ĐỨC CHÚA trở lại Đền Thờ
1 Người ấy đưa tôi đi tới cổng, cổng quay về phía đông,2 và này, vinh quang của Thiên Chúa Ít-ra-en từ phía đông tiến vào. Bấy giờ có tiếng như tiếng nước lũ và đất rạng ngời vinh quang ĐỨC CHÚA.3 Thị kiến này giống như thị kiến tôi đã thấy khi Người đến để hủy diệt thành, đồng thời cũng giống như thị kiến tôi đã thấy bên sông Cơ-va. Bấy giờ, tôi sấp mặt xuống đất.
4 Vinh quang ĐỨC CHÚA tiến vào Đền Thờ qua cổng quay về phía đông.5 Thần khí đưa tôi lên và dẫn tôi vào sân trong, và này vinh quang ĐỨC CHÚA tràn ngập Đền Thờ.6 Tôi nghe có Đấng phán với tôi từ Đền Thờ, trong khi người kia vẫn đứng bên tôi.7 Đấng ấy phán với tôi: “Hỡi con người, đây là nơi Ta đặt ngai của Ta, đây là nơi Ta đặt các bàn chân của Ta. Ta sẽ ngự tại đây, giữa con cái Ít-ra-en, cho đến muôn đời. Nhà Ít-ra-en, cả chúng lẫn các vua của chúng, sẽ không còn làm ô uế danh thánh của Ta vì những sự đàng điếm và xác chết các vua của chúng nữa,8 khi chúng dám đặt thềm của chúng sát thềm của Ta, cánh cửa của chúng sát cánh cửa của Ta với một bức tường giữa Ta với chúng mà thôi. Chúng đã làm ô uế danh thánh của Ta bằng những điều ghê tởm của chúng, nên Ta đã tận diệt chúng trong cơn thịnh nộ của Ta.9 Giờ đây, chúng phải đem đi cho khuất mắt Ta những sự đàng điếm của chúng cũng như xác chết các vua của chúng, rồi Ta sẽ ngự ở giữa chúng cho đến muôn đời.
10 Phần ngươi, hỡi con người, ngươi hãy mô tả cho nhà Ít-ra-en biết Đền Thờ này, để chúng phải xấu hổ vì tội lỗi chúng đã phạm. Chúng phải đo cái mô hình này.11 Và nếu chúng xấu hổ vì mọi điều ghê tởm chúng đã làm, thì ngươi hãy mô tả cho chúng đồ án Đền Thờ, cách sắp đặt, các lối ra lối vào, mọi đồ án và mọi quy tắc, mọi đồ án và mọi luật lệ của Đền Thờ. Hãy viết ra cho chúng thấy, để chúng tuân theo mọi đồ án và mọi quy tắc của Đền Thờ mà đem ra thi hành.12 Đây là bộ luật về Đền Thờ: Ở trên đỉnh núi này, toàn lãnh thổ chung quanh là nơi rất thánh. Đó là bộ luật về Đền Thờ.
Bàn thờ
13 Đây là kích thước bàn thờ tính bằng loại thước mà cứ nửa thước thì thêm một tấc: rãnh chung quanh sâu nửa thước, rộng nửa thước; gờ chung quanh rãnh: một gang. Đây là chiều cao của bàn thờ:14 từ rãnh dưới đất cho đến bệ dưới: một thước, rộng nửa thước; từ bệ nhỏ tới bệ lớn: hai thước, rộng nửa thước.15 Lò lửa cao hai thước; phía trên lò, có bốn góc cong.16 Lò dài sáu thước, rộng sáu thước: bốn cạnh vuông vức.17 Bệ dài bảy thước, rộng bảy thước, hình vuông. Gờ chung quanh bệ: hai tấc rưỡi; còn rãnh chung quanh bệ: nửa thước. Các bậc quay về phía đông.
