Lời sấm của ông Na-than
1 Khi vua được yên cửa yên nhà và ĐỨC CHÚA đã cho vua được thảnh thơi mọi bề, không còn thù địch nào nữa,2 thì vua nói với ngôn sứ Na-than: “Ông xem, tôi được ở nhà bằng gỗ bá hương, còn Hòm Bia Thiên Chúa thì ở trong lều vải.”3 Ông Na-than thưa với vua: “Tất cả những gì ngài ấp ủ trong lòng, xin ngài cứ đi mà thực hiện, vì ĐỨC CHÚA ở với ngài.”
4 Nhưng ngay đêm ấy, có lời ĐỨC CHÚA phán với ông Na-than rằng:
5 “Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là Đa-vít: ĐỨC CHÚA phán thế này: Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao?6 Thật vậy, từ ngày Ta đưa con cái Ít-ra-en lên từ Ai-cập cho tới ngày hôm nay, Ta không hề ở trong một ngôi nhà, nhưng Ta đã nay đây mai đó trong một cái lều và trong một nhà tạm.7 Trong suốt thời gian rày đây mai đó với toàn thể con cái Ít-ra-en, có bao giờ Ta đã lên tiếng hỏi một trong các thủ lãnh Ít-ra-en mà Ta đã đặt lên chăn dắt dân Ta là Ít-ra-en: ‘Sao các ngươi không xây cho Ta một ngôi nhà bằng gỗ bá hương?’8 Bây giờ ngươi hãy nói với tôi tớ Ta là Đa-vít như sau: ĐỨC CHÚA các đạo binh phán thế này: Chính Ta đã cất nhắc ngươi, từ một kẻ lùa chiên ngoài đồng cỏ, lên làm người lãnh đạo dân Ta là Ít-ra-en.9 Ngươi đi đâu, Ta cũng đã ở với ngươi; mọi thù địch ngươi, Ta đã diệt trừ cho khuất mắt ngươi. Ta sẽ làm cho tên tuổi ngươi lẫy lừng, như tên tuổi những bậc vĩ nhân trên mặt đất.10 Ta sẽ cho dân Ta là Ít-ra-en một chỗ ở, Ta sẽ định cư chúng, và chúng sẽ ở luôn tại đó, chúng sẽ không còn run sợ, và quân gian ác cũng không còn tiếp tục áp bức chúng như thuở ban đầu,11 kể từ thời Ta đặt các thủ lãnh cai quản dân Ta là Ít-ra-en. Ta sẽ cho ngươi được thảnh thơi, không còn thù địch nào nữa, ĐỨC CHÚA báo cho ngươi biết là ĐỨC CHÚA lập cho ngươi một nhà.12 Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi –một người do chính ngươi sinh ra–, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền.13 Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi.14 Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. Khi nó phạm lỗi, Ta sẽ sửa phạt nó bằng roi của người phàm, bằng đòn của con người.15 Tình thương của Ta sẽ không rời khỏi nó, như Ta đã cho rời khỏi Sa-un, kẻ Ta đã bắt rời khỏi mặt ngươi.16 Trước mặt Ta, nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ muôn đời bền vững, và ngai vàng của ngươi sẽ được củng cố đến muôn đời.”
17 Ông Na-than đã nói lại với vua Đa-vít, đúng y như tất cả những lời ấy và tất cả thị kiến ấy.
