Thông Diễn Học
Trích dịch từ Theological Hermeneutics: Development and Significance (Werner G. Jeanrond, 1994).
Augustine the Areopagite
Nhập đề
Trong thế giới ngày nay, các vấn đề thông diễn học vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm, không chỉ trong thần học, nhưng còn trải rộng trên toàn bộ lĩnh vực nhân văn. Một minh họa rõ nét cho xu hướng này là số lượng lớn các tác phẩm về thông diễn học được xuất bản gần đây. Mặc dù đa số chúng đều cung cấp cho độc giả những tri thức dẫn nhập rất có giá trị từ một số nhà chú giải, tuy nhiên, những tiểu luận sơ lược này lại không thể đáp ứng nhu cầu về một bản trình bày mạch lạc cho sự phát triển và phạm vi của lý thuyết thông diễn học. Hơn nữa, những tuyển tập đó đều chỉ giới hạn nội dung của chúng trong sự phát triển của thông diễn học kể từ Thời kỳ Ánh Sáng. Hạn chế này có thể hiểu được nếu xét từ cái nhìn của những người tin rằng, để đưa ra một suy tư ‘phê bình,’ chỉ riêng thông diễn học hậu Ánh Sáng mới có thể được suy xét, trong khi những lý thuyết về việc chú giải bản văn trong thời kỳ tiền Ánh Sáng chỉ đơn giản là thứ nằm dưới sự chi phối của Giáo Hội và những ảnh hưởng ‘ngoại tại’ khác. Đồng thời, người ta còn thường xuyên nhấn mạnh rằng chỉ từ Thời kỳ Ánh Sáng trở đi mà suy tư thông diễn học mới có khả năng tự do khỏi vị trí thấp kém trước ưu thế vượt trội của các vấn đề thần học.
Trong cuốn sách này, để tránh việc chỉ nhấn mạnh vào thông diễn học hiện đại như vừa nêu, tôi sẽ chú tâm trình bày sự phát triển của môn học khởi từ những mốc điểm tại Hy-lạp của nó. Tôi hy vọng có thể diễn đạt theo hướng cho thấy rằng, dẫu có thuộc về một ‘thời kỳ tiền phê bình’ như người ta giả định, thì suy tư thông diễn học trước Thời kỳ Ánh Sáng vẫn còn rất nhiều điều để dạy cho chúng ta. Mặc dù thế, mối quan tâm chính của tôi ở đây là thảo luận về những nền tảng thông diễn học của một thần học phê bình. Công việc này tuy đi theo một lộ trình chủ yếu mang tính lịch sử, nhưng đã được thúc đẩy bởi những mối quan tâm có tính hệ thống trong thời đại của chúng ta.
Trên tinh thần đó, cuốn sách này sẽ đưa ra một cuộc thảo luận về sự phát triển của thông diễn học, chứ không phải một bản tường thuật lịch sử về khoa chú giải Thánh Kinh. Việc mọi nhà chú giải đều tiến hành công việc của mình dựa trên những nền tảng thông diễn học, dù họ có quan tâm đến nó hay không, đã cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa hoạt động chú giải với lý thuyết về chú giải. Cả hoạt động cụ thể trong việc chú giải Thánh Kinh cùng với mối quan tâm mang tính thần học vào những công việc của khoa chú giải như vậy đều đòi hỏi một nghiên cứu rõ ràng về thông diễn học trong thần học, và như chúng ta sẽ thấy, chính sự suy xét thông diễn học của chúng ta ngày nay cũng thừa hưởng một di sản vĩ đại từ sự suy tư này.
