2. TRONG LỊCH SỬ
Ca ngợi các bậc tổ tiên
1 Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân,
cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ.
2 Đức Chúa đã sáng tạo nên nhiều con người hiển hách
là các vĩ nhân từ những thuở xa xưa:
3 Có những người cai trị đất nước mình
và là những con người nổi danh về quyền lực;
có những người cố vấn nhờ trí thông minh;
có những người loan báo bằng các lời sấm.
4 Có những người lãnh đạo dân bằng các lời chỉ dẫn,
bằng tài dạy dỗ dân chúng và những lời giáo huấn khôn ngoan;
5 có những người sáng tác những điệu nhạc du dương,
viết ra những bài thơ bài phú;
6 có những người giàu sang, lắm quyền nhiều thế
sống bình an hòa thuận trong nhà.
7 Hết thảy đều được người đương thời khen ngợi,
được vẻ vang trong lúc sinh thời.
8 Trong các vị, có những người lưu danh hậu thế
cho người đời ca ngợi tán dương.
9 Có những người không còn ai nhớ nữa,
họ qua đi như chẳng bao giờ có,
họ sinh ra mà như chẳng chào đời
con cháu của họ cũng thế thôi!
10 Nhưng các vị sau đây là những người đạo hạnh,
công đức của các ngài không chìm vào quên lãng.
11 Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu
đó là lũ cháu đàn con.
12 Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước;
nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành.
13 Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại,
vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ.
14 Các ngài được mồ yên mả đẹp
và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế.
15 Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài
và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen.
Ông Kha-nốc
16 Ông Kha-nốc đẹp lòng Đức Chúa và đã được đưa đi.
Ông là tấm gương cho các thế hệ quay về với Thiên Chúa.
Ông Nô-ê
17 Ông Nô-ê được xem là người công chính vẹn toàn;
trong thời thịnh nộ, ông đã trở thành một chồi non:
nhờ có ông, mặt đất còn lại một số sót,
khi hồng thủy xảy ra.
18 Các giao ước vĩnh cửu đã được lập với ông
để không xác phàm nào còn bị hồng thủy tiêu diệt.
Ông Áp-ra-ham
19 Ông Áp-ra-ham là người cha vĩ đại của muôn dân tộc,
vinh quang của ông chẳng ai sánh tày.
20 Lề Luật của Đấng Tối Cao, ông hằng tuân giữ
và ông được giao ước với Người.
Nơi thân xác mình, ông đã lập giao ước,
trong cơn thử thách, ông được nhìn nhận là trung thành.
21 Vì thế, Người thề hứa với ông:
nhờ dòng dõi ông, các dân tộc được chúc lành.
Người gia tăng dòng dõi ấy nhiều như bụi đất,
tôn hậu duệ ông lên như những vì sao,
cho họ được hưởng phần gia nghiệp
từ biển này cho tới biển kia,
từ sông Cả đến tận cùng cõi đất.
Ông I-xa-ác và ông Gia-cóp
22 Với ông I-xa-ác, Người cũng bảo đảm như thế,
vì ông Áp-ra-ham, thân phụ của ông.
23 Phúc lành của mọi người cũng như giao ước,
Người đặt lên đầu ông Gia-cóp.
Người cho ông cũng được hưởng phúc lành
và ban cho ông xứ sở làm gia nghiệp.
Người chia thành nhiều phần
và phân phát cho mười hai chi tộc.
St 12,2; 17,4tt; Rm 4,1.13-18
St 12,3; 15,5; 22,18; Cv 3,25; Gl 3,8-9
m. Có thể nói lịch sử là lời ca ngợi Thiên Chúa trong các công trình Người đã thực hiện. Trong lời ca ngợi các bậc tổ tiên, ông Ben Xi-ra làm nổi rõ hai nét son chung của các ngài là khôn ngoan và đạo đức (43,33; 44,1).
n. Danh nhân ở đây cũng như ở 44,10, trong HR, tác giả dùng cùng một từ những người của Khe-xét, nghĩa là đạo hạnh, đạo đức, trung thành giữ Lề Luật. Từ đó mới có các “Kha-xi-đim” thời khởi nghĩa Ma-ca-bê (x. 1 Mcb 2,42; 7,13), tiền bối của nhóm Pha-ri-sêu sau này. Phải chăng đây là dấu hiệu cho thấy ông Ben Xi-ra cũng là một trong những người từ xa xưa đã gợi hứng cho nhóm đó và nhóm Ét-xê-nô? Sỡ dĩ dịch giả đã không chuyển kiểu nói Híp-ri sang Hy-lạp một cách chính xác, có lẽ vì thời của ông kiểu nói này đã mang nghĩa chuyên biệt rõ ràng chăng.
