Cuộc chiến thời cánh chung. Vẻ huy hoàng của Giê-ru-sa-lem.
1 Này đây, hỡi Giê-ru-sa-lem, sẽ đến ngày của ĐỨC CHÚA, khi người ta đem chia của cải của ngươi ở giữa ngươi.2 Ta sẽ tập hợp mọi dân tộc về Giê-ru-sa-lem để giao chiến, thành sẽ thất thủ, nhà cửa bị cướp phá, phụ nữ bị hãm hiếp; một nửa dân thành sẽ phải đi lưu đày, nhưng số dân sót lại sẽ không bị đuổi ra khỏi thành.3 Bấy giờ, ĐỨC CHÚA sẽ tiến ra và chiến đấu đánh lại các dân tộc ấy như ngày Người chiến đấu trong thời giao tranh.4 Ngày ấy, Người sẽ dừng chân trên núi Ô-liu, đối diện với Giê-ru-sa-lem về phía đông. Núi Ô-liu sẽ chẻ ra ở giữa, từ đông sang tây, làm thành một thung lũng rộng lớn; một nửa quả núi sẽ lui về phía bắc và một nửa về phía nam.5 Các ngươi sẽ chạy trốn qua thung lũng giữa các núi của Ta, vì thung lũng giữa các núi chạy dài tới A-xan. Các ngươi sẽ trốn thoát như đã trốn thoát cơn động đất thời Út-di-gia làm vua nước Giu-đa. Rồi ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của tôi, sẽ đến, cùng với toàn thể các thánh của Người.
6 Ngày ấy, sẽ chẳng có ánh sáng, nhưng chỉ có lạnh lẽo và giá buốt.7 Sẽ chỉ còn là một ngày độc nhất –duy một ĐỨC CHÚA biết– không còn phân biệt ngày với đêm, ngay lúc hoàng hôn vẫn có ánh sáng.8 Ngày ấy, nước mạch sẽ chảy ra từ Giê-ru-sa-lem; một nửa chảy ra Biển Đông, một nửa chảy ra Biển Tây: sẽ xảy ra như vậy trong cả mùa đông lẫn mùa hè.9 Bấy giờ, ĐỨC CHÚA sẽ là vua cai trị toàn cõi đất; ngày ấy, ĐỨC CHÚA sẽ là Đức Chúa duy nhất và Danh Người là Danh duy nhất.10 Tất cả xứ sẽ nên như đồng bằng, từ Ghe-va tới Rim-môn, phía nam Giê-ru-sa-lem. Giê-ru-sa-lem sẽ được nhắc lên cao và ở nguyên tại chỗ, từ cổng Ben-gia-min cho đến tận cổng Xưa, đến tận cổng Góc, và từ tháp Kha-nan-ên cho đến tận bồn ép nho của nhà vua.11 Người ta sẽ cư ngụ tại đó, sẽ không còn án tru hiến nữa và Giê-ru-sa-lem sẽ được sống yên hàn.
12 Và đây sẽ là tai ương ĐỨC CHÚA giáng xuống mọi dân nước đã dấy binh chống lại Giê-ru-sa-lem. Người sẽ làm cho thịt chúng rữa ra ngay khi chúng còn đang đứng vững; mắt chúng sẽ rữa trong hốc mắt và lưỡi chúng sẽ rữa trong miệng.15 Ngựa, la, lạc đà, lừa và mọi súc vật trong các trại cũng sẽ gặp phải một tai ương giống như tai ương kia.13 Ngày ấy ĐỨC CHÚA sẽ gây ra giữa chúng một nỗi hoảng sợ lớn lao; người này sẽ túm lấy tay người kia và giơ tay đe dọa lẫn nhau.14 Cả Giu-đa cũng sẽ đến Giê-ru-sa-lem để chiến đấu, và sẽ thu lấy tài sản của mọi dân tộc chung quanh: vàng, bạc và vô số y phục.