Cách tự nhiên, nỗ lực thảo luận về sự phát triển của thông diễn học thần học tự nó đã là một việc làm có tính thông diễn học. Tôi cố gắng ‘hiểu’ sự phát triển và tầm quan trọng của thông diễn học thần học. Bất cứ nhà chú giải có trình độ nào cũng phải ý thức được những giới hạn của mình. Một công việc như vậy bị bủa vây bởi rất nhiều giới hạn, chẳng hạn như tham vọng bàn về toàn bộ truyền thống thông diễn học chỉ trong một tập sách duy nhất dù vẫn đảm bảo được tính dễ đọc, hay ước muốn tập trung cách tỉnh táo vào cả sự phát triển tổng thể của thông diễn học lẫn việc thảo luận chi tiết hơn về từng tác giả hay thời kỳ riêng lẻ. Và ngoài ra, vẫn còn một giới hạn nữa đối với khả năng chuyên môn của chính tôi. Tôi không thể tuyên bố là bậc thầy về tất cả những khía cạnh khác nhau của bất cứ kỷ nguyên nào trong sự phát triển của thông diễn học. Mặc dù vậy, tôi hy vọng những nỗ lực của mình trong việc cố gắng làm nổi bật những chiều kích quan trọng nơi một số nhà chú giải cùng với bối cảnh của họ, cũng như ảnh hưởng của họ đối với sự phát triển tổng thể của tư duy thông diễn học, có thể được độc giả của cuốn sách coi là đáng giá.
Cuốn sách này được viết chủ yếu cho các sinh viên của môn thông diễn học thần học và bất cứ ai quan tâm đến nó. Tuy nhiên, tôi cũng cố gắng trình bày đề tài theo cách sao cho nó có thể được sử dụng như một lời dẫn nhập cho thông diễn học nói chung. Chính vì thế, những độc giả quan tâm đến lý thuyết văn chương và triết học cũng có thể tìm thấy nơi cuốn sách này ít nhiều sự hữu ích cho những thảo luận có tính phương pháp luận của họ.
...
Werner G. Jeanrond, Dublin, 01/01/1994
CHƯƠNG 1. MỤC ĐÍCH CỦA THÔNG DIỄN HỌC
1.1. Nhu cầu về Thông diễn học
Qua từ ‘Thông diễn học,’ chúng ta có ý nói đến lý thuyết về chú giải. Tên gọi của nó (Hermeneutics) có liên hệ tới Hermes, một nhân vật đóng vai trò sứ giả cho các vị thần trong thần thoại của người Hy-lạp. Nhiệm vụ của Hermes là giải thích cho con người những quyết định và kế hoạch của các vị thần. Vì thế, ông là người rút ngắn khoảng cách giữa thế giới của thần linh với thế giới của người phàm. Tương tự như vậy, thông diễn học quan tâm đến việc xem xét mối quan hệ giữa hai địa hạt bao gồm một bên là một bản văn hay một tác phẩm nghệ thuật, và bên khác là những người muốn hiểu nó. Nhưng tại sao lại cần có một sự suy xét như vậy? Phải chăng chúng ta không luôn luôn hiểu được các bản văn hay tác phẩm nghệ thuật bày ra trước mặt mình? Và đâu là vấn đề mà thông diễn học muốn giải quyết?
Vấn đề sẽ trở nên rõ ràng hơn nếu chúng ta nhớ lại kinh nghiệm kỳ lạ khi đọc một cuốn sách nào đó lần thứ hai. Việc đọc lại như vậy thường mở ra một sự tiếp thu mới về bản văn. Chúng ta có thể khám phá ra cái gì đó mới, cái gì đó khác, và chúng ta có thể nói rằng mình đang đọc cuốn sách bằng một cặp mắt khác. Tuy nhiên, vẫn là cùng một cuốn sách và cùng một cặp mắt mà chúng ta đã dùng để đọc nó. Vậy đâu là cái khác biệt? Đâu là cái đã thay đổi? Đó chính là góc nhìn của chúng ta, là cách mà chúng ta nhìn vào một bản văn hay một tác phẩm nghệ thuật. Trong trường hợp vừa nêu, cách chúng ta nhìn cuốn sách đã thay đổi so với lần đọc đầu tiên. Nó có thể không phải là một sự thay đổi mang tính triệt để, nhưng dù sao, chúng ta cũng đã thấy nó khác đi. Kinh nghiệm này dạy chúng ta rằng sự hiểu biết trên thực tế không phải là một bài tập không cần ý thức và không chút mơ hồ về việc giải mã một tập hợp các ký tự được giữ y nguyên trên trang giấy đặt trước chúng ta. Đúng hơn, sự hiểu biết bản văn luôn đòi hỏi sự tham dự tích cực của người đọc trong việc tái tạo bản văn được đề cập. Nó đòi hỏi chúng ta cho bản văn vay mượn thực tại để nó có thể trở nên có thực đối với chúng ta. Từ đó, sự hiểu biết sẽ tới khi hai thực tại có sự gặp gỡ: thực tại của người đọc và thực tại của bản văn.
