II. CÁC LỜI HỨA VỚI XI-ON
Triều đại tương lai của ĐỨC CHÚA ở Xi-on
1 Trong tương lai, núi Nhà ĐỨC CHÚA
đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao,
vươn mình trên hết mọi ngọn đồi.
Nước nước dập dìu đưa nhau tới,
2 dân dân lũ lượt kéo nhau đi.
Rằng: “Đến đây, ta cùng lên núi ĐỨC CHÚA,
lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp,
để Người dạy ta biết lối của Người
và bước theo đường Người chỉ vẽ.”
Vì từ Xi-on, thánh luật ban xuống,
từ Giê-ru-sa-lem, lời ĐỨC CHÚA phán truyền.
3 Người sẽ đứng làm trọng tài giữa muôn nước
và phân xử cho các dân hùng mạnh mãi tận xa.
Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày,
rèn giáo mác nên liềm nên hái.
Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau
và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.
4 Mỗi người sẽ ngồi dưới cây vả cây nho của mình,
không còn ai quấy phá.
Miệng ĐỨC CHÚA các đạo binh đã phán như vậy.
5 Thật vậy, tất cả các dân đều bước đi
nhân danh thần của mình; còn chúng ta, chúng ta tiến bước
nhân danh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của chúng ta,
đến muôn thuở muôn đời.
Đàn chiên tản mác được tập hợp ở Xi-on
6 Ngày ấy –sấm ngôn của ĐỨC CHÚA–
chiên nào què, Ta sẽ quy tụ lại,
chiên nào đi lạc xa hay bị Ta giáng họa, Ta sẽ tập hợp về.
7 Ta sẽ dùng chiên què làm số sót,
biến chiên đi lạc thành dân tộc hùng cường.
ĐỨC CHÚA sẽ cai trị chúng tại núi Xi-on
từ nay đến muôn đời muôn thuở.
8 Phần ngươi, hỡi Tháp của Đàn Chiên,
hỡi Đồi của con gái Xi-on,
vương quốc của con gái Giê-ru-sa-lem
và vương quyền thuở trước, sẽ lại trở về với ngươi.
Xi-on bị bao vây, lưu đày và được giải thoát
9 Tại sao bây giờ ngươi lại kêu la ầm ĩ?
Nơi ngươi nào chẳng có vua sao?
Hay cố vấn của ngươi đã bị tiêu diệt
khiến ngươi phải quằn quại đau đớn
như người phụ nữ lúc sinh con?
10 Hỡi con gái Xi-on, hãy đớn đau quằn quại,
hãy kêu la như phụ nữ lúc sinh con,
vì giờ đây, ngươi phải đi khỏi thành và ra đồng ruộng mà ở.
Ngươi phải đi đến tận Ba-by-lon
và tại đó ngươi sẽ được cứu thoát;
ở đó ĐỨC CHÚA sẽ chuộc ngươi lại từ tay kẻ thù ngươi.
Các nước bị đập tan ở Xi-on
11 Bây giờ đông đảo các dân hợp nhau lại đánh ngươi,
chúng nói: “Phải làm cho Xi-on ra ô uế,
ta sẽ thích chí đưa mắt nhìn Xi-on.”
12 Nhưng chúng nào có biết chương trình của ĐỨC CHÚA,
cũng chẳng hiểu chi ý định của Người.
Quả vậy, Người đã tập trung chúng lại như lúa trên sân phơi.
13 Hỡi con gái Xi-on, hãy đứng lên đạp lúa,
vì Ta sẽ làm cho sừng ngươi cứng như sắt,
và cho móng ngươi vững như đồng.
Ngươi sẽ giẫm nát nhiều dân.
Ngươi hãy biệt hiến kính ĐỨC CHÚA
những của chúng cướp được
và dâng tiến Chúa Thượng mọi giàu sang của chúng.
Nguy khốn và vinh quang của vương triều Đa-vít
14 Bây giờ, hỡi con gái hiếu chiến, hãy rạch mình;
chúng vây hãm tấn công ta,
lại dùng gậy đánh vào má vị thẩm phán Ít-ra-en.
Is 66,18-20; Gr 31,6; Kg 2,7; Dcr 8,20-22
h. Nếu các ch. 1–3 được coi như là những bản viết tay sớm nhất của chính ngôn sứ Mi-kha, thì các ch. 4–5 lại được xem như của một tác giả khác muộn thời hơn. Chúng ta thấy rõ các chủ đề của hai phần này có nhiều thay đổi.
i. Đây là một bài thơ thật hay và thật đẹp. Nó cho chúng ta thấy được vị trí đặc biệt của Giê-ru-sa-lem cũng như hình ảnh thơ mộng về Giê-ru-sa-lem, đặc biệt về núi Đền Thờ. Người ta đang tranh luận để xem giữa hai bản văn hầu như giống hệt nhau này (Mk 4,1-5 và Is 2,2-4) bản nào là bản gốc hay là cả hai bản đều vay mượn ở một tài liệu khác đã bị mất. Vẫn chưa có một câu trả lời thỏa đáng.
k. Trong tương lai hoặc trong những ngày sau đó. Một cách nói để diễn tả một thời gian sau đó xa hoặc gần, đôi khi có dáng dấp cánh chung như ở trường hợp này (x. St 49,1; Gr 23,20; Ed 38,16; Hs 3,5).
