từ việc cử hành bí tích Thánh Thể, vì thế đây chính là nơi khởi đầu việc giáo dục về tinh thần cộng đoàn.54 Để có được hiệu năng thực sự và trọn vẹn, việc cử hành này phải đưa đến hành vi bác ái và tương trợ lẫn nhau, đồng thời cũng phải hướng đến các hoạt động truyền giáo và những chứng từ khác nữa của đời Kitô hữu.
Ngoài ra, nhờ bác ái, kinh nguyện, gương lành và những thực hành sám hối, cộng đoàn Giáo Hội thực thi tình mẫu tử chân thực trong việc đưa các linh hồn đến với Chúa Kitô. Thật vậy, cộng đoàn Giáo Hội chính là khí cụ hữu hiệu để chỉ dẫn hoặc mở đường cho những kẻ chưa tin đến cùng Chúa Kitô và Giáo Hội của Người, cũng như để khích lệ, dưỡng nuôi và củng cố các tín hữu trong cuộc chiến đấu thiêng liêng.
Trong việc kiến tạo cộng đoàn Kitô hữu, các linh mục không bao giờ phục vụ cho một chủ thuyết hay một đảng phái nhân loại nào, nhưng vì là những người rao giảng Tin Mừng và mục tử của Giáo Hội, các ngài lo lắng theo đuổi việc phát triển thiêng liêng của Thân Thể Chúa Kitô.
II. MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA LINH MỤC VÀ NHỮNG NGƯỜI KHÁC
7
Tất cả các linh mục, hợp nhất với các Giám mục, đều tham dự cùng một chức Tư tế và một tác vụ duy nhất của Chúa Kitô, như thế chính tính cách duy nhất trong thánh chức và sứ mệnh đó đòi hỏi phải có sự hiệp thông phẩm trật giữa các linh mục và hàng Giám mục,55 mối hiệp thông đó được biểu hiện cách tuyệt hảo mỗi khi các ngài cùng cử hành phụng vụ, và được tỏ bày khi cử hành tiệc Thánh Thể cùng với các Giám mục.56 Bởi vậy, xét vì ơn Chúa Thánh Thần đã ban cho các linh mục trong bí tích Truyền Chức Thánh, các Giám mục phải coi các ngài như những trợ tá và cố vấn cần thiết trong thừa tác vụ, cũng như trong phận vụ dạy dỗ, thánh hóa và chăn dắt Dân Chúa.57 Ngay từ thời xa xưa của Giáo Hội, các bản văn phụng vụ đã khẳng định rõ ràng điều đó khi long trọng cầu xin Chúa ban cho người sắp thụ phong linh mục “Thần trí của ân sủng và khôn ngoan, để ngài giúp đỡ và điều khiển dân chúng với một tâm hồn trong sạch”;58 cũng như xưa trong sa mạc, thần trí của Môsê đã được thông ban cho tâm hồn của bảy mươi người khôn ngoan59 “để có họ làm trợ tá, ông dễ dàng cai quản đoàn dân đông đảo”.60 Chính vì sự hiệp thông trong cùng một chức tư tế và cùng một tác vụ, các Giám mục hãy đón nhận các linh mục như anh em và bạn hữu,61 đồng thời ân cần quan tâm đến những thiện ích vật chất và nhất là thiêng liêng của các linh mục. Thật vậy, vì phải đảm nhận trọng trách thánh hóa các linh mục,62 nên các Giám mục phải hết sức chú tâm đến việc đào luyện liên tục các linh mục của mình.63 Các ngài phải sẵn sàng lắng nghe, hơn nữa phải trao đổi ý kiến và đối thoại với các linh mục về những vấn đề cần thiết cho công việc mục vụ và thiện ích của giáo phận. Để thực hiện điều đó, theo phương thức thích hợp tùy hoàn cảnh và nhu cầu hiện tại,64 với hình thức và tiêu chuẩn do luật ấn định, phải thành lập một hội đồng hay một nghị viện các linh mục,65 đại diện cho Linh Mục Đoàn, để có thể tư vấn giúp đỡ Giám mục cách hữu hiệu hơn trong việc quản trị giáo phận.
Phần các linh mục, với ý thức về thánh chức sung mãn mà các Giám mục đã lãnh nhận, phải tôn trọng nơi các ngài quyền bính của Chúa Kitô, vị Mục Tử tối cao. Vì thế, các linh mục hãy liên kết với Giám mục của mình trong tình yêu thương và lòng vâng phục chân thành.66 Sự vâng phục này, luôn gắn liền với tinh thần cộng tác, đặt nền tảng trên chính việc tham dự vào thừa tác vụ của Giám mục, mà các linh mục đã lãnh nhận qua bí tích Truyền Chức Thánh và thư bổ nhiệm do Đức Giám mục trao.67
Ngày nay, sự hợp nhất giữa các linh mục và các Giám mục lại càng khẩn thiết hơn, vì trong thời đại chúng ta, bởi nhiều lý do, hoạt động tông đồ không những cần mặc lấy nhiều hình thức khác nhau, nhưng còn phải vượt khỏi ranh giới giáo xứ hay giáo phận. Thật vậy, không một linh mục nào có thể tự sức riêng hay đơn độc chu toàn đầy đủ sứ mệnh của mình, nhưng phải liên kết với các linh mục khác, dưới sự hướng dẫn của các vị lãnh đạo trong Giáo Hội.
8
Khi gia nhập hàng linh mục nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, tất cả các linh mục liên kết với nhau bằng một tình huynh đệ do bí tích; nhưng khi được chỉ định phục vụ dưới quyền Giám mục của mình trong một giáo phận, các ngài qui tụ cách đặc biệt thành một Linh mục đoàn duy nhất. Vì tuy giữ những chức vụ khác nhau, nhưng các ngài vẫn thi hành một thừa tác vụ linh mục duy nhất để phục vụ con người. Thật vậy, tất cả các linh mục đều được sai đi để cộng tác vào cùng một công trình, hoặc thi hành thừa tác vụ cấp giáo xứ hay ngoài cấp giáo xứ, hoặc giúp vào công cuộc nghiên cứu khoa học hay dạy học, kể cả làm việc lao động bằng cách chia sẻ cuộc sống với các công nhân, khi được Giáo quyền hữu trách chấp nhận và xét là hữu ích, hoặc sau hết, chu toàn những công việc tông đồ khác, hay những việc chuẩn bị cho công cuộc tông đồ. Nhưng tất cả đều phải hướng về mục đích duy nhất này là xây dựng Thân Thể Chúa Kitô, một công trình đòi hỏi rất nhiều phận vụ khác nhau cũng như nhiều thích nghi mới mẻ, nhất là trong thời đại chúng ta. Bởi thế, điều rất quan trọng là tất cả các linh mục, triều cũng như dòng, phải giúp đỡ nhau, để luôn luôn là những cộng tác viên của chân lý.68 Vì vậy, mỗi vị đều được liên kết với các thành viên khác của linh mục đoàn bằng những mối dây đặc biệt của tình bác ái tông đồ, của thừa tác vụ và tình huynh đệ: ngay từ thời xa xưa, điều này đã được biểu hiện trong Phụng vụ khi các linh mục hiện diện được mời cùng với Giám mục chủ phong đặt tay trên vị tiến chức, và khi các ngài đồng tâm cùng cử hành bí tích Thánh Thể. Vì thế mỗi linh mục hợp nhất với các anh em linh mục khác bằng mối dây bác ái, cầu nguyện và cộng tác dưới mọi hình thức, và như thế, thể hiện được sự hợp nhất mà Đức Kitô muốn cho các môn đệ Người phải nên một với nhau, để thế gian nhận biết Chúa Con đã được Chúa Cha sai đến.69
Bởi vậy, những linh mục lớn tuổi hãy thực sự đón nhận các linh mục trẻ như những người em và hãy giúp đỡ họ trong những hoạch định cũng như những công tác đầu tiên của thừa tác vụ, các ngài cũng nên cố gắng tìm hiểu tâm trạng của họ, dù khác với tâm trạng mình, và hỗ trợ các nỗ lực của họ cách thân tình. Trong khi ấy, các linh mục trẻ hãy tôn trọng tuổi tác và kinh nghiệm của các vị cao niên cũng như hãy bàn hỏi các ngài về những vấn đề liên quan đến việc coi sóc các linh hồn và sẵn lòng cộng tác với các ngài.
Trong tinh thần huynh đệ đó, các linh mục đừng quên tiếp đón nhau,70 giúp đỡ và san sẻ của cải,71 nhất là quan tâm đến những vị đau yếu, phiền muộn, lao lực, cô đơn, bị đày ải và ngay cả những vị đang bị bách hại.72 Các ngài cũng hãy sẵn lòng và vui vẻ gặp gỡ nhau để thư giãn tâm trí, nhớ lại những lời chính Chúa đã nói với các Tông đồ đang mệt mỏi: “Các con hãy đến nơi thanh vắng và nghỉ ngơi một chút” (Mc 6,31). Ngoài ra, nên thực hiện một nếp sống chung, hoặc một lối sống cộng đoàn nào đó để các linh mục có thể cùng nhau vun đắp đời sống thiêng liêng và tri thức, để có thể cộng tác với nhau đắc lực hơn trong thừa tác vụ, và để tránh những nguy hiểm có thể xẩy ra do sự cô đơn. Việc này có thể thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau tùy theo những nhu cầu cá nhân hay mục vụ, chẳng hạn nơi nào có điều kiện thì cư trú chung một nhà hoặc dùng bữa chung với nhau, hoặc ít là có những cuộc họp mặt thường xuyên và định kỳ. Cũng nên thành lập và nhiệt liệt khuyến khích các hiệp hội linh mục với nội quy được giáo quyền hữu trách chuẩn nhận, nhằm giúp các linh mục thánh hóa bản thân trong khi thi hành tác vụ, nhờ có chung một nếp sống thích hợp được mọi người chấp nhận và nhờ sự tương trợ huynh đệ, và như thế, những hiệp hội đó có thể phục vụ toàn thể hàng linh mục.
Sau hết, vì tình hiệp thông trong chức linh mục, các ngài biết rằng mình phải có trách nhiệm đặc biệt đối với những vị đang gặp khó khăn; phải kịp thời giúp đỡ, và nếu cần phải khuyên bảo cách tế nhị. Đối với những vị khiếm khuyết về một vài vấn đề nào đó, các ngài phải luôn lấy tình bác ái huynh đệ và quảng đại mà đối xử, hãy cầu nguyện thật nhiều với Chúa và luôn tỏ ra mình là anh em và bạn hữu đích thực của họ.
