II. NHỮNG BƯỚC ĐẦU CỦA CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO
Lập nhóm Bảy người
1 Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hóa Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà góa trong nhóm họ bị bỏ quên.2 Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải.3 Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó.4 Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa.”5 Đề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn ông Tê-pha-nô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần, cùng với các ông Phi-líp-phê, Pơ-rô-khô-rô, Ni-ca-no, Ti-môn, Pác-mê-na và ông Ni-cô-la, một người ngoại quê An-ti-ô-khi-a đã theo đạo Do-thái.6 Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông Đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Đồ đặt tay trên các ông.
7 Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và tại Giê-ru-sa-lem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin.
Ông Tê-pha-nô bị bắt
8 Ông Tê-pha-nô được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân.9 Có những người thuộc hội đường gọi là hội đường của nhóm nô lệ được giải phóng, gốc Ky-rê-nê và A-lê-xan-ri-a, cùng với một số người gốc Ki-li-ki-a và A-xi-a, đứng lên tranh luận với ông Tê-pha-nô.10 Nhưng họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông.11 Bấy giờ, họ mới xui mấy người phao lên rằng: “Chúng tôi đã nghe hắn nói lộng ngôn xúc phạm đến ông Mô-sê và Thiên Chúa.”12 Họ sách động dân và các kỳ mục cùng kinh sư, rồi ập đến bắt ông và điệu đến Thượng Hội Đồng.13 Họ đưa mấy người chứng gian ra khai rằng: “Tên này không ngừng nói những lời phạm đến Nơi Thánh và Lề Luật.14 Vì chúng tôi đã nghe hắn nói rằng Giê-su người Na-da-rét sẽ phá hủy nơi này và thay đổi những tục lệ mà ông Mô-sê đã truyền lại cho chúng ta.”15 Toàn thể cử tọa trong Thượng Hội Đồng đều nhìn thẳng vào ông Tê-pha-nô, và họ thấy mặt ông giống như mặt thiên sứ.
Xh 18,17-23; Ds 27,16-18; 1 Tm 3,8-10
a. Số tín hữu gia tăng mỗi ngày một nhiều. Các Tông Đồ không thể lo chu đáo cho mọi người, nhất là trong các buổi hội họp. Vì thế các ông có sáng kiến tìm các trợ tá để giúp việc bác ái và phục vụ các buổi bẻ bánh. Chính các trợ tá, vì nhu cầu đón nhận Tin Mừng nơi dân ngoại, cũng trở thành những người phục vụ Lời, như ông Phi-líp-phê. Dân ngoại được đón nhận Tin Mừng. Đó là trường hợp của ông Co-nê-li-ô, của viên thái giám. Thời này có những nhà truyền giáo nổi tiếng: các ông Tê-pha-nô, Ba-na-ba, nhất là Sao-lô trở lại. Trình thuật về ông Tê-pha-nô như là bản lề của tiến trình truyền giáo trong giai đoạn này. Tin Mừng được quảng bá khắp các nước, thấm nhập vào mọi nền văn hóa, môi trường và các chủng tộc khác nhau. An-ti-ô-khi-a trở thành một trung tâm truyền giáo và là điểm xuất phát cho mọi cuộc truyền giáo sau này. An-ti-ô-khi-a là Giê-ru-sa-lem mới giữa dân ngoại.
b. Cộng đoàn lớn mạnh kéo theo những khó khăn. Các tín hữu do các môi trường văn hóa khác nhau nên có tâm lý rất khác nhau. Các Tông Đồ không thể bỏ nhiệm vụ hàng đầu (ưu tiên) là chủ tọa các buổi cầu nguyện, giáo huấn và giảng dạy. Do đó, khi chọn bảy trợ tá thay các Tông Đồ chăm sóc các bà góa, phân phối nhu cầu vật chất, các Tông Đồ đã đưa Hội Thánh sang một khúc quặt mới. Ở đây, người ta ghi nhận nghi thức đặt tay được coi như là chính thức tuyển chọn và trao sứ vụ cho một người phục vụ cộng đoàn.
c. Người Do-thái theo văn hóa Hy-lạp là người sinh ở nước ngoài, hay sống ở nước ngoài và nói tiếng Hy-lạp. Còn người Do-thái bản xứ sinh ở Pa-lét-tin, nói tiếng bản xứ (A-ram). Nhóm Hy-lạp đọc Kinh Thánh bằng tiếng Hy-lạp và có hội đường riêng; còn nhóm bản xứ đọc tiếng Híp-ri.
d. Một bằng chứng về sự chia rẽ ngay giữa các tín hữu gốc Do-thái giáo.
