Vua A-khát cai trị Giu-đa (736-716)
1 Năm thứ mười bảy triều vua Pe-các, con ông Rơ-man-gia-hu, con vua Giô-tham, vua Giu-đa, là A-khát, lên làm vua.2 A-khát lên ngôi vua khi được hai mươi tuổi, và trị vì mười sáu năm ở Giê-ru-sa-lem. Vua đã không làm điều ngay chính trước mắt ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của vua, như vua Đa-vít, tổ phụ vua.3 Vua đã đi theo đường lối các vua Ít-ra-en, và thậm chí còn làm lễ thiêu con trai mình, theo các thói ghê tởm của các dân mà ĐỨC CHÚA đã trục xuất cho khuất mắt con cái Ít-ra-en.4 Vua đã tế lễ và đốt hương trên các nơi cao, trên các ngọn đồi và dưới mọi cây xanh.
5 Bấy giờ, vua A-ram là Rơ-xin, và vua Ít-ra-en là Pe-các, con ông Rơ-man-gia-hu, lên đánh Giê-ru-sa-lem. Họ vây hãm vua A-khát, nhưng không đánh thắng được.6 Thuở ấy, vua A-ram là Rơ-xin đem Ê-lát về lại cho Ê-đôm. Vua đuổi người Giu-đa khỏi Ê-lát. Người Ê-đôm lại vào Ê-lát và tiếp tục ở đó cho đến ngày nay.7 Vua A-khát sai sứ giả đến nói với vua Át-sua là Tích-lát Pi-le-xe: “Tôi là tôi tớ, là con cái của ngài. Xin ngài lên cứu tôi khỏi tay vua A-ram và vua Ít-ra-en, họ nổi lên chống tôi.”8 Vua A-khát lấy bạc vàng có trong Nhà ĐỨC CHÚA và trong kho đền vua mà gửi tặng vua Át-sua.9 Vua Át-sua nhận lời, tiến lên đánh Đa-mát và chiếm được thành đó. Vua đày dân đến thành Kia và giết vua Rơ-xin.
10 Vua A-khát đi Đa-mát gặp vua Át-sua là Tích-lát Pi-le-xe. Khi nhìn thấy bàn thờ ở Đa-mát, vua A-khát gửi cho tư tế U-ri-gia họa đồ kiểu mẫu của bàn thờ, và mọi chi tiết chỉ dẫn cách làm.11 Tư tế U-ri-gia xây bàn thờ: tất cả những chỉ thị vua A-khát gửi về từ Đa-mát, tư tế U-ri-gia đều thi hành đúng như thế, trong khi chờ vua A-khát từ Đa-mát về.12 Khi từ Đa-mát về, vua nhìn thấy bàn thờ, lại gần, rồi tiến lên.13 Vua cho đốt của lễ toàn thiêu, lễ phẩm, tưới rượu tế và lấy máu những con vật của hy lễ kỳ an rảy lên bàn thờ.14 Còn bàn thờ bằng đồng ở trước nhan ĐỨC CHÚA, ở giữa bàn thờ mới và Nhà ĐỨC CHÚA, vua dời đi khỏi phía trước Nhà ĐỨC CHÚA, và đặt bên cạnh bàn thờ mới, ở phía bắc.15 Rồi vua A-khát truyền lệnh cho tư tế U-ri-gia rằng: “Trên bàn thờ lớn, ông sẽ cho đốt của lễ toàn thiêu ban sáng và lễ phẩm ban chiều, lễ toàn thiêu, lễ phẩm của vua, lễ toàn thiêu, lễ phẩm và các lễ tưới rượu của toàn dân trong xứ. Ông sẽ rảy trên bàn thờ tất cả máu của các lễ toàn thiêu và của các hy lễ. Còn bàn thờ bằng đồng thì ta sẽ tính sau.”16 Tư tế U-ri-gia đã thi hành đúng mệnh lệnh vua A-khát.
17 Vua A-khát bẻ gẫy các đòn ngang và các giàn: vua cất các bồn nước đặt ở trên đi. Bể nước bằng đồng kê trên những con bò, thì vua hạ xuống mà đặt trên một nền đá.18 Để được lòng vua Át-sua, vua thay đổi vị trí trong Nhà ĐỨC CHÚA: hành lang ngày sa-bát xây trong Nhà ĐỨC CHÚA, và lối vào của vua nằm ở bên ngoài.
19 Các truyện còn lại của vua A-khát, những việc vua làm, đã chẳng được ghi chép trong sách Sử biên niên các vua Giu-đa đó sao?20 Vua A-khát đã an nghỉ với tổ tiên và được chôn cất bên cạnh tổ tiên trong Thành Đa-vít. Con vua là Khít-ki-gia-hu lên ngôi kế vị.