9
Các linh mục của Tân Ước, tuy bởi bí tích Truyền Chức Thánh đang thực thi nhiệm vụ rất cao cả và cần thiết là làm cha và làm thầy trong Dân Chúa và cho Dân Chúa, nhưng đồng thời cùng với mọi Kitô hữu, các ngài cũng là môn đệ Chúa Kitô, được chính Thiên Chúa mời gọi dự phần trong vương quốc của Ngài.73 Thật vậy, cùng với tất cả những ai đã được tái sinh trong dòng nước Thánh tẩy, các linh mục là những người anh em giữa các anh em,74 như những chi thể của cùng một Thân Thể duy nhất của Đức Kitô mà mọi người có nhiệm vụ xây dựng.75
Như vậy các linh mục phải là những người lãnh đạo không phải để tìm tư lợi, nhưng tìm những điều thuộc về Đức Giêsu Kitô;76 các ngài cùng làm việc với giáo dân và sống giữa họ theo gương của vị Thầy, Đấng đến giữa mọi người “không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc nhiều người” (Mt 20,28). Các linh mục phải chân thành nhìn nhận và khích lệ phẩm giá và vai trò riêng của giáo dân trong sứ mệnh Giáo Hội. Các ngài cũng hãy tôn trọng quyền tự do chính đáng mà mọi người có quyền được hưởng trong thành đô trần thế. Các ngài phải sẵn lòng lắng nghe giáo dân, cứu xét các nguyện vọng của họ trong tinh thần huynh đệ, nhìn nhận kinh nghiệm và khả năng chuyên môn của họ trong các lãnh vực khác nhau của hoạt động nhân văn, để có thể cùng với họ nhận biết những dấu chỉ của thời đại. Trong khi nghiệm xét các thần khí xem có xuất phát từ Thiên Chúa hay không,77 các ngài phải dùng cảm thức đức tin mà phát hiện, vui mừng tiếp nhận, và nhiệt tình phát huy những đặc sủng đa dạng của giáo dân, từ ơn nhỏ bé nhất đến ơn cao cả nhất. Trong những ân huệ mà Thiên Chúa tuôn tràn trên các tín hữu, cần lưu tâm đặc biệt đến những ơn giúp cho một số giáo dân tiến xa hơn trên đường thiêng liêng. Cũng thế, các ngài phải tin tưởng trao phó nhiệm vụ cho giáo dân trong việc phục vụ Giáo Hội, cho họ có tự do và quyền hạn để hoạt động, hơn nữa, lúc thuận tiện, phải kêu mời họ tự ý đảm trách công việc.78
Sau cùng, các linh mục được đặt giữa giáo dân để làm cho mọi người hợp nhất trong đức ái, bằng cách “thương yêu nhau với tình bác ái huynh đệ, luôn coi người khác trọng hơn mình” (Rm 12,10). Vậy các ngài phải tìm cách hòa hợp các tâm tính khác nhau sao cho không ai cảm thấy mình xa lạ trong cộng đoàn tín hữu. Các ngài là những người bênh vực công ích mà các ngài đảm trách nhân danh Giám mục, đồng thời cũng là những người can đảm bảo vệ chân lý để các tín hữu không bị trôi giạt theo những cơn gió đạo lý.79 Các ngài phải đặc biệt lo lắng, và như những người chăn chiên nhân lành, hãy ra đi tìm kiếm những người đã rời xa việc thực hành các bí tích, thậm chí là đã đánh mất đức tin.
Trong lúc vẫn lưu tâm đến những nguyên tắc về sự hiệp nhất,80 các ngài đừng lãng quên những anh em không cùng chúng ta thông hiệp trọn vẹn với Giáo Hội.
Sau hết, các ngài cũng có trách nhiệm đối với tất cả những ai chưa nhận biết Đức Kitô là Đấng Cứu Thế.
Phần các Kitô hữu phải ý thức rằng, mình cũng có những bổn phận đối với các linh mục, phải lấy lòng thảo hiếu mà đối xử với các ngài như với chủ chăn và những người cha; cũng thế, họ phải chia sẻ những nỗi lo âu của các ngài, giúp đỡ các ngài bằng lời cầu nguyện và bằng việc làm càng nhiều càng tốt, để các ngài có thể thắng vượt những khó khăn và chu toàn trách vụ của mình một cách hữu hiệu hơn.81
III. VIỆC PHÂN BỔ CÁC LINH MỤC VÀ VẤN ĐỀ ƠN THIÊN TRIỆU LINH MỤC
10
Ân huệ thiêng liêng mà các linh mục đã nhận lãnh khi chịu chức, chuẩn bị cho các ngài không phải cho một sứ mệnh giới hạn và thu hẹp, nhưng cho sứ mệnh cứu rỗi vô cùng rộng lớn và bao quát “đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8), vì bất cứ tác vụ linh mục nào cũng là thông chia tính cách phổ quát rộng rãi của sứ mệnh mà Đức Kitô đã trao phó cho các Tông Đồ. Thật vậy, chức Tư tế của Đức Kitô mà các linh mục được tham dự phải hướng về mọi dân nước và mọi thời đại, không bị hạn chế bởi bất cứ một ranh giới, dân tộc hay thời đại nào, như đã được biểu trưng cách huyền nhiệm trong hình ảnh của Melkisêđê.82 Vậy các linh mục phải để tâm lo lắng cho tất cả các Giáo Hội địa phương. Do đó, các linh mục thuộc các giáo phận vốn có nhiều ơn gọi hơn, khi được Đấng Bản quyền cho phép hoặc khích lệ, hãy sẵn sàng hăng say thi hành thừa tác vụ mình trong các địa hạt, các xứ truyền giáo, hay trong những hoạt động đang bị sa sút vì thiếu linh mục.
Ngoài ra, những tiêu chuẩn về việc nhập tịch và xuất tịch phải được tu chỉnh để đáp ứng được những nhu cầu mục vụ ngày nay cách tốt đẹp hơn, trong khi vẫn duy trì quy chế đã có trước đây. Vì thế, nơi nào có nhu cầu do hoạt động tông đồ đòi hỏi, thì không những phải tạo điều kiện dễ dàng cho việc việc phân bổ các linh mục cách thích hợp, mà còn phải giúp cho những công tác mục vụ chuyên biệt được thực hiện tốt đẹp nơi những cộng đồng xã hội khác nhau trong một miền, một quốc gia, hoặc trong bất cứ phần đất nào trên thế giới. Để đạt mục đích đó, có thể thiết lập những chủng viện quốc tế, những giáo phận đặc biệt, hoặc những tổ chức tương tự khác, trong đó các linh mục có thể được bổ dụng hoặc gia nhập để mưu cầu công ích cho toàn thể Giáo Hội, tùy theo những cách thức được ấn định cho từng tổ chức và bao giờ cũng tôn trọng thẩm quyền các Đấng Bản quyền sở tại.
Nhưng khi gửi các linh mục đến một địa hạt mới, nhất là khi các ngài chưa biết rõ ngôn ngữ và phong tục bản xứ, hãy lưu ý đừng sai từng người đi cách đơn độc, nhưng theo gương các môn đệ của Đức Kitô,83 ít là có hai hay ba người cùng đi, để có thể giúp đỡ lẫn nhau. Cũng thế, phải để tâm chăm sóc đời sống thiêng liêng, sức khỏe tinh thần và thể xác của các ngài; và nếu có thể, chuẩn bị cho các ngài nơi ở và điều kiện làm việc tùy theo hoàn cảnh cá biệt của mỗi người. Đồng thời phải tiên liệu thật kỹ lưỡng cho những vị đi đến một đất nước mới, chẳng những được học biết đầy đủ ngôn ngữ bản địa, nhưng cả những đặc tính tâm lý và xã hội của dân tộc mà các ngài muốn khiêm tốn phục vụ, để dễ dàng cảm thông được với họ, theo gương thánh Phaolô Tông Đồ, Đấng đã có thể nói về chính mình rằng: “Thật vậy, dù là người tự do không lệ thuộc ai, nhưng tôi đã trở thành tôi tớ của mọi người, để chinh phục được nhiều người. Với người Do thái, tôi trở nên Do thái, để chinh phục người Do thái...” (1 Cr 9,19-20).
11
Chúa Giêsu, vị Chủ Chăn và là Đấng chăm sóc linh hồn chúng ta,84 khi thiết lập Giáo Hội của Người, đã muốn đoàn dân mà Người đã tuyển chọn và cứu chuộc bằng máu mình,85 phải luôn luôn có các linh mục cho đến tận thế, để các Kitô hữu không bao giờ giống như những con chiên không có người chăn.86 Nhận biết ý muốn của Đức Kitô và được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, các Tông Đồ thấy mình có nhiệm vụ chọn những thừa tác viên “sẽ có khả năng dạy lại cho người khác” (2 Tm 2,2). Nhiệm vụ đó gắn liền với chính sứ mệnh của linh mục, nên linh mục phải chia sẻ nỗi ưu tư của toàn thể Giáo Hội, để Dân Chúa ở trần gian không bao giờ thiếu người làm việc. Nhưng vì “thuyền trưởng và những khách đi tàu... cùng chung một số phận”,87 nên toàn dân Kitô giáo phải được dạy dỗ để biết mình có nhiệm vụ phải cộng tác bằng nhiều cách thức khác nhau, bằng lời cầu nguyện tha thiết cũng như bằng những phương thế khác mà họ sẵn có88 để Giáo Hội lúc nào cũng không thiếu linh mục thực thi sứ mệnh Chúa trao phó. Vậy trước hết các linh mục phải chú tâm trình bày cho các tín hữu về sự cao quý và cần thiết của chức linh mục, qua lời giảng dạy và chứng tá đời sống, thể hiện rõ tinh thần phục vụ và niềm vui vượt qua đích thực, và sau khi thận trọng nhận định về những người còn trẻ hoặc đã trưởng thành có đủ tư cách thi hành tác vụ cao cả này, các ngài đừng ngại cố gắng hay khó khăn để giúp họ chuẩn bị xứng đáng cho đến ngày được các Giám mục kêu gọi tiến chức với sự tự do trọn vẹn cả bên trong lẫn bên ngoài. Để đạt đến mục đích ấy, họ rất cần nhận được sự linh hướng thật tận tình và khôn ngoan. Các phụ huynh, các giáo viên và tất cả những ai tham gia cách nào đó vào việc giáo dục thiếu nhi và thanh thiếu niên, cần phải làm sao để giúp họ khi đã nhận ra mối bận tâm của Chúa đối với đoàn chiên Người, cũng như khi nhìn đến những nhu cầu của Giáo Hội, họ sẵn sàng quảng đại đáp lại lời Chúa gọi như vị ngôn sứ ngày xưa: “Này con đây, xin hãy sai con” (Is 6,8). Nhưng đừng nghĩ rằng các linh mục tương lai sẽ nghe được tiếng gọi của Chúa một cách lạ thường. Đúng hơn, tiếng gọi đó phải được tìm hiểu và nhận định qua những dấu hiệu hằng ngày Chúa vẫn dùng để bày tỏ thánh ý Ngài cho những Kitô hữu khôn ngoan; các linh mục phải luôn để tâm nghiệm xét những dấu hiệu đó.89
Do đó, các ngài rất nên tham gia những tổ chức hoạt động cổ võ ơn kêu gọi ở cấp giáo phận hay cấp quốc gia.90 Trong các bài giảng, trong giờ giáo lý, hay trong sách báo, cần phải nêu rõ những nhu cầu của Giáo Hội địa phương cũng như của Giáo Hội toàn cầu, phải trình bày cách sống động ý nghĩa và sự cao quý của tác vụ linh mục, một tác vụ với những trọng trách nặng nề nhưng đồng thời cũng tràn đầy niềm vui, và hơn nữa, như các Giáo phụ dạy, một tác vụ có thể nói lên bằng chứng cao cả nhất về tình yêu đối với Đức Kitô.91
CHƯƠNG III. ĐỜI SỐNG LINH MỤC
I. CÁC LINH MỤC ĐƯỢC MỜI GỌI NÊN HOÀN THIỆN
12
Nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, các linh mục nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Linh mục, trở thành thừa tác viên của Đầu để xây dựng và kiến thiết toàn Nhiệm Thể của Người là Giáo Hội, với tư cách là những cộng tác viên của hàng Giám mục. Chắc chắn, ngay từ khi được thánh hiến nhờ bí tích Rửa tội, các ngài đã lãnh nhận ấn tích cũng như ơn gọi và ân sủng cao trọng như tất cả các Kitô hữu, để mọi người, dù bản tính nhân loại yếu hèn,92 có thể và phải hướng đến sự hoàn thiện, như lời Chúa đã nói: “Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con ở trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Nhưng các linh mục còn có lý do đặc biệt phải đạt tới sự hoàn thiện này, vì khi được thánh hiến cho Thiên Chúa theo một cách thức mới nhờ việc lãnh nhận chức thánh, các ngài trở nên những khí cụ sống động của Đức Kitô tư tế vĩnh cửu, để tiếp tục thực hiện qua các thời đại công trình kỳ diệu của Đấng đã lấy quyền năng cao cả mà tái lập toàn thể xã hội con người.93 Vì thế, khi trở thành hiện thân của Đức Kitô theo chức vụ của mình, mỗi linh mục cũng nhận được những ơn riêng, để khi phục vụ dân được trao phó cho ngài cũng như phục vụ toàn thể Dân Chúa, các ngài có thêm khả năng vươn đến sự hoàn thiện của chính Đấng đã trao tác vụ cho các ngài, và để sự yếu đuối của xác thịt phàm nhân được chữa lành nhờ sự thánh thiện của Đấng đã vì chúng ta mà trở nên vị Thượng Tế “thánh thiện, vô tội, vẹn toàn, tách biệt khỏi các tội nhân” (Dt 7,26).
