III. VUA SA-UN VÀ ÔNG ĐA-VÍT
1. ÔNG ĐA-VÍT TRONG TRIỀU ĐÌNH
Ông Đa-vít được xức dầu phong vương
1 ĐỨC CHÚA phán với ông Sa-mu-en: “Ngươi còn khóc thương Sa-un cho đến bao giờ, khi ta đã gạt bỏ nó, không cho làm vua cai trị Ít-ra-en nữa? Ngươi hãy lấy dầu đổ đầy sừng và lên đường. Ta sai ngươi đến gặp Gie-sê người Bê-lem, vì Ta đã thấy trong các con trai nó một người Ta muốn đặt làm vua.”2 Ông Sa-mu-en thưa: “Con đi thế nào được? Vua Sa-un mà nghe biết thì vua sẽ giết con!” ĐỨC CHÚA phán: “Ngươi hãy đem theo một con bò cái tơ và hãy nói: ‘Tôi tới đây là để dâng hy lễ lên ĐỨC CHÚA.’3 Ngươi sẽ mời Gie-sê đến dự hy lễ; phần Ta, Ta sẽ cho ngươi biết điều ngươi phải làm, và ngươi sẽ xức dầu tấn phong cho Ta kẻ Ta sẽ nói cho ngươi hay.”
4 Ông Sa-mu-en làm điều ĐỨC CHÚA đã phán; ông đến Bê-lem và các kỳ mục trong thành run sợ ra đón ông. Họ nói: “Ông đến có phải là để đem bình an không?”5 Ông trả lời: “Bình an! Tôi tới đây là để dâng hy lễ lên ĐỨC CHÚA. Các ông hãy thanh tẩy mình và đến dự hy lễ với tôi.” Ông thanh tẩy ông Gie-sê và các con trai ông ấy và mời họ đến dự hy lễ.
6 Khi họ đến, ông thấy Ê-li-áp, ông nghĩ: “Đúng rồi! Người ĐỨC CHÚA xức dầu tấn phong đang ở trước mặt ĐỨC CHÚA đây!”7 Nhưng ĐỨC CHÚA phán với ông Sa-mu-en: “Đừng xét theo hình dáng và vóc người cao lớn của nó, vì Ta đã gạt bỏ nó. Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn ĐỨC CHÚA thì thấy tận đáy lòng.”8 Ông Gie-sê gọi A-vi-na-đáp và cho cậu đi qua trước mặt Sa-mu-en, nhưng ông Sa-mu-en nói: “Cả người này, ĐỨC CHÚA cũng không chọn.”9 Ông Gie-sê cho Sa-ma đi qua, nhưng ông Sa-mu-en nói: “Cả người này, ĐỨC CHÚA cũng không chọn.”10 Ông Gie-sê cho bảy người con trai đi qua trước mặt ông Sa-mu-en, nhưng ông Sa-mu-en nói với ông Gie-sê: “ĐỨC CHÚA không chọn những người này.”11 Rồi ông lại hỏi ông Gie-sê: “Các con ông có mặt đầy đủ chưa?” Ông Gie-sê trả lời: “Còn cháu út nữa, nó đang chăn chiên.” Ông Sa-mu-en liền nói với ông Gie-sê: “Xin ông cho người đi tìm nó về, chúng ta sẽ không nhập tiệc trước khi nó tới đây.”12 Ông Gie-sê cho người đi đón cậu về. Cậu có mái tóc hung, đôi mắt đẹp và khuôn mặt xinh xắn. ĐỨC CHÚA phán với ông Sa-mu-en: “Đứng dậy, xức dầu tấn phong nó đi! Chính nó đó!”13 Ông Sa-mu-en cầm lấy sừng dầu và xức cho cậu, ở giữa các anh của cậu. Thần khí ĐỨC CHÚA nhập vào Đa-vít từ ngày đó trở đi. Ông Sa-mu-en đứng dậy và đi Ra-ma.
