2. VUA ĐA-VÍT TRỊ VÌ GIU-ĐA VÀ ÍT-RA-EN
Vua Đa-vít được xức dầu tấn phong làm vua Ít-ra-en
1 Toàn thể các chi tộc Ít-ra-en đến gặp vua Đa-vít tại Khép-rôn và thưa: “Chúng tôi đây là cốt nhục của ngài.2 Ngay cả trước kia, khi ông Sa-un làm vua cai trị chúng tôi, chính ngài đã chỉ huy các cuộc hành quân của Ít-ra-en. ĐỨC CHÚA đã phán với ngài: ‘Chính ngươi sẽ chăn dắt Ít-ra-en, dân Ta, chính ngươi sẽ là người lãnh đạo Ít-ra-en.’”3 Toàn thể kỳ mục Ít-ra-en đến gặp vua tại Khép-rôn. Vua Đa-vít lập giao ước với họ tại Khép-rôn, trước nhan ĐỨC CHÚA. Rồi họ xức dầu tấn phong Đa-vít làm vua Ít-ra-en.
4 Vua Đa-vít được ba mươi tuổi khi lên làm vua, và trị vì bốn mươi năm.5 Tại Khép-rôn, vua trị vì Giu-đa bảy năm sáu tháng. Tại Giê-ru-sa-lem, vua trị vì toàn thể Ít-ra-en và Giu-đa ba mươi ba năm.
Chiếm Giê-ru-sa-lem
6 Vua và người của vua tiến về Giê-ru-sa-lem đánh người Giơ-vút là dân bản xứ. Chúng nói với vua Đa-vít: “Ông sẽ không vào đây được, vì người mù người què sẽ đẩy lui ông.” Nghĩa là: “Ông Đa-vít sẽ không vào đây được.”7 Vua Đa-vít đã chiếm được đồn lũy Xi-on, đó là Thành vua Đa-vít.8 Ngày hôm đó, vua Đa-vít nói: “Mọi kẻ muốn đánh người Giơ-vút, thì hãy qua đường hầm mà tấn công người mù người què, những kẻ mà lòng vua Đa-vít ghét.” Vì thế có câu: “Người mù người què sẽ không được vào Đền.”9 Vua Đa-vít đóng tại đồn lũy và gọi đó là Thành vua Đa-vít. Rồi vua Đa-vít xây chung quanh, từ nền Mi-lô vào phía trong.10 Vua Đa-vít ngày càng mạnh thế, và ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa các đạo binh, ở với vua.
11 Ông Khi-ram, vua thành Tia, sai sứ giả đến với vua Đa-vít, đem theo gỗ bá hương, thợ mộc, thợ đẽo đá xây, và họ đã xây nhà cho vua Đa-vít.12 Vua Đa-vít biết rằng ĐỨC CHÚA đã đặt mình làm vua cai trị Ít-ra-en, và vì dân Người là Ít-ra-en, Người đã làm cho vương quyền của vua được vinh hiển.
Các con vua Đa-vít sinh ra tại Giê-ru-sa-lem
13 Sau khi từ Khép-rôn tới, vua Đa-vít lấy thêm tỳ thiếp và vợ ở Giê-ru-sa-lem, và vua Đa-vít sinh thêm con trai con gái.14 Đây là tên những người vua sinh được tại Giê-ru-sa-lem: Sam-mu-a, Sô-váp, Na-than, Sa-lô-môn,15 Gíp-kha, Ê-li-su-a, Ne-phéc, Gia-phia,16 Ê-li-sa-ma, En-gia-đa và Ê-li-phe-lét.
