3. LỜI TIÊN TRI VỀ BẢY MƯƠI TUẦN
Lời kinh của ông Đa-ni-en
1 Năm thứ nhất đời vua Đa-ri-ô, con ông A-suê-rô, thuộc dòng giống Mê-đi, cai trị nước Can-đê,2 năm thứ nhất triều vua này, tôi, Đa-ni-en, tôi đọc Sách Thánh để tìm hiểu ý nghĩa con số những năm phải trôi qua trước khi mãn thời kỳ Giê-ru-sa-lem phải chịu cảnh điêu tàn, tức là bảy mươi năm, theo lời ĐỨC CHÚA phán với ngôn sứ Giê-rê-mi-a.3 Tôi ăn chay, mặc áo vải thô và rắc tro lên đầu rồi ngẩng mặt lên Chúa Thượng là Thiên Chúa, để dâng lời khẩn nguyện nài van.4 Tôi đã cầu xin ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của tôi, đã thú nhận và thưa Người rằng:
“Ôi, lạy Chúa Thượng, Thiên Chúa cao cả và đáng sợ, Đấng giữ giao ước và tỏ lòng nhân nghĩa với những kẻ yêu mến Ngài và tuân giữ các mệnh lệnh của Ngài,5 chúng con đã phạm tội, đã lỗi lầm, đã làm điều gian ác, chúng con đã phản nghịch và lìa xa các mệnh lệnh, phán quyết của Ngài.6 Chúng con đã không nghe lời các tôi tớ Chúa là các ngôn sứ. Các ngài đã nhân danh Chúa mà nói với vua chúa quan quyền, với cha ông chúng con và toàn dân trong xứ.7 Lạy Chúa Thượng, Chúa là Đấng Công Chính; còn chúng con thì đáng phải hổ mặt hổ mày như ngày hôm nay – chúng con là những người Giu-đa, cư dân thành Giê-ru-sa-lem và toàn thể Ít-ra-en, những người ở gần cũng như ở xa, trong mọi xứ Ngài đã đuổi đến vì tội bất trung đã phạm chống lại Ngài.8 Lạy Đức Chúa, chúng con đáng phải hổ mặt hổ mày, cũng như vua chúa quan quyền và tổ tiên chúng con, vì chúng con đã đắc tội với Ngài.9 Chúa Thượng là Thiên Chúa chúng con có lòng xót thương và hay tha thứ, vì chúng con đã phản nghịch cùng Ngài.10 Chúng con đã không nghe tiếng của ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa chúng con, để sống theo các luật lệ Ngài đã ban cho chúng con nhờ các tôi tớ Ngài là các vị ngôn sứ.11 Toàn thể Ít-ra-en đã vi phạm Lề Luật của Ngài và đã rời xa không chịu nghe tiếng Ngài. Bấy giờ lời nguyền rủa và lời thề ghi trong luật Mô-sê, tôi trung của Thiên Chúa, đã trút xuống chúng con vì chúng con đã đắc tội với Ngài.12 Ngài thực hiện những lời Ngài đã răn đe chúng con và những thủ lãnh cai trị chúng con, khi giáng xuống chúng con tại Giê-ru-sa-lem một đại họa chưa hề xảy ra dưới gầm trời.13 Tất cả những tai họa này đã giáng xuống chúng con đúng như đã chép trong Luật Mô-sê. Thế mà chúng con vẫn không chịu lìa bỏ lỗi lầm để trở lại và chú tâm suy niệm về lòng thành tín của ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa chúng con, hầu làm cho nét mặt của Ngài dịu lại.14 ĐỨC CHÚA đã tỉnh thức trông chừng, đã giáng tai họa xuống trên chúng con, vì ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng con, là Đấng công minh chính trực trong mọi việc Ngài làm, và chúng con đã không nghe tiếng Ngài.15 Giờ đây, lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Đấng đã dùng cánh tay mạnh mẽ đem dân Ngài ra khỏi xứ Ai-cập và đã làm cho danh Ngài lừng lẫy như ngày nay, chúng con đã phạm tội, chúng con đã làm điều gian ác.16 Lạy Chúa, chiếu theo mọi hành động chính trực của Ngài, xin nguôi cơn giận, xin ngừng cơn thịnh nộ đối với Giê-ru-sa-lem là thành đô, là núi thánh của Ngài, bởi vì tội của chúng con và lỗi của cha ông chúng con đã khiến Giê-ru-sa-lem và dân Ngài trở thành mối sỉ nhục đối với hết mọi kẻ sống chung quanh chúng con.17 Giờ đây, lạy Thiên Chúa chúng con, xin nghe lời tôi tớ Ngài khẩn nguyện nài van. Lạy Chúa, vì danh Ngài, xin tỏa ánh Tôn Nhan trên thánh điện của Ngài đang phải tan hoang.18 Lạy Thiên Chúa của con, xin lắng tai nghe, xin ghé mắt nhìn cảnh hoang tàn của chúng con và thành đô đã được thánh hiến cho Ngài. Chúng con không dựa vào những hành động chính trực của chúng con, nhưng dựa vào lượng hải hà của Ngài mà dâng lời khẩn nguyện lên trước Tôn Nhan.19 Lạy Chúa, xin khấng nghe! Lạy Chúa, xin tha thứ! Lạy Chúa, xin đoái thương! Vì danh Ngài, xin ra tay và đừng trì hoãn, lạy Thiên Chúa của con, bởi vì thành và dân của Ngài đã được thánh hiến cho Ngài.”
