Chương 4 - Sách Ma-ca-bê 2
IV. VIỆC TRUYỀN BÁ VĂN HÓA HY-LẠP. CUỘC BÁCH HẠI DƯỚI TRIỀU AN-TI-Ô-KHÔ Ê-PI-PHA-NÊ.
Tội ác của viên quản lý Si-môn
1 Ông Si-môn được nói đến ở trên là người trước kia đã tiết lộ kho tàng và phản bội tổ quốc, lúc này lại vu khống thượng tế Ô-ni-a, coi thượng tế như người đã ngược đãi ông Hê-li-ô-đô-rô và gây ra các tai họa.2 Ông Si-môn dám gọi vị ân nhân của thành phố, người bảo vệ đồng bào, người nhiệt thành với Lề Luật là kẻ mưu phản.3 Hận thù ngày càng gia tăng, đến nỗi một trong số những người được ông Si-môn tin cậy đã phạm tội sát nhân.4 Thượng tế Ô-ni-a nhận thấy cuộc tranh chấp thật là nguy hiểm và sự ủng hộ của ông A-pô-lô-ni-ô, con ông Mê-nét-thê-ô, tướng chỉ huy miền Coi-lê Xy-ri và Phê-ni-xi càng làm cho ông Si-môn thêm độc ác,5 nên thượng tế Ô-ni-a đến yết kiến nhà vua, không phải để tố cáo đồng bào mình, nhưng vì lợi ích chung của toàn dân và riêng cho mỗi người.6 Quả thật, thượng tế thấy rõ nếu nhà vua không can thiệp, thì đất nước không thể hưởng bình an, và ông Si-môn chẳng bỏ được tính ngông cuồng.
Thượng tế Gia-xon du nhập văn hóa Hy-lạp
7 Khi vua Xê-lêu-cô băng hà và vua An-ti-ô-khô biệt danh là Ê-pi-pha-nê nắm quyền cai trị vương quốc, thì ông Gia-xon, em của ông Ô-ni-a, lăm le đoạt chức thượng tế.8 Nhân một buổi yết kiến vua, ông hứa nộp cho vua mười ngàn ký bạc và thêm hai ngàn bốn trăm ký lấy từ nguồn lợi khác;9 ngoài ra ông còn hứa sẽ nộp bốn ngàn năm trăm ký bạc nữa, nếu ông được phép dùng quyền riêng thiết lập một thao trường và một trung tâm huấn luyện thanh niên, cùng lập danh sách những người ở Giê-ru-sa-lem phò vua An-ti-ô-khô.10 Được nhà vua chấp thuận, lại có quyền trong tay, ông Gia-xon liền cưỡng bách đồng bào sống theo lối Hy-lạp.11 Ông cũng bãi bỏ các đặc quyền nhà vua đã ban cho người Do-thái vì lòng nhân đạo, nhờ hoạt động của ông Gio-an, cha của ông Êu-pô-lê-mô, người sau này được cử làm đại sứ ký kết hòa ước hữu nghị và liên minh với người Rô-ma. Ông còn hủy bỏ các tổ chức hợp pháp và lập ra các tục lệ mới trái với Lề Luật.12 Quả vậy ông lấy làm thích thú xây dựng một thao trường ngay dưới chân đồi Ắc-rô-pô-li và đưa các học viên ưu tú của trường huấn luyện thanh niên thuộc quyền ông tới thao luyện.13 Lúc ấy, có Gia-xon, một con người đầy gian ác, một tên vô đạo, không phải là thượng tế. Nhờ ông ta mà văn hóa Hy-lạp đạt tới cao điểm và phong tục ngoại giáo phát triển tràn lan,14 đến nỗi các tư tế không còn hăm hở phục vụ bàn thờ nữa, nhưng lại coi khinh Đền Thờ, chểnh mảng trong việc dâng hy lễ; nên khi vừa nghe có tiếng ném đĩa báo hiệu là họ vội vàng đến đấu trường tham dự trò chơi trái với Lề Luật.15 Các tư tế không còn đếm xỉa gì đến danh dự quốc gia, mà lại rất mực ham chuộng vẻ huy hoàng của văn hóa Hy-lạp.16 Chính vì thế, họ lại phải rơi vào hoàn cảnh khó khăn, vì những kẻ mà họ cố theo đòi bắt chước cách ăn thói ở và muốn được nên giống về mọi mặt, lại trở nên kẻ thù và người đàn áp họ.17 Hành động ngạo ngược chống Luật Thiên Chúa đâu phải chuyện thường. Đó là điều giai đoạn sau sẽ chứng minh.