Chiến thắng quân Phi-li-tinh
17 Khi quân Phi-li-tinh nghe biết là người ta đã xức dầu tấn phong vua Đa-vít làm vua Ít-ra-en, thì toàn thể quân Phi-li-tinh lên tìm bắt vua Đa-vít. Vua Đa-vít nghe tin liền xuống nơi ẩn náu.18 Quân Phi-li-tinh đến và tràn vào thung lũng người Ra-pha.19 Vua Đa-vít thỉnh ý ĐỨC CHÚA: “Con có nên tiến đánh quân Phi-li-tinh không? Ngài có trao chúng vào tay con không?” ĐỨC CHÚA trả lời vua Đa-vít: “Cứ lên, vì chắc chắn ta sẽ trao quân Phi-li-tinh vào tay ngươi.”20 Vua Đa-vít đến Ba-an Pơ-ra-xim, và vua Đa-vít đánh bại chúng ở đó. Vua nói: “ĐỨC CHÚA đã chọc thủng quân thù trước mặt tôi, như chỗ bị nước chọc thủng.” Vì thế, người ta đặt tên cho nơi ấy là Ba-an Pơ-ra-xim.21 Chúng đã bỏ lại đó các tượng thần của chúng, và vua Đa-vít và người của vua đã mang đi.
22 Một lần nữa, quân Phi-li-tinh lại lên và tràn vào thung lũng người Ra-pha.23 Vua Đa-vít thỉnh ý ĐỨC CHÚA; Người phán: “Đừng lên, nhưng hãy đi vòng, đánh tập hậu, và tấn công chúng từ phía lùm cây sếu.24 Khi nào ngươi nghe tiếng chân bước trên ngọn các cây sếu, bấy giờ ngươi hãy mau mau tấn công, vì bấy giờ ĐỨC CHÚA sẽ ra trận trước mặt ngươi để đánh quân đội Phi-li-tinh.”25 Vua Đa-vít làm như ĐỨC CHÚA đã truyền cho vua, và vua đã đánh bại người Phi-li-tinh từ Ghe-va cho đến lối vào Ghe-de.
2 Sm 2,1; 5,23; 1 Sm 23,4.10.12
t. Để chỉ những người tôn vua Đa-vít lên làm vua Ít-ra-en, c. 1 chép toàn thể các chi tộc Ít-ra-en, trong khi c. 3 chép toàn thể kỳ mục Ít-ra-en. Điều này cho thấy cc. 1-2 được soạn lại, để phóng đại và gợi ý Đa-vít được chính Chúa tuyển chọn, trong khi c. 3 còn giữ nét mộc mạc của truyền thống thuật lại rằng vua được các kỳ mục cất nhắc lên.
u. Cốt nhục của ngài: đây không phải là cách dịch để theo lối nói Việt Nam, nhưng thật sự là do hai từ Híp-ri có nghĩa là xương và thịt, chỉ tương quan mật thiết cùng loại (St 2,23) và cùng huyết thống (St 29,14;...). Tiếng Việt và tiếng Híp-ri quả là hai ngôn ngữ có cùng một quan niệm trên nhiều bình diện.
v. X. 1 Sm 25,30+.
Chăn dắt Ít-ra-en: x. 7,7; Gr 23,1-4; Ed 34; Mk 5,3; Tv 78,70-72.
x. Vua Đa-vít lập giao ước với họ: vua tự ràng buộc mình với các người đại diện cho Ít-ra-en. Có người lưu ý ở đây dùng một chữ Híp-ri tuy cũng dịch là với (họ), nhưng có thể nói lên giao ước này là có lợi cho họ, vì vua Đa-vít ở thế mạnh hơn họ (x. 3,21+). Cũng x. chú thích t) trên.
y. Làm vua Ít-ra-en sau khi đã được tấn phong làm vua Giu-đa (2,4). Vậy cái thống nhất Giu-đa với Ít-ra-en là một cá nhân, do đó tình đoàn kết này rất mong manh, có lúc bị đe dọa (x. 15,2-6.10 với Áp-sa-lôm và 20,1-22 với Se-va) và sẽ tan rã dưới thời vua Rơ-kháp-am (1 V 12). Còn giữa vua Đa-vít với người miền Giu-đa thì 2,4 không nói có lập giao ước, chỉ có 2 V 11,17 như cho hiểu ngầm là có thôi.
b. Cuộc xâm chiếm này diễn ra trước hay sau trận chiến với quân Phi-li-tinh (cc. 17-25) là vấn đề còn tồn nghi.
c. Câu thoại ở đây được chép nhiều cách. Có thể hiểu là Giê-ru-sa-lem không thể thất thủ, vì chỉ cần người tật nguyền (mù và què) cũng đủ sức phòng thủ; hoặc có thể hiểu: dân Giơ-vút rất cương quyết không để Đa-vít vào chiếm, đến cả người mù và người què cũng đòi xuất trận để kháng cự.
d. Đồn lũy nằm trên núi Xi-on, giữa hai nhánh sông, phía nam đỉnh núi nơi vua Đa-vít sẽ cho dựng một bàn thờ (24,18-25) và vua Sa-lô-môn xây đền thờ (1 V 6).