16 Sau đó, mọi người còn sót lại từ mọi dân tộc đã tiến đánh Giê-ru-sa-lem, hằng năm sẽ lên thờ lạy Đức Vua, tức là ĐỨC CHÚA các đạo binh, và mừng lễ Lều.17 Thị tộc nào trong các thị tộc trên cõi đất không lên Giê-ru-sa-lem thờ lạy Đức Vua, tức là ĐỨC CHÚA các đạo binh, thì sẽ không có mưa cho chúng.18 Nếu thị tộc Ai-cập không lên và không đến thì nó sẽ phải chuốc lấy tai ương mà ĐỨC CHÚA đã giáng xuống các dân tộc không lên mừng lễ Lều.19 Đó sẽ là án phạt dành cho Ai-cập và án phạt dành cho mọi dân tộc không lên mừng lễ Lều.
20 Ngày ấy trên lục lạc ngựa sẽ có ghi: “Thánh hiến cho ĐỨC CHÚA” và các nồi niêu trong Nhà ĐỨC CHÚA sẽ được xem như những chiếc bình rảy ở trước bàn thờ.21 Mọi nồi niêu ở Giê-ru-sa-lem và ở Giu-đa sẽ được thánh hiến cho ĐỨC CHÚA các đạo binh. Tất cả những người dâng hy lễ sẽ đến lấy những nồi niêu đó mà nấu nướng. Ngày ấy, sẽ không còn lái buôn trong Nhà ĐỨC CHÚA các đạo binh nữa.
Đnl 33,2-3; Mt 16,27; Gđ 14
Đnl 33,26; Tv 22,28-29; Đn 2,44; Kh 11,15
Đnl 33,28; Gr 31,40; Kh 22,2
v. Chương cuối cùng này mô tả cuộc chiến thời cánh chung và Giê-ru-sa-lem trở nên nơi các dân tộc đến thờ lạy Đức Chúa. Toàn thể xứ Giu-đa được thánh hóa. Cc. 1-5 mô tả cuộc chiến và đau khổ thời cánh chung Giê-ru-sa-lem phải gánh chịu. Cc. 6-11 cuộc chiến chấm dứt và thời đại (thế hệ) mới khởi đầu. Cc. 12-15 hình phạt dành cho những nước gây chiến chống lại Giê-ru-sa-lem. Cc. 16-21 Giê-ru-sa-lem là trung tâm quy tụ các dân tộc thờ phượng Chúa.
x. Thêm Giê-ru-sa-lem cho dễ hiểu, vì mạch văn nói trống ngôi thứ hai, số ít, giống cái.
y. Ngày Đức Chúa đến viếng thăm hoặc để trừng phạt, hoặc để thưởng công. Ở đây theo nghĩa trừng phạt.
a. Đức Chúa dùng các nước để thanh lọc Giê-ru-sa-lem. May mắn còn lại nửa dân.
b. Mô tả quang cảnh thay đổi thời cánh chung.
c. Vị trí A-xan: đông bắc Giê-ru-sa-lem, gần WadiYasoul, xuất phát chảy từ suối Kít-rôn.
d. X. Am 1,1. Vua Út-di-gia cai trị Giu-đa từ 781-740 tCN, là vua thứ mười của Giu-đa.
đ. Cc. 6-11: cảnh trí thay đổi. Giê-ru-sa-lem và Giu-đa biến đổi hình thể: không còn mùa, không phân biệt ngày đêm, không còn hạn khô. Giê-ru-sa-lem trổi vượt hơn cả xứ đã thành đồng bằng và được sống yên hàn. Đức Chúa sẽ là vua cai trị toàn cõi đất.
e. Dịch theo LXX. HR tối nghĩa.
g. X. Ed 47,1-12. Biển Đông là Biển Chết; Biển Tây là Địa Trung Hải, nhờ nước mạch chảy quanh năm, sẽ không còn khô hạn mùa nắng, cũng không còn nước lũ vào mùa thu hay mùa đông.
