Thần Học Cơ Bản

Trích dịch từ Fundamental Theology (Fernando Ocáriz Braña, Arturo Blanco, 2008). Người dịch: Augustine Pham.


Lời tựa

Dưới tựa đề Thần học Cơ bản, chúng tôi hân hạnh giới thiệu tới độc giả ấn bản sửa đổi của cuốn Mặc khải, Đức tin và Tính khả tín được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1998. Bản sửa đổi này là kết quả của việc đưa ra một số thay đổi nhất định đối với bản gốc, trong khi vẫn tuân theo đề cương cơ bản của nó, nhằm trình bày rõ ràng hơn nữa bản tính của nghiên cứu này xét như thành phần của một tuyển tập mở rộng các sách giáo khoa thần học.

Bản sửa đổi này kết hợp những cải tiến nhỏ so với bản văn gốc và tận dụng kinh nghiệm thực tiễn của những người đã sử dụng Mặc khải, Đức tin và Tính khả tín. Ngoài ra, nó còn tìm cách làm sáng tỏ một số điểm nhất định nhằm hướng tới hiểu biết tốt hơn, đồng thời, lược bỏ những phần nội dung không thiết yếu đối với đề tài môn học, thay vào đó, nên dành cho những nghiên cứu ở mức độ chuyên sâu hơn.

Thần học Cơ bản cũng sử dụng các văn kiện đã được Huấn quyền ban hành liên quan đến đề tài của nó kể từ lần xuất bản đầu tiên của Mặc khải, Đức tin và Tính khả tín. Về vấn đề này, Thần học Cơ bản trình bày cho độc giả những giáo huấn mới nhất và có tính cập nhật nhất của Giáo Hội. Trong ấn bản này, có Thông điệp Fides et ratio [Đức tin và lý trí] của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nơi xem xét các khía cạnh đa dạng trong mối quan hệ giữa đức tin và lý trí; bên cạnh đó là Tuyên ngôn Dominus Iesus [Chúa Giêsu], văn kiện trình bày tuyên bố của Thánh bộ Giáo lý Đức tin liên quan đến các tôn giáo trong và ngoài Kitô giáo; và sau cùng là cuốn sách gần đây của Đức Bênêđíctô XVI, Chúa Giêsu thành Nadarét, nơi xem xét tính đồng nhất giữa Chúa Giêsu của lịch sử và Đấng Kitô của Đức tin.

Khi trình bày cuốn sách này, chúng tôi đổi mới mong muốn của mình rằng nó sẽ hữu ích cho các sinh viên thần học và cho tất cả những ai quan tâm đến việc nghiên cứu các cơ sở của Đức tin Công Giáo. Hơn nữa, chúng tôi hy vọng rằng nó sẽ dẫn độc giả đến một nhận thức Kitô giáo sâu sắc, thứ cộng tác với ân sủng của Thiên Chúa trong việc nâng đỡ Đức tin, đem lại lý do cho niềm hy vọng của chúng ta và giúp người khác đón nhận ân huệ tuyệt vời là nhận biết, yêu mến Chúa Kitô và khám phá ra rằng “mọi điều Chúa Kitô làm đều có một giá trị siêu vượt, cho chúng ta thấy được bản tính của Thiên Chúa” (x. Thánh Josemaría Escrivá, Christ is Passing By [Chúa Kitô đang đi ngang qua], 109).

Lời nói đầu

Thần học Cơ bản là một môn học tương đối gần đây. Nói chung, đối tượng và phương pháp của nó liên quan đến thần học về “những điều cơ bản.”

Xét như một bộ môn riêng biệt và có sự phân biệt với các nhánh khác của thần học, cách đặc biệt là Biện giáo, Thần học Cơ bản ra đời vào thế kỷ XIX. Sự xuất hiện của nó nhằm đáp ứng nhu cầu cần đưa ra một hướng đi mới cho việc bảo vệ Đức tin. Khoa biện giáo cổ điển, vốn là sự bảo vệ đức tin trong thời kỳ trước đó, hiếm khi tính đến Mặc khải.

Nếu chúng ta chấp nhận rằng Thần học Cơ bản—đặt ra, mở rộng dựa trên và tái xác định—di sản của bộ môn ra đời vào thế kỷ XVI được gọi là “Biện giáo,” thì lịch sử của Thần học Cơ bản hẳn sẽ đưa chúng ta trở lại với những Nhà biện giáo tiên khởi trong buổi bình minh của diễn từ thần học Kitô giáo ở thế kỷ II.

Những tác giả đầu tiên sử dụng cụm từ Thần học Cơ bản là L. Guzmics, 1828, F. Brenner, 1837, và A. Knoll, 1852. Nhưng người đầu tiên phát triển Thần học Cơ bản theo nghĩa hiện đại của thuật ngữ này là J.N. Ehrlich, vào khoảng giữa năm 1859 và 1864.1

Nét đặc trưng của bộ môn mới hình thành này là lý thuyết về Mặc khải được xét dưới khía cạnh lịch sử-cứu độ của nó với những quy chiếu minh nhiên về Chúa Kitô. Chúa Kitô được coi là trung tâm và chìa khóa của Mặc khải, đức tin và tính khả tín. Như vậy, khi nghiên cứu ba đề tài này, nó đã ít nhiều liên kết một cách minh nhiên và hữu hiệu những suy xét mang tính tín lý [hay giáo điều] và biện giáo. Điều này có nghĩa rằng đối với nó, Mặc khải vừa là một mầu nhiệm, vừa là một sự kiện; đức tin là một tri thức siêu nhiên có nền tảng nhân loại và lịch sử; đồng thời, tính khả tín là một điều gì đó quan hệ mật thiết đến những thực tại này.

Trong khi đặt ra các chủ đề vốn đã định hình nên cơ sở của khoa biện giáo cổ điển, bộ môn mới cũng bổ sung thêm những đề tài khác. Sự khác biệt chính không phải là việc có được một cách xử lý mang tính biện giáo riêng biệt đối với các chủ đề chính (tôn giáo, Mặc khải, đức tin, Giáo Hội, phép lạ, Sự phục sinh, v.v.), nhưng là việc suy xét chúng dưới bản tính xét là một mầu nhiệm.

Ngay từ đầu, bộ môn mới này đã được thiết lập như một nền tảng cho toàn bộ đề tài của thần học, đây là điều vẫn được giữ nguyên như vậy cho đến ngày nay, bất chấp vô số những thay đổi về trọng tâm và những sự phát triển khác đã diễn ra, cách đặc biệt trong nửa sau của thế kỷ XX. Những sự phát triển này bao gồm nhiều khía cạnh, cụ thể là truyền thống, nhân học, lịch sử-cứu độ, thông diễn học, phân tích, ngôn ngữ học, lôgic, lý thuyết-khoa học. Chẳng hạn, E. Biser định nghĩa thần học cơ bản (THCB) của ông là THCB thông diễn, P. Knauer là THCB đại kết, A. Darlap là THCB lịch sử-cứu độ, và của H. Fries được coi là THCB thần học-siêu nghiệm, v.v.2 Những khác biệt đa dạng này cho thấy tất yếu phải có một hạt nhân đề tài phụ thuộc vào Mặc khải, tri thức về nó và sự chấp nhận đối với nó; nghĩa là phụ thuộc vào đức tin và tính khả tín.

Trong cuốn sách này, THCB được hiểu là thần học về những điều cơ bản của thần học, thuật ngữ “cơ bản” được xét là cái mà trên nó, cái gì đó dựa vào và nhận được sự hỗ trợ. Nó cũng là nguyên lý và nguồn của thực tại mà nó nâng đỡ và làm cho phát triển. Việc nghiên cứu những điều cơ bản sẽ bao gồm việc mô tả và phân tích chúng, đồng thời, cho thấy ở nơi chúng tính vững chắc và khả năng dùng làm nền tảng và nâng đỡ những gì đã được xây dựng trên chúng.

Trong những trang sách bạn đang đọc, chúng ta sẽ phát triển Thần học Cơ bản xét như một nghiên cứu về Mặc khải và đức tin. Mọi diễn từ Kitô giáo về Thiên Chúa đều dựa trên và được nuôi dưỡng bởi hai thực tại này. Nhưng không phải trùng ý, Thần học Cơ bản cũng là nghiên cứu về tính khả tín của Mặc khải lịch sử, vì thế, nó bao gồm cả khoa Biện giáo được hiểu như khoa học về tính khả tín của Lời mặc khải.

Chúng ta có thể nói rằng bộ môn này là nghiên cứu thần học về những từ đầu tiên của Kinh Tin Kính, tức “Tôi tin,” hay “Chúng tôi tin,” và từ cuối cùng, tức “Amen”. “Amen” là một từ tiếng Hípri có nghĩa giống như từ pistis trong tiếng Hy Lạp, tức là đức tin. Trong tiếng Hy Lạp, “Amen” cũng có thể có nghĩa là “chắc chắn”. Do đó, Kinh Tin Kính nằm giữa hai từ mà về bản chất có cùng một ý nghĩa và tham chiếu đến đồng thời một nội dung (nằm giữa hai từ) cùng với ai đó mà từ nơi người ấy, nội dung hay tin tức đó được tiếp nhận. Vì thế, rõ ràng là chúng ta đang xem xét cả Mặc khải từ Thiên Chúa và đức tin thần linh. Bởi lý do này, “thần học cơ bản” là bộ môn “có đối tượng là sự kiện mặc khải Kitô giáo và việc lưu truyền nó trong Giáo Hội.”3 Và khi nói rằng việc nghiên cứu thần học về Mặc khải và Đức tin là một chuyên luận cơ bản, chúng ta rõ ràng ngụ ý rằng nó liên quan đến chính những điều cơ bản của tất cả các chuyên luận thần học khác.

Mặc khải và đức tin là hai thực tại nhất thiết có mối liên hệ với nhau. Việc hiểu đức tin có liên quan đến hiểu biết về Mặc khải. Việc hiểu về tính khả tín cũng liên quan đến hiểu biết về Mặc khải và đức tin. Tính khả tín dọn đường cho những câu trả lời mà đức tin đưa ra và tìm thấy những lập luận cơ bản cho nó từ trong Mặc khải lịch sử. Chúng ta tìm thấy sự liên kết lẫn nhau giữa ba khái niệm này trong các văn kiện mà hai công đồng chung gần đây nhất đã dành riêng cho những vấn đề này, đó là Hiến chế tín lý Dei Filius về đức tin Công giáo (24/04/1870) và Hiến chế tín lý Dei Verbum về Mặc khải của Thiên Chúa (18/11/1965).4 Ngoài ra, Thông điệp Fides et ratio cũng đề cập đến chúng.