l. ds: được kiên cường, được đặt.
o. ds: và bước theo những đường lối của Người.
p. Ban xuống, ds: đi ra, xuất phát.
q. ds: và lời Đức Chúa từ Giê-ru-sa-lem.
r. Đứng làm trọng tài, ds: phán xử, phán xét.
s. Rèn: được thêm vào cho dễ hiểu. HR hiểu ngầm với động từ đúc ở c. 3c (x. Ge 4,10).
t. Hình ảnh thôn dã diễn tả thời đại an bình (x. 1 V 5,5; 2 V 18,31; Dcr 3,10).
u. Nhân danh thần của mình (HR); trong con đường của nó (LXX).
v. Chiên nào què..., ds: con (kẻ) nào què...
y. Đi lạc hoặc lạc xa (HR); bị vứt bỏ (LXX); mệt nhọc, rã rời (PT).
a. Tháp của đàn chiên: ám chỉ Giê-ru-sa-lem. Tiếp tục tư tưởng của cc. 6-7, Giê-ru-sa-lem được ví như một tháp canh, nơi đó Thiên Chúa đưa mắt dõi theo và bảo vệ dân Người.
b. Đồi: trong tiếng Híp-ri là `öpel (Ô-phen). Nó đã trở thành một danh từ chỉ địa danh (x. Is 32,14). Ô-phen là miền đất ở phía nam đền thờ, nơi có cung điện nhà vua.
c. Vương quốc và vương quyền thuở trước: ám chỉ thời kỳ vàng son dưới triều vua Đa-vít và vua Sa-lô-môn. Không phải là Đa-vít hay một vị vua nào khác, mà chính Đức Chúa sẽ phục hồi vương quốc và sẽ làm vua cai trị họ đến muôn thuở muôn đời.
d. Trong khi chờ đợi lời hứa giải thoát được thực hiện, ngôn sứ quay lại với hoàn cảnh sắp xảy ra: Xi-on sẽ bị bao vây và lưu đày. Tuy vậy, ngôn sứ cũng không quên nhắc lại cho họ niềm hy vọng sẽ được giải thoát.
đ. Bị tiêu diệt, ds: biến mất, chết, tiêu vong.
g. Nỗi đau của những người bị lưu đày sang Ba-by-lon được ví như sự đau đớn của người phụ nữ sinh con. Tuy nhiên, sự đau đớn là điểm cuối cùng để bước sang một niềm vui mới, niềm vui có được một người con chào đời.
h. Kẻ thù ngươi: đó là người Ba-by-lon.
i. Đánh ngươi, ds: chống lại ngươi. Cc. 11.12 có lẽ muốn quy chiếu về biến cố năm 701 tCN, khi vua Xan-khê-ríp bao vây Giê-ru-sa-lem nhưng buộc phải rút lui (x. 2 V 19,35).
k. Kẻ thù muốn chinh phạt Giê-ru-sa-lem, nhưng Thiên Chúa sẽ quật ngã chúng. Số phận của chúng chẳng khác gì lúa ở trên sân phơi.
l. Xi-on: ám chỉ Giê-ru-sa-lem. Con gái Xi-on: ám chỉ dân thành Giê-ru-sa-lem.
m. Đứng lên đạp lúa là hình ảnh diễn tả sự trừng phạt, việc giày xéo quân thù.
n. Xem chú thích m) ở c. 13. Người ta không rõ câu này muốn nói tới biến cố lịch sử nào. Các hình ảnh: sừng, móng, giẫm nát rất am hợp với hình ảnh con vật đạp lúa trên sân (x. Đnl 25,4; Hs 10,11).
o. Biệt hiến hoặc tru hiến: trong chiến trận, chính Thiên Chúa là vị chỉ huy tối cao của Ít-ra-en. Mọi chiến lợi phẩm phải được biệt hiến cho Người (x. Gs 6,17-24; Ml 3,24b+).
p. Theo PT, ch. 5 bắt đầu từ câu này. Đoạn 4,14–5,3 cho thấy sự tương phản giữa vị thẩm phán bị vua Xan-khê-ríp lăng mạ (x. 2 V 18,13-16) với Đấng Mê-si-a tương lai, Người sẽ khai mở một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vinh quang và an bình. Phụng vụ công giáo trích đoạn 5,1-4 để đọc trong thánh lễ Chúa nhật IV Mùa Vọng, năm C.
q. Con gái hiếu chiến, ds: con gái của đoàn quân: một cách gọi Giê-ru-sa-lem.
r. Hãy rạch mình hoặc hãy tập hợp đoàn quân. Ở đây có lẽ theo nghĩa thứ nhất. Ngôn sứ mời gọi dân thành hãy rạch mình để diễn tả thái độ ăn năn, đền tội. Lề Luật cấm việc rạch mình này, nhưng có lẽ nó đã ăn sâu vào trong tập tục của dân chúng (x. Lv 19,28; Đnl 14,1).
s. Hành động diễn tả ở đây có lẽ là một với biến cố ở cc. 11-12. Dùng gậy đánh vào má ai là một cách để hạ nhục, làm cho người đó (vị thẩm phán) bị xấu hổ (x. 1 V 22,24; Ac 3,30).