đ. Các Tông Đồ. Chỉ dùng một lần duy nhất trong Công vụ. Vì tầm quan trọng của sự việc, nên các Tông Đồ mới triệu tập tín hữu.
g. Số bảy là số hoàn hảo, viên mãn. Đây là bảy người theo văn hóa Hy-lạp. Như vậy, có thể nơi tín hữu bản xứ đã có những trợ tá người bản xứ. Chính vì các tín hữu theo văn hóa Hy-lạp kêu trách, nên mới chọn bảy người gốc Hy-lạp.
h. Điều kiện tuyển chọn này cần cho việc loan Tin Mừng hơn là phục vụ bàn ăn.
i. Cộng đoàn có trách nhiệm giới thiệu và đề nghị các ứng viên. Các Tông Đồ có quyền quyết định bổ nhiệm các ứng viên.
k. Thêm Thiên Chúa cho rõ nghĩa.
l. Danh sách này đều là người Hy-lạp. Ông Tê-pha-nô và ông Phi-líp-phê sẽ được tường thuật kế tiếp. Riêng ông Ni-cô-la, có người hoài nghi ông đứng đầu nhóm lạc giáo, sách Khải huyền 2,6 đã nhắc tới. Vấn đề này không chắc chắn. Có thể đó là sự trùng tên.
m. Trong Cựu Ước, nghi thức đặt tay ám chỉ sự thánh hiến hoặc chuyển quyền cho người khác, như trường hợp ông Mô-sê và ông Giô-suê (x. Ds 27,16-23; Đnl 34,9). Ở đây, các Tông Đồ đặt tay trên bảy người là trao quyền cho các ông giữa cộng đoàn.
n. Các tư tế này thuộc giới bình dân hơn là nhóm Xa-đốc. Họ sống bằng nghề lao động tay chân. Ở đây dùng kiểu nói Lời Thiên Chúa lớn lên để nói về sự phát triển của Hội Thánh, ví như Chúa Giê-su lớn lên ở Na-da-rét (Lc 2,40).
o. Ông Tê-pha-nô đương đầu với những người Do-thái theo văn hóa Hy-lạp. Ông loan báo Đức Giê-su cho họ. Nhưng họ từ chối đón nhận sứ điệp ông loan báo. Họ lại còn âm mưu bắt và giải ông đến Thượng Hội Đồng. Tác giả sách Công vụ có dụng ý đối chiếu cuộc tử đạo của ông Tê-pha-nô với cuộc Thương Khó của Đức Giê-su. Trước hết, ông Tê-pha-nô được diễm phúc giống Đức Giê-su những điều này: nhân chứng gian, đối chất với thượng tế, oai quyền trước cử tọa (6,15; 7,55), nhìn thấy Con Người ngự bên hữu Chúa Cha (x. Lc 22,68-70), cầu xin ơn tha thứ cho lý hình (7,60; x. Lc 23,34). Tuy nhiên, ông Tê-pha-nô khác với Đức Giê-su trong cuộc Thương Khó ở điểm này: ông đã giảng một bài rất dài tóm tắt lịch sử ơn cứu độ. Lịch sử này bắt đầu từ tổ phụ Áp-ra-ham, từ lời hứa cho đến ông Giu-se (cc. 7,2-16); lịch sử tiếp diễn trong thời kỳ xuất hành do ông Mô-sê được Thiên Chúa sai đến lãnh đạo dân (cc. 7,17-43). Qua lịch sử, Thiên Chúa chứng tỏ lòng trung thành của Người với dân; Người can thiệp mỗi khi dân gặp nguy hiểm (cc. 7,30-35). Thế mà dân quay lưng lại, thờ ngẫu tượng và theo một thứ tôn giáo sai lạc (cc. 7,39-43). Khi vào Đất Hứa, dân đã xây dựng Đền Thờ kính Thiên Chúa, nhưng lại thờ phượng Thiên Chúa một cách hình thức (cc. 7,44-50). Ông Tê-pha-nô kết thúc bài giảng bằng lời tố cáo tội ác của những người Do-thái đương thời ngồi xử ông. Ông quy trách nhiệm cho họ về cái chết của Đức Giê-su. Qua bài giảng, ông Tê-pha-nô nói vai trò của ông Mô-sê để gợi lên địa vị của Đức Ki-tô. Ông cho thấy Đức Giê-su Ki-tô đã lập một thứ tôn giáo tinh tuyền: Thiên Chúa không ở trong những nơi do tay người phàm làm ra; phải thờ phượng Người theo Thần Khí và Sự thật (x. Ga 4,23).
p. Ông Tê-pha-nô được quyền năng y như các Tông Đồ.
q. Có lẽ, họ là con cháu của những người Do-thái đã bị người Rô-ma bắt làm nô lệ thời Pôm-pê khoảng năm 63 tCN và nay được phóng thích.
r. ds: sự khôn ngoan và Thần Khí mà ông nói.
s. Giống như ông Phê-rô và ông Gio-an.
t. Trong vụ án Đức Giê-su, người ta đã tố cáo gian về tội phá hủy Đền Thờ. Ông Tê-pha-nô đồng số phận, nhưng thêm tội vi phạm luật Mô-sê.