Trong bộ môn này, thần học Kitô giáo đảm nhiệm tác vụ không thể thiếu là hỗ trợ mọi điều mà chính nó phát biểu. Khi xem xét quan hệ giữa Thiên Chúa và con người, nó thiết lập những nền tảng để đi sâu vào vấn đề Thiên Chúa là gì, Ngài muốn gì và làm gì, cũng như để nhận biết rõ hơn con người là gì và được mời gọi để trở thành gì theo ý định của Thiên Chúa. Nghiên cứu này tập trung vào việc chiêm ngắm Chúa Kitô, Đấng là sự hoàn tất Mặc khải của Thiên Chúa cho con người, Đấng là nơi mà con người phải hiệp nhất nhờ đức tin. “Chúa Kitô, Ađam mới, nhờ mặc khải về mầu nhiệm Chúa Cha và tình yêu của Ngài, vén mở trọn vẹn cho con người về chính họ và làm cho ơn gọi cao trọng nhất của họ trở nên rõ ràng.”5

Việc nghiên cứu cấu trúc và nhận thức trong lịch sử về quan hệ cứu độ giữa Thiên Chúa và con người mang tới cho bộ môn này một chiều kích thần học, một chiều kích lấy Chúa Kitô làm trung tâm và một chiều kích nhân học. Cả ba đều cần thiết và làm sáng tỏ lẫn nhau. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói với một nhóm chuyên gia về Thần học Cơ bản rằng: “Nội dung đặc thù nơi môn thần học của anh em là mặc khải của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Đó cũng là trung tâm vĩ đại và đích thực trong đức tin của chúng ta: Thiên Chúa, Đấng mặc khải mầu nhiệm của Ngài về tình yêu, và trong khi soi sáng tâm trí của những ai đón nhận Ngài, mầu nhiệm đó khiến họ choáng váng đến mức làm cho hiểu biết của họ trở nên cục bộ và tất yếu không đầy đủ. Mặc khải này mở ra con đường đưa chúng ta đến hiểu biết sâu sắc về cùng một mầu nhiệm về con người.”6

Thần học Cơ bản nghiên cứu cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người. Đây là một cuộc đối thoại về ơn cứu độ đã được phát triển trong thế giới xuyên suốt dòng lịch sử, khi Thiên Chúa gửi Lời và Ân Huệ của Ngài, còn con người đáp lại bằng việc chấp nhận trong đức tin đối với Lời Thiên Chúa được Tình Yêu của Ngài thúc đẩy. Ơn cứu độ đến dưới hình thức của một cuộc đối thoại, và bộ môn này khám phá và phân tích cấu trúc của cuộc đối thoại đó. Cuộc đối thoại của Mặc khải và đức tin giữa Thiên Chúa và con người là nền tảng của mọi suy tư thần học Kitô giáo. “Mặc khải, nghĩa là mối quan hệ siêu nhiên được thiết lập giữa Thiên Chúa với nhân loại theo sáng kiến của chính Ngài, có thể được mô tả bằng một cuộc đối thoại mà trong đó, Lời Chúa được diễn đạt trong sự Nhập thể, và do đó, trong Tin Mừng. Cuộc trò chuyện phụ-tử, thánh thiện và gián đoạn vì Tội nguyên tổ giữa Thiên Chúa và con người đã được nối lại một cách kỳ diệu trong dòng lịch sử. Lịch sử Cứu độ tường thuật cách chính xác cuộc đối thoại lâu dài và nhiều thay đổi này, thứ phát sinh từ Thiên Chúa và được đan dệt với con người trong một quá trình hội thoại tuyệt vời và phức tạp.”7

Việc nghiên cứu Mặc khải và đức tin có thể được thực hiện theo hai cách rất khác nhau, theo lối tín lý hoặc theo khoa Biện giáo. Sự phân biệt giữa chúng nằm ở khởi điểm của suy tư. Nó có thể khởi đi từ Mặc khải được chấp nhận nhờ đức tin, và trong trường hợp này, đó là một nghiên cứu mang tính tín lý; hoặc có thể khởi đi từ điều mà lý trí—không nhất thiết nại đến đức tin—có thể khám phá ra trong thế giới, nơi con người và trong lịch sử, trong trường hợp này, đó là một nghiên cứu mang tính biện giáo nhắm đến việc chứng tỏ tính khả tín nơi Mặc khải của Thiên Chúa trong Chúa Kitô.8

Vì lý do đó mà cuốn sách này được chia thành hai phần. Phần đầu tiên là Tín lý học Cơ bản, trong đó, chiếu theo phương pháp luận của một khoa học tín lý, chúng ta thảo luận về Mặc khải lịch sử của Thiên Chúa và của—sự lưu truyền đức tin thần học—của Ngài trong Hội Thánh và qua Hội Thánh. Đây là những điều cơ bản của Thần học Tín lý. Phần thứ hai là Những điều cơ bản của khoa Biện giáo, trong đó, bỏ sang một bên những khía cạnh của khoa học về tính khả tín vốn phụ thuộc vào bối cảnh lịch sử của nó, chúng ta thảo luận về cấu trúc cơ bản của tính khả tín nơi Ngôi Lời Nhập Thể cùng với những yếu tố cơ bản biểu lộ tính khả tín đó nơi con người ở bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử Giáo Hội.9

Trong phần thứ hai, rõ ràng chúng ta phải tôn trọng phương pháp luận của khoa Biện giáo, thứ mà trong số những điều khác, có tính đến lập trường của người đối thoại, đối tượng được coi là chưa đến với đức tin Kitô giáo hoặc ít là chưa hoàn toàn vươn tới được. Vì lý do này, trong phần thứ hai của cuốn sách, các bản văn từ Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn quyền sẽ được sử dụng không chiếu theo giá trị và thẩm quyền mà đức tin Kitô giáo ban cho chúng, nhưng chiếu theo giá trị lịch sử và xã hội mà chúng sở hữu nơi chính mình, mặc dù sẽ được kiểm soát chặt chẽ nhằm đáp ứng các yêu cầu của khía cạnh khoa học này.10 Cách tiến hành này không lấy đi bất cứ giá trị thần học nào khỏi nghiên cứu của chúng ta. Và mặc dù việc nghiên cứu này không dựa trên thẩm quyền của Mặc khải, thì khoa Biện giáo Kitô giáo vẫn sẽ tiến hành dưới ánh sáng đức tin, thứ giúp nó tìm ra những lý do và lập luận có thể hiểu được đối với những người không có đức tin, và hữu ích trong việc cho thấy rằng chọn lựa Kitô giáo rất hợp lý và nhân văn.11

Thiên Chúa đã mặc khải chính Ngài cho con người. Nhưng Ngài cũng tự trao ban chính mình trong một mầu nhiệm theo một hệ thống cũng mầu nhiệm, thứ tiến về phía con người trong cuộc sống này và giải thích nó. Do đó, Mặc khải mang theo nó động lực thu hút sự chú ý của con người. Nó trợ giúp trí thông minh và sự tự do của họ để đi theo Chúa Kitô xét là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (x. Ga 14,6). Do đó, Thần học Cơ bản bao gồm cả suy xét tín lý lẫn góc nhìn biện giáo trong sự đan quện và soi sáng lẫn nhau.12


Chú thích

1 X. H. Stirnimann, “Freiburger Zeitschrift f. Philosophie und Theologie” 24 (1977) 291-301. G. Ebeling, trong một nghiên cứu ở thời điểm gần với tác phẩm của Stirnimann, đã tuyên bố rằng lần đầu tiên thuật ngữ này được sử dụng là trong tác phẩm của J.N. Ehrlich, Leitfaden… Fundamentaltheologie I, Prague 1859: x. “Zeitschrift f. Theologie und Kirche” (1970) 479-524.

2 Một quan điểm về các mô hình chính có thể được tìm thấy trong J. Schmitz, Fundamental Theology in the twentieth century và R. Vander Gucht, H. Vorgrimler, Theology in the 20th Century, Madrid 1978, II, tr. 171-212. Để thấy được một tuyên bố về cuộc cách mạng lịch sử của bộ môn này, độc giả cũng có thể tham khảo R. Fisichella, Revelation: event and credibility, Sigueme, Salamanca, 1989, tr. 14-41; S. Pie-Ninot, Treatise on Fundamental Theology, Ed. Secr. Trinitario, Salamanca 1991 (2nd ed.), tr. 18-54; G. Ruggieri (ed.), Enciclopedia di Teologia Fondamentale, Marietti, Genova 1987, vol. 1, passim, tr. XVII-XXVI và 33-58.

3 Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores dabo vobis [Đào tạo linh mục trong hoàn cảnh ngày nay], 25/03/1992, số 54.

4 Những bình luận về quan hệ tương hỗ này, theo như những gì chúng xuất hiện trong các văn kiện của Công đồng, độc giả có thể tìm đọc trong H. de Lubac, La Revelation divine, Cerf, Paris 1980; R. Latourelle, Theology of the revelation, Sigueme, Salamanca 1982 (5th ed.), tr. 289-304 và 351-398; G. Colombo, La ragione teologica, Glossa, Milan 1995, tr. 73-90; A. González Montes, Dei Verbum sullo sfondo di Dei Filius, R. Fisichella (ed.), La Teologia Fondamentale. Convergenze per il terzo millennio, Piemme. Casale Monferrato 1997, tr. 83-104.

5 Cđ. Vaticanô II, Gaudium et spes [Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay], 07/12/1965, số 22.

6 Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Discurso, 30/09/1995. X. R. Fisichella (ed.), La Teologia Fondamentale, Convergenze per il terzo millenio, tr. 281-284.

7 Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Ecclesiam suam [Giáo Hội của Người], 06/08/1964: AAS 56 (1964) 641-643.

8 Có nhiều người ngày nay chủ trương tính cần thiết về một sự phân biệt như chúng ta vừa nêu; chẳng hạn, x. M. Seckler, Teologia Fondamentale; compiti e structurazione, concetto e nomi, W. Kern, H.J. Pottmeyer, M. Seckler (ed.), Corso di Teologia Fondamentale, vol. IV; Tratato di Gnoseologia teologica, Queriniana Brescia, 1990, tr. 565-599; nt., Teologia fondamentale e Dogmatica, R. Fisichella (ed.), La Teologia Fondamentale, Convergenze per il terzo millennio, tr. 126-148. Sự phân biệt này, như được chính tác giả thừa nhận, là một trong những lý do khiến R. Latourelle cho ra đời cuốn Theology of Revelation; tr. 11.

9 Cha Ocáriz là người viết các chương I-V, VII và đề từ cho chương IX, 3; cha Blanco viết các chương VI, VIII, X-XIV và đề từ cho chương IX, 1-2.

10 X. R. Latourelle, Apologetique Fondamentale, Problemes de nature et de methode, “Salesianum” 28 (1965) 256-273; H. Bouillard, Le sens de l’apologetique, “Bulletin du Comite des etudes,” số 35, Paris 1961, 311-327; N. Dunas, Les problems et le statut de l’apologetique, “Revue des Sciences Philosophiques et Theologiques” 43 (1959) 643-680.

11 Để hiểu vị trí của Biện giáo trong Thần học Kitô giáo, x. A. Blanco, What is Theology, Palabra, Madrid 1990, tr. 119-122.

12 Lời dạy của các tác giả được trích dẫn được coi là có giá trị trong chừng mực chúng được minh nhiên chấp nhận trong những trang sách này; còn nnhững ý tưởng khác của họ không được đưa ra và minh nhiên chấp nhận trong cuốn sách không nhất thiết phải được đồng tình.


PHẦN I. TÍN LÝ HỌC CƠ BẢN

Dẫn nhập

Như đã đề cập, phần đầu tiên của cuốn sách này sẽ nói tới cả Mặc khải Thần Linh và sự lưu truyền nó trong và bởi Giáo Hội (chương 1-5), cũng như đức tin siêu nhiên, tức là lời đáp lại của con người đối với Mặc khải của Thiên Chúa (chương 6-9).

Mặc khải

Theo đó, Ngôi Lời Nhập Thể giúp thỏa mãn niềm khao khát hiện diện trong mọi tôn giáo của nhân loại: Sự đáp ứng này do chính Thiên Chúa thực hiện và siêu vượt mọi sự mong đợi của con người. Đó là mầu nhiệm của ân sủng.

