Ngôn sứ I-sai-a can thiệp lần đầu tiên
1 Thời vua A-khát, con vua Giô-tham, cháu vua Út-di-gia-hu, trị vì Giu-đa, thì vua A-ram là Rơ-xin, và vua Ít-ra-en là Pe-các, con ông Rơ-man-gia-hu, lên đánh Giê-ru-sa-lem, nhưng không thể tấn công được.2 Người ta báo tin cho nhà Đa-vít rằng: “A-ram đã đóng quân ở Ép-ra-im.” Bấy giờ lòng vua cũng như lòng dân đều rung động như cây rừng rung rinh trước gió.
3 ĐỨC CHÚA phán với ông I-sai-a: “Ngươi hãy cùng với Sơ-a Gia-súp, con ngươi, ra đón vua A-khát ở cuối kênh dẫn nước của hồ trên, phía đường dẫn tới cánh đồng Thợ Nện Dạ.4 Ngươi hãy nói với nhà vua: “Ngài hãy coi chừng, cứ bình tĩnh, đừng sợ, chớ sờn lòng trước hai cái đầu que củi chỉ còn khói đó, trước cơn giận sôi sục của Rơ-xin, vua A-ram, và của người con Rơ-man-gia-hu.5 Vì A-ram cùng với Ép-ra-im và người con Rơ-man-gia-hu đã mưu tính hại ngài và nói:6 “Ta hãy lên đánh Giu-đa, làm cho nó khiếp sợ ta, và đặt con ông Táp-ên làm vua ở đó.”
7 ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này:
Chuyện đó sẽ không xảy ra, sẽ không có,
8 vì đầu của A-ram là Đa-mát,
đầu của Đa-mát là Rơ-xin.
Sáu mươi lăm năm nữa
Ép-ra-im sẽ tan tành,
không còn là một dân.
9 Đầu của Ép-ra-im là Sa-ma-ri,
đầu của Sa-ma-ri là con của Rơ-man-gia-hu.
Nếu các ngươi không vững tin,
thì các ngươi sẽ không đứng vững.
Can thiệp lần thứ hai
10 Một lần nữa ĐỨC CHÚA phán với vua A-khát rằng:
11 “Ngươi cứ xin ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của ngươi
ban cho ngươi một dấu
dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh.”
12 Vua A-khát trả lời:
“Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách ĐỨC CHÚA.”
13 Ông I-sai-a bèn nói:
“Nghe đây, hỡi nhà Đa-vít!
Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao,
mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa?
14 Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu:
Này đây
người thiếu nữ sẽ mang thai,
sẽ sinh hạ con trai,
và đặt tên là Em-ma-nu-en.
15 Con trẻ sẽ ăn sữa chua và mật ong
cho tới khi biết bỏ cái xấu mà chọn cái tốt.
16 Vì trước khi con trẻ biết bỏ cái xấu mà chọn cái tốt,
thì đất đai của hai vua mà ngài khiếp sợ đã bị bỏ hoang.
17 ĐỨC CHÚA sẽ đem lại cho ngài, cho dân ngài,
cho thân phụ ngài
những ngày như chưa từng có,
kể từ khi Ép-ra-im tách khỏi Giu-đa (vua nước Át-sua).”
Báo trước cuộc xâm lăng
18 Đến ngày đó,
ĐỨC CHÚA sẽ huýt ruồi
ở tận cùng các kinh rạch Ai-cập, và huýt ong ở đất Át-sua.
19 Chúng sẽ đến và tất cả sẽ đậu
trong các thung lũng sâu,
các kẽ đá
trong mọi bụi gai
và mọi đồng cỏ.
20 Ngày đó, Chúa Thượng sẽ dùng dao cạo
thuê bên kia Sông Cả –vua nước Át-sua–
mà cạo đầu và lông chân;
cả râu, Người cũng xén.
21 Đến ngày đó,
mỗi người sẽ nuôi một con bò cái tơ và hai con chiên;
22 vì chúng cho quá nhiều sữa,
nên người ta sẽ ăn sữa chua;
vì mọi kẻ còn lại trong xứ
sẽ ăn sữa chua và mật ong.