Ông Đa-vít vào phục vụ vua Sa-un
14 Thần khí ĐỨC CHÚA rời khỏi vua Sa-un và một thần khí xấu từ ĐỨC CHÚA đến ám vua.15 Triều thần nói với vua Sa-un: “Ngài thấy đó, một thần khí xấu của Thiên Chúa ám ngài.16 Xin ngài truyền. Bề tôi của ngài đang ở trước mặt ngài: họ sẽ tìm một người biết gảy đàn, và khi thần khí xấu của Thiên Chúa xuống trên ngài, thì người ấy sẽ gảy đàn và ngài sẽ cảm thấy dễ chịu.”17 Vua Sa-un nói với triều thần: “Các người hãy đi tìm cho ta một tay gảy đàn giỏi và đưa đến cho ta.”18 Một người trong đám gia nhân thưa rằng: “Tôi biết ông Gie-sê người Bê-lem, có một người con trai biết gảy đàn. Anh ta là một dũng sĩ can đảm, một chiến binh, một người có tài ăn nói, đẹp trai, và ĐỨC CHÚA ở với anh.”19 Vua Sa-un sai sứ giả đến với ông Gie-sê và nói với ông: “Ngươi hãy gửi cho ta Đa-vít, con ngươi, đứa chăn chiên.”20 Ông Gie-sê bắt một con lừa, cho chở bánh, một bầu da rượu, và một con dê con, rồi sai Đa-vít, con ông, mang đến cho vua Sa-un.21 Đa-vít đến với vua Sa-un và chầu chực trước mặt vua. Vua thương cậu lắm và cậu trở thành người hầu cận của vua.22 Vua Sa-un sai người đến nói với ông Gie-sê: “Hãy để Đa-vít chầu chực trước mặt ta, vì nó được đẹp lòng ta.”23 Như vậy, khi thần khí Thiên Chúa xuống trên vua Sa-un, thì Đa-vít cầm đàn và gảy. Bấy giờ vua Sa-un nguôi bệnh, cảm thấy dễ chịu, và thần khí xấu rời khỏi vua.
R 4,17-22; Is 11,1; Mk 5,1
1 Sm 17,37; 18,12.14; 20,13; 2 Sm 5,10; 1 V 1,37
k. Tuy trực tiếp nối liền với ch. 15, nhưng ch. 16 được đặt làm chương mở đầu một phần chính yếu của lịch sử. Về sử liệu, phần này thu thập nhiều truyền thống, có những đoạn trùng lắp, nhưng tập truyện không phải là hỗn tạp, mà có một chủ đích rõ rệt, đó là làm nổi bật song song bước đăng quang của Đa-vít và sự suy tàn của vua Sa-un (1 Sm 16,1–2 Sm 1), với điệp khúc Đức Chúa ở với anh / ông (Đa-vít) (1 Sm 16,18; 17,37; 18,12.14.28; 20,13 và 2 Sm 5,10). Cả phần này nêu rõ những đức tính của Đa-vít: trung nghĩa đối với vua Sa-un (24,11; 26,23); tha thiết với bạn (thái tử Giô-na-than); hiếu nghĩa với dân tộc mình ngay trong những ngày bị đẩy vào chân tường, đi đánh thuê cho quân Phi-li-tinh (27,8-12; 29,2-5; 30,26-31).
l. Ông Sa-mu-en xức dầu phong vương cho Đa-vít như ông đã làm cho vua Sa-un (9,15–10,16): một cách bí mật, và như không ăn khớp với các câu chuyện tiếp theo sau. Tiêu chuẩn để tuyển chọn là chính ý muốn Thiên Chúa (cc. 3.6-12): đây cũng là một yếu tố đặc thù của truyền thống các ngôn sứ mà soạn giả cũng chịu ảnh hưởng.
m. Đây là phản ứng điển hình của mọi ngôn sứ khi được ban sứ mạng. Nhưng còn thêm một yếu tố khác: câu này tiên báo thời kỳ cuối đời của vua Sa-un, khi vua bị ám ảnh, bị thần khí xấu của Thiên Chúa ám, nên luôn tìm cách sát hại người Thiên Chúa chọn, đặc biệt là Đa-vít (x. c. 14tt).
n. Run sợ (c. 4): cũng như ông Sa-mu-en sợ bị vua Sa-un phát giác với “đồ nghề” xức dầu tấn phong của ông, thì các kỳ mục cũng sợ bị phát giác có liên lụy với ông Sa-mu-en như vậy. Nhưng có bản dịch hiểu là chạy túa ra.
“Ông đến có phải là đem bình an không?” cũng có thể chỉ có nghĩa là ông đã đến đây bình an hoặc là một lời chào đón thường lệ.
Thanh tẩy: theo luật tẩy uế, trước khi dự hy lễ.
o. Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: dịch theo LXX, vì M không có vế nói về Thiên Chúa. Lời Chúa trong c. 7 này đã phác họa luật tuyển chọn của Thiên Chúa mà thánh Phao-lô sau này sẽ tóm gọn trong 1 Cr 1,26-29.
Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng vừa nói lên tương phản giữa hai quan điểm của Thiên Chúa và của người phàm, vừa cho thấy nơi con người có hai cấp độ, hai mặt thường mâu thuẫn với nhau: dáng vẻ bên ngoài và đáy lòng.