Trong Chúa Kitô, tôn giáo không còn là “việc tìm kiếm Thiên Chúa một cách mù quáng” (x. Cv 17,27), nhưng là lời đáp lại của đức tin đối với Thiên Chúa, Đấng tự mặc khải chính mình. Đó là câu trả lời mà trong đó, con người nói với Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo và Cha của mình, một câu trả lời khả hữu nhờ một Người cũng là Ngôi Lời đồng bản thể mà nơi ấy, Thiên Chúa nói với mỗi nhân vị và nhờ Người ấy mà mỗi nhân vị có thể đáp lại Thiên Chúa. Hơn thế nữa, nơi Con Người này, mọi thụ tạo đều đáp lại Thiên Chúa. Chúa Giêsu Kitô là khởi đầu mới của mọi sự. Nơi Ngài, mọi sự trở về với chính mình; chúng được cất lên và trả lại Đấng Sáng Tạo là nơi mà từ đó, chúng đi vào hiện hữu lần đầu tiên.1

Sự thông truyền của Thiên Chúa với nhân loại khởi đầu bằng ân huệ sự sống; nó được hoàn thiện trong ân sủng và thành tựu trong vinh quang mà Thiên Chúa đã ban cho con cái Ngài trong Chúa Kitô nhờ Chúa Thánh Thần. Theo Công đồng Vaticanô II, “Nhiệm cục Cựu Ước được sắp đặt với mục đích chính yếu là để chuẩn bị cho ngày xuất hiện của Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ muôn loài, ngày của Vương quốc Đấng Mêsia, được loan báo qua các ngôn sứ (x. Lc 24,44; Ga 5,39; 1 Pr 1,10) và được biểu thị bằng nhiều hình ảnh khác nhau (1 Cr 10,11).”2 Vì thế, mọi sự biểu thị về Thiên Chúa qua phương thế hình ảnh và ngôn từ trong lịch sử đều tập trung xoay quanh Chúa Kitô, “Đấng vừa là trung gian vừa là sự viên mãn của toàn thể mặc khải.”3

Kitô giáo không phải là một tập hợp các học thuyết nảy sinh từ việc con người tìm kiếm Thiên Chúa. Kitô giáo là Thiên Chúa nơi chính Ngài, Đấng đã tự mặc khải cho nhân loại và tìm kiếm những cá nhân để biến họ thành những người tham dự vào sự sống thần linh của Chúa Kitô. Thiên Chúa đã tỏ mình cho nhân loại trong công trình sáng tạo và thiết lập một cuộc đối thoại với nhân loại ngay từ lúc khởi đầu. Ngài vẫn tiếp tục cuộc trò chuyện này kể từ sự sa ngã nguyên thủy và kéo dài nó qua các thời đại, mà trước tiên là với dân Ítraen trong Cựu Ước (chương 1), biểu lộ và truyền đạt chính Ngài qua những con đường đạt tới tầm vóc viên mãn trong Chúa Kitô (chương 2).

Một trong những khía cạnh cơ bản của mối quan hệ giữa chính sự mặc khải và dân Chúa—Ítraen trong Cựu Ước và Giáo Hội trong Tân Ước—là việc lưu truyền mặc khải, công việc của dân Chúa. Do đó, chúng ta bắt đầu nghiên cứu của mình về sự lưu truyền mặc khải với một phân tích về mối quan hệ giữa mặc khải và Giáo Hội, sau đó, tiếp tục với việc xem xét các kênh lưu truyền cụ thể (Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn quyền). Theo ý muốn của Thiên Chúa, đây là những kênh liên quan mật thiết đến việc thông truyền lời Chúa một cách trọn vẹn và trung tín; chúng khác nhau nhưng không thể tách rời (chương 3).4

Suy tư thần học của chúng ta về mặc khải bắt đầu từ chính điểm rất quan trọng này: Kitô giáo về cơ bản là mối quan hệ liên ngôi vị giữa con người với Thiên Chúa dựa trên sự thông truyền thần linh qua lịch sử. Kitô giáo là một tôn giáo có tính lịch sử. Ngay từ đầu, nguồn gốc của nó nằm ở các sự kiện lịch sử có thật.5 Mặc khải nối kết cách nội tại với ơn cứu độ dành cho nhân loại, bởi lẽ Thiên Chúa nói với nhân loại nhằm thiết lập một giao ước và sự thông truyền, mà cùng với nhau, sẽ mang lại hạnh phúc và sự toàn vẹn vĩnh cửu cho nhân loại. Vì thế, lịch sử mặc khải là lịch sử cứu độ, vì nó hướng tới sự viên mãn được thể hiện và thông ban nơi Chúa Kitô, Đấng là Thiên Chúa và con người hiệp nhất trong một ngôi vị (chương 4).

Nghiên cứu về sự lưu truyền mặc khải cho Giáo Hội và bởi Giáo Hội được hoàn tất bằng một phân tích chi tiết về mối liên hệ giữa Thánh Kinh và Thánh Truyền. Điều quan trọng nhất là phải hiểu được sự hiệp nhất của cả hai trong việc cấu thành nên kho tàng đức tin (chương 5).

Đức tin

“Qua mặc khải, Thiên Chúa vô hình (x. Cl 1,15; 1 Tm 1,17), trong tình yêu thương chan hòa, đã ngỏ lời với loài người như với bạn hữu (x. Xh 33,11; Ga 15,14-15) và đến nói chuyện với họ (x. Br 3,38) để mời gọi và đón nhận họ bước vào sự sống của chính Ngài.”6 Câu trả lời thích đáng cho lời mời gọi này là đức tin. Nhờ đức tin, người ta hoàn toàn quy phục Thiên Chúa cả về trí tuệ và ý chí. Với tất cả hiện hữu của mình, kẻ tin có sự ưng thuận với Thiên Chúa, Đấng mặc khải chính mình.7 Thánh Kinh gọi sự đáp trả này của con người đối với Thiên Chúa là “sự vâng phục của đức tin” (x. Rm 1,5; 16,26).8 Đức tin Kitô giáo là một thực tại cao cả và tuyệt diệu.

Mối quan hệ giữa Thiên Chúa và nhân loại là một mối quan hệ sống động: nó bao trùm và biến đổi tất cả. Con người kết hiệp với Thiên Chúa Cha qua Ngôi Lời Nhập Thể của Ngài, khi họ để cho mình được đánh động bởi ân sủng mà Chúa Thánh Thần ban xuống (x. Lc 1,35.38.45; Ga 1,9-14; Ep 3,17; 1 Tx 2,13). Điểm tựa cho đức tin này là sự gắn bó của con người với lời Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao, trong khi không mất đi bất cứ bề rộng nào trong tính tổng thể của mình, đức tin được ghi dấu đậm nét bởi bản tính thuần trí tuệ của nó, xét như là một sự chấp nhận mô thức đối với lời chân lý.

Đức tin Kitô giáo tự nó là một mầu nhiệm bởi lẽ nó tham chiếu cách trực tiếp và nội tại tới Lời thần linh. Đó là một thực tại siêu nhiên không bao giờ có thể giải thích được một cách thấu đáo do bản tính của mặc khải tự nó. Hơn nữa, nó là một thực tại phức tạp mở ra với đa dạng những sự suy xét: đối tượng, chủ thể, động lực, mục đích và tính tất yếu, hành vi, nguồn gốc và căn nguyên, sự phát triển. Bản tính mầu nhiệm của đức tin có thể thấy được cách đặc biệt trong một số khía cạnh có vẻ hết sức mơ hồ nếu quan sát từ góc độ thuần lý. Chẳng hạn, đức tin là một hành vi tự do được cùng lúc thực hiện dưới tác động của ân sủng, và liên quan đến trí tuệ và ý chí. Đó là một sự tiếp thu về mặt trí tuệ; và cùng lúc, là một ân huệ của con người toàn diện, một hành vi cá nhân có chiều kích cộng đoàn, mang cả tính lý thuyết lẫn thực tiễn.

Chúng ta sẽ phân tích các vấn đề liên quan đến đức tin trong khi xem xét những khó khăn này. Chương 6 nghiên cứu những nội dung trong Kinh Thánh nói về đức tin và đối tượng của đức tin, tức Thiên Chúa. Chương 7 xem xét cấu trúc của đức tin—một lời đáp lại của con người đối với Thiên Chúa, một lời đáp trở thành hiện thực trong một hành vi có sự tham dự của ân sủng, trí tuệ và ý chí. Trong chương 8, chúng ta sẽ phân tích chủ thể của lời đáp lại đức tin, tức là con người và cộng đoàn Kitô giáo. Chương 9 sẽ xem đức tin như một nguyên lý năng động cho đời sống luân lý của con người, cả trong chiều kích cá nhân lẫn cộng đoàn, xét như nguồn gốc của những công việc rõ ràng và cụ thể đi cùng với đức tin và biểu lộ đức tin.

Tuy nhiên, trước khi bắt đầu trình bày chi tiết những vấn đề này, có lẽ sẽ thích hợp khi đưa ra một bản tóm lược lịch sử ngắn gọn về cách thức mà thần học xử lý vấn đề mặc khải và đức tin.9

Giới thiệu khái niệm Mặc khải và sự phát triển thần học về nó

Đằng sau mọi suy tư của Giáo Hội là ý thức rằng Giáo Hội là người mang lấy một sứ điệp bắt nguồn từ Thiên Chúa nơi chính Ngài (x. 2 Cr 4,1-2). Tri thức mà Giáo Hội đưa ra cho con người không bắt nguồn từ bất cứ suy đoán nào của riêng mình, dù cao siêu đến đâu, nhưng từ Lời Thiên Chúa mà mình đã tiếp nhận trong đức tin (x. 1 Tx 2,13). Tự khởi nguồn đời sống đức tin của chúng ta, có một cuộc gặp gỡ độc đáo làm lộ ra một mầu nhiệm bị che khuất qua nhiều thời đại (x. 1 Cr 2,7; Rm 16,25-26), nhưng nay đã được vén mở.10

Mặc khải, trong tất cả sự mở rộng của nó xét như một hành động nói với nhân loại của Thiên Chúa, luôn hiện diện trong suy tư thần học. Và một tuyên bố tương tự về đức tin cũng có thể được đưa ra, trong đó, con người là kẻ đã nhận được Lời thần linh.

Tuy nhiên, bản thân mặc khải vẫn chưa phải là đề tài cho các nghiên cứu đã được chuyên môn hóa cho đến gần đây, khi các dòng tư tưởng phê bình và duy lý khác nhau đặt vấn đề về sự thông truyền giữa Thiên Chúa và nhân loại. Trong đó, các nhà duy lý đưa ra nghi vấn về tính khả hữu của một mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con người vượt ra ngoài sự tôn kính chung chung thuần túy hướng về một Đấng Sáng Tạo xa xôi và vô danh.

Trong khi dành mối quan tâm đến mặc khải mang tính ngôn sứ, thứ tất nhiên là một vấn đề quan trọng, các nhà thần học thời trung cổ đã không xem xét khái niệm tổng quát về Mặc khải của Thiên Chúa cho nhân loại. Trong thời kỳ ngay sau Công đồng Trentô (1545-1563), các nhà thần học tập trung hướng nhìn của họ vào sự lưu truyền mặc khải, một vấn đề không có ý nghĩa đối với việc tổng hợp một lý thuyết hoàn chỉnh về mặc khải.

Trong thời kỳ Ánh Sáng của thế kỷ XVIII, nhiều nhà tư tưởng có tầm ảnh hưởng hàng đầu đã tiến hành tách biệt đức tin và lý trí một cách triệt để, do đó, làm suy yếu mọi hiểu biết về mối quan hệ mật thiết và cá vị giữa Thiên Chúa với nhân loại. Đối với các nhà thần học và các nhà tư tưởng Kitô giáo, việc chứng minh tính vô căn cứ và không phù hợp với bản tính nhân loại của những lý thuyết tách biệt đức tin và lý trí như vậy là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, đây không phải là một công việc dễ dàng; các nhà thần học vẫn chưa tìm ra câu trả lời rốt ráo cho những thách thức này. Thay vào đó, việc nghiên cứu về mặc khải đã được phát triển một cách chậm rãi và đi theo con đường đã đạt được một số mục tiêu quan trọng, đồng thời, hứa hẹn về một tương lai tươi sáng.

Giai đoạn đầu tiên của việc xây dựng khái niệm thần học về mặc khải: Từ Công đồng Trentô (1545-1563) đến Vaticanô I (1869-1870)

Những nỗ lực đầu tiên đặc trưng ở chỗ coi mặc khải như việc Thiên Chúa nói với con người, dạy con người về điều con người không biết và không thể biết, bởi đó là một mầu nhiệm với anh ta, đồng thời, minh chứng bằng những ngôn từ và dấu chỉ về sự hiện hữu của những thực tại và hữu thể hoàn toàn vượt quá tầm với của con người. Nỗ lực này được coi là một lối đọc thần học, bởi lẽ với nó, quan điểm đến “từ Thiên Chúa” là Khởi Nguyên, là Đấng soi sáng và giảng dạy. Yếu tố chủ chốt của cách tiếp cận này là sự phân biệt giữa mặc khải trực tiếp (sự soi sáng tinh thần để có tri thức về chân lý), là mối quan hệ trực tiếp giữa Thiên Chúa và con người, và mặc khải trung gian (định đề về chân lý thần linh thông qua một truyền thống bảo đảm cho chân lý của mệnh đề bằng các dấu chỉ hỗ trợ cho nhiệm vụ của nó).