Thành vua Đa-vít: câu này là một ghi chú về địa lý, nhưng c. 9a nói rõ là vua Đa-vít gọi đó là Thành...: vua đã có ý định lập Giê-ru-sa-lem làm thủ đô. Vị trí Giê-ru-sa-lem ở giữa Ít-ra-en và Giu-đa là thuận lợi, giúp vua giữ được thế độc lập cần thiết để cai trị cả hai miền thống nhất.
đ. Câu nói của vua Đa-vít ở đây quật lại câu nói của người Giơ-vút (c. 6) và sẽ dẫn đến câu tục ngữ cho biết người mù và người què bị loại khỏi đền thờ, trong khi Lv 21,18 chỉ loại họ khỏi chức vụ tư tế. X. Mt 21,14 cho thấy ngược hẳn.
Đường hầm: từ Híp-ri khó hiểu, được dịch nhiều cách, nhưng “địa đạo” là một công trình đã trở nên điển hình trong mọi chiến thuật. X. 1 Sb 11,6 nói đơn giản hơn.
e. C. 9b không hợp thời điểm, vì phải đến thời vua Sa-lô-môn, nền Mi-lô mới được xây (x. 1 V 9,15.24; 11,27). Cc. 11-12 cũng cho vua Đa-vít là người đi trước vua Sa-lô-môn trong việc liên hệ với nước ngoài để có vật liệu xây cất (1 V 5,15tt), và làm cho vương quyền được vinh hiển (x. 1 V 10,1...).
g. Thiên Chúa các đạo binh: x. 1 Sm 1,3+.
Ở với vua.: x. 1 Sm 16, tiêu đề, chú thích đ).
i. Trên nguyên tắc, vua Đa-vít là một chư hầu của vua người Phi-li-tinh (x. 1 Sm 27,5-6), nên quân Phi-li-tinh mới phản ứng như vậy.
k. Dịch ra nơi ẩn náu là chọn giả thiết vua Đa-vít chiếm Giê-ru-sa-lem sau trận này. Nếu đã chiếm trước, thì ở đây sẽ là đồn lũy (cùng một từ trong tiếng Híp-ri – x. c. 7+). Theo 1 Sm 22,4-5; 24,23; 2 Sm 23,14, thì đó là hang A-đu-lam nói tới ở 1 Sm 22,1; 2 Sm 23,13. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng có thể vua không định cư liền ở Giê-ru-sa-lem sau khi chiếm được thành và xây dựng đồn lũy. Nếu quân Phi-li-tinh đã tràn vào thung lũng người Ra-pha (tây nam Giê-ru-sa-lem) thì có nghĩa là chúng muốn tấn công đồn lũy Xi-on (cc. 18-22).
l. Ba-an Pơ-ra-xim: không rõ vị trí, nhưng có nghĩa là một cửa mở để đột phá, để chọc thủng (x. St 38,29). Cc. 23-24 nói về cây sếu, và phía tây bắc Giê-ru-sa-lem của vua Đa-vít cũng có thung lũng Cây Sếu.
m. Đây là câu điển hình kết thúc một chiến trận: cho thấy kẻ thù bị đánh dồn trở về lãnh thổ hay sào huyệt của nó (Ghe-de giáp giới với lãnh thổ Phi-li-tinh): x. Gs 10,10; Tl 4,16; 7,22...; 1 Sm 7,11; 14,22-23; 17,52.
Ghe-va: LXX và 1 Sb 14,16 thì chép Ghíp-ôn.