Thánh hiến bàn thờ
18 Người ấy bảo tôi: Hỡi con người, ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này: Đây là các quy tắc liên quan đến bàn thờ, vào ngày bàn thờ được dựng lên để tiến dâng lễ toàn thiêu và rảy máu lên trên đó.19 Ngươi hãy trao một con bò tơ làm hy lễ tạ tội cho các tư tế Lê-vi, thuộc dòng họ Xa-đốc, là những người đến gần Ta để phục vụ Ta, sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng.20 Ngươi hãy lấy máu nó bôi lên bốn góc cong, bốn góc bệ và gờ chung quanh bệ. Như vậy, ngươi sẽ tạ tội và xá tội cho bàn thờ.21 Rồi ngươi hãy lấy con bò dùng để dâng hy lễ tạ tội: nó sẽ được thiêu ở một chỗ riêng trong Đền Thờ, bên ngoài thánh điện.22 Đến ngày thứ hai, ngươi sẽ tiến dâng một con dê đực toàn vẹn làm lễ tạ tội và người ta sẽ tạ tội cho bàn thờ như đã tạ tội cho nó bằng con bò vậy.23 Khi đã làm lễ tạ tội xong, ngươi hãy tiến dâng một con bò tơ toàn vẹn và một con cừu đực toàn vẹn lấy trong đàn chiên dê.24 Ngươi hãy tiến dâng chúng trước nhan ĐỨC CHÚA, các tư tế sẽ rắc muối lên trên chúng và dâng chúng làm lễ toàn thiêu kính ĐỨC CHÚA.25 Trong bảy ngày, ngày nào ngươi cũng phải dâng một con dê đực làm lễ tạ tội, và người ta sẽ dâng một con bò tơ toàn vẹn và một con cừu đực toàn vẹn lấy trong đàn chiên dê.26 Trong bảy ngày, người ta sẽ làm lễ xá tội cho bàn thờ, thanh tẩy và thánh hiến bàn thờ.27 Khi những ngày ấy mãn hạn, đến ngày thứ tám và những ngày tiếp theo, các tư tế sẽ dâng hy lễ toàn thiêu và hy lễ kỳ an của các ngươi trên bàn thờ đó. Như vậy, Ta sẽ ưu ái các ngươi, sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng.
Xh 27,1-8; 1 V 8,64; 2 Sb 4,1; 7,7
Xh 29,36-37; Lv 8,10-16; 1 Mcb 4,52-56
u. Thị kiến về việc Đức Chúa trở lại Đền Thờ tương ứng với thị kiến Đức Chúa bỏ Đền Thờ mà ra đi, khi vua Na-bu-cô-đô-nô-xo chiếm thành Giê-ru-sa-lem (10,18-19; 11,22-23). Có thể chia chương này như sau: a. Đức Chúa vinh quang trở về Đền Thờ (cc. 1-9); b. miêu tả nơi thánh và kích thước bàn thờ (cc. 10-17); c. thánh hiến bàn thờ (cc. 18-27).
v. Trong thị kiến khai mạc sứ vụ ngôn sứ, Ed đã nhìn thấy Đức Chúa bỏ nơi Người vẫn ngự để ra đi, đến ở với những người lưu đày. Bây giờ, ngôn sứ lại thị kiến thấy Người trở lại vinh quang. Như thế, ngôn sứ loan báo những ngày thanh tẩy và thử thách đã qua. Ngày trước, ngôn sứ cho những người lưu đày biết thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị triệt hạ và Đền Thờ sẽ thành chốn phàm tục. Bây giờ ngôn sứ muốn cho đồng bào của mình biết: sau thời đại họa, thời hy vọng đã tới, thời kỳ thần quyền mới đã bắt đầu. Đức Chúa lại hiện diện trong Đền Thờ mới được tái thiết. Thời kỳ thờ ngẫu tượng và những vật ghê tởm đã qua, bây giờ là thời của giao ước mới, đặt căn bản trên sự gắn bó của mọi tâm hồn với Đức Chúa.
x. Cũng từ cửa này, xưa Đức Chúa đã đi qua để đến với đoàn dân lưu đày (x. Ed 10,19; 11,22 tt).
y. Xưa Đức Chúa bỏ dân của Người vì dân đã phạm biết bao tội lỗi. Nhưng nay, Đức Chúa sẽ ngự giữa dân Người cho đến muôn đời, bởi vì dân đã dứt khoát bỏ những tội thờ ngẫu tượng, một hình thức đàng điếm về mặt tinh thần. Một lạm dụng khác nữa cũng chấm dứt: đó là việc chôn cất các vua ở chung quanh Đền Thờ, như thói quen cổ xưa.