Việc sử dụng rộng rãi triết học và bỏ qua các khoa học khác (chẳng hạn như tâm lý học, ngữ văn và lịch sử) là nét đặc trưng của bối cảnh văn hóa trong thời kỳ này. Các tác giả đề cao trí năng quá mức, và đôi khi lôgic một cách cứng nhắc, ít khi nại đến Kinh Thánh và quan điểm của các Giáo phụ trong tác phẩm của họ. Họ thường tự hào cho mình là những hậu bối đích thực của các tác giả vĩ đại thời Trung cổ, những người mà đáng tiếc là họ thường không kế thừa chiều kích kinh thánh hay sự chuẩn bị trí tuệ sâu rộng từ các vị ấy. Trong bầu khí như vậy, khái niệm mặc khải được đề xuất trong giai đoạn đầu tiên này (được khởi xướng từ thế kỷ XVII, được củng cố vào thế kỷ XVIII và tồn tại cho đến thế kỷ XX) có vẻ đơn giản.

Tuy nhiên, từ những hạn chế này, không nên kết luận rằng nỗ lực của họ không mang lại kết quả nào đáng kể. Trên thực tế, những nỗ lực thần học đó—xét như cách tiếp cận lần đầu đối với vấn đề, một sự phỏng chừng, một sự đánh giá—đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ giáo lý Kitô giáo về Thiên Chúa và sự thông truyền của Ngài với nhân loại. Kể từ đây, những chủ trương phê bình có tính cách hoài nghi và duy lý trong những thế kỷ này đã dần được chuyển hóa thành những dạng thức triệt để của thuyết bất khả tri và tự nhiên thần luận. Đôi khi, nó ngẩng cao đầu trước những lập trường đối lập từ thuyết duy tín hay duy truyền thống; và thi thoảng, nuôi dưỡng những dạng thức như chủ nghĩa bán duy lý hay chủ nghĩa vô thần.

Vì thế, chúng ta phải ghi nhớ bối cảnh lịch sử và triết học này để đánh giá cách thỏa đáng về giai đoạn đầu tiên của việc nghiên cứu khái niệm mặc khải. Nó đã thiết lập tính chất đặc biệt của mặc khải Kitô giáo, và bằng những lập luận hợp với lôgic, đã cho thấy bản tính siêu nhiên của mặc khải, của nguồn gốc, nội dung, tính chung quyết, và do đó, tính tất yếu tuyệt đối của nó đối với ơn cứu độ. Mặc khải không thể bị thay thế bởi bất cứ sự diễn đạt nào của con người về triết học, khoa học hay văn hóa.

Công đồng Vaticanô I đã xác nhận dứt khoát điều này:

Quả thực, nhờ mặc khải thần linh mà những vấn đề liên quan đến Thiên Chúa, vốn tự chúng không nằm ngoài phạm vi lý trí của con người, được biết đến một cách dễ dàng bởi bất cứ ai với sự chắc chắn và không sai lạc, thậm chí ngay cả trong tình trạng hiện tại của loài người.11 Tuy nhiên, đây không phải là lý do khiến mặc khải là tuyệt đối cần thiết; nhưng là vì Thiên Chúa đã hướng con người đến một mục đích siêu nhiên, đó là một sự tham dự vào những điều tốt lành của Thiên Chúa vốn hoàn toàn vượt quá sự hiểu biết của tâm trí con người.12

Công đồng đã phê chuẩn giáo huấn này bằng hai điều luật, trong đó, lên án bất cứ ai nói rằng “việc con người được hướng dẫn bởi Mặc khải Thần Linh về Thiên Chúa và về phụng tự là vô ích hoặc không thể,”13 hoặc rằng “con người không thể được Thiên Chúa nâng lên tới một tri thức và sự hoàn thiện vượt quá bản tính con người, nhưng nhờ chính mình, con người có thể và phải thủ đắc sự thiện và sự thật thông qua một sự tiến bộ không ngừng.”14

Giai đoạn thứ hai của việc xây dựng khái niệm thần học về mặc khải: Từ Công đồng Vaticanô I (1869-1870) đến Vaticanô II (1962-1965)

Nỗ lực thứ hai, được khởi xướng vào thế kỷ XIX bởi các nhà thần học ở Tubinga (chẳng hạn như J.S. von Drey), đề cập đến khái niệm mặc khải từ một quan điểm mới và lấy xuất phát điểm là đặc điểm lịch sử-cứu độ của mặc khải cùng với trung tâm Kitô học không thể phủ nhận của nó, bởi lẽ Ngôi Lời Nhập Thể rõ ràng là sự viên mãn của việc thông truyền giữa Thiên Chúa với nhân loại. Các vấn đề về tính khả hữu, sự thích nghi và tính tất yếu của mặc khải, vốn trước đây là trung tâm của sự chú ý, đã bị xếp xuống hàng thứ yếu. Kể từ đầu thế kỷ XX, khái niệm mặc khải này đã là một khái niệm chủ chốt trong thần học. Về sau, được phát triển dựa trên những giáo huấn của Kinh Thánh và của các Giáo phụ.

Thế kỷ XX được đặc trưng bởi sự củng cố dành cho các khoa học mới—cách đặc biệt là tâm lý học, các cách tiếp cận khác nhau về lịch sử, xã hội học, ngữ văn, thông diễn học, nhân chủng học và tôn giáo so sánh. Trong triết học, ý thức hệ Ánh Sáng và thuyết duy tâm vẫn là những trường phái tư tưởng thống trị, nhưng được định tính nhờ sự xuất hiện của các quan điểm triết học mới tìm cách khắc phục những hạn chế cố hữu của mình, ngay cả khi chúng vẫn nằm trong khuôn khổ cơ sở của tri thức luận Kant. Đại diện cho những triết học như vậy trước hết là thuyết hiện sinh của Kierkegaard, tiếp theo là của Heidegger và Sartre, cũng như thông diễn học của Gadamer và Ricoeur, thuyết cấu trúc và những lý thuyết khác.

Trong quá trình phát triển khái niệm mặc khải ở thế kỷ XX, có thể phân biệt ra ba trường phái hoặc nhóm tư tưởng lớn, mặc dù họ không phải lúc nào cũng đối lập nhau.

Nhóm đầu tiên được đại diện bởi A. Gardeil, J. V. Bainvel, R. Garrigou-Lagrange, H. Dieckmann, C. Pesch, L. Lercher, S. Tromp, và J. Brinktrine.15 Các nhà thần học này về cơ bản vẫn tuân theo quan điểm lý thuyết của giai đoạn trước, mặc dù đã đạt được một số tiến bộ và thành tựu phát triển.16

Nhóm thứ hai bao gồm các nhà thần học Công Giáo và Tin Lành cố gắng tìm kiếm một khái niệm mặc khải được thiết lập trong Kinh Thánh và được làm phong phú thêm bởi các Giáo phụ. Các tác giả này đã đạt tới một khái niệm về mặc khải xét như lịch sử, như sự kiện, sự can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử. Hơn nữa, họ coi mặc khải là sự tiết lộ cá vị của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa là Đấng giao tiếp với nhân loại, là Đấng mở ra sự thân mật của mình bằng cách cho phép con người tiếp cận nó. Bản thân mặc khải vẫn là một mầu nhiệm. Các tác giả này nhấn mạnh rằng chính Thiên Chúa là Đấng vừa mặc khải vừa được mặc khải. Thiên Chúa được mặc khải không chỉ trong một di sản thần linh (như một số thành viên của nhóm đầu tiên có xu hướng khẳng định), nhưng còn trong Chúa Kitô và bởi Chúa Kitô, Đấng là Ngôi Lời Nhập Thể. Một số nhà thần học thuộc nhóm thứ hai có thể kể ra là R. Guardini, J. Mouroux, G. Söhngen, L. Charlier, J. Danielou, M.D. Chenu, R. Aubert, H. Bouillard và H. de Lubac.17

Trong nhóm này, chúng ta cũng có thể tính đến nhiều học giả Kinh Thánh đã tiếp cận vấn đề này trong các tài liệu hoặc Kinh Thánh của họ. Những tác giả này bao gồm J. Dupont, C. Spicq, J. Coppens, H. Schlier, R.E. Brown, C.H. Dodd, R. Schnackenburg, H. Schulte, G. Kittel, G. Friedrich, A. Oepke, A. Althaus, H. Strathmann và K.H. Rengstorff.18 Những nghiên cứu này làm sáng tỏ bản tính tiến bộ của mặc khải: chiều kích sư phạm của nó, mối quan hệ liên tục và nội tại giữa mặc khải và lịch sử, các phương thức và cách diễn đạt khác nhau của mặc khải, bản tính cá vị của nó xét như đối thoại, quan hệ của nó với Giáo Hội, và trên hết là sự tập trung của nó vào Chúa Kitô.

Những nhà thần học coi mặc khải là khái niệm có thể diễn đạt và tóm tắt mối quan hệ giữa Thiên Chúa với con người, một khái niệm bao trùm và soi sáng tất cả các vấn đề thần học khác, thuộc về nhóm thứ ba. Lập trường này rõ ràng thừa nhận những lập trường trước đó và mở rộng phạm vi của chúng. Một số, hay thậm chí nhiều tác giả được đề cập ở hai nhóm trước cũng có thể được đưa vào nhóm này. Các tác giả sau đây là những đại diện đặc biệt điển hình cho nhóm này và cùng đồng ý với lập trường vừa nêu bất chấp những khác biệt giữa họ: K. Barth, R. Bultmann, K. Rahner, H.U. von Balthasar và W. Pannenberg. Các tác giả này đều nhấn mạnh đến tính trung tâm của mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con người (trong mọi biến thể của nó: đức tin-lý trí, bản tính-ân sủng, siêu vượt-nội tại, vĩnh cửu-thời gian, ngôn từ-lịch sử, v.v.). Họ cũng cố gắng làm sáng tỏ mối quan hệ giữa Kitô giáo và xã hội hiện đại (với tất cả các biến thể của nó: giáo hội-thế giới, Kitô giáo-văn hóa, truyền thống-cánh chung luận, tín điều-chú giải).

Trong Hiến chế Tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa, Công đồng Vaticanô II đã tính đến những đóng góp trọng yếu của nền thần học trước đó.19

Đặc điểm của văn kiện này là việc trình bày mặc khải tập trung vào Chúa Kitô và bắt đầu từ Ba Ngôi, theo một nhiệm cục mang tính lịch sử-cứu độ. “Quả thực, nhờ mặc khải này, chân lý thâm sâu về Thiên Chúa cũng như về công cuộc cứu độ con người được bày tỏ cho chúng ta trong Chúa Ki-tô, Đấng vừa là trung gian vừa là sự viên mãn của toàn thể mặc khải.”20

Mặt khác, chúng ta cũng nên nói rằng Công đồng Vaticanô II đã không chấp nhận những cách tiếp cận như thuyết duy tín của Barth hay Bultmann, cũng như không hoàn toàn đồng nhất mặc khải với lịch sử, như Pannenberg đã tìm cách thực hiện. Công đồng cũng không chấp nhận đề cương tổng quát về Mặc khải được phát triển bởi Rahner, cũng không chọn cách diễn đạt mang tính mỹ học về cách tiếp cận của con người với Thiên Chúa, như von Balthasar gợi ý.21

Tuy nhiên, Công đồng dạy rằng “Nhiệm cục mặc khải này được thực hiện bằng những hành động và lời nói có liên hệ mật thiết với nhau, đến độ các việc Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ biểu lộ và củng cố những giáo huấn cũng như các thực tại được diễn tả bằng lời nói; còn lời nói được dùng để công bố và làm sáng tỏ mầu nhiệm được chứa đựng trong các việc làm.”22 Và Công đồng cũng nói rằng Chúa Kitô, “bằng tất cả sự hiện diện và cách thế tỏ bày chính mình, bằng lời nói và việc làm, bằng các dấu chỉ và phép lạ, nhất là bằng cái chết và sự sống lại vinh quang từ trong kẻ chết, sau cùng, bằng việc cử Thánh Thần Chân lý đến, chính Người đã hoàn tất việc kiện toàn mặc khải và dùng chứng cứ thần linh xác nhận…” và kết luận: “nhiệm cục Kitô giáo sẽ mãi mãi trường tồn… và chúng ta không phải chờ đợi một mặc khải công khai mới nào khác nữa trước ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta tỏ mình ra trong vinh quang.”23 Xuyên suốt các chương tiếp theo, chúng ta sẽ nghiên cứu chi tiết giáo huấn của Công đồng Vaticanô II về Mặc khải của Thiên Chúa.