18 Trong cuộc đại hội thể dục thể thao, tổ chức bốn năm một lần ở Tia, có nhà vua hiện diện,19 ông Gia-xon, một người đê tiện đã cử một phái đoàn khán giả với tư cách là những người phò vua An-ti-ô-khô từ Giê-ru-sa-lem đến mang theo ba trăm quan tiền để dâng lễ kính thần Hê-rắc-lê. Nhưng các người mang tiền xin đừng dùng số bạc ấy để tế lễ, vì việc đó không thích hợp, mà lại xin dùng vào một khoản khác.20 Vậy số bạc ấy lẽ ra phải được dùng vào việc dâng lễ kính thần Hê-rắc-lê, theo ý người gửi, nhưng do lời yêu cầu của những người mang tiền, người ta lại đem dùng vào việc đóng tàu chiến.
Vua An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê được hoan nghênh ở Giê-ru-sa-lem
21 Ông A-pô-lô-ni-ô, con ông Mê-nét-thê-ô, được cử làm khâm sai sang Ai-cập dự lễ đăng quang của vua Pơ-tô-lê-mê Phi-lô-mê-tô. Khi được biết vua Phi-lô-mê-tô chống đối đường lối chính trị của mình, vua An-ti-ô-khô không tỏ ra bận tâm về an ninh của chính mình, nên đích thân đến Gia-phô, rồi đến Giê-ru-sa-lem.22 Vua được ông Gia-xon và thành phố nghênh đón rất trọng thể. Vua tiến vào thành phố giữa hội hoa đăng và tiếng hò reo vang trời dậy đất; sau đó vua dẫn đoàn quân đến đóng trại ở Phê-ni-xi.
Ông Mê-nê-la-ô làm thượng tế
23 Ba năm sau ông Gia-xon sai ông Mê-nê-la-ô, em ông Si-môn, đem tiền bạc dâng cúng nhà vua và hoàn thành công việc thương lượng những vấn đề cần thiết.24 Khi được vào chầu vua, ông Mê-nê-la-ô xử sự khéo léo như một nhân vật quan trọng đến nỗi đã chiếm được cảm tình của vua. Ông lại còn dâng cho vua số bạc trội hơn số bạc của ông Gia-xon chín ngàn ký, nên đã đoạt chức thượng tế.25 Nhận được sắc chỉ của vua, ông trở về; ông chẳng có gì xứng với chức thượng tế, mà chỉ có bộ mặt đằng đằng sát khí của tên bạo chúa và những cơn giận lồng lộn của con thú dữ.26 Và như vậy ông Gia-xon đã mưu mô đoạt chức thượng tế của anh mình, thì giờ đây lại bị người khác mưu mô đoạt mất, nên bó buộc phải trốn sang miền Am-ma-ni-tít.27 Còn ông Mê-nê-la-ô tuy là người có thực quyền, nhưng lại không nộp số bạc như đã hứa với vua.28 Vì thế ông Xốt-ra-tô, vị chỉ huy đồi Ắc-rô-pô-li, lên tiếng khiếu nại, vì chính ông có bổn phận thu thuế. Do đó, cả hai đã bị vua triệu hồi.29 Ông Mê-nê-la-ô để cho em là ông Ly-xi-ma-khô làm thượng tế thay mình, còn ông Cơ-ra-tê, thủ lãnh người đảo Sýp, thay thế ông Xốt-ra-tô.
Thượng tế Ô-ni-a bị ám sát
30 Trong thời gian ấy, dân Tác-xô và Ma-lốt nổi loạn, vì hai thành này được tặng cho bà An-ti-ô-khít, cung nữ của vua.31 Vậy vua hối hả đi dàn xếp việc này, trao quyền nhiếp chính cho một quan đại thần là ông An-rô-ni-cô.32 Ông Mê-nê-la-ô tưởng là nắm được cơ hội thuận tiện nên đã ăn cắp một ít đồ bằng vàng của Đền Thờ đem biếu ông An-rô-ni-cô; ông cũng may mắn bán được một số đồ khác ở Tia và các thành lân cận.33 Thượng tế Ô-ni-a biết rõ các điều ấy liền khiển trách ông Mê-nê-la-ô, sau khi đã rút vào nơi trú ẩn an toàn ở Đáp-nê, gần An-ti-ô-khi-a.34 Bởi thế, ông Mê-nê-la-ô đi gặp riêng ông An-rô-ni-cô và hối thúc ông này ra tay hạ sát ông Ô-ni-a. Vậy ông An-rô-ni-cô đến gặp ông Ô-ni-a, dùng mưu trấn an, giơ tay phải lên thề. Tuy ông Ô-ni-a có nghi ngờ, nhưng ông An-rô-ni-cô cũng đã thuyết phục được ông ra khỏi nơi trú ẩn an toàn. Lập tức ông thủ tiêu ông Ô-ni-a, chẳng kể gì công lý.35 Chính vì thế, không những người Do-thái mà cả nhiều người ngoại bang cũng phẫn uất và bất bình về tội sát hại của con người ấy.