Đức Kitô, Đấng Chúa Cha đã thánh hóa, thánh hiến và sai xuống trần gian,94 “đã tự hiến vì chúng ta, để cứu chúng ta khỏi mọi điều bất chính và để thanh luyện đoàn dân được Ngài tuyển nhận, dân nhiệt thành làm việc thiện” (Tt 2,14), và như thế, Người đã trải qua cuộc khổ hình để đi vào vinh quang của Người;95 cũng thế, sau khi được Chúa Thánh Thần xức dầu thánh hiến và được Đức Kitô sai đi, các linh mục hãm dẹp xác thịt nơi bản thân và trao hiến trọn vẹn chính mình để phục vụ nhân loại, và như thế, các ngài có thể tiến tới trên đường thánh thiện, nhờ đó được nên phong phú trong Đức Kitô để đạt đến con người hoàn thiện.96
Như vậy, khi phục vụ Thần Khí và đức công chính,97 các ngài được vững mạnh trong đời sống thiêng liêng, miễn là biết ngoan ngoãn nghe theo Thánh Thần Chúa Kitô, Đấng ban sự sống và đang dẫn dắt các ngài. Thật vậy, các ngài hướng tới đời sống hoàn thiện nhờ chính những thánh vụ được cử hành hàng ngày, cũng như nhờ tất cả những tác vụ được thực thi trong tình thông hiệp với Giám mục và các linh mục khác. Hơn nữa, chính sự thánh thiện của linh mục giúp mang lại hoa trái dồi dào cho thừa tác vụ của các ngài: thật vậy, dù ơn Chúa có thể hoàn tất công trình cứu rỗi qua những thừa tác viên bất xứng, nhưng Thiên Chúa vẫn thích bày tỏ kỳ công của Ngài qua những con người, nhờ sẵn sàng nghe theo sự thúc đẩy và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, bằng sự kết hiệp mật thiết với Đức Kitô và bằng đời sống thánh thiện, có thể nói như thánh Tông Đồ: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Vì thế, để đạt tới những hiệu quả mục vụ trong việc canh tân Giáo Hội, để truyền bá Tin Mừng trên toàn thể địa cầu cũng như để đối thoại với thế giới ngày nay, Thánh Công Đồng tha thiết khuyên tất cả các linh mục hãy dùng mọi phương tiện thích hợp mà Giáo Hội trao cho98 để luôn nỗ lực tiến cao hơn mãi trên đường thánh thiện, nhờ đó các ngài trở nên những khí cụ ngày càng thích hợp hơn cho việc phục vụ toàn thể Dân Chúa.
13
Thành tâm và kiên trì thi hành phận vụ của mình trong Thần Khí của Đức Kitô chính là cách thức giúp các linh mục đạt đến sự thánh thiện.
Là thừa tác viên Lời Chúa, hằng ngày các ngài đọc và nghe chính Lời mà các ngài sẽ phải dạy lại cho người khác; vì chính khi sẵn sàng đón nhận lời Chúa, các ngài càng lúc càng trở nên những môn đệ hoàn thiện hơn của Chúa Kitô, như lời thánh Phaolô Tông Đồ nói với Timôthêô: “Con hãy chuyên cần, hãy chú tâm vào các điều đó, để mọi người nhận thấy những tiến bộ của con. Hãy thận trọng trong cách sống và trong lời giảng dạy: hãy kiên trì trong những điều ấy. Vì như thế, con sẽ cứu được chính mình và cả những ai nghe lời con giảng dạy” (1 Tm 4,15-16). Thật vậy, khi tìm những phương cách thích hợp để có thể thông ban cho kẻ khác những điều mình đã chiêm niệm,99 các ngài cảm nếm cách sâu sắc hơn “sự phong phú không thể khám phá hết được của Chúa Kitô” (Ep 3,8) và sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa.100 Bởi nhớ rằng chính Chúa là Đấng soi trí mở lòng cho người nghe,101 và quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa chứ không phải từ chính mình,102 nên khi trao ban Lời Chúa, các ngài liên kết mật thiết với Đức Kitô là Thầy và để cho Thánh Thần của Người hướng dẫn. Khi thông hiệp với Đức Kitô, các ngài thông phần vào tình yêu của Thiên Chúa, mầu nhiệm được giấu kín từ muôn thuở103 nay đã được mạc khải trong Đức Kitô.
Như thừa tác viên của Phụng vụ Thánh, nhất là trong Hiến tế Thánh lễ, các linh mục đặc biệt là hiện thân của Chúa Kitô, Đấng đã tự hiến mình làm lễ vật thánh hóa nhân loại; và như thế, các ngài được mời gọi sống theo điều các ngài đang thi hành, bằng cách khi cử hành mầu nhiệm Chúa chịu chết, các ngài khắc chế bản thân khỏi những khuyết điểm và dục vọng.104 Công trình cứu độ được tiếp diễn105 nơi mầu nhiệm Hy tế Thánh Thể, trong đó các linh mục thực thi chức vụ trọng yếu nhất của mình, vì thế, Giáo Hội tha thiết nhắn nhủ các ngài hãy cử hành Thánh lễ hàng ngày, kể cả khi không có các tín hữu tham dự, vì đó vẫn là hành động của Đức Kitô và của Giáo Hội.106 Như vậy, khi liên kết với hành động của Đức Kitô là Tư tế, hàng ngày các linh mục tự hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và khi được Mình Thánh Chúa Kitô nuôi dưỡng, các ngài thật tâm tham dự vào tình yêu của Đấng đã trao ban chính mình làm lương thực cho các tín hữu. Cũng thế, khi trao ban các bí tích, các ngài hiệp nhất với ý hướng và tình yêu của Chúa Kitô; và sự hiệp nhất đó được thể hiện cách đặc biệt khi các ngài tỏ ra hoàn toàn và luôn luôn sẵn sàng ban bí tích Giải tội mỗi khi các tín hữu thỉnh cầu cách hợp lý. Khi đọc Kinh Nhật Tụng, các ngài đọc thay cho Giáo Hội để không ngừng cầu nguyện nhân danh toàn thể nhân loại, và để kết hợp với Chúa Kitô, Đấng “hằng sống luôn chuyển cầu cho chúng ta” (Dt 7,25).
Là những người cai quản và chăn dắt Dân Chúa, các ngài được tình yêu của vị Mục Tử nhân lành thúc đẩy để dám thí mạng vì đoàn chiên,107 sẵn sàng hy sinh đến cùng, theo gương của những linh mục, ngay cả trong thời hiện đại, không quản ngại trao ban chính mạng sống mình; là những nhà giáo dục trong đức tin và “mạnh dạn bước vào cung thánh nhờ Máu Chúa Kitô” (Dt 10,19), các ngài tới gần Thiên Chúa “với tấm lòng chân thành tràn đầy niềm tin” (Dt 10,22); các ngài khơi niềm hy vọng vững vàng cho các tín hữu,108 để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, các ngài có thể nâng đỡ ủi an những ai đang gặp gian nan khốn khó109 ; là những người hướng dẫn cộng đoàn, các ngài thực hành việc khổ chế riêng của người chăn dắt các linh hồn: từ bỏ những tiện nghi riêng, không tìm kiếm tư lợi nhưng tìm lợi ích cho nhiều người, để họ được cứu rỗi,110 luôn tiến bộ trong việc chu toàn hoạt động mục vụ cách hoàn hảo hơn và khi cần, sẵn sàng dấn bước vào những nẻo đường mục vụ mới, dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần tình yêu, Đấng muốn thổi đâu thì thổi.111
14
Trong thế giới ngày nay, vì con người phải gánh vác rất nhiều công việc và bận tâm vì nhiều vấn đề lắm khi cần phải được giải quyết cấp tốc, nên thường xảy ra tình trạng con người bị phân hóa nơi chính bản thân. Phần các linh mục, vì phải vướng bận và bị chi phối bởi nhiều trách nhiệm của chức vụ, nên vẫn phải lo lắng tìm cách để có thể kết hợp đời sống nội tâm với những đòi hỏi của hoạt động bên ngoài. Việc thống nhất đời sống này không thể thực hiện được nếu chỉ hướng ngoại khi tổ chức các công việc của tác vụ, hoặc chỉ chú tâm thực hành những việc đạo đức, tuy dù những điều ấy cũng giúp ích nhiều cho việc thống nhất đời sống. Các linh mục chỉ có thể kiến tạo sự thống nhất đời sống khi thi hành tác vụ theo gương Đức Kitô, người đã dùng thứ lương thực là làm theo ý muốn và hoàn tất công trình của Đấng đã sai Người.112
Thật ra, Đức Kitô hành động qua các thừa tác viên của Người để luôn luôn thi hành thánh ý của Chúa Cha trên trần gian qua Giáo Hội, và vì vậy Người vẫn là nguyên lý và là nguồn mạch sự thống nhất đời sống của các ngài. Vì thế, các linh mục phải thực hiện việc thống nhất đời sống bằng cách kết hợp với Đức Kitô trong sự nhận biết thánh ý Chúa Cha và qua sự hiến thân cho đoàn chiên đã được trao phó cho các ngài.113 Như thế, khi dự phần vào công trình của vị Mục tử nhân lành, các ngài tìm thấy trong chính việc thực thi đức ái mục tử phương thức hoàn thiện đời linh mục bằng cách thống nhất đời sống và hoạt động của mình. Đức ái mục tử này114 tuôn trào mạnh mẽ từ Hy tế Thánh Thể, vốn là trung tâm và cội rễ của toàn thể đời sống linh mục, đến độ tâm tư linh mục luôn qui hướng về điều đã được thực hiện trên bàn tế lễ. Tuy nhiên điều đó chỉ có thể thực hiện được khi chính các linh mục thấu hiểu ngày càng sâu sắc hơn mầu nhiệm Chúa Kitô nhờ việc cầu nguyện.
Để có thể xác nhận cách cụ thể sự thống nhất đời sống, các ngài phải nghiệm xét mọi hoạt động của mình bằng cách tìm hiểu thánh ý của Thiên Chúa,115 xét xem những hoạt động đó có thích hợp với những tiêu chuẩn Phúc Âm trong sứ mệnh của Giáo Hội hay không. Thật vậy, lòng trung thành với Đức Kitô không thể tách rời khỏi sự trung thành với Giáo Hội. Do đó, đức ái mục tử đòi hỏi các linh mục không chạy ngược chạy xuôi cách luống công,116 nhưng luôn hoạt động trong mối hiệp thông với các Giám mục và với những anh em linh mục khác. Khi hành động như thế, các linh mục tìm được sự thống nhất đời sống của mình trong chính sứ mệnh duy nhất của Giáo Hội, và hợp nhất với Chúa, đồng thời qua Người, hợp nhất với Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần, để có thể tràn đầy an ủi và chan chứa niềm vui.117
II. NHỮNG ĐÒI HỎI THIÊNG LIÊNG ĐẶC BIỆT TRONG ĐỜI LINH MỤC
15
Trong những đức tính cần thiết hơn cả cho tác vụ linh mục, phải kể đến thái độ luôn luôn sẵn sàng tìm ý muốn Đấng đã sai mình chứ không tìm ý riêng.118 Thật vậy, các ngài đã được Chúa Thánh Thần tuyển chọn119 để hoàn thành một phận vụ thánh thiêng vượt quá mọi năng lực và khôn ngoan nhân loại; quả thật, “Thiên Chúa đã chọn những yếu kém trong thế gian để hạ nhục những gì là hùng mạnh” (1 Cr 1,27). Vì thế, ý thức mình yếu kém, thừa tác viên đích thực của Đức Kitô khiêm tốn hoạt động trong khi tìm xem điều gì đẹp lòng Thiên Chúa,120 và như bị Thánh Thần trói buộc,121 trong mọi sự ngài đều tuân theo ý của Đấng muốn cho mọi người được cứu rỗi; ngài có thể khám phá và thi hành thánh ý Chúa trong công việc hàng ngày bằng cách khiêm tốn phục vụ tất cả những người được Thiên Chúa ủy thác cho mình qua phận vụ đã lãnh nhận cũng như qua những biến cố trong đời.