Chú thích

1 Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Tertio millennio adveniente [Thiên niên kỷ thứ ba đang đến], 6.

2 Cđ. Vaticanô II, Dei Verbum [Hiến chế tín lý về Mặc khải Thiên Chúa], 15.

3 Sđd., 2.

4 X. sđd., 7-10.

5 Điều này giải thích, chẳng hạn, tham chiếu nhắm tới Phongxiô Philatô mà chúng ta thấy trong kinh Tin Kính.

6 Dei Verbum, 2.

7 X. sđd., 5.

8 X. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, số 142-143.

9 Để có cái nhìn sâu rộng về bức tranh lịch sử toàn cảnh, x. R. Latourelle, Teología de la Revelación, 169-398; G. Ruggieri, Sapienza e Storia; H. Fries, La Revelación, en Mysterium Salutis, t. I, 210-227; M. Seybold, H. Waldenfels, L. Scheffczyk, P.R. Cren, U. Horst, A. Sand và P. Stockmeier, La Revelación, en Historia de los Dogmas, t. I: La Existencia en la Fe, 1st quarter: “La Revelación;” B. Sesboué, C. Theobald, ed., La Parola della Sapienza, IV; R. Fisichella, La Revelación, 11-42; A. Kolping, Fundamentaltheologie, I, 21-87, 132-261; S. Pié-Ninot, Tratado de Teología Fundamental, 55-109; P.A. Sequeri, Il Dio Affidabile, 21-118.

10 Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Fides et ratio [Đức tin và lý trí], 7.

11 Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, I, q. 1, a. 1.

12 Cđ. Vaticanô I, Dei Filius, 2: DS 3005.

13 Sđd.: DS 3027.

14 Sđd.: DS 3028.

15 X. A. Gardeil, Le Donné Révélé et la Théologie; J.V. Bainvel, De Vera Religione et Apologetica; R. Garrigou-Lagrange, De Revelatione per Ecclesiam Catholicam Proposita; H. Dieckmann, De Revelatione Christiana; C. Pesch, Compendium Theologiae Dogmaticae; L. Lercher, Institutiones Theologiae Dogmaticae; S. Tromp, De Revelatione Christiana; J. Brinktrine, Offenbarung und Kirche.

16 Chẳng hạn, xem các định nghĩa này: Revelatio divina stricte dicta est locutio Dei, qua Deus ex iis quae cognoscit, quaedam cum hominibus communicat, ita ut homines ea propter auctoritatem Dei loquentis credant: C. Pesch, Compendium Theologiae Dogmaticae, I, 29. Revelatio est actio divina libera et essentialiter supernaturalis qua Deus, ad perducendum humanum genus ad finem supernaturalem qui in visione essentiae divinae consistit, nobis loquens per prophetas et novissime per Christum, sub quadam obscuritate manifestavit mysteria supernaturalia naturalesque religionis veritates, ita ut deinceps infallibiliter proponi possint ab Ecclesia sine ulla significationis mutatione, usque ad finem mundi: R. Garrigou-Lagrange, De Revelatione per Ecclesiam Catholicam Proposita, I, 132.

17 X. R. Guardini, Die Offenbarung, ihr Wesen und ihre Formen; J. Mouroux, Creo en Ti; L’Expérience Chrétienne; G. Söhngen, Die Einheit in der Theologie; L. Charlier, Essai sur le Problème Théologique; J. Danielou, Méssage Evangelique et Culture Hellénistique; M.D. Chenu, Une École de Théologie; R. Aubert, Le Problème de l’Acte de Foi; H. Bouillard, Lógica de la Fe; H. de Lubac, De la Connaissance de Dieu.

18 X. J. Dupont, Gnosis; C. Spicq, Les Epitres Pastorales, 116-125; H. Schlier, Wort Gottes; R. Schnackenburg, La Théologie du Nouveau Testament; H. Schulte, Der Begriff der Offenbarung im Neuen Testament; G. Kittel, aokoyo, in TWNT I, 217-225; lelò, logos, in TWNT IV, 100-140; G. Friedrich, euaggelion, in TWNT II, 714-718, 724-733; kéryssò, in TWNT III, 701-717; A. Oepke, apocalyptò, in TWNT III, 565-597; A. Althaus, Die christliche Wahrheit; H. Strathmann, martys, in TWNT IV, 492-520; K.H. Rengstorf, didaskò, in TWNT II, 138-168.

19 X. Dei Verbum, 5, 6. Để phân tích văn kiện này, x. U. Betti, La Rivelazione Divina nella Chiesa; R. Latourelle, Teología de la Revelación, 351-389; AA.VV., Commento alla Costituzione Dogmatica Sulla Divina Rivelazione; Concilio Vaticano II: Comentarios a la Constituciòn sobre la Divina Revelación; Vatican II: La Révélation Divine; H. de Lubac, La Révélation Divine; G.H. Tavard, The Dogmatic Constitution on Divine Revelation of Vatican Council II.

20 X. Dei Verbum, 2.

21 Các phê bình thần học chi tiết về những cách tiếp cận này được đưa ra trong các chương tiếp theo.

22 Dei Verbum, 2.

23 Sđd., 4.


Chương 1. Mặc khải trong Cựu Ước

Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa khởi đi từ Sáng tạo: Thiên Chúa tạo dựng thế giới từ hư vô, đưa các thụ tạo vào hiện hữu và ban cho mỗi loài những đặc tính riêng biệt. Trong chương này, chúng ta sẽ nghiên cứu xem Thiên Chúa mặc khải chính Ngài qua công trình sáng tạo như thế nào, và dựa trên sự biểu lộ ban đầu này, Ngài giao tiếp với nhân loại bằng cách can thiệp vào lịch sử ra sao.

I. Mặc khải và Lời Chúa

Trong Cựu Ước, không có thuật ngữ hay khái niệm cụ thể nào tương ứng với mặc khải. Tuy nhiên, có một số cách diễn đạt được sử dụng để ám chỉ sự can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử nhân loại. Trong số đó, thuật ngữ diễn tả rõ ràng nhất một sự mặc khải của Thiên Chúa đối với con người là lời thần linh, tức là lời của ĐỨC CHÚA [Yahweh].1

Trong tiếng Hípri, “lời” là debar, hay dabar. Nó có nguồn gốc không chắc chắn; gốc động từ tương ứng của nó có thể biểu thị ý niệm “đứng sau [cái gì đó]” và “thúc đẩy,” hoặc “diễn đạt những gì bên trong,” và do đó, có nghĩa là “nói chuyện” (và suy tư), cũng như “đưa ra”.2

Từ debar trong Cựu Ước có ý nghĩa rộng hơn thuật ngữ “lời” của chúng ta. Đôi khi, nó có nghĩa là một kiểu nói [hay thành ngữ] diễn đạt một ý niệm, một tư tưởng. Nhưng khi khác, nó lại có nghĩa là sự vật mà kiểu nói đó đề cập đến, hoặc một hành động, hoặc một sự kiện. Chẳng hạn, dibre Selomo (x. 1 V 11,41) không có nghĩa là “những lời của Salômôn,” nhưng là “những hành vi hay việc làm của Salômôn.”

Do đó, “lời” có tác dụng của riêng nó, nó không chỉ dùng để biểu thị—tức là làm cho cái gì đó được nhận biết, v.v. (giá trị tinh thần)—nhưng đôi khi, nó còn có năng lực để thực hiện những gì nó ngụ ý (động lực). Ví dụ về chiều kích kép này của “lời” trong Cựu Ước là những lời chúc phúc và lời nguyền rủa, vốn gây ra hai loại hiệu quả riêng một khi chúng được tuyên bố. Và chúng không thể được rút lại (x. St 27,33-35; Gs 6,26; 1 V 16,34).3

Trong bản dịch Septuagint tiếng Hy Lạp, debar đôi khi được dịch là logos và đôi khi được dịch là rhema. Trong đó, logos chủ yếu mang ý nghĩa giá trị tinh thần của “lời”; còn rhema mang ý nghĩa giá trị động lực, bởi lẽ, ngoài nghĩa là “lời”, nó còn có nghĩa là “sự vật”. Bản văn Tân Ước nguyên gốc tiếng Hy Lạp sử dụng cả logosrhema để diễn đạt ý niệm debar trong tiếng Hípri. Còn trong bản văn Latinh Vulgate, rhema đôi khi được dịch là res, “sự vật” (x. St 18:14), và khi khác được dịch là verbum, “lời” (x. Lc 1,37).

Chiều kích kép này của “lời” được thể hiện rõ ràng trong Cựu Ước khi nó đề cập đến Lời Chúa (Debar Yahweh, dịch sang tiếng Hy Lạp là ho logos tou Theou hoặc to rhema tou Theou). Vì thế, chúng ta đọc thấy trong Is 55,10-11: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.”

Lời Chúa đang vén mở; nó thông truyền tri thức cho con người. Nó cũng hữu hiệu, nghĩa là Lời Chúa tác động đến lịch sử nhân loại. Nó là nguyên nhân của những biến cố cụ thể, điều khiển lịch sử, và hơn nữa, tiến hành lịch sử của Ítraen xét là dân của Thiên Chúa.

Trong Cựu Ước, Mặc khải Thần Linh được kết hiệp với Lời Thiên Chúa theo cách thức nhằm tạo ra những sự biểu lộ khác của Thiên Chúa (các cuộc Thần hiện, những giấc mơ, v.v.) nhằm truyền tải Lời.4

Chẳng hạn, trong cuộc thần hiện tại Mam-rê (x. St 18,1 tt.), sự biểu lộ thần linh không nằm ở hình dáng con người mà Thiên Chúa hiện ra, nhưng ở những lời mà Thiên Chúa nói với ông Ápraham. Dù sao đi nữa, quả đúng là mặc khải cũng được hiện thực hóa thông qua những hành động hay sự kiện không thể tách rời khỏi Lời Chúa. Nhưng chúng ta sẽ xem xét mối quan hệ giữa Lời và sự kiện sau.

Trong Cựu Ước, Lời Thiên Chúa có ba dạng thức chính:

1. Lời sáng tạo, thứ cấu thành mặc khải tự nhiên, hay mặc khải vũ trụ

2. Lời giao ước (lời hứa và lề luật)

3. Lời ngôn sứ

Trong đó, Lời giao ước và Lời ngôn sứ cấu thành mặc khải siêu nhiên, hay mặc khải lịch sử.

Tuy nhiên, Lời Chúa trong lịch sử Cựu Ước cũng có thể được nghiên cứu với những kiểu phân loại khác nếu nội dung được coi là quan trọng hơn hình thức. Chẳng hạn, có thể phân biệt giữa Lời tuyên bố, Lời giáo huấnLời phụng tự.5

Lời Chúa dưới mọi hình thức đều hướng tới con người nhằm đưa đến một sự đáp trả: chiều kích đối thoại này có vai trò thiết yếu đối với mọi lời chân thật.6 Vì thế, lời đáp lại của con người đối với Lời thần linh giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa và mục đích của điều mà Thiên Chúa muốn thông truyền. Điều này vẫn xảy ra ngay cả khi câu trả lời không đúng như điều Chúa mong muốn. (Trong trường hợp này, lời đáp trả sẽ được làm sáng tỏ dưới ánh sáng là sự phán xét của Thiên Chúa.)

Lời đáp lại của con người đối với Lời Chúa trong Cựu Ước là một thực tại nội tâm đóng vai trò nền tảng: đức tin (hoặc sự cứng tin), thứ có xu hướng tự diễn đạt thông qua lời nói và hành động. Những lời của con người đáp lại Lời Thiên Chúa có hai hình thức chủ yếu là lời ngợi khen và lời than vãn, với nhiều biến thể khác (tri ân, thờ lạy, sám hối, v.v.). Hành động của con người để đáp lại Lời Thiên Chúa được thể hiện qua sự vâng phục (hoặc bất tuân) trong đời sống thường ngày và trong việc thờ phượng.7

Những lời đáp lại của con người đối với Lời Chúa có giá trị trong mặc khải ở chừng mực chúng giúp hiểu được ý nghĩa và mục đích của Lời Chúa.