36 Khi vua từ các miền thuộc xứ Ki-li-ki-a trở về, các người Do-thái trong thành và cả những người Hy-lạp vốn ghét tội ác đều đến gặp vua, vì ông Ô-ni-a đã bị sát hại vô lý.37 Vua An-ti-ô-khô rất đỗi ưu phiền, vua động lòng trắc ẩn, khóc thương người quá cố đầy khôn ngoan và giàu đức độ.38 Vua đùng đùng nổi giận, bắt lột ngay áo vải điều An-rô-ni-cô đang mặc, truyền xé rách xiêm y, rồi dẫn đi khắp thành phố, cho đến chính nơi ông ta đã phạm tội sát hại ông Ô-ni-a, và tại đó vua đã cho tên sát nhân lìa đời. Thế là Đức Chúa đã giáng cho ông ta một hình phạt đích đáng.
Ly-xi-ma-khô bị giết trong cuộc nổi loạn
39 Đã xảy ra nhiều vụ ăn trộm của Đền Thờ trong thành phố, do ông Ly-xi-ma-khô chủ mưu và ông Mê-nê-la-ô đồng lõa. Tin đồn lan ra ngoài, dân chúng hùa nhau chống lại ông Ly-xi-ma-khô. Nhiều đồ vật bằng vàng đã bị lấy mất.40 Khi thấy dân chúng nổi dậy, lòng đầy căm phẫn, ông Ly-xi-ma-khô vũ trang cho khoảng ba ngàn người. Ông ra lệnh cho chúng đàn áp dã man, dưới quyền chỉ huy của tên Au-ra-nô, tuổi tuy cao nhưng tính ngông cuồng lại chẳng kém.41 Thấy ông Ly-xi-ma-khô tấn công, dân chúng người thì lượm đá, kẻ thì cầm gậy, một số người bốc tro có sẵn ở đấy, ném loạn xạ vào quân của ông Ly-xi-ma-khô.42 Vì thế, họ làm cho nhiều người trong bọn chúng bị thương, một số chết và khiến những tên còn sót lại phải đào tẩu: còn chính tên ăn cắp của Đền Thờ thì bị hạ sát ngay bên cạnh kho tàng.
Ông Mê-nê-la-ô bị kiện nhưng được tha
43 Người ta truy tố ông Mê-nê-la-ô về những việc ấy.44 Khi vua An-ti-ô-khô đến Tia, ba sứ giả được hội đồng kỳ mục cử đi buộc tội ông ta.45 Ông Mê-nê-la-ô biết mình thua cuộc, nên hứa tặng ông Pơ-tô-lê-mai, con ông Đô-ry-mê-nê, một số tiền lớn, để ông ta can thiệp với nhà vua.46 Thế là ông Pơ-tô-lê-mai đưa vua ra ngoài hành lang như để hóng mát và ông ta đã làm cho nhà vua thay đổi ý kiến.47 Nhà vua tha cho ông Mê-nê-la-ô, người đã gây ra tất cả các tội ác, khỏi bị tố cáo, nhưng lại kết án tử hình những người đáng thương ấy - giả như họ có biện hộ cho mình trước dân man di, thì cũng được tha về trắng án.48 Vậy những người biện hộ cho thành, cho dân và các đồ thờ phượng đã phải lãnh ngay một bản án bất công.49 Chính vì vậy, cả dân thành Tia vốn ghét tội ác cũng đã lo mai táng họ hết sức trọng thể.50 Còn ông Mê-nê-la-ô, dựa vào bọn cường quyền tham nhũng mà vẫn tại chức, mỗi ngày một thêm độc ác và trở nên kẻ thù nguy hiểm của đồng bào.