Kinh nghiệm về việc đọc lại một cuốn sách còn cho thấy rằng chúng ta không bao giờ có thể đọc một bản văn theo cách ‘khách quan’ hay ‘trung lập.’ Người đọc luôn luôn là chúng ta, và điều đó có nghĩa rằng, để cho phép bản văn trở nên thực đối với mình, chúng ta luôn tiến hành đọc nó qua việc áp dụng những góc nhìn rất cá biệt mà chúng ta đều biết là đã bị giới hạn. Không một độc giả phàm nhân nào có thể có góc nhìn không giới hạn; và vì Hermes không có mặt sẵn để giải thích cho chúng ta ý nghĩa tối hậu và tường tận của một bản văn, nên chúng ta cần tự mình suy tư dựa trên cách mà chúng ta hiểu, trên mức độ mà chúng ta có thể hiểu, và trên những yếu tố là điều kiện cho sự hiểu biết của chúng ta. Sự suy tư đó chính là công việc của thông diễn học.
Như vậy, tôi đã định nghĩa thông diễn học như là lý thuyết về chú giải (hay giải nghĩa). Đối với hầu hết mọi người, sự hiểu biết và chú giải là một và cùng một điều. Tuy nhiên, trong cuốn sách này, tôi muốn đề xuất rằng ‘chú giải’ phải được dùng như một khái niệm bao bọc hàm chứa sự hiểu biết xét như một trong số các chiều kích của nó.1 Vì thế, thông diễn học, hay lý thuyết về chú giải, thì rộng hơn một lý thuyết về sự hiểu biết. Tôi muốn người đọc lưu ý sự phân biệt này ngay từ đầu, mặc dù nó sẽ được giải thích chi tiết hơn về sau.
Đương nhiên, đa số mọi người đều giải nghĩa các bản văn mà không bận tâm đến những điều ngụ ý, các chiều kích và những điều kiện trong hoạt động chú giải của mình. Có những tình huống thậm chí còn không cho chúng ta thời giờ và không gian để có những sự thẩm xét thông diễn học. Chẳng hạn, nếu bạn đối mặt với một sự cố khẩn cấp khi đi biển và tiếp cận một chiếc áo phao, bạn chắc chắn không mất giờ để suy tư sâu hơn về những điều ngụ ý trong bản chỉ dẫn được đính kèm với nó. Đúng hơn, bạn trông đợi rằng những thông tin ấy sẽ chỉ cho mình cách trực tiếp và rõ ràng về việc sử dụng dụng cụ; thời gian cho một lần đọc lại thứ hai thậm chí cũng chẳng có. Tương tự như vậy, khi đi vào đường một chiều, chúng ta cũng không cần tới một lý thuyết về chú giải để hiểu được ý nghĩa của biển báo giao thông. Nhiều hoạt động truyền thông nhất định giữa người với người đòi hỏi phải có tính rõ ràng trọn vẹn, trong khi bất cứ sự mơ hồ nào khi truyền tải thông điệp tới người đọc cũng có thể dẫn tới những hậu quả bi thảm.
Tuy nhiên, tự bản tính, nhiều hoạt động truyền thông của con người hàm chứa sự mơ hồ lớn hơn, chẳng hạn như các văn bản viết về nội dung của một cuộc thảo luận. Trong khi biển báo giao thông và các thông điệp chỉ dẫn chỉ thực hiện chức năng khi tất cả mọi người đáp lại chúng bằng cách thiết lập cùng một thực tại như vậy trong trí của họ, thì các bản văn khác lại thực hiện chức năng qua việc đòi hỏi chính tiến trình hiểu biết về thực tại con người của chúng ta. Người đọc một bài thơ sẽ cho phép bản văn dẫn dắt mình tới một hiểu biết mới về thực tại đó, anh ta sẵn sàng thay đổi góc nhìn và ứng xử bằng một thái độ khác đối với cuộc sống và thế giới sau khi đọc bài thơ. Về cơ bản, mọi loại hoạt động truyền thông giữa người với người đều có thể trở thành đối tượng của suy tư thông diễn học. Tuy nhiên, suy tư như vậy có truyền thống tập trung đặc biệt vào việc chú giải những sự diễn đạt phức tạp hơn, tức là những kiểu văn bản hay tác phẩm nghệ thuật cá biệt. Mục đích của suy tư thông diễn học không phải là thay thế hành vi đọc một bản văn hay hành vi ngắm một tác phẩm nghệ thuật cách thực sự, đúng hơn, nó mong muốn cải thiện những hành vi như vậy qua việc xem xét các khả năng và hạn chế trong sự hiểu biết của con người. Vậy đâu là lĩnh vực truyền thông con người đòi hỏi suy tư thông diễn học ở mức cấp bách nhất?