Rõ ràng, Thiên Chúa muốn Kinh Thánh ghi lại không chỉ lời nói và hành động của Ngài trong lịch sử, nhưng còn cả cách thức mà con người đáp lại chúng. Điều này giải thích tại sao nhiều lời nói và hành động của con người đã được chuyển thành Lời Chúa. “Kinh Thánh là lời nói của Thiên Chúa khi nó được viết thành văn tự dưới hơi thở của Chúa Thánh Thần.”8

Về cơ bản, “Lời Chúa trong Cựu Ước hướng dẫn và linh hứng cho một lịch sử bắt đầu với Lời Chúa trong Sáng tạo và kết thúc với Lời nhập thể.”9

II. Lời sáng tạo: Mặc khải tự nhiên, hay Mặc khải vũ trụ

“Thiên Chúa phán: ‘Phải có ánh sáng.’ Liền có ánh sáng” (St 1,3); “Và Thiên Chúa phán: ‘Nước phía dưới trời phải tụ lại một nơi, để chỗ cạn lộ ra.’ Liền có như vậy” (St 1,9). Ngay từ trang đầu tiên của Kinh Thánh, chúng ta đã thấy sức năng động và hữu hiệu rõ rệt của Lời Chúa, giống như quyền năng của Lời Chúa xét là Lời sáng tạo được tìm thấy trong các bản văn Kinh Thánh tiếp theo. Chẳng hạn, Thánh Vịnh 33 nói: “Một lời CHÚA phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú… Vì Người đã phán, và muôn loài xuất hiện, Người ra lệnh truyền, tất cả được dựng nên” (Tv 33,6-9).

Sáng tạo là điều được Thiên Chúa phán, và do đó, là mặc khải.10 Chính những sự vật trong thế giới này có thể được coi là lời Thiên Chúa hướng đến nhân loại: “Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia. Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh, mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển. Chúa căng lều cho thái dương tại đó, thái dương xuất hiện như tân lang rời khỏi loan phòng, và vui sướng lên đường như tráng sĩ” (Tv 19,3-6).

Cả Sách Khôn Ngoan và Thánh Phaolô (x. Rm 1,18-23) đều dạy chúng ta rằng thế giới thụ tạo cấu thành một mặc khải tự nhiên, hay mặc khải vũ trụ. “‘Cuốn sách tự nhiên’ kỳ diệu, thứ mà khi được đọc bằng những công cụ thích hợp của lý trí nhân loại, có thể dẫn đến tri thức về Đấng Sáng Tạo.”11 Mặc khải của Ngài không phải một lời minh nhiên hướng đến con người theo một cách thức cá vị như là mặc khải lịch sử. Tuy nhiên, nó cho phép con người nhận biết sự hiện hữu, uy quyền và quyền năng của Thiên Chúa qua các công trình của Ngài. Nó mang lại cho con người cơ hội đáp lại bằng cách ngợi khen Thiên Chúa, Đấng cất lời trong và qua các thụ tạo.

Lời Sáng Tạo có tầm quan trọng đặc biệt trong việc dựng nên con người. “Thiên Chúa phán: ‘Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta’” (St 1,26). Trong mặc khải vũ trụ, con người là lời giúp mặc khải Thiên Chúa. Tâm trí con người có khả năng khám phá Thiên Chúa không chỉ qua thực tại thụ tạo mang tính vật chất, nhưng còn qua linh đạo của chính mình, qua chứng từ của chính lương tâm nơi mình (x. Rm 2,14 tt.).

Mặc khải vũ trụ không được áp đặt lên con người. Con người phải bước đi để nhận ra thế giới là Lời Chúa. Họ phải nhận ra Thiên Chúa per ea quae Facta sunt [qua những công trình của Người], qua phép loại suy (một thuật ngữ xuất hiện trong nguyên văn tiếng Hy Lạp của Sách Khôn Ngoan [x. Kn 13,5], có nghĩa là sự cân xứng, biểu diện và sự phù hợp).

Trong thực tiễn, sự thừa nhận này có thể được tìm thấy xuyên suốt lịch sử nhân loại trong các hiện tượng tôn giáo đa dạng của các nền văn hóa khác nhau. Thông thường, những hiện tượng này đầy rẫy những điều không hoàn hảo, thậm chí đến mức phủ nhận một vị Thiên Chúa có ngôi vị phân biệt với thế giới. Quả thực, có thể nói rằng “nếu thuyết đa thần đại diện cho sai lầm của tôn giáo có tính vũ trụ vốn rất phổ biển, thì thuyết phiếm thần chính là sự cám dỗ mang màu sắc siêu hình.”12 Một kiểu sai lạc khỏi chân lý của tôn giáo tự nhiên khác còn có thể được tìm thấy trong những biểu hiện đa dạng của thuyết nhị nguyên. Tất cả những điều này là một dấu chỉ lịch sử rõ ràng rằng sáng tạo, xét như Lời của Thiên Chúa, như Mặc khải Thần Linh, đã kêu gọi con người. Nguồn gốc của những sai lầm này, như chúng ta biết được từ mặc khải siêu nhiên, là Tội nguyên tổ. Đây là lý do tại sao mặc khải siêu nhiên, hay mặc khải lịch sử lại đóng một vai trò tất yếu: nó giúp cho mọi người có thể đạt tới tri thức về Thiên Chúa một cách tương đối dễ dàng, chắc chắn và không sai lầm.13

Đức tin của Giáo Hội luôn nhấn mạnh rằng giữa Thiên Chúa và chúng ta, giữa Thần Khí Đấng Sáng Tạo vĩnh cửu của Ngài và lý trí thụ tạo của chúng ta, tồn tại một phép loại suy thực sự là nơi mà—như Công đồng Latêranô IV năm 1215 đã chỉ ra,—sự khác biệt vẫn vô cùng lớn so với sự tương đồng, nhưng không đến mức triệt tiêu phép loại suy và ngôn ngữ của nó. Thiên Chúa không trở nên thần linh hơn khi chúng ta đẩy Người ra xa khỏi mình bằng một chủ thuyết đề cao ý chí đến mức tuyệt đối, khôn dò; đúng hơn, Thiên Chúa thực sự thần linh là Thiên Chúa đã tự tỏ mình ra như logos và, xét là logos, đã hành động và tiếp tục hành động cách đầy yêu thương thay cho chúng ta.14

Công đồng Vaticanô I đã tuyên bố rằng con người sa ngã có thể biết chắc chắn về Thiên Chúa hằng sống và chân thật nhờ sức mạnh của lý trí và tri thức về thế giới thụ tạo.15 Khả năng này có tầm quan trọng sống còn—dù con người có tận dụng nó hay không—bởi lẽ nếu con người không có khả năng nhận biết Thiên Chúa dựa vào bản tính của chính mình, anh ta sẽ không thể nhận ra một mặc khải siêu nhiên của Thiên Chúa. Nếu con người không có khả năng nhận biết Thiên Chúa một cách tự nhiên, thì mặc khải siêu nhiên đối với anh ta sẽ là thứ không thể hiểu được.

Thật thú vị khi tạm xem xét lập trường của người Tin Lành về vấn đề này, như đã được trình bày theo nhiều hướng khác nhau. Có thể khái quát rằng truyền thống trí tuệ của Phong trào Cải cách Tin lành đã thường xuyên phủ nhận tính khả hữu của thần học tự nhiên. Các nhà thần học Tin lành có xu hướng nhìn nhận một thuyết duy tín dựa trên đặc điểm ủy thác của đức tin. Trong số các nhà thần học Tin Lành của thế kỷ XX, người có quan điểm thú vị nhất về vấn đề này có lẽ là Karl Barth. Trong quá trình phát triển tư duy của ông, người ta có thể quan sát thấy sức ảnh hưởng của lâp trường cho rằng Thiên Chúa không thể được nhận biết chỉ bằng năng lực của trí năng nơi con người.

Thiên Chúa chỉ có thể được nhận biết qua mặc khải về chính Ngài cho dân Ítraen và nơi Chúa Giêsu Kitô, như những gì đã được ghi lại trong Kinh Thánh. Barth khẳng định rằng Thiên Chúa là Đấng “hoàn toàn khác”, con người không thể tiếp cận được, và chúng ta cũng không thể luận ra được gì về Ngài từ thế giới và nhân học. Theo Barth, analogia entis [phép loại suy hữu thể] phải bị bác bỏ vì nó đi ngược lại thông điệp kinh thánh. Thay vào đó, điều nên được chấp nhận là phép loại suy đức tin [analogia fidei].

Tiếp sau kỷ nguyên thần học biện chứng của ông (1931), Barth đã tìm cách giải thích làm thế nào mà lời con người có thể diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa bằng cách sử dụng một khái niệm đặc biệt mà ông đã phát triển được gọi là phép loại suy đức tinanalogia fidei. Khái niệm này đề xuất rằng Thiên Chúa, trong mặc khải, ban cho lời nói khả năng giúp chúng ta biết rằng điều gì đó là của Ngài. Sở dĩ như vậy là vì lời của chúng ta thực sự là của Ngài hơn là của chúng ta và do đó, tự chúng có xu hướng biểu hiện những gì là Thiên Chúa hơn là thế giới.16 Điều quan trọng là phải hiểu tại sao lý thuyết của Barth lại hoàn toàn không đầy đủ. Nếu con người không có khả năng nhận biết Thiên Chúa cách tự nhiên, thì họ sẽ không thể nhận ra mặc khải siêu nhiên xét là Lời Thiên Chúa (điều mà Barth gọi là analogia fidei). Điều này đã được làm sáng tỏ—trong một thách thức trực tiếp dành cho Barth—bởi một nhà thần học Tin lành khác, nhà tư tưởng người Thụy Sĩ Emil Brunner, người đã cố gắng làm cho Barth hiểu được khiếm khuyết trong phép loại suy đức tin của ông khi không có sự đồng hành của phép loại suy hữu thể.17

Cuộc thảo luận tỉ mỉ này trong tư tưởng Tin Lành giúp nhấn mạnh tầm quan trọng về mặt thần học và triết học cho tính khả hữu của tri thức tự nhiên về Thiên Chúa như đã được dạy bởi Công đồng Vaticanô I. Về khía cạnh này, việc nhấn mạnh tầm quan trọng đối với các nhà thần học trong việc luôn nhớ lại bản tính loại suy trong lập luận của chúng ta về Thiên Chúa quả là hữu ích. Người ta không thể chủ trương rằng có sự tương đồng giữa các thụ tạo và Thiên Chúa mà không đồng thời bảo đảm rằng có một sự khác biệt lớn hơn giữa hai bên.18

Điều đáng ghi nhớ là tri thức của chúng ta về Thiên Chúa mang tính biện chứng tự bản chất. Nó được cấu thành từ ba con đường—khẳng định, phủ địnhsiêu việt [eminentiae]—mà Thánh Tôma Aquinô đã phát triển một cách tài tình qua việc sử dụng khái niệm siêu hình về sự tham dự và lấy lập trường của tác giả Mạo danh Diônisiô làm khởi điểm.19

Ngày nay cũng như mọi thời, thế giới thụ tạo là lời Thiên Chúa hướng tới nhân loại. Tuy nhiên, trong nhiều môi trường—vì những lý do khác nhau và phổ biến—dường như con người khó nhận ra Lời Chúa nơi các thụ tạo hơn bao giờ hết. Đây là lý do tại sao mặc khải lịch sử lại càng lúc trở nên cần thiết hơn.