23 Đến ngày đó, mọi nơi có ngàn gốc nho đáng giá ngàn bạc,
sẽ chỉ có gai góc và bụi rậm.
24 Vào trong đó, người ta sẽ phải mang cung và tên,
vì toàn xứ sẽ chỉ có gai góc và bụi rậm.
25 Tất cả mọi núi đồi mà người ta vẫn thường cuốc xới,
bạn sẽ không đến đó nữa,
vì sợ gai góc và bụi rậm:
đó sẽ là nơi thả bò
và nơi chiên cừu giẫm nát.
m. 7,1-9: I-sai-a gặp A-khát nhân vụ liên quân Xy-ri – Ít-ra-en tấn công Giu-đa, để loan báo sự thất bại của liên quân.
n. Câu này tóm lược cả biến cố theo 2 V 16,5, khiến ta có cảm tưởng I-sai-a gặp A-khát khi cuộc bao vây đang diễn ra, nhưng c. 2 cho thấy là cuộc gặp gỡ diễn ra khi liên quân vừa tập hợp ở vương quốc Ít-ra-en (Ép-ra-im).
o. Nhà Đa-vít: không nói tên vua mà nói nhà Đa-vít, để gợi nhớ lời Thiên Chúa hứa dựng nhà cho Đa-vít (2 Sm 7,11). Sự bền vững của nhà Đa-vít dựa vào lòng thành tín của Thiên Chúa, chứ không dựa vào những toan tính của A-khát.
p. Sơ-a Gia-súp nghĩa là một số sót lại sẽ trở về, cái tên mang ý nghĩa báo trước ơn cứu độ.
Kênh dẫn nước hồ trên: vậy là A-khát đang đi kiểm tra hệ thống trữ nước, một yếu tố quyết định khi bị bao vây.
q. 7,4-5: Lời trấn an đối lại phản ứng run sợ của vua và dân ở c. 2.
r. Con ông Táp-ên: không có tài liệu nào cho biết rõ hơn về nhân vật này. Chắc chắn đây là “người dễ bảo” của phe liên quân, vì mục đích cuộc tiến công là để ép Giu-đa đứng vào liên minh chống Át-sua.
s. 7,8-9a: Đứng đầu Đa-mát và Sa-ma-ri là hai kẻ phàm nhân, họ có mưu toan gì cũng là phàm nhân, còn Giê-ru-sa-lem có Thiên Chúa đứng đầu.
t. Phải vững tin mới đứng vững: tin ở đây là tin tưởng, phó thác, cậy dựa vào quyền năng và lòng thành tín của Thiên Chúa (x. 28,16; Gr 17,5). HR chơi chữ giữa hai dạng của động từ: không đứng vững trong Chúa thì không thể tồn tại.
u. 7,10-17: A-khát tỏ ra do dự, nên I-sai-a được sai đến công bố một dấu để củng cố lòng tin cho nhà Đa-vít.
v. Dấu: không nhất thiết là một phép lạ (x. 37,30). Ở đây ngôn sứ yêu cầu A-khát xin để xác nhận lời hứa ông đã công bố.
x. Câu từ chối dựa vào Đnl 6,16. Nhưng lời trách cứ ở c. 13 và lời kể trong 2 V 16,7-9 cho thấy A-khát cứng lòng tin và đã quyết định hành động theo cách khác.
y. A-khát không xin, Thiên Chúa vẫn cứ cho một dấu hiệu để chứng tỏ lời ngôn sứ loan báo là đúng. Người thiếu nữ: Từ Híp-ri ở đây không nhất thiết là trinh nữ, có thể là người đàn bà còn trẻ, mới lấy chồng. Nhưng LXX đã dùng từ parthenos (trinh nữ). Mt 1,23 và Lc 1,26-35 trưng dẫn và sử dụng lời này theo nghĩa trinh nữ. Em-ma-nu-en: Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, sự hiện diện của Thiên Chúa là ơn cứu độ (x. Tl 6,12). Con trẻ này là dấu bảo đảm tương lai nhà Đa-vít. 9,1-6 và 11,1-9 quảng diễn những tính cách của ơn cứu độ do vị cứu tinh thuộc nhà Đa-vít đem lại. Những tính cách này vượt khỏi hoàn cảnh cụ thể, khiến cho lời hứa mang chiều kích cánh chung: vương quốc của Đấng Mê-si-a. Tân Ước đã hiểu lời này loan báo việc Chúa Ki-tô sinh ra (Mt 1,23; Lc 1,26-35).