a. Đức Chúa phàn nàn vì các vua đã đặt cung điện sát ngay khu vực thánh. Thực ra, tất cả đồi Xi-on phải được coi là nơi thánh, hoàn toàn dành cho Đức Chúa. Dầu cung điện ban đầu được coi như nơi canh giữ Đền Thờ và như là nơi để bảo vệ Hòm Bia Giao Ước (x. 1 V 7,8), nhưng việc gần gũi như thế đưa đến nhiều lạm dụng. Không thiếu những chuyện tôn thờ ngẫu tượng ghê tởm và những tội đổ máu người trong khu vực cung điện của vua. Vì thế trong cơ cấu mới, cung điện phải ở xa Đền Thờ (x. Ed 48,8-21). Và vùng đất xưa là cung điện sẽ dùng để làm sân Đền Thờ mở rộng.
Khi nói đến thể chế thần quyền tương lai, ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã coi Đức Chúa là vị Thủ Lãnh độc nhất, Người trực tiếp cai trị dân Người. Cũng chính vì thế, ngôn sứ dành cho vị thủ lãnh tước hiệu ông hoàng, chứ không phải tước hiệu vua (x. Ed 45,8-9).
Tuy nhiên, cần hiểu những lời ngôn sứ trên là những cách lý tưởng hóa để làm nổi bật tư tưởng về tính chất thánh thiện của đồi Xi-on, nơi Đức Chúa ngự, cũng như để khơi dậy và nuôi dưỡng niềm hy vọng của những người lưu đày. Vì thế, không nên hiểu những lời ngôn sứ Ê-dê-ki-en sát chữ.
b. Cc. 13-27 gồm hai bản văn nói về Đền Thờ và việc thánh hiến bàn thờ. Hai bản văn này có lẽ đã được thêm vào sau.
c. Góc cong, ds: sừng. Biểu tượng chỉ sức mạnh toàn năng của Thiên Chúa. Người ta bôi máu của các lễ vật hy sinh lên đó (x. Ed 29,14; Lv 4,25; 30,34) và đụng được vào đó là có quyền lánh nạn, thoát chết (x. 1 V 1,50 tt; 2,28).
d. Muối để thanh tẩy (x. Xh 3,35; 2 V 2,20), đem lại mùi vị (x. Mt 5,13) và đôi khi tượng trưng cho giao ước (x. Lv 2,13; Ds 18,19).
đ. Nghi thức thánh hiến bàn thờ của ngôn sứ Ê-dê-ki-en có nhiều điểm khác với nghi thức này ở Ngũ Thư: Trước tiên ngôn sứ không nói đến việc xức dầu bàn thờ như Xh 29,36 và Lv 8,11 dạy. Thứ đến trong Ed, ngày thứ nhất chỉ dâng một con bò, các ngày còn lại thì dâng con dê đực, trong khi Xh 39,26 bảo phải dâng con bò trong bảy ngày để làm lễ xá tội. Rồi cũng theo Ed, phải rưới máu lên cả bốn bệ bàn thờ, trong khi Xh 29,12 và Lv 8,15 truyền tưới máu lên bốn góc cong của bàn thờ, chỗ còn lại thì đổ xuống chân bàn thờ. Cuối cùng, theo Lv 9,1 tt, ngày thứ tám là ngày trọng đại nhất, trong khi ở Ed, đó là ngày bình thường với những nghi thức thông thường.
Ngôn sứ viết với trí tưởng tượng của mình, giống như khi ông viết về việc tái thiết Đền Thờ. Cảm hứng của ông dựa theo những nét chính yếu của truyền thống mà thôi. Vì thế, những chi tiết về nghi lễ phụng tự phải được hiểu theo giá trị biểu tượng cũng như khi nói về việc tái thiết Đền Thờ. Thực tế, sau khi có phép của hoàng đế Ky-rô (năm 538), những người lưu đày đã chẳng có ý xây cất Đền Thờ theo khuôn mẫu vị ngôn sứ đã miêu tả, cũng chẳng theo tổ chức phụng tự như ngôn sứ đã quan niệm, nhưng tinh thần của vị ngôn sứ đã thấm sâu vào sinh hoạt tôn giáo và xã hội.