III. Mặc khải siêu nhiên, hay Mặc khải lịch sử

Thiên Chúa đã tỏ mình cho nhân loại qua công trình sáng tạo từ buổi bình minh của thời gian. Bên cạnh đó, Ngài luôn tìm cách thiết lập một mối quan hệ với con người vượt trên trật tự tự nhiên hay đơn thuần là chỉ là quan hệ giữa Đấng Sáng Tạo với thụ tạo. Ngài đã muốn con người trở nên bạn hữu của mình. Đây là câu chuyện của mặc khải. Công đồng Vaticanô II đã tóm tắt những giai đoạn lịch sử dài trước khi Chúa Kitô đến như sau:

Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và bảo tồn mọi sự nhờ Ngôi Lời (x. Ga 1,3), không ngừng minh chứng về chính mình cho loài người qua các thọ tạo (x. Rm 1,19-20), hơn nữa, vì muốn mở ra con đường cứu độ cao vời, ngay từ khởi thủy, Ngài đã tỏ mình ra cho nguyên tổ. Sau khi tổ tông sa ngã, bằng việc hứa ban ơn cứu chuộc, Ngài đã nâng con người chỗi dậy, hướng tới niềm hy vọng cứu độ (x. St 3,15), và không ngừng săn sóc nhân loại, để ban sự sống đời đời cho tất cả những ai tìm kiếm ơn cứu độ bằng cách kiên tâm làm việc lành (x. Rm 1,19-20). Khi đến kỳ hạn, Ngài đã gọi Ápraham để từ nơi ông thành lập một đoàn dân đông đảo (x. St 12,2-3), một dân tộc mà sau thời các tổ phụ, Ngài đã dùng Môsê và các ngôn sứ để dạy dỗ, giúp họ nhận biết Ngài là Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và chân thật, là Cha quan phòng, là Thẩm phán chí công và để họ trông đợi Đấng Cứu Thế Ngài đã hứa ban. Như thế, qua các thời đại, Ngài đã dọn đường cho Tin Mừng.20

A. Mặc khải nguyên thủy

Qua sự linh hứng của Thiên Chúa, lịch sử về nguồn gốc của thế giới và loài người đã được ghi lại trong những chương đầu tiên của Sách Sáng Thế. Với phong cách văn chương đặc biệt, những câu chuyện đó cho chúng ta cảm nhận sâu sắc về những diễn biến nguyên thủy trong lịch sử cứu độ. Trước hết, chúng ta cần lưu ý rằng hai trình thuật về việc tạo dựng con người (x. St 1,26-29; 2,7-24) đặc biệt nhấn mạnh đến phẩm giá của con người, kẻ đã được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa, cũng như lưu ý đến tính tương đồng đặc biệt mà con người có được với Đấng sáng tạo nên mình ngay từ đầu. Trạng thái nguyên thủy đó của con người được thể hiện rõ nét nhất khi đối chiếu nó với tình trạng của Ađam và Evà sau khi phạm tội nguyên tổ. Khi con người nổi loạn chống lại Thiên Chúa, họ đánh mất sự thân mật với Thiên Chúa, phải chịu đau khổ và cái chết (x. St 3,1-24).

Chúng ta sẽ không dành nhiều thời gian hơn cho những vấn đề quan trọng này vì chúng liên quan đến các lĩnh vực nghiên cứu thần học khác. Tuy nhiên, chúng ta sẽ chỉ ra sự tồn tại của Mặc khải Thần Linh từ thuở ban đầu của loài người, mặc khải này khác biệt và vượt xa chứng từ mà Thiên Chúa đưa ra về chính Ngài thông qua các thụ tạo. Do đó, mặc khải này là siêu nhiên; nó thiết lập một tình bạn giữa Thiên Chúa và con người bên trên và vượt trên mối quan hệ giữa Đấng Sáng Tạo và thụ tạo.

Con người đã được dựng nên trong tình trạng thánh thiện và công chính. Hậu quả của Tội Nguyên Tổ là con người đánh mất ân sủng siêu nhiên cũng như tình bạn và sự thân mật với Thiên Chúa. Việc tước mất ân sủng siêu nhiên, kèm theo những đau khổ, sự suy yếu các khả năng tự nhiên để nhận biết chân lý và làm điều lành, và việc phải chết, đã được truyền lại cho mọi người như một phần bản tính nhân loại của chúng ta.21

Với lời hứa cứu chuộc, Thiên Chúa đã bảo đảm với tổ phụ chúng ta về hy vọng cho ơn cứu độ sau khi sa ngã.22 Lời hứa cứu chuộc này được thuật lại trong St 3,15 (đó là lý do tại sao câu Kinh Thánh này lại được gọi là Tin Mừng nguyên thủy) như một tuyên bố về chiến thắng trong tương lai của dòng dõi người đàn bà trước ma quỷ (con rắn), kẻ gây cám dỗ.23

Trong mặc khải nguyên thủy cho con người, Thiên Chúa không chỉ biểu lộ quyền năng sáng tạo của Ngài, nhưng còn biểu lộ cách đặc biệt tình yêu của Ngài đối với chính con người, kẻ được mời gọi tham dự vào sự thân mật thần linh: sự hiệp thông vinh phúc với Ngài. Về phần mình, con người phải tôn trọng những giới răn thần linh (như được tóm tắt trong câu chuyện trái cấm trong Sách Sáng Thế). Con người phải tín thác vào Thiên Chúa và do đó, phải vâng lời Ngài. Sự ngăn cấm này chắc chắn là một phép thử đối với con người nhưng không theo nghĩa rằng Thiên Chúa đòi con người đền bù cho những ân huệ của Ngài. Một mặt, bản chất của phép thử là bộc lộ sự tôn trọng của Thiên Chúa đối với tự do của con người. Mặt khác, Thiên Chúa muốn thể hiện tình yêu thần linh vốn là nguồn gốc duy nhất sinh ra các ân huệ của Ngài. Tình yêu của Ngài là tình yêu mong muốn làm cho con người, với sự tự do và tình yêu hướng về Ngài, có thể trở nên xứng đáng với những ân huệ ấy. Đây “là điểm tế nhị và mật thiết nhất trong mối quan hệ mà Thiên Chúa mong muốn thiết lập với con người: Ngài có sự tôn trọng cơ bản đối với tự do của con người, đồng thời, khuyến khích lòng trung thành và sự vâng phục phát xuất từ tình yêu.”24

Ngay cả sau khi con người phạm tội bất trung, qua lời hứa về Ơn cứu chuộc, tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người vẫn tỏ ra là một tình yêu trung tín. Sự trung tín này của Thiên Chúa được biểu lộ liên tục trong lịch sử qua Mặc khải Thần Linh.

B. Lời giao ước

Nguồn gốc của thuật ngữ berith (giao ước) trong tiếng Hípri là không chắc chắn. Nó có thể phát xuất từ biritu (chuỗi) hoặc birit (giữa), bởi lẽ giao ước là một dạng kết hợp giữa hai người. Theo cách sử dụng thường xuyên nhất của thuật ngữ này trong Cựu Ước, berith biểu thị một thỏa thuận vĩnh viễn được ký kết giữa hai người trước mặt Thiên Chúa, thường được thông qua bằng một của lễ dâng lên Ngài, đòi hỏi các quyền và nghĩa vụ của hai bên.25

Mặc dù thỏa thuận thuộc loại này thường giả thiết một sự bình đẳng nhất định giữa các bên, nhưng một giao ước cũng có thể được thiết lập giữa một bên mạnh hơn và một bên yếu hơn. Hơn nữa, trong Cựu Ước, thuật ngữ berith không phải lúc nào cũng có nghĩa là một giao ước hay thỏa thuận chính thức; nó cũng có thể mang nghĩa là một lời hứa trọng thể đơn thuần tương tự với một lời thề. Đây là trường hợp, chẳng hạn, của giao ước do Xít-ki-gia-hu thực hiện với dân chúng (x. Gr 34,8), một lời hứa công bố tự do cho nô lệ.

Các thuật ngữ Hy Lạp tương ứng là synthekediatheke. Trong đó, syntheke hầu như chỉ biểu thị ý niệm về sự đồng thuận, hay giao ước, trong khi diatheke—là từ được Thánh Phaolô sử dụng—có thể có nghĩa là “di chúc”. Đó là lý do tại sao bản văn Latinh trong một số trường hợp gọi giao ước là testamentum thay vì foeduspactum như thường thấy.

Giao ước là một hình hình thái phổ biển giữa nhân loại, và chính Thiên Chúa đã thiết lập một loạt giao ước với con người: giao ước của Ngài với ông Nôê sau trận Đại Hồng Thủy (x. St 9,9-10) và đặc biệt là giao ước của Ngài với Ápraham (x. St 9,15-17). Trong giao ước với Ápraham—đó là giao ước tuyệt hảo,—Thiên Chúa đã là bên chủ động. Chính Thiên Chúa đã hứa ban cho Ápraham dòng dõi đông đúc và biến họ thành một dân lớn mạnh, ban cho ông một vùng đất mới—Đất Hứa—và sau cùng, chúc phúc cho mọi dân tộc nhờ dân tộc này. Đây là lời loan báo và lời hứa về ơn cứu độ phổ quát dành cho nhân loại. Về phía Ápraham, Thiên Chúa đòi hỏi ở nơi ông sự tôn thờ Thiên Chúa duy nhất và sự tuân phục của ý chí. Ngài đòi hỏi đức tin, cách đặc biệt trong chiều kích tín thác và vâng phục. Đức tin đã giúp Ápraham vượt qua phép thử lớn lao của Thiên Chúa, khi Ngài yêu cầu ông phải sát tế chính con mình là Ixaác (x. St 22,1-18). Như một dấu chỉ của giao ước, phép cắt bì đã được thiết lập. (Đó là lý do tại sao nó là hình ảnh tiên báo về phép rửa của Kitô giáo trong tương lai.)

Sau đó, giao ước được lập lại với Ixaác (x. St 26,2-5) và với Giacóp (x. St 28,12tt.; 35,9-12). Tuy nhiên, nó chỉ được diễn tả đầy đủ nhất với Môsê như trong Xh 6,2-8 và được trình bày rõ ràng trong Xh 19-23.26

Với ông Môsê, Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa với Ápraham là dựng nên một dân lớn mạnh từ dòng dõi ông. Thiên Chúa đã giải phóng người Do Thái khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập và sau cuộc Xuất hành, đã thực hiện lời hứa ban cho họ Đất Hứa. Một khía cạnh quan trọng khác trong giao ước của Thiên Chúa với Môsê và dân Ítraen là lề luật. Thiên Chúa mong đợi dân Ngài tuân theo giới răn của Ngài. Mười điều răn (mười lời: Xh 34,28; những lời giao ước: Ex 20,1-17) cùng với các chỉ thị về luật lệ khác đã hợp thành “luật Môsê” mà Thánh Phaolô dạy rằng “Lề Luật đã thành người quản giáo dẫn chúng ta tới Đức Ki-tô” (Gl 3,24). Cách tự nhiên, nội dung của lề luật được vén mở dần dần cho người Do Thái theo thời gian. Mặc dù có một sự khác biệt đáng kể giữa tầm quan trọng của các giới răn (Mười Điều Răn) và các chỉ thị về luật lệ còn lại. Tuy nhiên, chúng ta không cần thiết phải dừng lại ở đây và tập trung vào vấn đề này ngay bây giờ.

Việc Thiên Chúa áp đặt luật lệ lên dân của giao ước không làm giảm bớt tính chất về một ân huệ tự nguyện của nó. Thực ra, lề luật cũng là một ân huệ của Thiên Chúa; đó là cách Ngài chỉ cho những người được chọn con đường dẫn đến sự viên mãn và hạnh phúc trọn vẹn.27 Lời của luật là lời chỉ dẫn. Thuật ngữ torah trong Cựu Ước đôi khi được sử dụng theo nghĩa này (x. Hc 1,8). Vì thế, lề luật nhẹ nhàng chứ không phải là gánh nặng: “Luật pháp CHÚA quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh ý CHÚA thật là vững chắc, cho người dại nên khôn. Huấn lệnh CHÚA hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng. Mệnh lệnh CHÚA xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời” (Tv 19,8-9).