Vua Đa-vít cầu nguyện
18 Vua Đa-vít vào ngồi chầu trước nhan ĐỨC CHÚA và thưa: “Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng, con là ai và nhà của con là gì, mà Ngài đã đưa con tới địa vị này?19 Nhưng lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng, Ngài còn coi đó là quá ít; Ngài lại hứa cho nhà của tôi tớ Ngài một tương lai lâu dài. Phải chăng đó là luật chung cho con người, lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng?20 Đa-vít còn nói được gì thêm với Ngài? Ngài biết tôi tớ Ngài, lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng!21 Vì lời Ngài đã phán và theo như lòng Ngài muốn, Ngài đã thực hiện tất cả công trình vĩ đại này, để làm cho tôi tớ Ngài được biết.22 Vì thế, lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng, Ngài thật vĩ đại: không ai sánh được như Ngài; và không có Thiên Chúa nào khác ngoại trừ Ngài, theo như mọi điều tai chúng con đã từng được nghe.23 Dưới đất có một dân tộc nào được như dân Ngài là Ít-ra-en? Thiên Chúa đã đến cứu chuộc dân này để làm thành dân của Ngài, đặt tên cho nó, thực hiện cho nó những điều vĩ đại và khủng khiếp, hầu xua đuổi các dân tộc và các thần của chúng cho khuất mắt dân mà Ngài đã cứu chuộc từ Ai-cập về cho mình.24 Ngài đã lập Ít-ra-en, dân Ngài, để nó thành dân Ngài mãi mãi; còn Ngài, lạy ĐỨC CHÚA, Ngài đã trở thành Thiên Chúa của chúng.25 Giờ đây, lạy ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa, lời Ngài đã phán về tôi tớ Ngài và nhà của nó, xin Ngài giữ mãi mãi, và xin hành động như Ngài đã phán.26 Danh Ngài sẽ vĩ đại mãi mãi và người ta sẽ nói: ‘ĐỨC CHÚA các đạo binh là Thiên Chúa thống trị Ít-ra-en.’ Nhà của tôi tớ Ngài là Đa-vít sẽ vững bền trước nhan Ngài.27 Thật vậy, lạy ĐỨC CHÚA các đạo binh, Thiên Chúa của Ít-ra-en, chính Ngài đã mặc khải cho tôi tớ Ngài rằng: Ta sẽ xây cho ngươi một nhà. Vì thế tôi tớ Ngài đủ can đảm dâng lên Ngài lời cầu nguyện ấy.28 Giờ đây, lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng, chính Ngài là Thiên Chúa, những lời Ngài phán là chân lý, và Ngài đã hứa ban cho tôi tớ Ngài điều tốt đẹp ấy.29 Vậy giờ đây, cúi xin Ngài giáng phúc cho nhà của tôi tớ Ngài, để nhà ấy được tồn tại mãi trước nhan Ngài. Bởi vì, lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng, chính Ngài đã phán, và nhờ Ngài giáng phúc mà nhà của tôi tớ Ngài sẽ được chúc lành mãi mãi.”
Ds 22,8-13.19-20; 1 Sm 9,15-17; 1 V 14,5; 2 V 20,4-6
1 Sm 16,11; 17,15; Tv 78,70
Xh 23,20; Ds 10,29; 14,40; Đnl 26,9; 1 Sm 12,8
2 Sm 5,12; 1 Sm 13,13; 1 V 2,24
Xh 3,11; Tl 6,15; 1 Sm 9,21; 18,18
Tv 35,27; 40,17; 70,5; 104,1
Xh 15,11; Đnl 4,7.34; 1 V 8,23; Tv 86,8; Gr 10,6.7
Đnl 9,5; 1 Sm 1,23; 1 V 2,4
x. Đặt giữa tiến trình vinh quang của vua Đa-vít và trình tự kế thừa ngôi vua của ông (từ ch. 9 trở đi), lời sấm này là đỉnh cao của bộ sách Sa-mu-en. Lời sấm do chính Thiên Chúa mặc khải qua ngôn sứ Na-than (c. 4), đáp lại niềm khắc khoải của vua Đa-vít (c. 2) và đưa ra hai điểm: 1) không phải vua Đa-vít sẽ xây nhà cho Chúa ngự, mà chính Chúa sẽ gầy dựng nhà Đa-vít (cc. 5-7 và 11b-12) –ở đây cũng cho thấy ngôn ngữ Híp-ri và Việt Nam lại gặp nhau ở quan niệm “nhà” = dòng dõi, triều đại–; 2) không phải vua Đa-vít sẽ xây nhà cho Chúa ngự, mà là người thừa kế là vua Sa-lô-môn (cc. 12-13). Như vậy, lời sấm này nâng cao vinh dự bản thân vua Đa-vít, đồng thời nâng cao vinh dự toàn thể nhà Đa-vít: Chúa không đòi hỏi vua tôn vinh Chúa trước, nhưng lại ban cho vua được đứng đầu một triều đại mà chính Chúa đảm bảo sự trường tồn. Việc kết hợp hai ý này trong một lời sấm có thể rất cổ xưa, từ thời vua Sa-lô-môn, trong truyền thống các hàng tư tế trung thành với dòng dõi Đa-vít – Sa-lô-môn và với đền thờ Giê-ru-sa-lem. Hơn nữa, khi làm nổi bật việc Thiên Chúa tuyển chọn dòng dõi vua Đa-vít, đoạn văn này đã khởi xướng khái niệm Đấng Mê-si-a cũng thuộc dòng dõi này.