Thiên sứ Gáp-ri-en cắt nghĩa lời tiên tri
20 Bấy giờ tôi đang nói, đang cầu nguyện và thú nhận tội lỗi của tôi cũng như tội lỗi của Ít-ra-en, dân tôi, đang giãi bày trước nhan ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của tôi, lời khẩn nguyện cho núi thánh của Người.21 Tôi còn đang dâng lời cầu nguyện, thì Gáp-ri-en, nhân vật tôi đã thấy trong thị kiến ban đầu, bay sà xuống sát bên tôi vào lúc dâng hiến lễ ban chiều.22 Ngài đến ngỏ lời với tôi và nói: “Này Đa-ni-en, nay ta đi ra để giúp ngươi được am tường.23 Khi ngươi vừa bắt đầu khẩn nguyện, thì lời đã ban ra và ta đến đây để loan báo, vì ngươi là người được quý mến. Hãy thấu triệt lời ấy, hãy am hiểu thị kiến:
24 Bảy mươi tuần đã được ấn định
cho dân và thành thánh của ngươi,
để chấm dứt gian tà,
xóa sạch tội ác, đền xong lỗi lầm,
để đem lại sự công chính vĩnh cửu,
để thị kiến và lời ngôn sứ
được ứng nghiệm,
và để xức dầu Nơi Cực Thánh.
25 Vậy ngươi hãy biết và hiểu:
từ khi lời được ban ra
nhằm xây dựng lại Giê-ru-sa-lem
cho tới khi vị thủ lãnh
được xức dầu xuất hiện,
thì có bảy tuần.
Trong sáu mươi hai tuần, phố xá
và thành lũy sẽ được tái thiết,
nhưng được tái thiết
trong thời buổi cùng quẫn.
26 Sau sáu mươi hai tuần,
một vị được xức dầu
sẽ bị thủ tiêu;
vị ấy sẽ không có...
Thành đô và thánh điện
sẽ bị dân của một thủ lãnh
đến phá tan.
Nhưng thủ lãnh này
sẽ bị cuốn đi mất.
Cho đến cùng, sẽ diễn ra
chiến tranh
và những cảnh tàn phá
đã được quyết định.
27 Nội một tuần, nó sẽ củng cố
minh ước với số người đông đảo.
Trong nửa tuần,
nó bắt phải ngưng
hy lễ và hiến lễ,
nó đặt bên cánh Đền Thờ
đồ ghê tởm khốc hại
cho đến khi lệnh tiêu hủy
đã được quyết định
giáng xuống kẻ tàn phá.”