Như vậy, Lời giao ước (lời hứa và lề luật) mặc khải chân lý và lòng thành tín của Thiên Chúa, mặc khải công lý và tình yêu của Ngài.28 Lời này là bản chất của mặc khải lịch sử trong Cựu Ước, và nói chung, của Lời ngôn sứ. Một số nhà chú giải cho rằng đề tài cốt thiết của giao ước trong một thời gian dài sau thời ông Môsê là sự giải phóng hay cứu độ dân khỏi ách thống trị của người Ai Cập, sự kiện báo hiệu sự ra đời của dân Ítraen như một dân tộc tự do.29 Trong mọi trường hợp, giao ước đóng vai trò là bản chất của Lời Chúa trong Cựu Ước, vì việc giải phóng dân ra khỏi Ai Cập là sự đáp ứng một trong những lời hứa của Thiên Chúa dành cho tổ phụ Ápraham. Tuy nhiên, người ta cũng có thể coi berith là một lời hứa trọng thể hơn là một giao ước, chỉ đến sau này, đặc biệt là nhờ các ngôn sứ, nó mới được coi là một giao ước theo nghĩa chặt của thuật ngữ này.

C. Lời ngôn sứ

Mặc khải trên Núi Xinai là bản chất của tôn giáo của Ítraen. Tuy nhiên, việc bảo tồn và lưu truyền Lời này một cách trung thành trong các thế kỷ sau được thực hiện phần lớn nhờ phương thế Lời ngôn sứ. Đây không phải là sự lưu truyền thuần túy nhân loại, một sự trình bày đơn thuần về Lời được Thiên Chúa bày tỏ trong giao ước, nhưng đúng hơn, là những Lời mới của Thiên Chúa. Thiên Chúa chọn các ngôn sứ và soi sáng họ bằng Lời Ngài. Do đó, Lời ngôn sứ có năng lực và hiệu quả riêng của nó bở lẽ nó chính là Lời Thiên Chúa chứ không chỉ là những lời của con người nhắc lại Lời giao ước.

Ngôn sứ (trong tiếng Hípri là nabi) có nghĩa nguyên thủy là “người được gọi,” nhưng theo cách sử dụng cụ thể của Cựu Ước, nó có nghĩa là “người nói nhân danh người khác”. Chẳng hạn, Thiên Chúa gọi Aharon là nabi của Môsê (x. Xh 7,1). Về sau, thuật ngữ nabi (trong tiếng Hy Lạp là prophetes, nghĩa là một người thông diễn các lời tiên tri) được dành riêng cho những người được Thiên Chúa chọn để nói với dân nhân danh Ngài.30

Ngay từ khởi đầu lịch sử dân Ítraen, Lời ngôn sứ đã tồn tại rất đa dạng và phong phú. Chẳng hạn, Ápraham và Môsê có thể được coi là những ngôn sứ đích thực. Thật vậy, Sách Đệ Nhị Luật tuyên bố: Kể từ đó, “trong Ít-ra-en không còn xuất hiện một ngôn sứ nào như ông Môsê, người mà ĐỨC CHÚA biết rõ, mặt giáp mặt” (Đnl 34,10). Mặc dù chuỗi các tác giả ngôn sứ khởi đi từ Amốt (750 TCN) nhưng vẫn có những ngôn sứ vĩ đại trước ông như Samuen, Nathan, Êlia và Êlisa.

Lời ngôn sứ được kết hợp cách mật thiết với lịch sử. Đôi khi, đó là sự diễn giải hay hồi tưởng về những thời kỳ đã qua. Và khi khác, Lời diễn đạt cho hiện tại (chẳng hạn, ơn gọi của cua Saun và Đavít được mặc khải qua ngôn sứ Samuen [x. 1 Sm 9,27; 10,1; 16,12-13]). Lời ngôn sứ cũng có thể loan báo về tương lai (mang tính lịch sử cũng như khải huyền).

Sấm ngôn về tương lai có hai loại: những sấm ngôn về sự trừng phạt, thường là lời khiển trách của Thiên Chúa vì tội lỗi của dân (x. Is 5,2-30) và những sấm ngôn về ơn cứu độ (x. Gr 31,31-34). Việc loan báo ơn cứu độ tương lai là yếu tố căn bản của Lời ngôn sứ. Chính trong bối cảnh này mà người ta nhớ lại những sự can thiệp trong quá khứ của Thiên Chúa đối với dân Ngài. Sự tin tưởng vào Lời ngôn sứ dựa trên sự thành tín của Thiên Chúa với những lời hứa của Ngài.31

Bên cạnh các sấm ngôn về ơn cứu độ là những sấm ngôn về sự trừng phạt. Điều này là do Thiên Chúa luôn nghĩ đến ơn cứu độ cho con người khi Ngài thi hành các hình phạt của mình. Chẳng hạn, ở đây, chúng ta có thể nhớ lại sấm ngôn của ngôn sứ Giôna về sự trừng phạt dành cho dân thành Ninivê: “Ông Giô-na bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố: ‘Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ’” (Gn 3,4). Sau sự ăn năn và sám hối của dân thành Ninivê, chúng ta biết rằng: Khi “Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai họa Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa” (Gn 3,10).

Trong những cách thể hiện đa dạng của mình, Lời ngôn sứ cách đặc biệt là Lời được Thiên Chúa thông truyền cho vị ngôn sứ. Thiên Chúa thông truyền một ý niệm, hình ảnh, hoặc ánh sáng nội tâm cho ngôn sứ, người sau đó sẽ giải thích nó. Thiên Chúa cũng có thể ban cho một ngôn sứ khả năng giải thích một sự kiện lịch sử, giấc mơ của người khác, v.v.32 Trong hầu hết các trường hợp, các ngôn sứ ý thức được việc họ nói nhân danh Thiên Chúa. Tuy nhiên, ý thức này không phải tiêu chuẩn cốt yếu cho một sấm ngôn đích thực.33

Trong số những sấm ngôn của Cựu Ước, những sấm ngôn rõ ràng về Đấng Mêsia là quan trọng hơn cả. Một số trong số chúng công bố một giao ước mới vĩnh cửu và dứt khoát. Vì thế, Thiên Chúa đã phán miệng ngôn sứ Isaia: “Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống. Ta sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu, để trọn bề nhân nghĩa với Đa-vít” (Is 55,3); “Vì Ta, ĐỨC CHÚA, Ta chuộng lẽ công minh, ghét chuyện cướp bóc gian tà, nên Ta sẽ theo lòng thành tín mà ban phần thưởng cho các ngươi, và sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu” (Is 61,8). Điều này thậm chí còn trở nên rõ ràng hơn trong sách ngôn sứ Giêrêmia:

Này sẽ đến những ngày – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA – Ta sẽ lập với nhà Ítraen và nhà Giuđa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai Cập; chính chúng đã hủy bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta… Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa (Gr 31,31–34).

Lời ngôn sứ nhắc lại giao ước cũ để nhấn mạnh đến sự thành tín của Thiên Chúa. Đây là một khúc dạo đầu cho giao ước mới sẽ trở thành hiện thân của ơn cứu độ (mang lại ơn tha tội).

Giao ước mới được công bố như một sự hiện diện mới và trực tiếp hơn của Thiên Chúa giữa nhân loại. Vì thế, Thiên Chúa phán qua miệng ngôn sứ Êdêkien: “Ta sẽ lập với chúng một giao ước bình an; đó sẽ là giao ước vĩnh cửu đối với chúng, Ta sẽ định cư chúng, cho chúng sinh sôi nảy nở ra nhiều và đặt thánh điện của Ta ở giữa chúng cho đến muôn đời. Nhà của Ta sẽ ở giữa chúng; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng và chúng sẽ là dân của Ta” (Ed 37,26-27). Những lời này đạt đến tột đỉnh viên mãn trong mầu nhiệm Nhập Thể, như Thánh Gioan sau này đã viết: kai ho logos sarx egheneto kai eskenosen en hemin (“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”) (Ga 1,14). Cách diễn đạt mà Thánh Gioan sử dụng ám chỉ một sự cư ngụ của Thiên Chúa giữa con người có tính chung quyết tự bản tính. Động từ skenoo có nghĩa là “dựng lều” và là bản dịch theo nghĩa đen của từ schekan trong tiếng Hípri, phát xuất từ schekina, sự hiện diện của Thiên Chúa trong lều trại của dân Ítraen trong sa mạc.34

Trong mặc khải siêu nhiên, Lời Thiên Chúa liên quan mật thiết đến lịch sử và ơn cứu độ. Sau này, chúng ta sẽ đặc biệt chú ý đến mối liên hệ giữa mặc khải, lịch sử và ơn cứu độ dành cho nhân loại. Nhưng trước đó, chúng ta cần phải phân tích mầu nhiệm Chúa Kitô trong chừng mực Người là sự chứa chan của mặc khải vũ trụ cũng như lịch sử.


Chú thích

1 X. R. Latourelle, Teología de la Revelación, 18.

2 X. sđd., 25-26.

3 X. G. Ziener, “Palabra,” 744.

4 X. R. Latourelle, Teología de la Revelación, 18, 29-30.

5 X. C. Westermann, Teologia dell’Antico Testamento, 22-32.

6 X. J. Ratzinger, Teoría de los Principios Teológicos, 174.

7 X. R. Latourelle, Teología de la Revelación, 33-35; C. Westermann, Teologia dell’Antico Testamento, 36-40.

8 Cđ. Vaticanô II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 9.

9 E. Jacob, Théologie de l’Ancien Testament, 104.

10 Do những khác biệt lớn về cấu trúc và nội dung giữa mặc khải lịch sử (siêu nhiên) và mặc khải vũ trụ (siêu nhiên), một số tác giả thích nói về mặc khải vũ trụ xét như sự biểu lộ hơn là mặc khải. Chẳng hạn, x. R. Latourelle, “Revelación,” 1286; S. Pie-Ninot, Tratado, 163.

11 Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Fides et ratio, 19.

12 J. Danielou, Dieu et Nous, 44.

13 X. Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, I, q. 1, a. 1; Summa contra Gentiles, I, c. 4; Cđ. Vaticanô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, 2: DS 3005.

14 Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, tại cuộc tiếp kiến các gương mặt đại diện trong lĩnh vực khoa học, 12/09/2006.

15 X. Dei Filius: DS 3004, 3026; Dei Verbum, 1, 3.

16 Đặc biệt x. K. Barth, Die kirchliche Dogmatik, II, 1, sez. 27, 224-229.

17 X. E. Brunner, “Zur Lehre von der analogia entis,” 50ff. C. Fabro đã thực hiện một phân tích ngắn gọn nhưng sâu sắc về luận đề của Barth liên quan đến vấn đề này, với tham chiếu đặc biệt tới sức tác động của triết học Kant, Hegel, và Kierkegaard trên tư tưởng của Barth. X. C. Fabro, L’Uomo e il Rischio di Dio, 383-393; S.A. Matzak, Karl Barth on God.

18 Inter Creatorem et creaturam non potest similitudo notari, quin inter eos maior sit dissimilitudo notvàa (Cđ. Latêranô IV, De Fide Catholica, 2: DS 806).

19 X. C. Fabro, Partecipazione e Causalità, 499-526.

20 Dei Verbum, 3.

21 X. Cđ. Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 13.

22 X. Dei Verbum, 3.

23 X. J. Coppens, “Le Protoévangile: Un Nouvel Essai d’Exégèse,” 5-36; L. Arnaldich, “Protoevangelio,” 300-302.

24 R. Lavatori, Dio e l’Uomo: Un Incontro di Salvezza, 45.

25 X. J. Galot, La Rédemption, 31-37; J. Schildenberger, “Alianza,” 32-34.

26 X. L. Bouyer, La Biblia y el Evangelio, 19-86.

27 X. M. Serentha, Gesù Cristo Ieri, Oggi e Sempre, 64.

28 X. J. Danielou, Dieu et Nous, 107-130.

29 X. C. Westermann, Teologia dell’Antico Testamento, 49-61. Westermann không dành cho khái niệm về giao ước một tầm quan trọng thỏa đáng.

30 X. J. Schildenberger, “Profeta,” 851-852.

31 J. Danielou, Cristo e Noi, 92.

32 Summa Theologiae, II-II, q. 173, a. 2.

33 X. sđd., a. 4.

34 X. L. Bouyer, La Biblia y el Evangelio, 139-175, 293-297.

Scroll to Top