Tuy nhiên, tác vụ linh mục, vì là tác vụ của chính Giáo Hội, nên chỉ có thể được chu toàn trong sự hiệp thông phẩm trật của toàn thân thể. Bởi thế, đức ái mục tử thúc giục các linh mục, trong khi hoạt động trong tình thông hiệp ấy, biết dâng hiến ý riêng mình qua việc vâng lời phục vụ Thiên Chúa và anh chị em, bằng cách lấy tinh thần đức tin để đón nhận và tuân theo những gì được Đức Giáo Hoàng, Đức Giám mục của mình, cũng như các Bề trên khác truyền dạy và khuyên bảo; bằng cách hoàn toàn sẵn lòng tự hiến và tiêu hao chính mình122 trong bất cứ phận vụ nào đã được trao phó dù là khiêm tốn và thấp kém. Thật vậy, nhờ cách đó, các ngài duy trì và củng cố sự hợp nhất cần thiết với các anh em ngài trong thừa tác vụ, nhất là với những vị được Thiên Chúa đặt làm người lãnh đạo hữu hình của Giáo Hội, và cũng nhờ đó các ngài cộng tác vào việc xây dựng Thân Thể Chúa Kitô, được lớn lên “nhờ tất cả các gân mạch tương trợ nhau”.123 Vốn là một thái độ đem lại sự tự do trưởng thành của con cái Thiên Chúa, sự vâng phục này tự bản chất đòi buộc các linh mục, nhờ đức ái thúc đẩy trong lúc chu toàn phận vụ, luôn khôn ngoan tìm tòi những phương thức mới mẻ mang lại nhiều ích lợi hơn cho Giáo Hội, đồng thời cũng tin tưởng đưa ra những sáng kiến và cặn kẽ trình bày những nhu cầu của đoàn chiên được trao phó, nhưng luôn luôn sẵn sàng phục tùng quyết định của những vị có trách nhiệm lãnh đạo trong việc cai quản Giáo Hội Chúa.
Nhờ thái độ khiêm nhường và vâng phục trong tinh thần trách nhiệm và tự nguyện mà các linh mục nên giống Đức Kitô có những tâm tình như chính Đức Giêsu Kitô, Đấng “tự hủy mình khi nhận lấy thân nô lệ…, đã vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết” (Pl 2,7-9), và nhờ sự vâng phục này, Người đã chiến thắng và chuộc lại sự bất phục tùng của Ađam, như Thánh Tông Đồ đã minh chứng: “vì một người không vâng phục mà muôn người hóa thành tội nhân, thì cũng thế, vì một Đấng phục tùng mà nhiều người được trở nên công chính” (Rm 5,19).
16
Sự tiết dục hoàn toàn và vĩnh viễn vì Nước Trời mà Đức Kitô đã khuyến khích,124 điều đã được một số đông Kitô hữu trong các thời đại và ngay cả ngày nay sẵn lòng chấp nhận và tuân giữ cách đáng khâm phục, hiện thời vẫn luôn được Giáo Hội duy trì cách nghiêm minh trong đời sống linh mục. Thật vậy, đó vừa là dấu chỉ vừa là tác nhân kích hoạt cho đức ái mục tử và là nguồn mạch đặc biệt của sự phong nhiêu thiêng liêng trong thế giới.125 Thật ra, tự bản tính của chức linh mục không đòi buộc điều đó như đã thấy thực hành trong Giáo Hội sơ khai126 và trong truyền thống của các Giáo Hội Đông Phương, ở đó, ngoài các Giám mục và những người nhờ ơn thánh đã chọn sống đời độc thân, vẫn có những linh mục rất đức độ đã lập gia đình; khi biểu dương nếp sống độc thân của hàng giáo sĩ, Thánh Công Đồng không hề có ý định thay đổi kỷ luật khác biệt vẫn có hiệu lực cách chính đáng trong các Giáo Hội Đông Phương, và thân ái khuyên nhủ tất cả những ai đã nhận lãnh chức linh mục và hiện đang sống trong bậc hôn nhân, hãy bền chí trong ơn gọi thánh thiện và tiếp tục trao hiến đời sống mình cách trọn vẹn và quảng đại cho đoàn chiên được trao phó.127
Tuy nhiên, nếp sống độc thân rất thích hợp với chức linh mục. Thật vậy, sứ mệnh của linh mục là tận hiến hoàn toàn để phục vụ một nhân loại mới mà Đức Kitô, Đấng chiến thắng sự chết đã phục hồi trong thế gian nhờ Thánh Thần của Người và là một nhân loại được sinh ra “không bởi khí huyết, không bởi ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của nam nhân, nhưng do bởi Thiên Chúa” (Ga 1,13). Nhờ đức trinh khiết hay nếp sống độc thân vì Nước Trời,128 các linh mục được thánh hiến cho Đức Kitô cách mới mẻ và tuyệt hảo, được kết hợp dễ dàng hơn với Người bằng một trái tim không chia sẻ,129 tự hiến cách tự do hơn trong Người và nhờ Người để phục vụ Thiên Chúa và loài người, sẵn sàng hơn trong việc phục vụ Nước Chúa và việc tái sinh trong đời sống siêu nhiên, và như thế các ngài càng trở nên thích hợp để lãnh nhận cách rộng rãi hơn chức vụ làm cha trong Chúa Kitô. Qua đó, các ngài cho mọi người thấy rằng mình muốn tận hiến trọn vẹn cho phận vụ đã được trao phó, chính là việc đính ước các tín hữu với một người duy nhất và hiến dâng họ cho Đức Kitô như một trinh nữ thanh sạch,130 và như thế các ngài gợi nhớ đến cuộc hôn nhân mầu nhiệm đã được Thiên Chúa thiết lập và sẽ được tỏ bày trọn vẹn ở đời sau, trong đó Giáo Hội chỉ có một vị Hôn phu duy nhất là Đức Kitô.131 Ngoài ra, các ngài còn trở nên dấu chỉ sống động về thế giới mai sau, mà ngày nay đã hiện diện qua đức tin và đức ái, trong đó con cái sự sống lại không còn dựng vợ gả chồng nữa.132
Vì những lý do đặt nền tảng trên mầu nhiệm Chúa Kitô và sứ mệnh của Người, nên nếp sống độc thân trước tiên được khuyến khích cho các linh mục, rồi sau đã trở nên luật buộc trong Giáo Hội latinh cho tất cả những ai muốn chịu chức thánh. Thánh Công Đồng chuẩn nhận và xác định luật này một lần nữa đối với những ai muốn chịu chức linh mục, với niềm tin tưởng rằng sống độc thân vốn là một ơn ban của Chúa Thánh Thần, ơn rất thích hợp với chức linh mục của Tân Ước, sẽ được Chúa Cha rộng tay ban phát, miễn là những người tham dự vào chức Tư Tế của Đức Kitô qua bí tích Truyền Chức và nhất là toàn thể Giáo Hội luôn khiêm tốn và khẩn khoản nài xin. Thánh Công Đồng cũng khuyên tất cả các linh mục, những người vì tin tưởng vào ơn Chúa đã chấp nhận với ý muốn tự do nếp sống độc thân thánh thiện theo gương Chúa Kitô, hãy gắn bó với nếp sống đó bằng một tâm hồn quảng đại và với tất cả con tim của mình, và khi trung thành trong bậc sống này, hãy nhận ra đó là hồng ân trọng đại mà Chúa Cha đã trao ban và Chúa Con đã công khai tán dương, cũng như hãy chiêm ngắm133 những mầu nhiệm cao cả được biểu lộ và thực hiện qua hồng ân này. Tuy nhiên, nếu nhiều người trong thế giới ngày nay nghĩ rằng sự chế dục hoàn toàn không thể có được, thì các linh mục càng phải hợp với Giáo Hội mà khiêm nhượng và kiên trì hơn nữa để cầu xin ơn trung thành, vì Chúa không bao giờ từ chối những người kêu xin, đồng thời các ngài phải biết sử dụng mọi phương thế cả siêu nhiên lẫn tự nhiên mà mọi người sẵn có. Đặc biệt, các ngài hãy tuân giữ những luật lệ khổ hạnh đã được kinh nghiệm của Giáo Hội xác nhận và vẫn còn cần thiết trong thế giới ngày nay. Vì vậy Thánh Công Đồng kêu gọi không chỉ các linh mục nhưng cả các tín hữu, hãy quý trọng ơn độc thân cao quý này của đời linh mục và hãy cầu xin Thiên Chúa luôn rộng tay ban phát dồi dào ân huệ này cho Giáo Hội của Ngài.
17
Nhờ đời sống thân hữu và huynh đệ giữa các linh mục với nhau và với những người khác, các ngài có thể biết cách thẩm định và vun trồng những giá trị nhân bản và quý mến các tạo vật tốt lành như những ơn phúc của Thiên Chúa. Tuy sống giữa thế gian nhưng các ngài phải luôn biết rằng mình không thuộc về thế gian, như lời Chúa là Thầy chúng ta đã phán dạy.134 Vì thế, khi sử dụng trần gian như không sử dụng,135 các ngài đạt đến sự tự do có thể giải thoát các ngài khỏi những mối bận tâm không chính đáng và làm cho các ngài ngoan ngoãn nghe theo tiếng Chúa trong đời sống hàng ngày. Từ sự tự do và ngoan ngoãn đó sẽ nảy sinh khả năng phân định thiêng liêng, nhờ đó các ngài tìm ra thái độ đúng đắn đối với thế gian và của cải trần thế. Thật vậy, thái độ đó rất quan trọng đối với các linh mục, vì sứ mệnh Giáo Hội phải được thực thi giữa trần gian và vì những của cải được tạo dựng rất cần thiết cho sự tiến bộ của bản thân con người. Vì thế các ngài phải cảm tạ Cha trên trời vì tất cả những gì Ngài đã rộng ban để các ngài có được cuộc sống tốt đẹp. Tuy nhiên, các ngài phải nghiệm xét dưới ánh sáng đức tin tất cả những gì các ngài gặp thấy, để biết sử dụng cách thích đáng những của cải theo ý muốn của Thiên Chúa, đồng thời biết gạt bỏ những gì gây trở ngại cho sứ mệnh của mình.
Thật vậy, vì có Chúa là “sản phần và là gia nghiệp” của mình (Ds 18,20), nên các linh mục chỉ sử dụng những của cải trần gian vào những mục đích mà giáo huấn của Chúa Kitô và quy luật của Giáo Hội ấn định.
Về những tài sản thuộc về Giáo Hội, các linh mục phải biết quản trị chúng đúng như bản chất của chúng và theo tiêu chuẩn của giáo luật, với sự giúp đỡ của những giáo dân thông thạo khi có thể, và các ngài phải luôn sử dụng chúng vào những mục đích mà Giáo Hội theo đuổi khi sở hữu những của cải trần gian, nghĩa là hướng vào việc thờ phượng Chúa, cung cấp một mức sống xứng đáng cho hàng giáo sĩ, cũng như thực hiện những công tác tông đồ hay những việc bác ái, nhất là đối với những người nghèo túng.136 Còn những của cải có được khi thi hành một số nhiệm vụ nào đó của Giáo Hội, trừ khi có luật ấn định cách khác,137 các linh mục cũng như các Giám mục trước hết hãy dùng vào việc cấp dưỡng chính đáng cho mình và cho việc thực thi bổn phận, phần còn lại, hãy dùng vào những việc đem lại ích lợi cho Giáo Hội hoặc cho những công cuộc bác ái. Bởi thế, các ngài không được coi chức vụ trong Giáo Hội như một mối lợi, cũng không được dùng những lợi tức để làm giàu cho gia đình mình.138 Bởi vậy các linh mục không bao giờ được để tâm hồn dính bén của cải139 nhưng phải luôn luôn tránh mọi tham lam và xa lánh mọi hình thức thương mại.