o. Có hai cách hiểu: có người cho rằng cc. 2-9 nói về các vĩ nhân ngoại giáo, mà tác giả Hc cho rằng danh thơm tiếng tốt của họ không thể sánh được với các bậc tổ tiên của dân Ít-ra-en (cc. 1 và 10 tt). Ý kiến khác nghĩ rằng tất cả chỉ nói về các vĩ nhân của Ít-ra-en mà thôi.
p. Tài dạy dỗ dân chúng, ds: tài dạy dỗ dân chúng nhờ trí thông minh. HR: Những nhà lãnh đạo nhờ có những tư tưởng sâu xa.
q. HR: Những người có tài ăn nói vì đã được đào tạo làm kinh sư. Việc đào tạo kinh sư này không nhất thiết ngụ ý rằng ở đây ông Ben Xi-ra đang nói đến Ít-ra-en rồi. Ở Ai-cập thời các Pha-ra-ô và ở Lưỡng Hà Địa việc đào tạo đó đã có một vị trí quan trọng. HR còn thêm một vế thơ nữa: “Những nhà cai trị trong chức vụ của họ”, hoặc: “Những người sáng tác châm ngôn nhờ các truyền thống của họ.”
s. HR: Niềm cậy trông của các ngài sẽ không dứt, theo đó thì hình như bản văn bộc lộ niềm tin tưởng có sự bất tử. Điều này lại không thấy xuất hiện trong HL.
t. HR hơi khác nghĩa: Tài sản của các ngài còn lại nơi dòng dõi các ngài, gia nghiệp các ngài nơi hậu duệ các ngài.
u. Thời tác giả Hc viết, trong văn chương khải huyền, nhân vật Kha-nốc đã trở thành người thân tín của Thiên Chúa và là người mặc khải những bí nhiệm của Người. (“Sách các bí mật của ông Kha-nốc”). HR: phép lạ về sự hiểu biết, mà có người cho là chính xác hơn, có lẽ ám chỉ các bí nhiệm đó. Tấm gương: động lực thúc đẩy trở về.
v. Chồi non: dịch theo HR (x. 48,8). HL: Người thay thế tức là đối tượng để đổi chác, hoặc người để hòa giải với thế gian. Ở đây tác giả áp dụng vào truyện ông Nô-ê đạo lý của các ngôn sứ về số sót, nơi xuất phát ơn cứu độ của Thiên Chúa (x. Is 4,3). Nhờ ông Nô-ê mà loài người tồn tại và tiếp tục triển nở.
x. X. St 9,9-17. HR: nhờ có giao ước của ông mà hồng thủy chấm dứt.
y. HL nói đến các giao ước thời ông Nô-ê theo bộ luật tư tế, trong khi HR chỉ nói tới một dấu hiệu vĩnh hằng là cầu vồng (St 9,12-13).
a. HR: Và ông không để một vết nhơ nào làm tỳ ố vinh quang của ông.
b. Ám chỉ đến St 17,24: ông Áp-ra-ham chịu cắt bì như dấu ấn của giao ước Thiên Chúa thiết lập với ông (St 17,10).
c. Ám chỉ St 22 về việc ông sẵn sàng sát tế I-xa-ác cho Thiên Chúa. Về lòng tin sắt đá của ông Áp-ra-ham, x. St 12,1; 15,6; 22,1; Gl 3,6-14; Rm 4,1-25.
d. XR viết: Ước gì Người làm cho dòng dõi ông thống trị các dân tộc. Theo bản văn này thì việc đề cao ở đây không chỉ là tăng số lượng mà còn nâng uy thế cho dòng dõi ông nữa.
đ. Hai biển ở đây là Biển Chết và Biển Trung. Sông Cả là sông Êu-phơ-rát. Tận cùng cõi đất gợi lên Tv 72,8 và Dcr 9,10 hơn là St 22,17 hoặc 15,18.
e. Phúc lành (Büräkâ) được một lời giặm bên lề thay bằng quyền trưởng nam (Bükörâ). Kiểu đọc này có lẽ mới đúng là nguyên thủy (x. St 25,29-34; 27,19-33), mặc dù St 27,33 cũng nói rõ ông Gia-cóp đã cướp được phúc lành.