h. Vào thời cánh chung, Đức Chúa sẽ là vua toàn cõi đất, dĩ nhiên Giê-ru-sa-lem phải là nơi Người ngự.
i. Cc. 10-11: Giê-ru-sa-lem được mở rộng, bao quát một không gian lớn lao. Ch�� một mình Giê-ru-sa-lem trổi vượt giữa đồng bằng rộng bát ngát.
k. Ghe-va cách Giê-ru-sa-lem về phía bắc khoảng 10 km, nằm ở biên giới giữa Giu-đa và Ben-gia-min. Rim-môn trong miền Ne-ghép, cách 15 km đông bắc Bơ-e Se-va.
l. Cổng Ben-gia-min nằm phía bắc tường thành bao quanh. Cổng Xưa là cổng Giơ-sa-na trong Nkm 3,6. Cổng Góc nằm ở phía cực tây tường thành bao quanh. Tháp Kha-nan-ên gần góc đông bắc tường thành bao quanh. Bồn ép nho trong vườn cung điện, phía cực đông nam của thành.
m. Án tru hiến khác với án biệt hiến. Khi chiến thắng một thành hay một nước, người ta theo lệnh Đức Chúa phải hủy diệt tất cả người, súc vật, đồ vật, cây cỏ trong thành bị chiếm: đó là án tru hiến. Còn án biệt hiến: không hủy diệt hết, mà dành một phần chiến lợi phẩm dâng cho Nhà Đức Chúa.
n. Cc. 12-15 mô tả sự hủy diệt các nước đã gây chiến với Giê-ru-sa-lem.
o. Đặt c. 15 sau c. 12 cho ý tưởng đồng nhất. Người và súc vật tham chiến đều bị chung một hình phạt nặng nề: thịt rữa thối.
p. Giu-đa liên minh với Giê-ru-sa-lem, chứ không chống lại Giê-ru-sa-lem.
q. Cc. 16-19 nói đến số phận của quân thù còn sống sót: kẻ nào lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Đức Chúa sẽ được yên thân. Kẻ nào không lên sẽ chuốc lấy tai họa.
r. Lên: về phương diện địa lý: vì Giê-ru-sa-lem ở trên ngọn núi Xi-on. Về phương diện thần học: chỉ một mình Đức Chúa là Đức Chúa duy nhất và Danh Người là Danh duy nhất (c. 9), thời cánh chung không còn một thần nào khác.
s. Lễ này được mừng vào khoảng tháng mười, vào cuối năm nông nghiệp. Lễ này cũng là lễ tạ ơn (x. Xh 23,16; Đnl 16,13-15). Dần dần ý nghĩa ngày lễ phong phú hơn: mừng quyền thống trị của Thiên Chúa sáng tạo, vương quyền của Người trên vũ trụ. Thời Da-ca-ri-a, lễ Lều trở nên bình dân nhất trong năm (x. Nkm 8,13-18). Lễ Lều giúp dân tưởng nhớ cuộc xuất hành thời ông Mô-sê.
t. Dịp lễ Lều người ta cầu mưa trong suốt bảy ngày. Mưa là dấu chỉ Đức Chúa đoái thương dân Người. Mưa thuận gió hòa, mùa màng phong nhiêu là ước muốn của nhà nông. Đức Chúa là Chúa Tể trời đất.
u. Cc. 20-21: Thánh hóa toàn xứ sở: người và các đồ vật dùng vào việc thờ tự, kể cả đồ vật phàm tục nhất như lục lạc ngựa.
v. Theo Ed 46,19-24, việc sử dụng nồi niêu chỉ dành cho các tư tế hay Lê-vi. Thời cánh chung, tất cả những ai dâng hy lễ đều có thể sử dụng các nồi niêu đã thánh hiến cho Đức Chúa.
x. Vì tất cả đã thánh hiến cho Đức Chúa, nên không cần dịch vụ đổi tiền hay bán súc vật để dâng lễ. Do đó không cần lái buôn nữa.