Hơn nữa, các ngài được mời gọi tình nguyện sống nghèo khó để nên giống Đức Kitô cách rõ ràng hơn và sẵn sàng dấn thân hơn trong tác vụ thánh. Thật vậy, dù giàu có, Đức Kitô đã trở nên nghèo khó vì chúng ta để nhờ sự nghèo khó của Người mà chúng ta trở nên giàu có.140 Cũng thế, chính các Tông Đồ đã cho thấy mẫu gương của những người đã lãnh nhận ơn cách nhưng không nên cũng ban phát cách nhưng không,141 đã từng biết sống thế nào khi sung túc cũng như khi phải túng thiếu.142 Việc sử dụng chung các của cải, theo gương đóng góp tài sản làm của chung đã được tán dương trong lịch sử Giáo Hội sơ khai,143 có thể mở một con đường dẫn tới bác ái mục vụ một cách tuyệt hảo và nhờ cách sống này các linh mục có thể thực hiện tốt đẹp tinh thần nghèo khó đã được Đức Kitô khuyến khích.
Vì thế, được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, Đấng đã xức dầu cho Chúa Cứu Thế và sai đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó,144 các linh mục cũng như Giám mục phải tránh tất cả những gì bằng cách này hay cách khác có thể làm các ngài xa rời người nghèo, các ngài phải cố gắng nhiều hơn những môn đệ khác của Đức Kitô để loại bỏ mọi kiểu cách xa hoa trong các vật dụng của mình. Các ngài hãy xếp đặt chỗ ở thế nào để đừng trở thành một nơi quá xa cách, và để bất cứ ai, dù nghèo hèn đến đâu, cũng không cảm thấy ái ngại khi đến gặp các ngài.
III. NHỮNG HỖ TRỢ CHO ĐỜI SỐNG LINH MỤC
18
Để có thể kết hợp mật thiết hơn với Đức Kitô trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, ngoài việc thực hành cách ý thức thừa tác vụ của mình, các linh mục còn hưởng nhờ những phương thế chung và riêng, mới và cũ mà Chúa Thánh Thần không bao giờ ngừng khơi dậy trong Dân Chúa, và Giáo Hội luôn khuyến khích, đôi khi còn buộc phải sử dụng để thánh hóa các chi thể mình.145 Trong tất cả các phương thế thiêng liêng, quan trọng hơn cả là hoạt động giúp các Kitô hữu được nuôi dưỡng nơi bàn tiệc Thánh Thể và bàn tiệc Lời Chúa;146 ai cũng biết rằng việc siêng năng lui tới bàn thánh quan trọng chừng nào cho việc thánh hóa bản thân các linh mục.
Các thừa tác viên của ân sủng bí tích phải luôn kết hợp mật thiết với Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế và là Mục Tử nhờ việc lãnh nhận các bí tích cách hiệu quả, nhất là trong việc năng lãnh nhận bí tích Giải tội, khi được chuẩn bị bằng việc xét mình hàng ngày, sẽ giúp nhiều cho việc thật lòng trở về với tình yêu của Cha nhân hậu. Dưới ánh sáng của đức tin được nuôi dưỡng bằng việc đọc và suy niệm Lời Chúa, các ngài có thể chú tâm tìm kiếm những dấu chỉ của thánh ý Thiên Chúa và sức mạnh của ơn thánh trong những biến cố khác nhau của cuộc sống, và như thế, ngày càng vâng theo ý Chúa dễ dàng hơn đối với sứ mệnh đã nhận lãnh trong Chúa Thánh Thần. Các ngài luôn tìm thấy gương mẫu tuyệt vời về sự vâng phục nơi Đức Trinh Nữ Maria, người được Chúa Thánh Thần dẫn dắt, đã hiến toàn thân cho mầu nhiệm cứu chuộc loài người;147 các linh mục phải lấy tình con thảo thành kính tôn sùng và mến yêu Đấng là Mẹ của vị Thượng Tế đời đời, là Nữ Vương các Tông Đồ và là nguồn trợ lực cho tác vụ linh mục.
Để trung thành chu toàn tác vụ của mình, hàng ngày các ngài phải đàm đạo thân tình với Chúa Kitô trong những lúc một mình đến viếng Chúa và thực hành việc tôn sùng Thánh Thể; các ngài hãy chuyên chăm trong việc tĩnh tâm thiêng liêng và mến chuộng việc linh hướng. Bằng nhiều cách, nhất là bằng việc sử dụng tâm nguyện vẫn được thực hành trong Giáo Hội và những hình thức cầu nguyện khác nhau tùy ý lựa chọn, các linh mục tìm kiếm và sốt sắng khẩn cầu Chúa ban cho mình một tinh thần thờ phượng đích thực, nhờ đó các ngài cùng với dân được trao phó sẽ kết hợp mật thiết với Đức Kitô là Đấng Trung Gian của Giao Ước Mới, và như thế, họ có thể kêu lên như những nghĩa tử “Abba, Cha ơi” (Rm 8,15).
19
Trong nghi lễ truyền chức, Đức Giám mục khuyên bảo các linh mục hãy “trưởng thành trong sự hiểu biết” và lời giáo huấn của các ngài phải là “linh dược thiêng liêng cho Dân Chúa”.148 Nhưng kiến thức của các thừa tác viên thánh cũng phải thánh vì phát xuất từ nguồn mạch thánh và quy hướng về cùng đích thánh. Vì vậy, kiến thức đó trước hết được kín múc từ việc đọc và suy gẫm Sách Thánh,149 đồng thời cũng tăng thêm hiệu quả nhờ việc nghiên cứu những tài liệu của các Giáo phụ, các thánh tiến sĩ và các tài liệu khác của Thánh Truyền. Ngoài ra, để trả lời thỏa đáng cho những vấn nạn do người thời nay nêu lên, các linh mục phải hiểu biết thấu đáo những tài liệu của Huấn Quyền, nhất là của các Công Đồng và các Đức Giáo Hoàng, cũng như phải tham khảo những tác giả thần học thời danh đã được Giáo Hội thừa nhận.
Vì trong thời đại chúng ta, văn hóa nhân loại và ngay cả các khoa học thánh đã có những bước tiến mới, nên các linh mục hãy không ngừng trang bị thật đầy đủ kiến thức của mình về Thiên Chúa và về nhân loại, đó là cách tự chuẩn bị để đối thoại với những người đương thời cách thích hợp hơn.
Để các linh mục có thể nghiên cứu dễ dàng hơn, cũng như để học hỏi những phương pháp rao giảng Tin Mừng và làm việc Tông đồ cách hiệu quả hơn, phải hết sức lo cho các ngài có những phương tiện thích hợp như tổ chức những khóa học tập hay hội thảo tùy hoàn cảnh của từng địa hạt, thiết lập những trung tâm học hỏi mục vụ, thành lập các thư viện và đặt những người có khả năng thích hợp để tổ chức việc học tập. Ngoài ra mỗi Giám mục riêng biệt hay nhiều Giám mục hợp lại, phải cân nhắc để tìm ra phương cách thích hợp nhất, giúp tất cả các linh mục có thể tham dự khóa học vào thời gian ấn định, nhất là một vài năm sau khi chịu chức;150 nhờ vậy, các ngài có dịp vừa thâu nhận thêm những kiến thức đầy đủ hơn về phương pháp mục vụ và thần học, vừa củng cố đời sống thiêng liêng và cùng trao đổi với anh em những kinh nghiệm Tông đồ.151 Cũng nên dùng những phương tiện vừa kể trên và những phương tiện thích hợp khác nữa để đặc biệt giúp đỡ những cha sở mới và những vị đã được chỉ định cho một công tác mục vụ mới, hoặc những người được sai đến một giáo phận hay một quốc gia khác.
Sau hết, các Giám mục nên lo liệu cho một số linh mục chuyên về các khoa học thánh để không bao giờ thiếu các giáo sư đầy đủ khả năng đào tạo hàng linh mục, để giúp các linh mục khác và các tín hữu lãnh nhận được nền giáo thuyết cần thiết, và để phát huy sự tiến triển vững mạnh trong các môn học thánh, vốn rất cần thiết cho Giáo Hội.
20
Bởi đã hiến thân phụng sự Thiên Chúa khi chu toàn nhiệm vụ được trao phó, các linh mục xứng đáng hưởng một khoản thù lao cân xứng vì “thợ đáng ăn lương của mình” (Lc 10,7)152 và “Chúa truyền cho những ai rao giảng Tin Mừng được sống nhờ Tin Mừng” (1 Cr 9,14). Bởi thế, nơi nào phần thù lao cân xứng cho các linh mục không được cung cấp do một ai khác, thì chính các tín hữu, những người đang hưởng nhờ ơn phúc do công lao của các linh mục phải nhận lấy trách nhiệm lo cho các ngài được những gì cần thiết, để có một mức sống thích hợp và xứng đáng. Phần các Giám mục hãy nhắc nhở các tín hữu về trách nhiệm này và phải quan tâm đưa ra những quy định, hoặc từng vị lo cho giáo phận của mình, hoặc tốt hơn nữa là nhiều vị chung nhau lo cho một vùng, giúp bảo đảm đúng mức một số trợ cấp xứng đáng cho những vị đang thi hành hay đã thi hành những công tác phục vụ Dân Chúa. Phần thù lao mỗi người được hưởng, hoặc tùy theo bản chất của công tác hoặc tùy hoàn cảnh địa phương và theo từng thời điểm, trên căn bản phải đồng đều cho tất cả những ai có cùng một hoàn cảnh, phải tương xứng với điều kiện sinh sống của các ngài, và ngoài ra, phải giúp các ngài không những có thể chu cấp khoản thù lao cân xứng cho những kẻ hy sinh giúp việc các ngài, nhưng còn có thể nghĩ đến việc giúp đỡ những kẻ thiếu thốn, vì việc phục vụ người nghèo luôn được đề cao ngay từ thời sơ khai của Giáo Hội. Hơn nữa, phải dự trù sao cho phần thù lao này có thể giúp các linh mục hàng năm có được một thời gian nghỉ ngơi thích đáng và đầy đủ, kỳ nghỉ mà chính các Giám mục phải lo liệu sắp xếp cho các linh mục.
Tuy nhiên, phải dành vai trò quan trọng nhất cho chức vụ mà các thừa tác viên đang đảm trách. Vì thế, qui chế vẫn được gọi là “bổng lộc” phải được bãi bỏ, hoặc ít ra phải được cải tổ thế nào để phần bổng lộc, nghĩa là quyền thụ hưởng những lợi tức gắn liền với chức vụ, chỉ là việc phụ thuộc, việc chủ yếu chính là chức vụ thuộc giáo quyền căn cứ theo luật, từ nay phải hiểu là bất cứ nhiệm vụ nào được trao phó cách lâu bền, để thi hành nhằm mục đích thiêng liêng.
21
Phải luôn nhớ đến gương mẫu của các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai ở Giêrusalem đã đặt “mọi sự làm của chung” (Cv 4,32) và “phân phát cho mỗi người tùy nhu cầu” (Cv 4,35). Vì thế, ít ra trong những miền mà sự cấp dưỡng cho giáo sĩ tùy thuộc hoàn toàn hoặc phần lớn vào việc dâng cúng của các tín hữu, rất nên có một tổ chức cấp giáo phận để tiếp nhận những đóng góp cho mục đích ấy; tổ chức này do Giám mục điều khiển với sự trợ giúp của những linh mục được ủy nhiệm, cũng như của cả những giáo dân thông thạo trong lãnh vực kinh tế nếu thấy là hữu ích. Ngoài ra, cũng ước mong rằng nếu có thể nên thành lập một công quỹ trong mỗi giáo phận hay mỗi miền để các Giám mục có thể chu cấp đầy đủ cho những người phục vụ Giáo Hội, và đáp ứng những nhu cầu trong giáo phận, đồng thời nhờ đó các giáo phận sung túc hơn có thể giúp đỡ các giáo phận nghèo kém hơn, để sự dư dật của giáo phận này bù đắp cho sự thiếu thốn của giáo phận khác.153 Công quỹ này được thành lập trước hết do những đóng góp của các tín hữu, nhưng cũng có thể do những nguồn thu khác được quy định đúng luật.
