IV. LUẬT VỀ SỰ THÁNH THIỆN
Sát sinh. Các lễ vật.
1 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê rằng:
2 “Hãy nói với A-ha-ron, với các con nó cùng toàn thể con cái Ít-ra-en, và bảo chúng: Đây là lời ĐỨC CHÚA truyền:
3 Bất cứ người đàn ông nào thuộc nhà Ít-ra-en giết bò, chiên, hoặc dê trong trại, hay giết ngoài trại,4 mà không mang con vật đến cửa Lều Hội Ngộ để dâng làm lễ tiến cho ĐỨC CHÚA trước Nhà Tạm ĐỨC CHÚA, thì nó sẽ chịu trách nhiệm về máu ấy: nó đã đổ máu, nó sẽ bị khai trừ khỏi dân nó.5 Như vậy, con cái Ít-ra-en sẽ mang đến những hy lễ mà chúng tế ở ngoài đồng; chúng sẽ mang đến cho tư tế, để dâng ĐỨC CHÚA, ở cửa Lều Hội Ngộ, và chúng sẽ tế dâng ĐỨC CHÚA làm hy lễ kỳ an.6 Tư tế sẽ rảy máu trên bàn thờ ĐỨC CHÚA ở cửa Lều Hội Ngộ, và sẽ đốt mỡ cho cháy nghi ngút thành hương thơm làm vui lòng ĐỨC CHÚA.7 Chúng sẽ không còn tế dâng các hy lễ của chúng cho các thần dê, những thần chúng chạy theo mà làm điếm. Đó là quy tắc vĩnh viễn cho chúng, cho các thế hệ của chúng.
8 Ngươi hãy bảo chúng: bất cứ người nào, thuộc nhà Ít-ra-en hoặc trong số ngoại kiều sống giữa chúng, dâng lễ toàn thiêu hay hy lễ,9 mà không đem đến cửa Lều Hội Ngộ để dâng lên ĐỨC CHÚA, thì người ấy sẽ bị khai trừ khỏi dòng họ.
10 Bất cứ người nào thuộc nhà Ít-ra-en hoặc trong số ngoại kiều sống giữa chúng, ăn bất cứ thứ huyết nào, thì Ta sẽ quay mặt lại phạt kẻ ăn huyết và sẽ khai trừ khỏi dân nó;11 vì mạng sống của xác thịt thì ở trong máu, và Ta, Ta đã ban máu cho các ngươi, trên bàn thờ, để cử hành lễ xá tội cho mạng sống các ngươi. Thật vậy, máu xá tội được vì nó là mạng sống.12 Vì thế, Ta đã bảo con cái Ít-ra-en: Không một ai trong các ngươi được ăn huyết, ngoại kiều sống giữa các ngươi cũng không được ăn huyết.
13 Bất cứ người nào, thuộc con cái Ít-ra-en hoặc trong số ngoại kiều sống giữa chúng, săn được một con thú hoặc một con chim được phép ăn, thì phải đổ máu nó ra và lấy bụi đất phủ lên;14 vì mạng sống của mọi xác thịt là máu nó bao lâu nó còn sống, và Ta đã bảo con cái Ít-ra-en: Các ngươi không được ăn huyết của bất cứ xác thịt nào, vì mạng sống của mọi xác thịt là máu nó; bất cứ ai ăn huyết sẽ bị khai trừ.
15 Phàm người nào, dù là người bản xứ hay ngoại kiều, ăn con vật chết hay bị xé, sẽ phải giặt áo, lấy nước mà tắm rửa, và sẽ ra ô uế cho đến chiều, rồi nó sẽ được thanh sạch.16 Nếu nó không giặt áo và tắm rửa thân thể, nó sẽ phải mang lấy tội mình.”