1.2. Bản tính liên ngành của Thông diễn học
Mọi sự diễn đạt phức tạp hơn so với các thông điệp chỉ dẫn dễ hiểu của con người đều có thể cần tới những hành vi giải nghĩa có tính phức tạp tương ứng. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp của các tác phẩm văn chương. Chúng thường gợi ra những phương thức hiện hữu thay thế trong thế giới và có thể lôi kéo người đọc vào một sự xung đột thế giới quan. Tuy nhiên, không phải chỉ trong trường hợp cực đoan, nơi có sự mâu thuẫn giữa người đọc với bản văn, mà vấn đề còn nảy sinh ngay cả khi một độc giả thực sự cố gắng để hiểu bản văn mình đang đọc, hay áp đặt những thiên kiến và góc nhìn của mình lên nó nhằm loại bỏ những khó khăn mà nó gây ra. Ở cấp độ tổng quát hơn, làm thế nào để chúng ta biết rằng người đọc ‘hiểu’ bản văn đang bày ra trước mắt người ấy? Làm thế nào để chúng ta phát hiện ra những hiểu lầm lớn hay nhỏ của anh ta về những khía cạnh nhất định của bản văn? Vì mỗi độc giả đều có thể chỉ hiểu một bản văn thông qua những góc nhìn hết sức cá nhân của mình, và như vậy, bất cứ nỗ lực nào của anh ta nhằm hiểu nó cũng đều uổng công vô ích, nên ít nhất, chúng ta có lý do để mong được biết xem điều gì đã cấu thành nên những tiêu chuẩn cho sự hiểu biết thỏa đáng về một bản văn.
Những vấn đề tương tự cũng nảy sinh khi chúng ta suy tư về hành vi hiểu một tác phẩm nghệ thuật, chẳng hạn như một bức tranh, một tác phẩm điêu khắc, hay một bản nhạc. Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều yêu cầu một lời giải thích, và mỗi cách giải thích lại đòi hỏi một sự thẩm định về các điều kiện của cách giải thích đó, thứ chứa đựng góc nhìn, khả năng và những giới hạn về chú giải của chúng ta. Những khả năng chú giải này tự chúng một lần nữa lại phụ thuộc một mặt vào những thông tin lý lịch cá nhân của chúng ta cùng với các yếu tố cấu thành nên chúng, và mặt khác, tùy theo hoàn cảnh đương thời mà chúng ta đang sống và hành động.
Thần học Kitô Giáo cũng cần thực hiện suy tư thông diễn học, bởi lẽ nó quan tâm đến việc chú giải các bản văn Thánh Kinh, cũng như những bản văn có tính cách tôn giáo khác, chẳng hạn như các tín biểu, các chỉ dẫn phụng vụ, các tác phẩm thần học và những diễn ngữ thuộc đề tài linh đạo. Vì vậy, thần học cũng phải thẩm định những điều kiện cho việc chú giải ngày nay và tìm hiểu xem những điều kiện ấy, thứ ảnh hưởng lên các nhà chú giải Kitô Giáo, đã thay đổi ở chừng mực nào qua nhiều thế kỷ, cũng như hỏi xem những thay đổi như vậy có ý nghĩa gì đối với khả năng hiểu biết các bản văn cổ của con người ngày nay. Thậm chí, so với đa số việc chú giải các tác phẩm hay trích đoạn văn chương, việc chú giải mang tính thần học về các bản văn được sử dụng trong Giáo hội Kitô Giáo còn phải đưa ra sự thẩm định nhiều hơn do những hệ quả trực tiếp mà nó tạo ra trên phương diện xã hội, mà cụ thể là những hệ quả đối với sự tự hiểu biết của Giáo hội Kitô Giáo, bởi lẽ những bản văn này được xem xét chính là để cung cấp cho Giáo hội một nền tảng vững chắc hơn. Như vậy, việc không ngừng giải thích lại các bản văn trong Giáo hội hẳn phải tác động lên sự hiểu biết của chúng ta về căn tính của Giáo hội theo một cách nào đó. Trong chương 7 của cuốn sách, chúng ta sẽ trở lại với vấn đề này.