Ngoài ra, trong các quốc gia mà sự bảo hiểm xã hội cho hàng giáo sĩ chưa được tổ chức cách thích hợp, các Hội Đồng Giám Mục, dựa trên giáo luật và dân luật, hãy thiết lập những tổ chức hay liên đoàn cấp giáo phận, hoặc những tổ chức liên giáo phận, hoặc một hội được thành lập cho toàn vùng, để dưới sự coi sóc của Hàng Giáo Phẩm, những tổ chức đó dự liệu đầy đủ các phương thức y tế dự phòng và tương trợ, cũng như việc trợ cấp cần thiết cho các linh mục bệnh tật, tàn phế hoặc già yếu. Các linh mục hãy hỗ trợ các tổ chức đó trong tinh thần liên đới với những người anh em của mình, chia sẻ những gian nan thử thách,154 đồng thời, nhờ không phải bận tâm đến tương lai, các ngài sống đức khó nghèo theo cảm thức Phúc Âm cách hăng say hơn và hoàn toàn tận hiến cho phần rỗi các linh hồn. Những vị hữu trách phải cố gắng liên kết các tổ chức như thế thuộc các quốc gia khác nhau để chúng thêm vững chắc và được phổ biến rộng rãi hơn.
KẾT LUẬN VÀ HUẤN DỤ
22
Dù luôn nghĩ đến những niềm vui của đời sống linh mục, Thánh Công Đồng vẫn không quên những khó khăn mà các linh mục đang gánh chịu trong những hoàn cảnh của đời sống hiện tại. Thánh Công Đồng cũng biết rằng tình trạng kinh tế, xã hội và ngay cả phong cách sống của con người đang thay đổi rất nhiều, và bậc thang giá trị cũng đang bị đảo lộn không ít trong nhận thức của nhân loại; do đó, các thừa tác viên của Giáo Hội, và đôi khi ngay cả các Kitô hữu, cảm thấy mình như xa lạ trong thế giới này và trăn trở tìm kiếm không biết phải dùng phương thức hay lời nói nào thích hợp để có thể giao tiếp với đời. Thật vậy, những chướng ngại mới cho đức tin, những việc làm bề ngoài xem ra vô ích, cũng như sự cô đơn cay đắng đã từng trải nghiệm, có thể dẫn đến nguy cơ làm cho các ngài suy sụp tinh thần.
Nhưng thế giới đang được trao phó cho tình yêu và thừa tác vụ của các vị Chủ chăn trong Giáo Hội chính là thế giới mà Thiên Chúa đã yêu thương đến nỗi đã trao ban Con Một của Ngài.155 Thật ra, tuy bị tội lỗi đè nặng nhưng vẫn không thiếu năng lực đồi dào, thế giới ngày nay đang tặng hiến cho Giáo Hội những viên đá sống động156 để cùng nhau xây nên đền thờ Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần.157 Khi Chúa Thánh Thần thúc đẩy Giáo Hội mở những con đường mới dẫn đến thế giới ngày nay, thì chính Ngài cũng khởi xướng và phát huy những cải tổ thích hợp cho tác vụ linh mục.
Các linh mục phải nhớ rằng không bao giờ các ngài lẻ loi trong khi thi hành bổn phận, nhưng luôn kiên vững nhờ sức mạnh của Thiên Chúa toàn năng; với niềm tin vào Đức Kitô, Đấng đã mời gọi các ngài thông phần vào chức Tư tế của mình, các ngài hãy luôn tín thác tận hiến vì tác vụ, bởi biết rằng Thiên Chúa toàn năng sẽ làm cho tình yêu luôn tăng triển nơi các ngài.158 Các ngài cũng hãy nhớ rằng những người anh em trong chức linh mục và cả những tín hữu trên toàn thế giới vẫn luôn liên kết với các ngài. Thật vậy, tất cả các linh mục đều cộng tác để chu toàn ý định cứu rỗi của Thiên Chúa, chính là mầu nhiệm Chúa Kitô, mầu nhiệm được giấu kín từ muôn đời nơi Thiên Chúa,159 ý định đó chỉ được thực hiện dần dần nhờ nhiều tác vụ khác nhau cùng liên kết trong việc xây dựng Thân Thể Đức Kitô, cho đến khi đạt đến tầm vóc viên mãn. Và tất cả những gì đang tiềm tàng với Đức Kitô trong Thiên Chúa160 chỉ có thể được nhận biết rõ ràng nhờ đức tin. Như thế, các vị lãnh đạo Dân Chúa phải bước đi trong đức tin, theo gương của Abraham, người đầy lòng tin, người đã lấy đức tin “vâng lời đi đến nơi mình sẽ nhận làm cơ nghiệp: và ông đã ra đi mà chẳng biết mình đi đâu” (Dt 11,8). Quả thật, người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa có thể sánh với người gieo giống trong ruộng như lời Chúa nói: “và người ấy ngủ hay thức, đêm cũng như ngày, hạt giống nảy mầm và lớn lên, trong khi người ấy chẳng hay biết gì” (Mc 4,27). Hơn nữa, nếu Đức Kitô bảo rằng “các con hãy vững tin, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33), thì chắc chắn qua lời nói này, Người không hứa cho Giáo Hội một cuộc toàn thắng ở trần gian. Thánh Công Đồng vui mừng vì mặt đất đã đón nhận hạt giống Tin Mừng, nay đang sinh hoa kết quả ở nhiều nơi dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Đấng lấp đầy cả địa cầu và khơi dậy trong tâm hồn nhiều linh mục và tín hữu tinh thần truyền giáo đích thực. Vì tất cả những điều đó, Thánh Công Đồng thân ái cám ơn các linh mục trên khắp thế giới: “Chúc tụng Đấng Quyền Năng đã dùng sức mạnh đang hoạt động nơi chúng ta mà làm mọi điều vượt quá những gì chúng ta cầu xin hay nghĩ tới: xin tôn vinh Ngài trong Giáo Hội và nơi Đức Kitô Giêsu” (Ep 3,20-21).
Tất cả và từng điều được ban bố trong Sắc Lệnh này đều đã được các Nghị phụ Thánh Công Đồng chấp thuận. Và, với thẩm quyền tông truyền nhận được từ Chúa Kitô, hợp nhất với các Nghị phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, quyết nghị và xác lập, và những gì đã được xác lập theo thể thức Công Đồng, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.
Rôma, tại Đền Thánh Phêrô, ngày 7 tháng 12 năm 1965
Tôi, PHAOLÔ, Giám mục Giáo Hội Công giáo
(Tiếp theo là chữ ký của các Nghị phụ)
Chú thích
1 CĐ VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng vụ thánhSacrosanctum Concilium: AAS 56 (1964), tr. 97tt.; Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium: AAS 57 (1965), tr. 5tt.; Sắc lệnh về Nhiệm vụ mục tử của các Giám mục Christus Dominus; Sắc lệnh về việc Đào tạo linh mục Optatam Totius.
2 x. Mt 3,16; Lc 4,18; Cv 4,27; 10,38.
3 x. 1 Pr 2,5 và 9.
4 x. 1 Pr 3,15.
5 x. Kh 19,10; CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo HộiLumen Gentium, 35: AAS 57 (1965), tr. 40-41.
6 CĐ TRENTÔ, Khóa XXIII, ch. 1 và điều 1: DS 957 và 961 (1764 và 1771).
7 x. Ga 20,21; CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo HộiLumen Gentium, 18: AAS 57 (1965), tr. 21-22.
8 x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo HộiLumen Gentium, 28: AAS 57 (1965), tr. 33-36.
9 x. nt.
10 x. Potificale Romanum, Kinh Tiền Tụng lễ phong chức linh mục. Những lời này đã có trongSacramentarium Veronense: xb. L.C. Mošhlberg, Roma 1956, tr. 122; trong Missale Francorum: xb. L.C. Mošhlberg, Roma 1957, tr. 9; cũng thấy trongLiber Sacramentorum Romanae Ecclesiae: xb. L.C. Mošhlberg, Roma 1960, tr. 25; và trong Pontificale Romano-Germanicum : xb. Vogel-Elze, Città del Vaticano 1963, vol. I, tr. 34.
11 x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 10: AAS 57 (1965), tr. 14-15.
12 x. Rm 15,16: bản Hy lạp.
13 x. 1 Cr 11,26.
14 T. AUGUSTINÔ, De Civitate Dei, 10,6: PL 41, 284.
15 x. 1 Cr 15,24.
16 x. Dt 5,1.
17 x. Dt 2,17; 4,15.
18 x. 1 Cr 9,19-23: bản Phổ thông.
19 x. Cv 13,2.
20 “Những hoàn cảnh ngoại tại mà Giáo Hội đang sống chính là động lực thúc đẩy việc hoàn thiện đời sống thiêng liêng và luân lý; vì Giáo Hội không thể ngồi yên và không quan tâm đến những đổi thay của thế giới loài người đang vây quanh Giáo Hội và đang tác động đến cách sống và điều kiện sinh hoạt của Giáo Hội bằng nhiều cách. Mọi người đều biết rằng Giáo Hội không tách biệt nhưng là sống giữa xã hội loài người, vì thế con cái Giáo Hội không những chịu ảnh hưởng mà còn thấm nhiễm nền văn hóa, tuân theo luật lệ và phong tục của xã hội ấy. Mối liên hệ mật thiết với xã hội loài người tạo cho Giáo Hội một tình trạng luôn luôn có những vấn đề phải giải quyết, những vấn đề này lại càng thêm trầm trọng trong thời đại hôm nay (...). Vị Tông đồ dân ngoại đã khuyên nhủ các Kitô hữu: “Anh em đừng mang chung môt ách với những kẻ không tin. Thật vậy, sự công chính làm sao có thể thoả hiệp với sự bất chính? Ánh sáng làm sao có thể hoà nhập với bóng tối?... người tín hữu làm sao lại chung phần được với người không tin? (2 Cr 6,14-15). Vì thế, những ai lo việc giáo dục và huấn luyện trong Giáo Hội ngày nay, cần phải nhắc nhở thanh thiếu niên công giáo nhận biết địa vị cao cả của họ, đồng thời từ đó ý thức về bổn phận phải sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian, như lời Đức Kitô đã cầu nguyện cho các Tông Đồ: “Con không xin Cha đem họ ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian” (Ga 17,15-16). Giáo Hội đã nhận lấy lời cầu nguyện đó làm của mình. Tuy nhiên, phân biệt khỏi thế gian, như thế không có nghĩa là tách biệt khỏi thế gian, cũng không phải là dửng dưng, sợ hãi hay miệt thị thế gian. Thật vậy, khi tự phân biệt với nhân loại, Giáo Hội không chống đối, nhưng đúng hơn, vẫn liên kết với thế gian”. PHAOLÔ VI, Thông điệp Ecclesiam suam, 6.8.1964: AAS 56 (1964), tr. 627 và 638.
21 x. Rm 12,2.
22 x. Ga 10,14-16.
23 x. T. PÔLYCARPÔ, Epist. ad Philippenses, VI, 1: “Các trưởng giáo đoàn phải biết cảm thông, nhân ái với mọi người, phải dẫn đưa những người lầm lạc trở về, thăm viếng bệnh nhân, không khinh thường các quả phụ, cô nhi hay người nghèo, nhưng phải luôn lo thực thi điều thiện trước mặt Thiên Chúa và người ta, phải kiềm chế cơn nóng giận, đón nhận mọi người, không xét xử bất công, phải giữ mình khỏi tật tham lam biển lận, không vội tin chuyện xấu của người khác, cũng không quá nghiêm khắc khi luận xử, vì biết rằng tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi”.
24 x. 1 Pr 1,23; Cv 6,7; 12,24. “Các Tông đồ đã rao giảng lời chân lý và đã khai sinh các Giáo Hội”: T. AUGUSTINÔ,Enarr. in Ps. 44, 23: PL 36, 508.
25 x. Ml 2,7; 1 Tm 4,11-13; 2 Tm 4,5; Tt 1,9.
26 x. Mc 16,16.
27 x. 2 Cr 11,7. Những gì nói về các Giám mục cũng có giá trị cho các linh mục với tư cách là cộng tác viên của Giám mục; x. Statuta Ecclesiae Antiqua, ch.3 (xb. Ch. Munier, Paris 1960 tr. 79); Decretum Gratiani, C. 6, D. 88 (xb. Friedberg, I, 307); CĐ TRENTÔ Sắc lệnh De reform., khóa V, ch. 2, số 9 (Conc. Oec. Decreta, xb. Herder, Roma 1962, tr. 645), khóa XXIV, ch. 4, tr. 739; CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 25: ASS 57 (1965), tr. 29-31.