y. C. 1 là cụm từ được dùng nhiều: x. Đnl 12,10; Gs 21,44; 1 V 5,18; cũng x. 1 Sm 12,11.
a. Ông là ngôn sứ triều đình gắn liền với vua Đa-vít như một quan ngự sử: ông sẽ đến “kiểm điểm” vua (ch. 12) và sẽ là một trong những người lập Sa-lô-môn làm vua (1 V 1). Truyền thống cũng cho ông là một trong những sử gia của vua Đa-vít (x. 1 Sb 29,29).
b. Nhà bằng gỗ bá hương: nhà được xây cất với sự hợp tác của vua Khi-ram thành Tia (5,11), Đền Thờ cũng sẽ được như vậy (1 V 5,20).
Lều vải: x. 6,17, khác với Lều Hội Ngộ dựng trong sa mạc.
c. Cụm từ tôi tớ của Ta là Đa-vít được dùng rất nhiều để chỉ vua Đa-vít: 3,18; 7,8; 1 V 11,13.32.34.36.38; 14,8; 2 V 19,34; 20,6; Is 37,35; Gr 33,21.22.26; Tv 89,4.21; 1 Sb 17,4.7; và sẽ chỉ Đấng Mê-si-a: Ed 34,23.24; 37,24.25.
d. Ở: động từ này trong tiếng Việt nghe tầm thường, nhưng là dịch một từ Híp-ri có nghĩa là (được đặt) ngồi yên ổn, một động từ rất quan trọng, then chốt, hàm ý hoặc nói lên những thực tại vững chắc, bền lâu, thái bình, ổn định: cc. 1 (dịch rất có phong vị Việt Nam là được yên cửa yên nhà).2.6.18. Cc. 5-7 có vẻ đặt lại vấn đề giá trị của một ngôi nhà, một đền, do tay người phàm dựng nên, để làm nơi Thiên Chúa ngự, và sẽ gây tranh cãi về Đền Thờ (x. Cv 7,48). Có thể lời sấm này cũng được xét lại lúc biên soạn đoạn này, vào thời đền thờ Giê-ru-sa-lem không còn nữa, kéo theo một tâm trạng hờ hững đối với quan niệm về Đền Thờ (x. 1 V 8,27; Is 66,1-2).
e. Một trong các thủ lãnh Ít-ra-en: dịch theo LXX và 1 Sb 17,6. M chép một người trong các chi tộc Ít-ra-en.
Chăn dắt dân Ta...: x. 5,2+.
g. X. 1 Sm 9,16+; 25,30+.
h. Định cư, ds: trồng (x. Gr 24,6; 32,41; 42,10...). Đây có thể diễn đạt hy vọng sẽ thấy cuộc phục hưng tổ quốc, hy vọng của chính soạn giả truyền thống Đnl, vì ông viết câu này sau thời kỳ chế độ quân chủ đã bị sụp đổ.
i. Một người do chính ngươi sinh ra, ds: một người từ ruột ngươi mà ra, tiếng Việt có lối nói rất gần: con ruột. Dĩ nhiên đây ám chỉ Sa-lô-môn. Tác giả khéo lướt từ tập thể dòng dõi sang cá thể người nối dõi trực tiếp mà cc. 13-15 sẽ triển khai tương lai rực rỡ.