Ngoài ra, việc giải thích luật, tức là giải thích các bản văn pháp lý trong một xã hội, cũng tác động đến sự tự hiểu biết của xã hội đó. Không cơ quan ban hành luật nào có thể tiên liệu tất cả những trạng huống cụ thể có khả năng nảy sinh trong tương lai của một xã hội biến đổi không ngừng. Vì thế, việc giải thích các văn bản này, vốn cố gắng nắm lấy tinh thần của một hiến pháp, là thành phần thiết yếu trong đặc tính pháp lý của một xã hội. Do đó, các chuyên gia ngành luật cần phải suy xét về tiến trình chiếm hữu những cách diễn đạt này nhằm tránh trở thành nạn nhân của những ảo tưởng thiếu cơ sở về chức năng của các bản văn pháp lý trong đời sống xã hội.
Trong khi việc nghiên cứu về văn học và nghệ thuật, cũng như việc chú giải có tính cách thần học và pháp lý về các bản văn, về cơ bản, đều quan tâm đến việc giải nghĩa một khối lượng cụ thể các tác phẩm, thì triết học quan tâm nhiều hơn đến chính những nguyên lý thông diễn học. Công việc của các triết gia là điều tra xem chúng ta có thể hiểu được một khía cạnh nào đó của thực tại như thế nào. Họ thực hiện cái mà tôi gọi là ‘thông diễn học vĩ mô,’ tức là sự chú giải về vũ trụ. Người ta có thể nói rằng ‘bản văn’ của họ là vũ trụ và lịch sử của nó, trong khi những bộ môn có hướng thông diễn học khác thường quan tâm nhiều hơn đến cái mà tôi gọi là ‘thông diễn học vi mô,’ tức là sự chú giải về những diễn ngữ cụ thể cho một bản tính thuộc lĩnh vực ngôn ngữ hay nghệ thuật. Mặc dù vậy, hai mối quan tâm thông diễn học này có sự đan quện vào nhau. Thông diễn học vĩ mô chỉ khả hữu trên cơ sở từ rất nhiều những thành tựu của thông diễn học vi mô.
Nói khác đi, việc chú giải ý nghĩa tổng thể của vũ trụ thì tùy thuộc vào việc chú giải rất nhiều những cách tiếp cận văn tự hay nghệ thuật hướng về thực tại, bao gồm chính bản thân các nhà chú giải. Hơn nữa, tất cả những cách tiếp cận này đều phải được thẩm định về tính thỏa đáng. Vì thế, ai đó có thể muốn nói cùng Paul Ricoeur về hành trình tất yếu sẽ dài và nhiều vòng của việc chú giải mà sau cùng, có thể đi đến một lối giải thích tốt hơn, dẫu vẫn còn rời rạc, về chính bản thân nhà chú giải và về toàn bộ thực tại.2
Tuy nhiên, ngay cả khi tham dự vào một nỗ lực thông diễn học vĩ mô, thì trong quá trình chú giải ý nghĩa của vũ trụ, chúng ta vẫn phải nhớ rằng mình không bao giờ có thể khởi đầu hành trình như vậy từ một xuất phát điểm mới mẻ và trung lập hoàn toàn. Tất cả nỗ lực của chúng ta trong việc giải thích vũ trụ cùng với đời sống của mình trong đó đều đã được thấm nhuần và dẫn lối bởi một số trong rất nhiều những cách giải thích sẵn có và thường xung đột với nhau về thực tại. Mỗi nhà chú giải đều khởi sự với những phương thức chú giải mà họ đã được kế thừa, là những thứ một lần nữa chịu trách nhiệm cho sự hình thành những góc nhìn mà qua đó, chúng ta bắt đầu tìm hiểu những dấu chỉ của vũ trụ. Hơn nữa, chúng ta thường không bắt đầu đọc một cuốn tiểu thuyết hay một bài thơ mà không đi kèm với bất cứ ý niệm nào về những gì đang đợi mình phía trước. Có một cái gì đó, một sự trông đợi hay thông tin nào đó, cách gián tiếp thông qua những truyền thống thông diễn học sẵn có nơi chúng ta, đã hướng sự lựa chọn của chúng ta vào những tác phẩm cụ thể để nghiên cứu, và cùng lúc, định hình nên những góc nhìn ban đầu mà chúng ta sử dụng khi tiếp cận một nghiên cứu như vậy.