a. Từ `almâ trong bản Híp-ri chỉ một người phụ nữ trẻ, có thể là còn con gái hoặc mới lấy chồng. Nhưng bản dịch Hy-lạp LXX đã dùng từ parthenos có nghĩa xác định là trinh nữ. Tân Ước theo bản Hy-lạp (Mt 1,23; x. Lc 1,27-31).
b. Sữa chua và mật ong: trong Xh 3,8 và Đnl 32,13 chỉ sự phong phú, nhưng ở đây là thức ăn duy nhất còn lại khi xứ sở đã bị giẫm nát (x. 7,17. 22-25). Cho tới khi có thể hiểu là để: cuộc sống khắc khổ sẽ dạy cho Em-ma-nu-en biết lánh dữ, chọn lành, đối lại với A-khát là người đã lớn lên trong lúc phồn thịnh và thờ ngẫu tượng (x. 2 V 16,3).
c. Trước khi Em-ma-nu-en đến tuổi có trí khôn, tai họa đã giáng trên đất Xy-ri và vương quốc phía Bắc.
d. Câu này có thể hiểu là một lời hứa cảnh phồn vinh, nhưng cũng có thể hiểu là một lời đe dọa. Người đã thêm chữ vua nước Át-sua vào cuối câu chắc chắn đã hiểu như một lời hứa cảnh phồn vinh. Nếu hiểu theo nghĩa đe dọa thì những lời tiếp theo quảng diễn lời đe dọa này.
đ. 7,18-25: Một tập hợp phức tạp, có thể coi như phụ trương của hồi trước, quảng diễn lời loan báo tai họa: bị ngoại xâm tàn phá.
e. Thiên Chúa huýt ruồi ở Ai-cập, ong ở Át-sua: các dân hùng mạnh này là công cụ Thiên Chúa dùng để sửa phạt dân Chúa; họ đến là do Thiên Chúa gọi họ đến. Nhưng cũng có thể tách rời câu này như một sấm ngôn độc lập với các câu tiếp theo (lặp lại ngày đó và hiểu cách khác: ruồi dơ-vúp (zübûb) ở đây không phải loại ruồi bầy (`äröb) gây tai họa cho Ai-cập (Xh 8,17), không phải ruồi trâu (qerec: Gr 46,20), tên giống ruồi này gắn với tên thần Ba-an Dơ-vúp (2 V 1,3-6) là thần bảo vệ sức khỏe; con vật thánh của Ba-an là con bò. Do đó không gợi lên tai họa mà gợi tới bò và sữa. Ong ở đây là ong mật (Dübôrâ) chứ không phải ong bò vẽ (cir•`â: Xh 23,28). Ruồi gợi lên con bò, và ong gợi đến mật, vậy hai hình ảnh này gợi lên sữa và mật ong, biểu tượng của phì nhiêu. Nhưng trong mạch văn ở đây thì Ai-cập và Át-sua gợi lên tai họa nhiều hơn.
g. Đồng cỏ: cũng có thể hiểu là chỗ có nước.
h. Cạo đầu...: cách hạ nhục (x. 2 Sm 10,4-6); những người bị bắt đi đày đều bị cạo sạch.
Lông chân: kiểu nói thanh nhã (x. 6,2).
i. 7,21-22: Câu này cũng khó hiểu. Một con bò cái và hai con cừu, không phải là nhiều. Nếu đọc trong bối cảnh cc. 23-25, không còn nông nghiệp, không còn chăn nuôi lớn, người ta trở về đời du mục, mỗi người chăn nuôi vừa đủ sống. Nhưng nếu tách rời câu này ra, thì có vẻ là một lời hứa sự phong phú cho dân Giu-đa còn ở lại trên Đất Hứa sau khi dân Ít-ra-en ở phía Bắc bị lưu đày.
k. 7,23-25: Cảnh điêu tàn. Gai góc và bụi rậm có thể gợi nhớ đến St 3,18.