2 Sb 28,24ss; 1 V 7,27-37
m. 2 Sb 28,3: Các con trai mình. Lề Luật cấm việc này (x. Lv 18,21; 20,2; Đnl 12,31); nhưng xem ra việc này khá phổ biến trong dân. Các ngôn sứ mạnh mẽ tố cáo (x. Tl 11,31; 2 V 3,27; 17,17.31; 21,6; 23,10; Is 57,5; Gr 7,31; 19,5; 32,35; Ed 16,20-21; 23,39; Mk 6,7). Đặt ở đầu danh sách, đây là tội lớn nhất của vua A-khát. Có thể vua đã làm việc này trong cuộc bao vây của vua A-ram và Ít-ra-en (x. c. 5; 2 V 3,27).
n. Thường dân chúng bị tố cáo về tội này, nhưng ở đây chính là vua A-khát! (x. 1 V 22,44; 2 V 12,4; 14,4; 15,4.35). Các tế đàn của người Ca-na-an thường xây trên đỉnh cao của các ngọn đồi để được gần thần linh hơn, và dưới cây xanh để sự sống được phong nhiêu, phú túc. Nơi tế đàn thường có một bàn thờ, xung quanh bàn thờ lại có trụ đá và cột thờ. Lúc mới định cư ở Ca-na-an cho đến thời vua Sa-lô-môn, dân Thiên Chúa cũng bắt chước và được phép dựng các nơi cao để thờ phượng Đức Chúa. Nhưng lần lần việc ấy đã có nguy cơ làm biến chất niềm tin! Các ngôn sứ đã mạnh mẽ lên án; vua Khít-ki-gia và nhất là vua Giô-si-gia đã dứt khoát loại trừ. Nhưng xem ra việc này vẫn tồn tại trong dân cho đến thời lưu đày ở Ba-by-lon (x. 2 V 18,4; 23,1-20).
o. Cuộc chinh phạt của Xy-ri và Ít-ra-en đối với Giu-đa có lẽ là để ép Giu-đa cùng liên minh với họ chống lại Át-sua. Đây là hoàn cảnh để ngôn sứ I-sai-a phải can thiệp (x. Is 7-8).
p. Ba từ A-ram trong c. 6 có vấn đề: Ê-lát là hải cảng của Ê-đôm chứ không phải của A-ram, và trong tiếng Híp-ri từ Ê-đôm và A-ram dễ viết lộn với nhau; vì thế tùy theo cách giải thích mà người ta chọn cách sửa lại bản M. Bản dịch này chọn cách sửa hai từ “A-ram” sau thành Ê-đôm. Rơ-xin vua A-ram cùng vua Ít-ra-en đi đánh Giu-đa, có lẽ với sự yêu cầu của Ê-đôm, và với dụng ý lôi kéo Ê-đôm vào liên minh chống Át-sua; trước sức ép của liên quân, Giu-đa phải trả Ê-lát lại cho người Ê-đôm và người Ê-đôm lại được trở về định cư ở Ê-lát (x. Đnl 2,8; 1 V 9,26; 2 V 8,20; 14,22+).
q. Ê-đôm: phỏng đoán; M: A-ram (xem chú thích trên).
r. Cuộc xâm lăng của liên quân Ít-ra-en và Xy-ri đã làm cho lòng vua và lòng dân rúng động; ngôn sứ I-sai-a củng cố niềm tin cho họ, nhưng vua và dân không nghe, chạy đi cầu cứu Át-sua và chấp nhận làm chư hầu; nhưng đó lại là dịp để chính họ bị Át-sua xâm lăng (x. Is 7,13; 8,7-8).
s. ds: mà tặng vua Át-sua làm quà: trong tiếng Híp-ri, šäHad (quà) thường có nghĩa pháp lý là quà hối lộ. Lề Luật cấm việc này và các ngôn sứ cũng lớn tiếng tố cáo (x. Xh 28,3; Đnl 16,19; Is 5,23; Ed 22,12; Cn 17,23; Tv 15,5; v.v.). Trong sách lịch sử chỉ có hai lần dùng từ này: ở đây và 1 V 15,19. Như vậy, ta thấy tác giả ngầm ý phê bình: vua lấy vàng bạc trong Đền Thờ đi tặng cho nước khác làm quà là một hành vi trái đạo đức, trái Lề Luật.
t. Kia: một thành ở Lưỡng Hà Địa gần Ê-lam (x. Is 22,6), có lẽ là quê hương xưa kia của người A-ram (x. Am 1,5; 9,7).
u. U-ri-gia: nhân chứng đáng tin của ngôn sứ I-sai-a (x. Is 8,2).
v. Có lẽ là mẫu của bàn thờ trong điện thần Rim-môn của người A-ram (x. 5,18). Những kết ước chính trị thường kéo theo những ràng buộc hoặc ảnh hưởng về mặt tôn giáo! (x. c. 18).
x. Các vua vẫn làm việc này mỗi dịp thánh hiến một bàn thờ mới (x. 2 Sm 6,17-18; 1 V 8,63; 12,32-33).
y. Đây là bàn thờ vua Sa-lô-môn đã xây (x. 1 V 8,64; 9,25).
a. Không rõ đây chỉ là việc sửa sang, sắp xếp lại Đền Thờ, hay là phá hủy giàn để lấy bể nước bằng đồng nộp cho vua Át-sua (x. 1 V 7,27-37; 2 V 25,13).
b. ds: Vì (từ) mặt của vua Át-sua có thể hiểu: để được lòng hoặc vì tôn trọng... (x. c. 10+).
c. Hành lang ngày sa-bát: chỉ đề cập một lần duy nhất ở đây. Người ta không hiểu rõ lắm về hành lang này (x. 2 V 11,7). Một số tác giả dựa trên LXX và dịch là ngai (vua ngự) (x. 1 V 10,19).
d. Vua có một lối riêng để đi vào Đền Thờ (x. 1 Sb 9,18; Ed 46,1-10).