1.3. Vòng thông diễn học
Để hiểu được một bản văn, chúng ta đã đang đưa ra một tập hợp đầy đủ những hiểu biết sẵn có [pre-understanding]. Ngoài mạng lưới quan điểm này, chúng ta còn định hướng các câu hỏi của mình nhờ những điều mà chúng ta nhắm tới trong việc đọc. Tất nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng quan tâm đến bản chất phức tạp này trong hành vi đọc của mình, nhưng nhiệm vụ của thông diễn học cách chính xác là lôi kéo sự chú ý của chúng ta vào những điều phức tạp đó hầu đưa chúng ta đi tới việc hiểu xem mình đang thực sự hiểu thế nào khi đọc một bản văn.
Từ đó, sự hiểu biết của chúng ta cho thấy một bản tính dạng vòng tròn hay xoắn ốc: để bắt đầu ăn khớp với một bản văn hay một tác phẩm nghệ thuật, chúng ta cần đến một loại hiểu biết sẵn có nào đó. Chúng ta cần đến những câu hỏi nào đó mà bản văn hay tác phẩm nghệ thuật ấy có thể đưa ra câu trả lời. Cách tự nhiên, những câu hỏi này có thể được thanh lọc, hay thậm chí, được biến đổi trong chính hành vi hiểu, nhưng nếu không có chúng, chúng ta không thể cấu trúc hành vi đọc hay chiêm ngưỡng của mình. Hiện tượng này thường được nhìn đến như một chiều kích của ‘vòng thông diễn học.’ Chiều kích thứ hai của vòng tròn này cốt ở việc chúng ta có thể không bao giờ hiểu được một toàn thể mà không có hiểu biết về tất cả các bộ phận của nó; hay chúng ta cũng không thể hiểu cách thỏa đáng về các bộ phận nếu không thấy chúng thực hiện chức năng của mình trong toàn bộ phức hợp mà chúng tham gia.
Qua hành vi đọc, chúng ta có thể nhận ra đa dạng các cấp độ của những hiểu biết sẵn có: trước hết, độc giả của một bản văn ít nhất phải có sự quen thuộc ở chừng mực nào đó với mã ngôn ngữ, tức là ngôn ngữ thực tế mà tác giả sử dụng để sáng tác hay biên soạn bản văn, kế đến, anh ta phải có khả năng giải mã các ký hiệu ngôn ngữ, tức là các từ ngữ mà bản văn sử dụng. Tuy nhiên, một tri thức đơn thuần về các ký hiệu vẫn chưa giúp bày ra thế giới của bản văn. Quá trình của sự vén mở như vậy chỉ xảy ra khi người đọc có sự kết nối mang tính hiện sinh nào đó với những điều mà nó đề cập. Nhưng đây chính là điểm mà vấn đề thông diễn học thực sự bắt đầu. Điều gì sẽ xảy ra với những hiểu biết sẵn có trong hành vi đọc của chúng ta? Liệu chúng ta sẽ cho phép chúng bị thử thách, hay áp đặt chúng một cách thiếu cơ sở và bạo liệt lên bản văn?