Đn 3,25-45; Br 1–2; Nkm 1,5-11; 9
Đn 3,25-45; Er 9,6-15; Nkm 1; 9
1 V 8,47; Tv 106,6; Br 1,17
2 Sb 33,10; 36,16; Gr 7,25-26
Nkm 9,34; Gr 44,2; Br 1,15
Đnl 12,8.64; 2 V 17,6; 24,14-16; 25,11
Lv 26,14-39; Đnl 28,15-46; Br 1,19-22
Đnl 27–28; 29,20; Nkm 10,29-30
Đnl 4,34; 6,21; Gr 32,21; Br 2,11-14a
Ed 25,3.8; 36,2-4; Tv 79,4; 44,14
2 V 19,16; Is 37,17; Br 2,16-17
Gr 36,7; 37,20; 38,2.6; 42,2.9
Is 53,11; Ml 3,20; Rm 3,24-26
1 Sb 23,13; Mt 3,16; Cv 10,38
Is 15,3; Gr 5,1; Cn 1,20; 7,12
1 Mcb 1,45-58.54; 11,31; 12,11; Mt 24,15
Đn 2,44; 8,25; 11,36.45; Is 28,22
k. Sau những phần về các thị kiến và những lời giải thích (Đn 7,1-28; 8,1-27), sứ điệp khải huyền ở đây mang một hình thức mới. Một bản văn Kinh Thánh trở thành điểm tựa nhờ đó độc giả có thể khám phá ra những nét thuộc về một biến cố hay về một giai đoạn trong tương lai. Ý nghĩa của lời tiên tri đó cứ giải rộng ra, bao lâu còn có chỗ áp dụng cho biến cố hoặc giai đoạn trong tương lai. Quan niệm này cho phép tìm thấy nơi lời Kinh Thánh một ánh sáng mới về cơn khủng hoảng hiện tại và hồi kết thúc. Bản văn Kinh Thánh nói ở đây là Gr 25,11-12; 29,10 liên quan đến cuộc lưu đày tại Ba-by-lon kéo dài bảy mươi năm. Thực sự, chỉ có năm mươi chín năm trôi qua từ lúc Ít-ra-en đi lưu đày (năm 597) cho đến khi trở lại quê hương vào năm 538 lúc vua Ky-rô ban chiếu chỉ chấm dứt cuộc lưu đày. Bảy mươi năm là con số tròn chỉ thời gian lưu đày (x. 2 Sb 36,21). Ở đây, Đn 9,1-2 tt là pesher midrash của Gr 25,11-12 và 29,10 nói ở trên. Pesher midrash nhắm mục tiêu giải thích, cắt nghĩa một bản văn Kinh Thánh và áp dụng bản văn đó cho thời hiện tại. Quả thật, khi sử dụng Gr 25,11-12; 29,10 nói về thời lưu đày tại Ba-by-lon, tác giả muốn ám chỉ cơn thử thách Ít-ra-en phải chịu dưới thời vua An-ti-ô-khô IV Ê-pi-pha-nê.
l. Bảy mươi năm đã trôi qua, vẫn không thấy ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ Giê-rê-mi-a. Vậy, lời sấm đó có ý nghĩa gì trong thời hiện tại? Khi nào cơn thử thách này chấm dứt? Ông Đa-ni-en dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện sau đây để mong có câu trả lời của Người.
Tác giả ghép vào đây lời cầu nguyện của cộng đoàn mang tính cách sám hối. Có lẽ lời kinh này đã có từ trước. Lời kinh gồm ba phần: 1) lời ca ngợi Thiên Chúa (c. 4b); 2) lời xưng thú tội lỗi của dân Ít-ra-en (cc. 5-14); 3) lời khẩn cầu (cc. 15-19).
m. Cũng x. 9,19 (cuối câu). ds: xin ghé mắt nhìn... thành đô trên đó danh Ngài được cầu khẩn, hoặc: ... thành đô được gọi bằng tên Ngài, hay: ... thành đô được mang danh Ngài. Giê-ru-sa-lem là thành đô của Thiên Chúa, là sở hữu của Người, do đó mang danh Người (x. 2 Sm 12,28). Được thánh hiến cho Thiên Chúa là thuộc quyền sở hữu của Người.
o. Mục tiêu của sứ giả Gáp-ri-ên: giúp Đa-ni-en hiểu rõ ý nghĩa con số những năm phải trôi qua trước khi mãn kỳ Giê-ru-sa-lem phải chịu cảnh điêu tàn, tức là bảy mươi năm theo lời Đức Chúa phán với ngôn sứ Giê-rê-mi-a (9,2).
p. Đoạn cắt nghĩa lời tiên tri gồm hai phần: 1) cái nhìn tổng quát (c. 24); 2) các giai đoạn thực hiện (cc. 25-27).
