Lời cầu xin cho được Đức Khôn Ngoan
1 “Lạy Thượng Đế của bậc tổ tiên,
lạy Đức Chúa từ bi lân tuất,
Chúa dùng lời Chúa mà tác thành vạn vật,
2 dùng sự khôn ngoan Chúa mà cấu tạo con người,
để con người làm chủ mọi loài Chúa dựng nên,
3 và sống sao cho thánh thiện công chính
mà chỉ huy cả vũ trụ này,
cùng được một tâm hồn ngay thẳng
mà phân biệt phải trái.
4 Xin rộng ban cho con
Đức Khôn Ngoan hằng ngự bên tòa Chúa.
Xin đừng đuổi con đi mà chẳng nhận làm con.
5 Vì thân này là tôi tớ, con của nữ tỳ Ngài,
số phận mỏng manh, cuộc đời vắn vỏi,
việc pháp đình lề luật, con bé bỏng hiểu chi!
6 Quả thế, con người ta dẫu thập toàn đi nữa
mà chẳng có Đức Khôn Ngoan của Ngài,
thì cũng kể bằng không không vậy.
7 Nhưng chính Chúa lại tuyển chọn con
làm vua của dân Ngài,
và làm người xét xử con trai con gái của Ngài.
8 Cũng chính Chúa dạy con
xây một đền thờ trên núi thánh của Ngài,
và xây một bàn thờ trong thành Ngài ngự,
theo như mẫu lều thánh
Ngài chỉ vẽ cho từ thuở ban đầu.
9 Đức Khôn Ngoan ở kề bên Chúa,
biết những việc Chúa làm,
hiện diện khi Ngài tạo thành vũ trụ,
biết rõ những gì đẹp mắt Chúa và phù hợp với huấn lệnh của Ngài.
10 Tự cõi trời thánh thiêng Chúa ngự,
xin gửi Đức Khôn Ngoan Ngài tới,
xin phái đến từ tòa cao vinh hiển,
để phù trì và đồng lao cộng khổ với con,
cho con biết điều đẹp ý Chúa.
11 Vì Đức Khôn Ngoan hiểu biết tất cả,
sẽ khôn khéo hướng dẫn con trong việc con làm,
lấy quyền năng vinh hiển mà gìn giữ con.
12 Nhờ thế, những gì con thực hiện sẽ làm vui lòng Chúa,
và con sẽ công minh xét xử dân Ngài
hầu xứng đáng với ngai vàng của thân phụ con.
13 Lạy Chúa, nào có ai biết được ý định của Thiên Chúa?
Nào có ai hiểu được Đức Chúa muốn điều chi?
14 Chúng con vốn là loài phải chết,
tư tưởng không sâu, lý luận không vững.
15 Quả vậy, thân xác dễ hư nát này khiến linh hồn ra nặng,
cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống
vì lo nghĩ trăm bề.
16 Những gì thuộc hạ giới,
chúng con đã khó mà hình dung nổi,
những điều vừa tầm tay,
đã phải nhọc công mới khám phá được,
thì những gì thuộc thượng giới,
có ai dò thấu nổi hay chăng?
17 Ý định của Chúa, nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời,
chính Ngài chẳng ban Đức Khôn Ngoan,
chẳng gửi thần khí thánh?
18 Chính vì thế mà đường lối người phàm được sửa lại cho thẳng,
cũng vì thế mà con người được dạy cho biết
những điều đẹp lòng Ngài,
và nhờ Đức Khôn Ngoan mà được cứu độ.”
2 Sm 7,13; 1 V 5,19; Hc 47,13
G 4,19; Is 38,12; Ga 3,6; Rm 7,14.25
h. Lời cầu xin này gồm ba đoạn (cc. 1-6; 7-12; 13-18), có bố cục đối xứng (1-6 với 7-12), và ba lần (4.10.17) nhắc đến chủ đề chính: xin phái Đức Khôn Ngoan tới. Lời cầu xin này cảm hứng một cách tự do lời cầu xin trong 1 V 3,6-9 và 2 Sb 1,8-10. Ở đây, vua Sa-lô-môn nói đến nhiều nét cụ thể khác về con người của ông (cc. 7-8.12), nhưng mở rộng ra, áp dụng vào con người nói chung, trong đó có cả ông (cc. 1-3; 5b-6; 13-18).
i. Tổ tiên là mọi bậc cha ông của dân Ít-ra-en, nhất là các tổ phụ (x. St 32,10; 2 Sb 20,6), dĩ nhiên cả vua Đa-vít nữa (x. 1 V 3,6; 1 Sb 28,9; 2 Sb 1,9).
k. Hơn là tuyển chọn ông Áp-sa-lôm, ông A-đô-ni-gia và các anh em khác của mình (x. 1 V 1; 1 Sb 28,5-6).
l. Núi thánh: núi Mô-ri-gia, nơi Đức Chúa đã có lúc tỏ mình cho ông Áp-ra-ham khi ông hiến tế ông I-xa-ác (x. St 22,2).
Theo như mẫu: mẫu ở đây vừa liên quan đến Đền Thờ vừa liên quan đến bàn thờ (đây là bàn thờ để dâng lễ toàn thiêu, ai ai cũng nhìn thấy, 1 V 8,22.54.62-64). Người ta cho rằng lều thánh do Thiên Chúa đích thân chuẩn bị hoặc là Đền Thờ thiên quốc của Thiên Chúa (x. Tv 18,7; 96,6; Hr 8,2; 9,11; Kh 3,12), hoặc là được đồng hóa với Giê-ru-sa-lem (x. Xh 15,17; 1 Sb 28,19), hoặc với thánh điện thời Xuất Hành (x. Hc 24,10) được thực hiện theo mẫu Thiên Chúa ban (x. Xh 25,9.40; Cv 7,44; Hr 8,5).
m. Quyền năng vinh hiển, ds: vinh quang. Vinh quang ở đây hiểu là sức mạnh, quyền năng (x. Rm 6,4). Hoặc có thể dịch: Đức Khôn Ngoan sẽ gìn giữ con trong vinh quang của Đức Khôn Ngoan bằng cách dẫn dắt con theo ánh sáng của Đức Khôn Ngoan (x. Is 60,1-3; Br 5,7.9), hoặc bằng cách bao bọc con bằng một đám mây che chở (x. Hc 14,27).
n. Từ ngữ được dùng trong câu này nhắc đến sự đối chọi, trong triết học Hy-lạp, giữa thân xác với linh hồn hoặc tâm trí (x. Rm 7,25). Tuy nhiên, tác giả coi việc linh hồn kết hợp với thân xác là chuyện bình thường, không hề có vấn đề thân xác là nhà tù cầm giữ linh hồn (x. 1,4; 8,19-20; 15,8.11.16; 16,14). Trong Cựu Ước, hình ảnh cái lều nói lên tính cách mau qua của cuộc sống con người (x. G 4,21; Is 33,20; 38,12). Bằng đất có thể nhắc đến G 4,19 hoặc St 2,7. Trong Tân Ước, x. 2 Cr 4,7; 5,1-4; 2 Pr 1,13-14 và cả Ga 5,17; Rm 7,14-15.
o. Được cứu khỏi những hiểm nguy ở đời này hoặc trong đời sống thiêng liêng. Tác giả dùng lời khẳng định này để kết thúc lời cầu nguyện của vua Sa-lô-môn và cũng là để chuyển sang phần thứ ba. Trong phần thứ ba này, lời xác quyết của tác giả được chứng minh một cách cụ thể bằng lịch sử của Ít-ra-en.