Ta đã gạt bỏ nó: nói riêng về Ê-li-áp, người anh cả của Đa-vít, có lẽ chỉ dấu rằng soạn giả dựa theo một truyền thống không mấy có thiện cảm với ông anh cả này (x. tiếp 17,28).
p. Cc. 10-11 trong đoạn này, cũng như 17,12, nói ông Gie-sê có tám con trai; còn 1 Sb 2,13-15 sẽ nói là có bảy.
q. Mái tóc hung: tính từ hung không được chính xác, vì chính từ vựng về màu sắc trong tiếng Híp-ri không có gì chính xác. Bởi đã chọn hung, nên thêm mái tóc (x. St 25,25 nói về Ê-xau), nhưng từ Híp-ri cũng có thể có nghĩa là đỏ, hồng, thắm, sáng sủa. Có bản chọn dịch từ này theo văn cảnh chung toàn bộ diện mạo của Đa-vít, và trong cùng mạch ý với 17,42 (tên Phi-li-tinh khổng lồ khinh dể cậu), nên dịch cậu có nước da hồng hào (x. Dc 5,10b). Thật vậy, cách mô tả này cho thấy Đa-vít còn rất trẻ và mảnh dẻ, mặt như còn “búng ra sữa”, sức nào hạ được tên Phi-li-tinh khổng lồ? Một thiếu niên như vậy kích thích sự khinh miệt nơi thù, nhưng cũng dễ gợi thiện cảm nơi bạn.
r. Đoạn này rất khéo về mặt bố cục, để giới thiệu hai nhân vật sẽ đi liền với nhau, mà một là chính diện và một là phản diện. Cái phân biệt đôi bên sẽ là thần khí: thần khí Đức Chúa bỏ vua Sa-un (c. 14a ở đầu đoạn), nhập vào Đa-vít từ đó trở đi, tức là một cách thường xuyên (c. 13b của đoạn trên); và một thần khí xấu (cũng) từ Đức Chúa đến ám vua Sa-un (c. 14b). Và việc phục vụ của Đa-vít bên cạnh vua có giá ở chỗ nó có khả năng làm cho thần khí xấu rời khỏi vua (c. 23b, ở cuối đoạn). Về thần khí xấu, x. Mt 12,43-45. Nhưng đoạn này cũng cho thấy một truyền thống khác với 17,55–18,5 về cuộc gặp mặt đầu tiên giữa vua Sa-un và Đa-vít (x. 17,12+).
s. Một phần những lời nói tốt này đến hơi sớm, vì Đa-vít tỏ ra là một dũng sĩ, một chiến binh chỉ trong thời gian đó, nhưng, ngoài ra, đã làm nổi bật tài nghệ về âm nhạc của Đa-vít. Kết hợp nơi bản thân tài năng này với tư cách được thần khí Đức Chúa cư ngụ thường xuyên, Đa-vít sẽ trở thành, trong truyền thống Ki-tô giáo, mô hình người nhạc công – ca sĩ được linh hứng để ngợi khen Thiên Chúa (x. 1 Sb 16,7; 23,30-31; Hc 47,8).
Các lễ vật ở c. 20: x. 10,3+.
t. Việc kết thân với những dũng sĩ, người can đảm, là một khuynh hướng cố hữu của vua Sa-un: x. 10,26; 14,52. Giờ đây ông biết mình bị Thiên Chúa loại trừ và ông Sa-mu-en bỏ rơi, bị thần khí xấu ám ảnh, nên càng cần tìm đến những người mạnh hơn nữa. Đàng khác, khi thấy một Đa-vít tài ba, đáng mến và được thần khí Đức Chúa ở cùng, thì nhu cầu gắn bó này lại mâu thuẫn với lòng ganh tị, và thần khí xấu nơi ông sẽ khiến ông có những cơn kích động đối kháng với Đa-vít sau này, suốt đời (18,29). Đó là cách để soạn giả lý giải theo hướng thần học những biểu hiện bệnh hoạn nơi vua.
u. Tác động của âm nhạc trên hệ thần kinh của con người được mọi nơi mọi thời nhìn nhận: 2 V 3,15, các ả đào, “geisha”... Trong một khung cảnh đặc biệt hơn, vai trò của nhạc cụ trong các “nhóm ngôn sứ”: x. 10,6+. Ở đây còn có tác động của người được thần khí (tốt) của Đức Chúa linh hứng trên người bị thần khí (xấu) của Đức Chúa ám (x. c. 14+).