Chống liên minh với Ai-cập
1 Khốn thay những kẻ xuống Ai-cập cầu viện,
những kẻ cậy dựa vào chiến mã,
tin tưởng vì có lắm chiến xa,
vì kỵ binh hùng mạnh,
mà không chịu ngước nhìn Đức Thánh của Ít-ra-en,
không kiếm tìm ĐỨC CHÚA.
2 Nhưng chính Người cũng lại khôn ngoan,
Người có thể giáng họa, không rút lại lời đã phán ra;
Người sẽ đứng lên chống cự phường gian ác,
chống cự những kẻ làm điều dữ được mời đến tiếp viện.
3 Ai-cập là phàm nhân, chứ đâu phải là thần!
Chiến mã của chúng là súc vật, chứ đâu phải thần khí!
Khi ĐỨC CHÚA vung tay, kẻ tiếp viện sẽ lảo đảo,
người được tiếp viện cũng té nhào,
chúng sẽ cùng tiêu vong hết thảy.
Lại chống Át-sua
4 ĐỨC CHÚA phán với tôi thế này:
Khi sư tử hoặc sư tử con gầm gừ để giữ mồi của nó,
dù cả đám mục đồng được gọi đến tấn công,
nó cũng không run sợ vì tiếng hét tiếng hò,
chẳng kinh hoàng vì tiếng ồn ào náo động.
Cũng vậy, ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ ngự xuống chiến đấu
trên núi Xi-on, trên đồi của thành.
5 Như cánh chim bay đi lượn lại,
ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ bảo vệ Giê-ru-sa-lem,
Người sẽ bảo vệ và giải thoát, sẽ dung tha và cứu độ.
6 Hỡi con cái Ít-ra-en, hãy trở lại
với Đấng anh em đã phản bội nặng nề.
7 Phải, trong ngày đó, mỗi người sẽ vứt bỏ
các tượng thần bằng bạc bằng vàng
do tay tội lỗi của anh em làm ra.
8 Át-sua sẽ ngã gục dưới một lưỡi gươm không phải của con người.
Nó sẽ bị tiêu diệt do một lưỡi gươm không phải của người phàm.
Nó sẽ phải trốn chạy trước lưỡi gươm,
trai tráng của nó sẽ phải làm lao dịch.
9 Đá tảng của nó sẽ bỏ đi vì sợ hãi,
khi thấy cờ hiệu, các tướng lãnh của nó sẽ kinh hoàng.
Đó là sấm ngôn của ĐỨC CHÚA, Đấng có lửa tại Xi-on,
và có lò tại Giê-ru-sa-lem.
m. 31,1-3: Lời sấm chống lại sự cầu viện Ai-cập.
n. Khôn ngoan: sự khôn ngoan của Thiên Chúa đối lại sự khôn ngoan của đám cố vấn ở Giê-ru-sa-lem (29,14-15) và đám cố vấn của Pha-ra-ô (19,11-12).
Giáng họa: Thiên Chúa mạnh hơn Pha-ra-ô và Thiên Chúa không rút lời đã phán, tức là những lời đã răn đe về việc bỏ Chúa mà dựa vào Ai-cập.
Phường gian ác... những kẻ làm điều dữ: phường gian ác là dân Giê-ru-sa-lem (28,14; 29,13), những kẻ làm điều dữ ám chỉ Ai-cập (29,20).
o. Súc vật, ds: thịt, xác phàm. Tương phản giữa phàm nhân và thần, xác phàm và thần khí.
Kẻ tiếp viện: quân Ai-cập bị đánh bại năm 701 ở En-tê-kê cách Giê-ru-sa-lem 40 km về phía tây.
p. Sấm ngôn chống Át-sua. Thiên Chúa sẽ chiến đấu bảo vệ Giê-ru-sa-lem.
q. Sư tử: một cách giải thích danh xưng A-ri-ên: sư tử của Thiên Chúa.
Trên núi Xi-on: câu văn Híp-ri có thể hiểu hai cách: Thiên Chúa ngự xuống trên núi Xi-on để chiến đấu, hoặc Thiên Chúa ngự xuống chiến đấu chống lại Xi-on. Mạch văn ở đây cho phép hiểu là Thiên Chúa chiến đấu trên núi Xi-on để bảo vệ (x.c. 5).
r. Cánh chim: hình ảnh tương tự Đnl 32,11.
Dung tha: động từ Híp-ri này là gốc của từ vượt qua trong Xh 12,13.23.27. Dùng động từ này ở đây hẳn có ý gợi lên hành động của Thiên Chúa bảo vệ dân Người chống lại kẻ thù.
s. Trong ngày đó: c. 6 kêu gọi quay về với Thiên Chúa. C. 7 với kiểu nói trong ngày đó cho thấy việc họ vứt bỏ ngẫu tượng quay về với Thiên Chúa cũng là do sự can thiệp của Thiên Chúa.
t. Đá tảng: có thể hiểu là vua Át-sua (so với 32,1-2), hoặc chính thần Át-sua, cũng có danh hiệu là núi lớn.
Cờ hiệu: I-sai-a dùng mười lần từ này (cả Cựu Ước dùng hai mươi mốt lần) để chỉ cờ hiệu của Thiên Chúa ra lệnh cho muôn dân tham chiến (5,26; 13,2; 18,3) hoặc đưa dân Chúa tản mác tựu về (11,10.12; 49,22; 62,10).
Lửa: từ Híp-ri có thể là một cách chơi chữ với danh xưng A-ri-ên. Lửa và lò cũng gợi lại ý 30,33; cũng có thể gợi lại ngọn đèn nhà Đa-vít (1 V 11,36).