28 x. Constitutiones Apostolorum, II, 26, 7: “(Các linh mục) hãy trở nên những vị tiến sĩ thông thạo khoa học về Thiên Chúa, vì chính Chúa đã ra lệnh truyền cho chúng ta: Các con hãy đi giảng dạy v.v...”: xb. F.X. Funk;Didascalia et Constitutiones Apostolorum, I, Paderborn, 1905, tr. 105; Sacramentarium Leonianum và những sách lễ nghi khác cho tới Pontificale Romanum; Kinh Tiền Tụng lễ phong chức linh mục: “Lạy Chúa, với sự quan phòng ấy, Chúa đã cho các Tông Đồ của Con Chúa có những phụ tá là thầy dạy đức tin, để nhờ những người rao giảng trong cấp bậc nhị phẩm, các Tông Đồ hiện diện trên toàn thế giới”; Liber Ordinum Liturgiae Mozarabicae, Kinh Tiền Tụng lễ phong chức linh mục: “Là thầy dạy của dân và là người lãnh đạo cộng đoàn, ước gì các ngài giữ gìn chính xác đức tin công giáo và rao giảng ơn cứu rỗi đích thực cho mọi người”: xb. M. Férotin, Le Liber Ordinum en usage dans l'Eglise Wisigothique et Mozarabe d’Espagne : Monumenta Ecclesiae Liturgica, vol. V, Paris 1904, cột 55, dòng 4-6.
29 x. Gl 2,5.
30 x. 1 Pr 2,12.
31 x. Nghi lễ phong chức linh mục trong Giáo Hội Giacobit tại Alexandria: “... Hãy tập họp dân chúng ngươi đến nghe lời giáo lý, như người mẹ nâng niu con cái mình”: H. Denzinger,Ritus Orientalium, Bộ II, Wošrzburg 1863, tr. 14.
32 x. Mt 28,19; Mc 16,16; TERTULLIANÔ, De baptismo, 14, 2 (Corpus Christianorum, Series latina, I, tr. 289, 11-13); T. ATHANASIÔ, Adv. Arianos, 2, 42: PG 26, 237 A-B; T. HIÊRÔNIMÔ, In Mt. 28,19: PL 26, 226 D: “Trước hết các ngài dạy dỗ muôn dân, tiếp đến lấy nước Rửa tội cho những kẻ đã được giáo huấn. Thật vậy, không được để cho thể xác nhận lãnh bí tích Rửa tội khi linh hồn chưa nhận lãnh chân lý đức tin”; T. TÔMA, Expositio primae Decretalis, §1: “Khi sai các môn đệ đi rao giảng, Đấng Cứu Thế của chúng ta đã trao cho họ ba mệnh lệnh. Trước nhất là rao giảng đức tin, thứ đến là ban các bí tích cho những kẻ có lòng tin”: xb. Marietti, Opuscula Theologica, Taurini - Romae 1954, 1138.
33 x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng vụ thánhSacrosanctum Concilium, 35, 2: AAS 56 (1964), tr. 109.
34 x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, 33, 35, 48, 52: AAS 56 (1964), tr. 108-109, 113, 114.
35 x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế về phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, 7: AAS 56 (1964), tr. 100-101; PIÔ XII, Thông điệp Mystici Corporis, 29.6.1943: AAS 35 (1943), tr. 230.
36 T. INHAXIÔ TỬ ĐẠO, Smyrn., 8, 1-2: xb. F.X. Funk, tr. 240; Constitutiones Apostolorum, VIII, 12, 3: xb. F.X. Funk, tr. 496; VIII, 29, 2, nt., tr. 532.
37 x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo HộiLumen Gentium, 28: AAS 57 (1965), tr. 33-36.
38 Bí tích Thánh Thể là sự đúc kết tất cả đời sống thiêng liêng và là cứu cánh của tất cả các bí tích khác: T. TÔMA, Summa Theol. III, q. 73, a.3 c: x.Summa Theol. III, q. 65, a. 3.
39 x. T. TÔMA, Summa Theol. III, q. 65, a. 3, ad 1; q. 79, a. 1, c, và ad 1.
40 x. Ep 5,19-20.
41 x. T. HIÊRÔNIMÔ, Epist. 114, 2: “... chén thánh, khăn thánh và những vật dụng liên quan đến việc tôn sùng cuộc Tử nạn của Chúa, phải được cung kính cùng với Mình và Máu Chúa “: PL 22, 934; x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, 122-127: AAS 56 (1964), tr. 130-132.
42 “Hơn nữa, các tín hữu đừng xao lãng việc siêng năng viếng Mình Thánh Chúa được cung kính cất giữ tại một vị trí xứng đáng nhất trong nhà thờ theo đúng luật phụng vụ, việc kính viếng Chúa Kitô hiện diện nơi đây là một dấu chỉ của lòng biết ơn, là bảo chứng tình yêu và là việc tôn thờ thích đáng dâng lên Người”: PHAOLÔ VI, Thông điệpMysterium Fidei, 3.9.1965: AAS 57 (1965), tr. 771.
43 x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo HộiLumen Gentium, 28: AAS 57 (1965), tr. 33-36.
44 x. 2 Cr 10,8; 13,10.
45 x. Gl 1,10.
46 x. 1 Cr 4,14.
47 x. Didascalia II, 34-3; II, 46. 6; II, 47. 1;Constitutiones Apostolorum, II, 47. 1: xb. F.X. Funk,Didascalia et Constitutiones, I, tr. 116, 142 và 143.
48 x. Gl 4,3; 5,1 và 13.
49 x. T. GIÊRÔNIMÔ, Epist., 58, 7: “Thành quách chói sáng ngọc ngà nào có ích chi, nếu Đức Kitô chết đói trong thân phận một người nghèo khổ?”: PL 22, 584.
50 x. 1 Pr 4,10tt.
51 x. Mt 25,34-45.
52 x. Lc 4,18.
53 Có thể kể đến những hạng người khác, ví dụ những người di cư, dân du mục v.v... Vấn đề này được đề cập đến trong Sắc lệnh về Nhiệm vụ mục tử của các Giám mục trong Giáo Hội Christus Dominus, 18.
54 x. Didascalia, II, 59, 1-3: “Khi dạy dỗ, hãy truyền bảo và khuyến dụ dân chúng siêng năng đến với giáo đoàn, đừng bao giờ vắng mặt, nhưng hãy luôn cùng nhau tụ họp, và đừng lìa bỏ cộng đoàn, vì như thế sẽ làm cho Giáo Hội bị giảm thiểu và bớt mất một chi thể nơi Thân Thể Chúa Kitô... Vì thế, là chi thể Chúa Kitô, anh em đừng làm phân tán giáo đoàn khi không cùng qui tụ với nhau; anh em có Chúa Kitô là Đầu, Người đang hiện diện và thông hiệp với anh em theo như lời Người hứa; vì thế anh em đừng thờ ơ và khiến Đấng Cứu Thế trở nên xa lạ với các chi thể Người, đừng chia rẽ cũng đừng phân tán Thân Thể Người...”: xb. F.X. Funk, I, tr. 170; PHAOLÔ VI, Diễn văn trước một số giáo sĩ Ý tham dự Đại Hội XIII «di aggiornamento pastorale» , 6.9.1963: AAS (1963), tr. 750tt.
55 x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo HộiLumen Gentium, 28: AAS 57 (1965), p. 35.
56 x. Constitutionem Ecclesiasticam Apostolorum, XVIII: Các linh mục là những kẻ đồng tham dự các mầu nhiệm (symmystai) và đồng chiến đấu (synepímachoi) với các Giám mục: xb. Th. Schermann, Die allgemeine Kirchenordnung, I, Paderborn 1914, tr. 26; A. HARNACK,Die Quellen der sog. apostolilschen Kirchenordnung, T.u. U., II, 5, tr. 13, số 18 và 19; PSEUDO-HIÊRÔNIMÔ,De Septem Ordinibus Ecclesiae: “...trong lễ chúc tụng, họ là những người cùng với Giám mục tham dự các mầu nhiệm”: xb. A. W. Kalff, Wošrzburg 1937, tr. 45; T. ISIDORÔ HISPAL, De Ecclesiasticis Officiis, II, ch. VII: “Họ đứng đầu Giáo Hội của Đức Kitô và tham dự với các Giám mục trong việc cử hành bí tích Thánh Thể, cũng như trong việc dạy dỗ dân và trong phận vụ rao giảng”: PL 83, 787.
57 x. Didascalia, II, 28, 4: xb. F.X. Funk, tr. 108;Constitutiones Apostolorum, II, 28, 4; II, 34, 3: nt., tr. 109 và 117.
58 Const. Apost . VIII, 16, 4 và F.X. Funk, I, tr. 523; x. Epistome Const . Apost., VI: nt., II, tr. 80, 3-4;Testamentum Domini: “... xin Chúa ban cho người này Thánh Thần ân sủng, khuyến dụ, đại độ, và tinh thần linh mục... để hoạt động giúp đỡ và cai quản Dân Chúa với lòng kính sợ và tâm hồn trong trắng”: bản dịch Latinh của I. E. Rahmani, Moguntiae 1899, tr. 69. Ý tưởng này cũng gặp trong Trad. Apost.: xb. B. Botte, La Tradition Apostolique de S. Hippolyte, Mošnster i. W. 1963, tr. 20.
59 x. Ds 11,16-25.
60 PONT. ROM. «Kinh Tiền Tụng lễ phong chức linh mục», những lời đã có trong Sacramentarium Leonianum,Sacramentarium Gelasianum vàSacramentarium Gregorianum. Những ý tưởng tương tự cũng gặp thấy trong Phụng vụ Đông Phương: x. TRAD. APOST.: “... Xin nhìn đến tôi tớ Chúa đây và ban Thánh Thần ân sủng, khuyến dụ và tinh thần linh mục, để tôi tớ Chúa giúp đỡ và cai quản Dân Chúa với tâm hồn trong trắng, như xưa Chúa đã nhìn đến đoàn Dân Chúa chọn và đã truyền cho Môsê tuyển lựa các vị trưởng lão, những người được Chúa đổ tràn chính Thần trí Chúa đã ban cho tôi tớ Chúa”: theo bản dịch Latinh Verona, xb. B. Botte, La Tradition Apostolique de S. Hippolyte. Essai de reconstruction, Mošnster i. W. 1963, tr. 20; Const. Apost. VIII, 16, 4 :xb. F.X. Funk I, tr. 522, 16-17; Epist. Const. Apost. VI: xb. F.X. Funk II tr. 80, 5-7; Testamentum Domini: bản dịch latinh của I. E. Rahmani, Moguntiae 1899, tr. 69;Euchologion Serapionis, XXVII: xb. F.X. Funk;Didascalia et Constitutiones, II, tr. 190, hàng 1-7;Ritus Ordinationis in ritu Maronitarum: bản dịch H. Denzinger; Ritus Orientalium, II, Wošrzburg, 1863, tr. 161; Trong số các Giáo phụ, có thể kể: THÊOĐORÔ MOPSUESTENÔ,In 1 Tm. 3,8: xb. Swete, II, tr. 119-121; THEODÔRÊTÔ,Quaestiones in numeros, XVIII: PG 80, 369C-372B.
61 x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo HộiLumen Gentium, 28: AAS 57 (1965), tr. 35.
62 x. GIOAN XXIII, Thông điệp Sacerdotii Nostri Primordia, 1.8.1959: AAS 51 (1959) tr. 576; PIÔ X,Huấn dụ giáo sĩ Haerent animo, 4.8.1908: S. Pii X Acta, q. IV (1908), tr. 237tt.
63 x. CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về Nhiệm vụ mục tử của Giám mục trong Giáo Hội Christus Dominus, 15 và 16.