Trong c. 13, tác giả sẽ đi ngược lại cũng khéo như vậy: từ cá nhân vua Sa-lô-môn lướt qua triều đại và ngôi báu Đa-vít – Sa-lô-môn.
k. Nếu c. 13a là một câu nguyên thủy, nó chỉ về miêu duệ vua Đa-vít, đặc biệt là vua Sa-lô-môn; nếu cho nó là một câu được tác giả đệ nhị luật thêm vô sau, thì phải hiểu là nó tìm cách lý giải tại sao vua Đa-vít không xây đền thờ cho Thiên Chúa. Nhiều nhà chú giải nghiêng về giả thuyết sau này hơn.
Tôn kính danh Ta (c. 13): cả một thần học về Danh là một đặc trưng của truyền thống đệ nhị luật (x. Đnl 12,5.11.21; 14,23-24; 16,2.6.11; 26,2; 1 V 3,2...; 2 V 21,4.7).
l. C. 14 vô đầu bằng công thức lập nghĩa tử, cũng là cốt tủy của lời cam kết giao ước (Tv 2,7; x. Tv 89,27). Đây cũng là công thức lần đầu tiên xác lập luận thuyết Đấng Mê-si-a thuộc hoàng tộc Đa-vít. Tân Ước sẽ ứng dụng câu này cho Đức Ki-tô (x. Lc 3,22+; Cv 13,33; Hr 1,5+; 5,5).
Bằng roi của người phàm, ds: bằng roi con người, có thể hiểu là bằng cách sửa phạt thông thường trong xã hội loài người nói chung, và bằng cách cha sửa phạt con nói riêng, chứ không như chủ sửa phạt đầy tớ hay nô lệ. Vậy ở đây xác nhận một lần nữa quan hệ cha con (giữa Thiên Chúa và mỗi cá nhân của triều đại) nói ở vế trên, ngay cả trong trường hợp tệ nhất. C. 16 còn xác nhận mạnh thêm: giao ước cha con này, tình thương của Chúa (c. 15), sẽ lan đến toàn thể dòng dõi Đa-vít (Tv 89,29). Chúng ta biết chóp đỉnh ở cuối triều đại là người Con yêu dấu của Thiên Chúa.
Trước mặt Ta (c. 16): dịch theo LXX, M chép trước mặt ngươi.
m. Ngồi chầu: cùng gốc từ Híp-ri với cc. 1.5; v.v.: x. 7,5+. Ở đây thêm chầu cho hợp với lễ nghĩa theo kiểu nói Việt Nam.
Đây là lời cầu nguyện của vua Đa-vít, đáp lời của ngôn sứ Na-than mặc khải cho vua biết ý định của Chúa trên dòng dõi vua.
n. Vế cuối của c. 19 khó hiểu, được hiểu nhiều cách. Ở đây dịch khá sát chữ, thêm chung cho rõ nghĩa hơn.
o. Có dân tộc nào... Thiên Chúa đã đến cứu chuộc: M ở đây ghi là Thiên Chúa, trong lúc trình thuật song song ở 1 Sb 17,21 ghi là một vị thần. Có thể soạn giả Sm không ưng để cho độc giả có nguy cơ hiểu rằng nói một vị thần ra vẻ nhìn nhận có những thần khác bên cạnh Thiên Chúa, lỗi với điều răn thứ nhất.
Đặt tên: xem ý nghĩa của việc “đặt tên” hoặc “mang danh” ở 6,2+.
Thực hiện cho nó: dịch theo cách hiểu khác; M chép Thực hiện cho các ngươi, do soạn giả buông theo kiểu nói trong diễn từ trước mặt độc giả, thính giả, hay thần dân (vua Đa-vít đang cao hứng).
p. Mặc khải, ds: vạch lỗ tai, x. 1 Sm 9,15+.