q. Tác giả Đn biến bảy mươi năm trong lời sấm của ngôn sứ Giê-rê-mi-a (25,11-12; 29,10) thành bảy mươi tuần trong lời cắt nghĩa của sứ giả Gáp-ri-ên ở đây. Thường thường trong cách tính tuần, lấy ngày làm đơn vị: một tuần có bảy ngày; ở đây, lấy năm làm đơn vị: một tuần gồm bảy năm; như thế, bảy mươi tuần là bốn trăm chín mươi năm (= 70 x 7 năm). Có vài học giả tính theo kiểu sau đây: từ khi ngôn sứ Giê-rê-mi-a tuyên lời sấm đó (năm 605; x. Đn 9,25a) cho đến khi cuộc bách hại của vua An-ti-ô-khô IV Ê-pi-pha-nê kết thúc (năm 164), bốn trăm bốn mươi mốt năm trôi qua. Tác giả không quá bận tâm về sự chính xác toán học trong cách tính thời gian.
r. Chắc câu này ám chỉ việc thanh tẩy và cung hiến Đền Thờ dưới thời ông Giu-đa Ma-ca-bê (x. 1 Mcb 4,36 tt).
s. Theo cách giải thích giai đoạn một ở trên, vị thủ lãnh được xức dầu đó phải là vua Ky-rô đã ban sắc chỉ chấm dứt cuộc lưu đày năm 538.
t. Thời gian bảy mươi tuần (= bốn trăm chín mươi năm) chia làm ba giai đoạn: 1) bảy tuần (99,25) = bốn mươi chín năm; 2) sáu mươi hai tuần (9,26) = bốn trăm ba mươi bốn năm; 3) một tuần (9,27). Vì kiểu tính thời gian của tác giả Đn chỉ là chuyện ước chừng và vì những biến cố lịch sử được ám chỉ không luôn rõ ràng, các nhà chú giải không đồng ý với nhau về cách giải thích một số chi tiết trong đoạn này. Nhưng hiện nay trong thực tế, mọi học giả đều cho rằng cuộc bách hại do vua An-ti-ô-khô IV Ê-pi-pha-nê gây nên sẽ chấm dứt sau bốn trăm chín mươi năm (= bảy mươi tuần). Về giai đoạn một (bảy tuần = bốn mươi chín năm), nếu bốn mươi chín năm cộng với năm trăm ba mươi tám (= năm lưu đày kết thúc), thì số tổng cộng sẽ là 587 (= năm cuộc lưu đày khởi sự). Sáu mươi hai tuần (= bốn trăm ba mươi bốn năm) của giai đoạn hai vẫn là một ẩn số chưa có lời giải đáp: a. khởi điểm là năm 538 (= năm vua Ky-rô ban sắc chỉ chấm dứt cuộc lưu đày) hay là năm 515 (= năm thượng tế Giô-suê cung hiến Đền Thờ thứ hai)?; b. đích điểm của hai niên biểu đó (năm 104 hoặc năm 81) ám chỉ những biến cố lịch sử nào?
u. Nếu vị thủ lãnh được xức dầu nói trong c. 25 là vua Ky-rô, thì theo lịch sử vị được xức dầu kế tiếp chỉ có thể là thượng tế Ô-ni-a III (x. 2 Mcb 4,34). Nhưng thượng tế Ô-ni-a III lại bị sát hại vào năm 170 (không ăn khớp bao nhiêu với năm 104).
v. Chắc bản văn thiếu một từ. Có những dịch giả hoặc nhà chú giải đã tìm cách bổ khuyết: lỗi (bản Thê-ô-đô-xi-on); người kế vị...
x. Vị thủ lãnh đó chỉ có thể là vua An-ti-ô-khô IV Ê-pi-pha-nê.
y. C. 27 này nói về giai đoạn thứ ba (một tuần) trong thời gian bảy mươi tuần. Chắc Đn 11,30.32 có thể làm sáng tỏ c. 27: minh ước nói ở đây là một liên minh quy tụ những kẻ bỏ Giao Ước thánh chung quanh tên bạo chúa An-ti-ô-khô IV Ê-pi-pha-nê, kẻ đã lôi cuốn họ vào con đường phản bội đạo Do-thái. Tên bạo chúa đó bãi bỏ tế tự trong Đền Thờ (từ năm 167 đến năm 164). Do lệnh của bạo chúa, đồ ghê tởm khốc hại còn được đặt bên cánh Đền Thờ. Có lẽ đồ ghê tởm khốc hại đó chỉ tượng thần Dớt Ô-lim-pi-ô làm đầu các thần Hy-lạp, chứ không chỉ một bàn thờ ngoại đạo thay thế bàn thờ lễ toàn thiêu, vì bàn thờ lễ toàn thiêu đặt ở giữa Đền Thờ, chứ không nằm ở bên cánh Đền Thờ.