Xh 22,30; Đnl 14,21; Ed 4,14
q. Có những điểm tương đồng rõ rệt giữa “luật về sự thánh thiện” (ch. 17–26) với một số sấm ngôn của ông Ê-dê-ki-en. Có lẽ đây là công thức những luật giao ước áp dụng tại Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Những luật này phản ảnh tình trạng kinh tế xã hội của vương quốc Giu-đa vào những thế kỷ cuối cùng của nó. Phần cốt yếu của bản văn có thể lên tới thời vua Giô-si-gia-hu (640-609 tCN) hoặc sớm nữa. Dầu sao thì bản văn cũng đã trải qua nhiều đợt biên soạn và đã được hiệu đính đáng kể khi được đưa vào luật tư tế.
Sự thánh thiện là một trong những ý niệm chính của Lv và của cả Cựu Ước, bao gồm tất cả mầu nhiệm khôn dò khôn thấu về Thiên Chúa siêu việt, tuyệt đối khác mọi vật, không thể hiểu thấu, không diễn tả nổi, Đấng hoàn toàn duy nhất, bất khả cập đối với con người. Nhưng Đấng siêu việt ấy lại để cho con người đến với mình; sự thánh thiện của Người được thông ra cho con người: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 19,2), nghĩa là Ít-ra-en phải là dân dành riêng cho Thiên Chúa, sống khác các dân ngoại về ý thức được mình tuyển chọn và về đời sống luân lý. Từ đó, tất cả những gì liên quan tới sự hiện diện của Thiên Chúa đều được đánh giá là thánh, nghĩa là tách ra khỏi cái chung chung, được hiến dâng cho Thiên Chúa để phụng thờ và thi hành ý muốn của Người: người, vật, thời gian, nơi chốn.
r. Người xưa coi máu là cơ quan của sự sống (c. 14; x. St 9,4), mà sự sống thuộc quyền Thiên Chúa. Do đó: 1- không được ăn máu (cc. 10.12-14; x. 3,17); ăn máu là phạm tới quyền sinh sát của Thiên Chúa đối với các vật; 2- không được đổ máu bừa bãi, hạ súc vật là một hành vi tôn giáo, một hy lễ cho Thiên Chúa (cc. 5-7); 3- không được đổ máu đâu cũng được, nhưng phải là gần nơi thờ phượng (cc. 3-4.8-9); 4- con vật bị giết khi săn không thích hợp cho việc tế lễ, thì phải làm nghi thức cho máu nó đổ xuống đất rồi lấy đất lấp kín đi (c. 13). Theo truyền thống tư tế, những điều quy định này nằm trong viễn ảnh một Ít-ra-en sống trong sa mạc, chung quanh Lều Hội Ngộ. Còn trong Đnl (12,13-28), với Ít-ra-en đang tản mát khắp xứ Ca-na-an thì có khác biệt giữa hy lễ đúng nghĩa, phải dâng trong thánh điện duy nhất ở trung ương và việc hạ súc vật thông thường, làm ở bất cứ đâu.
s. Thần dê được coi là cứ lảng vảng ở những nơi hoang vắng và đổ nát (Is 13,21; 34,14). A-da-dên được xếp vào loại đó (x. 16,8+). Ở đây và 2 Sb 11,15 các thần ngoại được gọi bằng từ này một cách khinh bỉ: thần có hình súc vật.
t. Kiểu nói quen thuộc trong Cựu Ước để chỉ tội thất trung với Thiên Chúa mà tôn thờ hư thần. Ý nghĩa tượng trưng của việc làm điếm này đầu tiên là do ngôn sứ Hô-sê nêu lên (Hs 1-3).
u. Vai trò của máu trong hy lễ xá tội được giải thích hai cách: có người cho điều chính là giết con vật thay mạng người có tội; người khác lại nghĩ điều cốt yếu là để cho máu, tức là sự sống, đụng tới bàn thờ hoặc nắp xá tội (x. Xh 25,17), có lẽ để chỉ rằng giữa Thiên Chúa hằng sống và con người có tội đã có hiệp thông trở lại.