PHỤ LỤC
1. NHÀ THỜ CỦA ÔNG MI-KHA VÀ NHÀ THỜ CỦA HỌ ĐAN
Nhà thờ tư của ông Mi-kha
1 Xưa có một người thuộc vùng núi Ép-ra-im, tên là Mi-kha-giơ-hu.2 Ông thưa với bà mẹ: “Số bạc một ngàn một trăm thỏi mà người ta đã lấy mất của mẹ, khiến mẹ chửi rủa và mẹ cũng đã nói cho con nghe, thì này số bạc đó, con đang giữ đây; chính con đã lấy đó.” Mẹ ông liền nói: “Xin ĐỨC CHÚA chúc lành cho con tôi!”3 Ông trả lại mẹ ông số bạc một ngàn một trăm thỏi, nhưng mẹ ông nói: “Chính tay mẹ đã dâng hiến trọn số bạc này cho ĐỨC CHÚA, để con của mẹ dùng làm một tượng, một hình đúc bằng kim khí. Vậy bây giờ mẹ đưa lại cho con.”
4 Nhưng ông trả số bạc lại cho mẹ. Mẹ ông giữ lấy hai trăm thỏi, rồi trao cho thợ đúc, người này làm một tượng, một hình đúc, đặt tại nhà ông Mi-kha-giơ-hu.5 Ông Mi-kha này có một nhà thờ; ông đã làm một ê-phốt và các te-ra-phim, rồi phong cho một người trong các con làm tư tế cho ông.6 Thời đó Ít-ra-en không có vua, ai muốn làm gì thì làm.
7 Có một thanh niên, người Bê-lem Giu-đa, thuộc chi tộc Giu-đa. Anh là một thầy Lê-vi ở đó như khách trú.8 Người ấy đi khỏi thành Bê-lem Giu-đa để tìm chỗ cư trú. Trên đường đi, anh vào vùng núi Ép-ra-im đến nhà ông Mi-kha.9 Ông Mi-kha nói với anh: “Anh từ đâu tới?” Anh nói với ông: “Tôi là một người Lê-vi thuộc Bê-lem Giu-đa; tôi đi tìm chỗ cư trú.”10 Ông Mi-kha nói với anh: “Xin ở lại đây với tôi, để làm sư phụ và tư tế cho tôi. Phần tôi, mỗi năm tôi sẽ cung cấp cho anh mười thỏi bạc, áo mặc và lương thực cần dùng.”11 Thầy Lê-vi đồng ý ở lại với ông; người trẻ tuổi ấy được ông coi như một trong các con ông.12 Ông Mi-kha phong cho thầy Lê-vi làm tư tế; người trẻ tuổi ấy trở thành tư tế của ông và ở trong nhà ông Mi-kha.13 Ông Mi-kha nói: “Bây giờ tôi biết ĐỨC CHÚA sẽ phù hộ tôi vì tôi đã có một thầy Lê-vi làm tư tế.”
i. Hai phụ lục 17–18 và 19–21 có lẽ được đưa vào sách Thủ lãnh sau thời lưu đày. Soạn giả là một người phò chế độ quân chủ. Vì thế, ông đưa ra một số hình ảnh bi quan về thời chuyển tiếp giữa thời các thủ lãnh và thời đầu quân chủ: sự bất ổn, vô trật tự, bạo lực, phong tục man rợ, như ông nhận xét: Thời đó, Ít-ra-en chưa có vua, ai muốn làm gì thì làm (17,6; 18,1; 19,1; 21,25). Bởi vậy, hai phụ lục không nói đến quân thù áp bức, hay các thủ lãnh can thiệp.
k. Trình thuật thứ nhất (17–18) nói đến cuộc di dân của chi tộc Đan từ lãnh thổ được phân chia ban đầu, bên phía tây của chi tộc Ben-gia-min, đi đến miền đất mới ở phương bắc. Trình thuật liên quan đến việc lập nhà thờ và đặt chức tư tế của chi tộc Đan. Soạn giả thời hậu lưu đày nhằm mục đích bút chiến chống lại tình trạng hỗn loạn và thiếu chính thống.
l. 17,1-6 nhằm phê phán ông Mi-kha, người Ép-ra-im, làm ra tượng thờ và làm tư tế bất hợp pháp.
m. Người mẹ hóa giải lời chúc dữ kẻ ăn trộm là chính con mình thành lời chúc phúc, và để đạt hiệu quả phải hiến dâng số bạc ấy cho Đức Chúa mà chuộc lỗi lầm.
n. Như vậy, gia đình ông Mi-kha đã vi phạm luật Mô-sê cấm tạc tượng (x. Xh 20,4).
o. Bấy giờ, dân Ít-ra-en chỉ có những thánh điện lớn để tập trung dân chúng tế tự kính Đức Chúa: Si-lô, Ghin-gan, Bết Ên, Mít-pa. Ngoài ra ở mỗi chi tộc có một nhà thờ.
p. Ê-phốt ở đây không phải là tượng mà là một túi đựng quẻ xăm để bói. Te-ra-phim lúc đầu là một tượng gia thần, nhưng ở đây cũng là những dụng cụ để bói toán.
q. Theo tập tục xưa, ai có quyền trên thị tộc, hoặc gia đình, thì có quyền làm tư tế và chọn tư tế.
r. 17,7-13 nói đến một thầy Lê-vi thuộc chi tộc Giu-đa, quê ở Bê-lem, đã được chọn làm tư tế thay cho ông Mi-kha. Như thế, thời bấy giờ người ta chưa phân biệt chức vụ của Lê-vi và của tư tế.
s. Các thầy Lê-vi được coi như những người chuyên lo tế tự và bói toán. Họ đi khắp nơi để sẵn sàng làm các dịch vụ người ta yêu cầu họ.
t. Gọi như thế tăng phần danh dự cho thầy Lê-vi; danh hiệu này thường gán cho các vị chức sắc tôn giáo (2 V 2,12; 5,13; 6,21; 13,14) hay quan chức dân sự (St 45,8; 1 Sm 24,12) với lòng tôn kính tột bực.
u. Ông Mi-kha tưởng có thể hưởng phúc lành của Đức Chúa (x. 2 Sm 6,12), vì ông đã lo cho nhà thờ của ông một tư tế có phẩm chất biết thi hành các nghi lễ và có tài phán đoán được ý muốn của Đức Chúa.