64 Theo Giáo luật hiện hành, Hội Kinh sĩ Chính tòa như là “nguyên lão viện và ban cố vấn” của Giám mục (GL, 391) hoặc nếu không có, thì Hội đồng cố vấn giáo phận thay thế (x. GL, 423-428). Tuy nhiên điều rất đáng mong ước là những tổ chức ấy phải được chỉnh đốn cho thích hợp hơn với những hoàn cảnh và nhu cầu hiện đại. Hội đồng linh mục dĩ nhiên khác Ủy ban Cố vấn mục vụ: về vấn đề này có nói trong Sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các Giám mục trong Giáo Hội Christus Dominus, 27, vì trong Ủy ban Cố vấn mục vụ có cả giáo dân, và chỉ có thẩm quyền trong những gì liên quan đến hoạt động mục vụ. Về việc các linh mục như là cố vấn của Giám mục có thể xemDidascalia, II, 28, 4: xb. F.X. Funk, I, tr. 108;Const. Apost. II, 28, 4: xb. F.X. Funk, I, tr. 109; T. INHAXIÔ TỬ ĐẠO, Magn. 6, 1: xb. F.X. Funk, tr. 194;Trall., 3, 1: xb. F.X. Funk, tr. 204; ÔRIGENÊ,Contra Celsum, III, 30: các linh mục là những cố vấn hay là boúleytai: PG 11, 957D-960A.
65 INHAXIÔ TỬ ĐẠO, Magn., 6, 1: “Cha nài xin các con hãy chăm chú làm mọi việc trong sự đồng tâm thánh thiện, dưới quyền của vị Giám mục đại diện Thiên Chúa và của các linh mục đại diện hội đồng các Tông Đồ, và của các phó tế rất yêu quí của cha, những người đó đã được trao ban tác vụ của Chúa Giêsu Kitô, Đấng ngự bên Thiên Chúa từ trước muôn đời, và đã xuất hiện vào thời buổi cuối cùng”: xb. F.X. Funk, tr. 195; T. INHAXIÔ TỬ ĐẠO,Trall. 3, 1: “Cũng vậy, mọi người hãy kính trọng các vị phó tế như đối với Chúa Kitô, như đối với Giám mục là hình ảnh Chúa Cha, với các linh mục là nguyên lão viện của Thiên Chúa và là hội đồng các Tông Đồ: vì không có các đấng ấy, không thể nói đến Giáo Hội”: nt., tr. 204; T. HIÊRÔNIMÔ, In Isaiam, II, 3: PL 24, 61D: “Trong Giáo Hội, chúng ta cũng có nguyên lão viện của chúng ta là hội đồng linh mục”.
66 x. PHAOLÔ VI, Diễn văn tại đền Sixtine cho các cha xứ và các linh mục giảng thuyết mùa Chay ở Roma, 1.3.1965: AAS 57 (1965), tr. 326.
67 x. Const. Apost. VIII, 47, 39: “Các linh mục... không được làm gì mà không hỏi ý kiến Giám mục, vì chính Giám mục là người mà Chúa đã ủy thác Dân Chúa và là người phải trả lẽ về những linh hồn được các linh mục coi sóc”: xb. F.X. Funk, tr. 577.
68 x. 3 Ga 8.
69 x. Ga 17,23.
70 x. Dt 13,1-2.
71 x. Dt 13,16.
72 x. Mt 5,10.
73 x. 1 Ts 2,12; Cl 1,13.
74 x. Mt 23,8; “Muốn trở thành chủ chăn, thành người cha và thầy của mọi người, chúng ta phải là anh em của họ”: PHAOLÔ VI, Thông điệp Ecclesiam Suam, 6.8.1964: AAS 58 (1964), tr. 647.
75 x. Ep 4,7 và 16; Const. Apost. VIII, 1, 20: “Giám mục không nên đối nghịch với các phó tế hoặc linh mục, cũng như các linh mục không nên đối nghịch với dân chúng, vì tất cả đều làm thành một cộng đoàn”: xb. F.X. Funk, I, tr. 467.
76 x. Pl 2,21.
77 x. 1 Ga 4,1.
78 x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo HộiLumen Gentium, 37: AAS 57 (1965), tr. 42-43.
79 x. Ep 4,14.
80 x. CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về Đại kếtUnitatis Redintegratio: AAS 57 (1965), tr. 90.
81 x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo HộiLumen Gentium, 37: AAS 57 (1965), tr. 42-43.
82 x. Dt 7,3.
83 x. Lc 10,1.
84 x. 1 Pr 2,25.
85 x. Cv 20,28.
86 x. Mt 9,36.
87 Pont. Rom . Lễ phong chức linh mục.
88 x. CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về việc Đào tạo linh mụcOptatam Totius, 2.
89 “Tiếng Chúa gọi được biểu hiện bằng hai cách khác nhau, nhưng đều tuyệt diệu và quy về một hướng: có thể đó là tiếng nói bên trong, tiếng nói của ơn thánh, của Chúa Thánh Thần, của sức lôi cuốn nội tâm khôn tả, qua giọng nói âm thầm và quyền năng của Chúa vang lên nơi thâm tâm sâu thẳm trong con người; cũng có thể đó là tiếng nói từ bên ngoài, mang tính cách nhân loại, khả giác, xã hội, pháp lý và cụ thể, đó là tiếng nói của một thừa tác viên Lời Chúa, của một tông đồ, của Phẩm trật được Đức Kitô thiết lập như một phương thế cần thiết và như trung gian diễn đạt sứ điệp của Ngôi Lời và của giới luật Thiên Chúa. Về điều này, giáo lý công giáo nhắc lại lời thánh Phaolô: “Làm sao nghe biết được nếu không có ai rao giảng? Đức tin có được là do nghe nói (Rm 10,14 và 17)”, PHAOLÔ VI,Huấn dụ ngày 5.5.1965: L'Osservatore Romano, 6.5.1965, tr. 1.
90 x. CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về việc Đào tạo linh mụcOptatam Totius, 2.
91 Đây là lời dạy của các Giáo phụ khi chú giải lời Đức Kitô nói với Phêrô: “Con có yêu mến Ta không?... Hãy chăn các chiên mẹ của Ta” (Ga 21,17): chẳng hạn T. GIOAN KIM KHẨU,De sacerdotio, II, 2: PG 48, 633; T. GRÊGÔRIÔ CẢ,Reg. Past. Liber, P. I., ch. 5: PL 77, 19A.
92 x. 2 Cr 12,9.
93 x. PIÔ XI, Thông điệp Ad Catholici Sacerdotii, 20.12.1935 AAS: 28 (1936), tr. 10.
94 x. Ga 10,36.
95 x. Lc 24,26.
96 x. Ep 4,13.
97 x. 2 Cr 3,8-9.
98 x. Các văn kiện: PIÔ X, Huấn dụ giáo sĩ Haerent animo, 4.8.1908: S. Pii X Acta, vol. IV (1908), tr. 237tt.; PIÔ XI, Thông điệp Ad Catholici Sacerdotii, 20.12.1935: AAS 28 (1936), tr. 5 tt.; PIÔ XII, Tông huấnMenti Nostrae, 23.9.1950: AAS 42 (1950), tr. 657tt.; GIOAN XXIII, Thông điệp Sacerdotii Nostri Primordia, 1.8.1959, AAS 51 (1959), tr. 545tt.
99 x. T. TÔMA, Summa Theol. II-II, q. 188, a. 7.
100 x. Ep 3,9-10.
101 x. Cv 16,14.
102 x. 2 Cr 4,7.
103 x. Ep 3,9.
104 x. Pont. Rom. Lễ phong chức linh mục.
105 x. Missale Romanum, Lời nguyện trên lễ vật Chúa Nhật IX sau Hiện Xuống.
106 “Bất cứ Thánh lễ nào, dù linh mục cử hành một mình cũng không mang tính cách riêng tư, nhưng đều là hành động của Đức Kitô và của Giáo Hội; thật vậy, Giáo Hội đã học biết hiến dâng chính mình trong hy lễ mà Giáo Hội dâng như của lễ phổ quát và thể hiện quyền năng cứu độ duy nhất và vô hạn của hy lễ Thánh Giá vì phần rỗi của toàn thế giới. Mỗi Thánh lễ được cử hành, không phải chỉ dâng lên vì phần rỗi một vài người, nhưng cho toàn thế giới (...) Vì thế, Ta lấy tình hiền phụ tha thiết nhắn nhủ các linh mục là niềm vui lớn lao nhất và là triều thiên của Ta trong Chúa... các ngài hãy cử hành Thánh lễ hàng ngày cách xứng đáng và thành kính”: PHAOLÔ VI, Thông điệpMysterium Fidei, 3.9.1965: AAS 57 (1965), tr. 761-762; x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng vụ thánhSacrosanctum Concilium, 4.12.1963, 26 và 27: AAS 56 (1964), tr. 107.
107 x. Ga 10,11.
108 x. 2 Cr 1,7.
109 x. 2 Cr 1,4.
110 x. 1 Cr 10,33.
111 x. Ga 3,8.
112 x. Ga 4,34.
113 x. 1 Ga 3,16.
114 “Chăn dắt đoàn chiên của Chúa là chứng minh tình yêu của mình”: T. AUGUSTINÔ, Tract. in Jo., 123,5 : PL 35, 1967.
115 x. Rm 12,2.
116 x. Gl 2,2.
117 x. 2 Cr 7,4.
118 x. Ga 4,34; 5,30; 6,38.
119 x. Cv 13,2.
120 x. Ep 5,10.
121 x. Cv 20,22.
122 x. 2 Cr 12,15.
123 x. Ep 4,11-16.
124 x. Mt 19,12.
125 x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo HộiLumen Gentium, số 42: AAS 57 (1965), tr. 47-49.
126 x. 1 Tm 3,2-5; Tt 1,6.
127 x. PIÔ XI, Thông điệp Ad Catholici Sacerdotii, 20.12.1935: AAS 28 (1936), tr. 28.
128 x. Mt 19,12.
129 x. 1 Cr 7,32-34.
130 x. 2 Cr 11,2.
131 x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo HộiLumen Gentium, 42 và 44: AAS 57 (1965), tr. 47-49 và 50-51; Sắc lệnh về việc Canh tân thích nghi đời sống tu trìPerfectae Caritatis, 12.
132 x. Lc 20,35-36; PIÔ XI, Thông điệpAd Catholici Sacerdotii, 20.12.1935: AAS 28 (1936), tr. 24-28; Thông điệp Sacra Virginitas, 25.3.1954: AAS 46 (1954), tr. 169-172.
133 x. Mt 19,11.
134 x. Ga 17,14-16.
135 x. 1 Cr 7,31.
136 x. CĐ ANTIÔKIA, điều 25: Mansi 2, 1327-1328; DecretumGratiani, c. 23, C. 12, q. 1: xb. Friedberg I, tr. 684-685.
137 Ở đây, trước tiên hiểu về những quyền lợi và tập quán hiện có nơi các Giáo Hội Đông Phương.
138 CĐ PARIS, năm 829, điều 15: M.G.H, Legum sectio III, Concilia, t. 2, tr. 662; CĐ TRENTÔ, Khóa 25, De reform. ch., 1: CĐ OEC. DECRETA, xb. Herder, Romae 1962, tr. 760-761.
139 x. Tv 62,11: bản Phổ Thông 61.
140 x. 2 Cr 8,9.
141 x. Cv 8,18-25.
142 x. Pl 4,12.
143 x. Cv 2,42-47.
144 x. Lc 4,18.
145 x. GL, 125tt.
146 x. CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về Canh tân thích nghi đời sống tu trì Perfectae Caritatis, 7; Hiến chế tín lý về Mạc Khải Dei verbum, 21.
147 x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Giáo HộiLumen Gentium, 65: AAS 57 (1965), tr. 64-65.
148 Pontificale Romanum , Lễ phong chức linh mục.
149 x. CĐ VATICANÔ II, Hiến chế tín lý về Mạc khải Dei Verbum, 25.
150 Khóa học này khác với khóa Mục vụ phải tổ chức ngay sau khi thụ phong, đã nói trong Sắc lệnh về việc Đào tạo linh mục Optatam Totius, 22.
151 x. CĐ VATICANÔ II, Sắc lệnh về Nhiệm vụ mục vụ của các Giám mục trong Giáo Hội Christus Dominus, 17.
152 x. Mt 10,10; 1 Cr 9,7; 1 Tm 5,18.
153 x. 2 Cr 8,14.
154 x. Pl 4,14.
155 x. Ga 3,16.
156 x. 1 Pr 2,5.
157 x. Ep 2,22.
158 x. Pont. Rom., Lễ phong chức linh mục.
159 x. Ep 3,9.
160 x. Cl 3,3.