1 Ông Gia-cóp sống trong đất mà cha của ông đã trú ngụ, là đất Ca-na-an.
IV. SỰ TÍCH ÔNG GIU-SE
Ông Giu-se và các anh
2 Sau đây là gia đình ông Gia-cóp. Giu-se được mười bảy tuổi thì đi chăn chiên dê với các anh. Khi ấy cậu còn trẻ, cậu đi với các con trai bà Bin-ha và các con trai bà Din-pa, là các bà vợ của cha cậu. Cậu mách cha tiếng đồn không hay về họ.
3 Ông Ít-ra-en yêu Giu-se hơn tất cả các con, vì ông đã già mới sinh được cậu, và ông may cho cậu một áo chùng dài tay.4 Các anh cậu thấy cha yêu cậu hơn tất cả các anh, thì sinh lòng ghét cậu và không thể nói năng tử tế với cậu.
5 Giu-se chiêm bao, cậu thuật lại cho các anh, khiến họ càng ghét cậu thêm.6 Cậu nói với họ: “Xin nghe em kể giấc chiêm bao của em.7 Em thấy chúng ta đang bó những bó lúa ở giữa đồng, thì bó lúa của em vươn dậy, đứng thẳng lên, còn những bó lúa của các anh bao quanh và sụp xuống lạy bó lúa của em.”8 Các anh bảo cậu: “Mày muốn làm vua làm chúa thống trị chúng tao sao?” Và họ càng ghét cậu thêm vì những chiêm bao và những lời nói của cậu.9 Một lần khác cậu lại chiêm bao và kể cho các anh. Cậu nói: “Em lại chiêm bao. Em thấy mặt trời, mặt trăng và mười một ngôi sao đang sụp xuống lạy em.”10 Cậu kể lại cho cha và các anh, nhưng cha cậu mắng cậu và nói: “Giấc chiêm bao mày đã thấy là gì? Tao, mẹ mày và các anh mày lại phải đến sụp xuống đất lạy mày sao?”11 Các anh ghen với cậu, còn cha cậu thì ghi nhớ điều ấy.
Ông Giu-se bị các anh bán
12 Các anh cậu đã đi chăn chiên dê của cha họ ở Si-khem.13 Ông Ít-ra-en bảo Giu-se: “Các anh con đang chăn chiên dê ở Si-khem phải không? Lại đây, cha sai con đến với các anh.” Cậu thưa: “Dạ, con đây!”14 Ông bảo cậu: “Con hãy đi xem các anh con có được yên lành không, xem chiên dê có được yên lành không, rồi đem tin về cho cha.” Rồi ông sai cậu đi từ thung lũng Khép-rôn, và cậu đến Si-khem.
15 Có người gặp thấy cậu đi lang thang ngoài đồng; người đó hỏi cậu rằng: “Anh tìm gì đấy?”16 Cậu đáp: “Tôi đang tìm các anh tôi. Xin làm ơn chỉ cho tôi biết họ đang chăn ở đâu.”17 Người đó nói: “Họ đã lên đường đi khỏi đây, vì tôi có nghe họ nói: ‘Chúng ta đi Đô-than nào!’” Giu-se theo các anh và tìm thấy họ ở Đô-than.
18 Họ thấy cậu từ xa, và trước khi cậu tới gần họ thì họ lập mưu giết chết cậu.19 Họ bảo nhau: “Thằng tướng chiêm bao đang đến kia!20 Bây giờ, nào ta giết và ném nó xuống một cái giếng. Ta sẽ nói là một thú dữ đã ăn thịt nó. Rồi ta sẽ thấy các chiêm bao của nó đi tới đâu!”
21 Nghe thấy thế, Rưu-vên tìm cách cứu em khỏi tay họ; cậu nói: “Ta đừng đụng tới mạng sống nó.”22 Rưu-vên bảo họ: “Đừng đổ máu! Cứ ném nó xuống cái giếng kia trong sa mạc, nhưng đừng giơ tay hại nó.” Cậu có ý cứu em khỏi tay họ và đưa về cho cha.23 Vậy khi Giu-se đến chỗ các anh, thì họ lột áo chùng của cậu, chiếc áo chùng dài tay cậu đang mặc.24 Họ túm lấy cậu và ném xuống cái giếng; giếng đó cạn, không có nước.25 Rồi họ ngồi xuống dùng bữa.
Ngước mắt lên, họ thấy một đoàn người Ít-ma-ên đang từ Ga-la-át tới. Lạc đà của những người này chở nhựa thơm, nhũ hương và mộc dược để đưa xuống Ai-cập.26 Giu-đa nói với các anh em: “Ta giết em và phủ lấp máu nó, nào có ích lợi gì?27 Thôi, ta hãy bán nó cho người Ít-ma-ên, nhưng đừng động tay tới nó, vì nó là em ta, là ruột thịt của ta.” Các anh em nghe cậu.
28 Những lái buôn người Ma-đi-an đi qua đó kéo Giu-se lên khỏi giếng, rồi bán cậu cho người Ít-ma-ên hai mươi đồng bạc. Những người này đưa Giu-se sang Ai-cập.29 Khi Rưu-vên trở lại giếng thì thấy Giu-se không còn ở dưới giếng nữa. Cậu liền xé áo mình ra.30 Cậu đến nói với các em: “Thằng bé không còn nữa! Còn tôi, tôi biết đi đâu bây giờ!”
31 Họ lấy áo chùng của Giu-se, giết một con dê đực, rồi nhúng áo chùng vào máu.32 Họ gửi người mang cái áo chùng dài tay về cho cha họ và nói: “Chúng con đã thấy cái này. Xin cha nhận ra xem có phải là áo của con cha hay không.”33 Ông nhận ra cái áo và kêu lên: “Áo chùng của con tôi đây! Thú dữ đã ăn thịt nó! Giu-se đã bị xé xác rồi!”34 Ông Gia-cóp xé áo mình ra, quấn áo vải thô ngang lưng và để tang Giu-se lâu ngày.35 Tất cả các con trai con gái ông đến an ủi ông, nhưng ông không chịu cho người ta an ủi; ông nói: “Cha sẽ để tang mà xuống với con cha ở âm phủ.” Và cha cậu khóc thương cậu.
36 Người Ma-đi-an đem bán cậu tại Ai-cập cho ông Pô-ti-pha là thái giám của Pha-ra-ô và là chỉ huy thị vệ.
x. Các chương 37–50 thuật lại truyện tích về những người con ông Gia-cóp. Giữa những người ấy, hình ảnh ông Giu-se nổi bật hơn cả. Ông có một vai trò rất quan trọng vì đã cứu cả gia đình thoát khỏi cơn đói kém.
Hầu hết các lời kể đều phát xuất từ truyền thống Gia-vít (J) và Ê-lô-hít (E). Còn các tài liệu thuộc truyền thống tư tế (P) chỉ xuất hiện đôi lần. Truyền thống Gia-vít muốn đề cao vị thế của Giu-đa (các ch. 37; 38; 44), ông tổ của chi tộc sẽ được chúc phúc nắm giữ vương quyền (ch. 49). Đang khi ấy, truyền thống Ê-lô-hít thích nhấn mạnh đến sự can thiệp của Rưu-vên, và cho thấy Ép-ra-im sẽ trổi vượt hơn Mơ-na-se (48,19).
Sự tích ông Giu-se không mang đến cho ta ánh sáng mặc khải nào mới mẻ. Toàn bộ câu chuyện chỉ có ý nhấn mạnh rằng Thiên Chúa luôn là Đấng điều khiển, an bài mọi sự. Người không cần phải ra tay hành động cách hữu hình, mà vẫn có thể làm thay đổi mọi sự, biến xấu thành tốt, bất kể mọi toan tính của con người. Thiên Chúa quan phòng luôn để mắt gìn giữ ông Giu-se, và làm cho ông trở thành trung gian để cứu thoát các anh em khác (45,5-8; 50,20). Cuộc giải thoát này không những là dấu hiệu loan báo những cuộc giải thoát về sau, mà còn tích cực góp phần hình thành nên dân riêng của Thiên Chúa.
y. ds: Lời xấu của họ. Có thể là tiếng đồn người ta nói về họ và có lẽ đúng hơn là lời họ nói xấu lẫn nhau. Ngay từ thuở nhỏ, các con ông Gia-cóp đã tỏ ra bất hòa với nhau.
a. Ông Ít-ra-en = Ông Gia-cóp (x. 35,21; 37,1).
b. Áo chùng dài tay: một loại y phục sang trọng (x. 2 Sm 13,18).
Ông Giu-se và ông Ben-gia-min đều là con của bà Ra-khen. Cả hai được sinh ra khi cha mẹ đã già (30,22-24; 35,16-18.24; 44,20).
c. Các anh cậu: HR; những người con của ông: LXX.
d. Chiêm bao và giải nghĩa các giấc chiêm bao là yếu tố quan trọng trong sự tích ông Giu-se. Người xưa tin rằng giấc mơ là cách thức các thần linh thông truyền ý định của mình. Các giấc mơ của Giu-se không phải là cuộc thần hiện, song chỉ là những điềm báo trước. Ở đây, ông Giu-se kể ra hai giấc mơ. Giấc mơ thứ nhất có màu sắc của cuộc sống nhà nông, và hàm ý đề cao vương quyền, nên có lẽ được bắt nguồn từ truyền thống Gia-vít, vốn quan tâm đến những vấn đề đó.
Còn giấc mơ thứ hai liên quan đến các vì tinh tú.
đ. Theo 35,19 của truyền thống Gia-vít thì bà Ra-khen đã chết. Vậy câu này đã dựa theo một truyền thống khác, cho rằng bà Ra-khen còn sống thêm ít lâu nữa, sau khi sinh hạ Ben-gia-min (x. c. 3; 43,29).
e. Ông Gia-cóp cho rằng các giấc mơ của Giu-se có thể do Thiên Chúa triệu báo và ông chờ đợi Thiên Chúa thực hiện.
g. Bản văn hiện thời hòa hợp hai truyền thống xen lẫn vào nhau. Theo truyền thống Gia-vít, các anh của Giu-se đòi giết cậu, nhưng Giu-đa can ngăn; và rồi tất cả các anh (em) đem bán cậu cho đoàn lữ khách Ít-ma-ên. Theo truyền thống Ê-lô-hít, Rưu-vên tìm cách cứu Giu-se bằng sáng kiến đem thả cậu xuống giếng; nhưng trước khi ông trở lại để kéo em mình lên thì những người Ma-đi-an đã đem Giu-se đi rồi. Thế là Rưu-vên nghĩ rằng em mình đã chết (c. 30; 42,22). Dù khác nhau như thế, song cả hai truyền thống đều nhất trí: Giu-se bị bán sang Ai-cập làm nô lệ là do lòng ghen tức của các anh em mình.
h. Si-khem (x. 33,18; 12,6) cách thung lũng Khép-rôn 100 km về phía bắc. Câu này thuộc truyền thống Ê-lô-hít, bởi lẽ theo ch. 34 (thuộc truyền thống Gia-vít), các anh em của Giu-se đã phải rời bỏ miền Si-khem, nơi mà họ cho là ghê tởm.
i. Đô-than cách Si-khem khoảng 30 km về phía bắc.
k. Giếng: Hố sâu vùng sa mạc, bình thường vẫn cạn khô, nhưng có thể tạm giữ được nước mưa vào mùa Đông.
l. Thú dữ ăn thịt nó: Chính ông Gia-cóp sẽ tự mình rút ra kết luận này khi nhìn thấy cái áo vấy máu của Giu-se, không cần các con ông phải nói ra (x. cc. 31-33).
m. Có người cho rằng nguyên thủy, câu nói này là của Giu-đa (x. c. 26). Lý do là vì Rưu-vên sẽ lập lại câu này sau đó (c. 22). Như thế, tác giả biên soạn đã cố ý hòa hợp cc. 21-22 với 26-27.
n. Người Ai-cập quý trọng những sản phẩm ngoại quốc, nhất là thuốc men, dược liệu dùng cho việc chữa bệnh và ướp xác chết. Chính ông Gia-cóp cũng khuyên các con mình đưa những loại hàng hóa này xuống Ai-cập (43,11).
o. Phủ lấp máu: kẻ sát nhân phủ lấp máu nạn nhân trên mặt đất (Ed 24,7; G 16,18; St 4,10; Is 26,21) là để cho máu đó không thể kêu lên tới trời, không thể kêu gọi công lý báo thù.
p. Xé áo mình ra: Hành vi này nhằm diễn tả nỗi đau đớn cực độ và cũng là tập tục tang chế (x. c. 34; 2 Sm 3,31; 1 V 21,27). Có lẽ người ta chỉ xé vạt áo ngoài mà thôi.
q. Lời than của Rưu-vên cho thấy cậu hoàn toàn thất vọng. Kế hoạch của Rưu-vên không thành công. Giu-se không còn nữa! Rưu-vên không dám trở về đứng trước mặt cha, vì cậu là con cả, phải có trách nhiệm đối với em mình!
r. Người xưa tin rằng sau khi chết, con người sẽ bước vào cõi âm phủ (šü´öl). Họ không nghĩ gì đến hành động của Thiên Chúa sau cái chết của con người. Gia-cóp muốn để tang con ông suốt đời.
s. Pô-ti-pha: là tên rút gọn của Pô-ti Phê-ra (41,45.50; 46,20). Danh xưng này phát xuất từ một thành ngữ Ai-cập mang ý nghĩa “Pa-di-pa-re” (Người do thần Râ ban tặng).
t. Thái giám: Người ta không thấy triều đình Ai-cập có chức quan thái giám hay quan coi sóc các cung nữ. Nhưng chức vụ này khá quen thuộc trong vùng Lưỡng Hà. Rất có thể tác giả đã lấy tước vị của quan chức vùng Lưỡng Hà đem gán cho triều đình Ai-cập.