Việc không sẵn lòng cho phép góc nhìn của ai đó thử thách mình theo bất cứ cách nào có thể dẫn tới lối cư xử mang tính ‘ý thức hệ.’ Một ý thức hệ có thể được hiểu là thái độ cứng nhắc chống lại bất cứ đối tượng nào của hiểu biết. Vì những lý do cá nhân hay xã hội, các nhà chú giải ý thức hệ luôn bảo vệ những ‘bài đọc’ cá biệt của họ bằng mọi giá và duy trì sự thù địch đối với tất cả những lời kêu gọi cho một sự thay đổi về thái độ, góc nhìn hay thế giới quan. Một thái độ như vậy có thể được người ta chấp nhận cách vô tình hay cố ý. Dù thế nào đi nữa, điều thiết yếu đối với bất cứ ai muốn đi đến hiểu biết thỏa đáng hơn về một bản văn là phải nhận ra những sự méo mó trong hành vi đọc. Bởi vậy, thông diễn học và phê bình ý thức hệ có liên hệ hết sức gần gũi với nhau. Chương 3 của cuốn sách sẽ chỉ ra bản tính chính xác của mối liên hệ này (xem mục 3.4.2).
1.4. Các bản văn và bài đọc
Chúng ta đã ý thức được bản tính dạng vòng tròn, hay đúng hơn, dạng xoắn ốc của mọi sự giải thích. Chúng ta luôn tiếp cận hành vi đọc một bản văn với một tập hợp những hiểu biết cụ thể đã có từ trước, là những thứ mà sau đó, bị thử thách hoặc xác nhận trong chính quá trình đọc. Sự tương tác giữa người đọc và bản văn này nhận lấy năng lượng từ sự ‘khiêu khích’ liên tục mà bản văn gây ra cho người đọc. Tuy nhiên, việc một bản văn có thể kích thích người đọc chỉ có thể xảy ra do sự ưng thuận từ trước của người đọc để tham gia vào một tương tác như vậy với nó. Rõ ràng, không phải tất cả các bản văn đều kích thích cùng một người đọc theo cùng một cách; và không phải người đọc nào cũng bị kích thích bởi cùng một bản văn với sức hút như nhau. Một số bản văn chỉ khiến cho chúng ta cảm thấy chán nản, và do đó, khiến chúng ta mất đi sự chú ý một cách nhanh chóng, trong khi những bản văn khác lại thu hút được sự chú ý của chúng ta hết lần này đến lần khác. Thông thường, những bản văn nhàm chán và những độc giả thờ ơ sẽ khiến sự tương tác giữa đôi bên đi vào ngõ cụt.
Một số nhà thông diễn học đã ví sự tương tác giữa người đọc và bản văn với cuộc trò chuyện giữa hai người. Tuy nhiên, hình ảnh này không thể hiện được bản tính đầy đủ của việc đọc.3 Đọc không phải là cuộc đối thoại giữa hai người ngang hàng, với khả năng hành động và phản ứng như nhau. Đúng hơn, bản văn là một đối tác lép vế hơn một chút, chẳng hạn, nó không thể tự bảo vệ trước sự vi phạm tính toàn vẹn của chính mình bởi những người đọc có ý thức hệ. Cùng lắm, bản văn cũng chỉ được người đọc trao cho quyền bộc lộ ý nghĩa của nó trong hành vi đọc.
Thông diễn học không thảo luận về những đòi hỏi tỉ mỉ mà mọi người phải đáp ứng để hành động một cách thành công dưới tư cách là thành viên trong một truyền thống ngôn ngữ cụ thể, chẳng hạn như Tiếng Anh, Tiếng Ả-rập hoặc Tiếng Quảng Đông. Cuộc thảo luận như vậy nằm trong phạm vi của các ngành ngôn ngữ khác nhau. Thông diễn học quan tâm nhiều hơn đến việc phân tích phép biện chứng giữa người đọc và bản văn, cũng như những tác động của phép biện chứng này đối với sự tự hiểu biết của cá nhân người đọc hoặc nhóm người đọc (xem phần 5.1 bên dưới). Do đó, thông diễn học phản ánh các hoạt động được thực hiện thông qua ngôn ngữ hơn là phản ánh lịch sử và ngữ pháp của các ngôn ngữ lịch sử cụ thể.
Do đó, chúng ta giả thiết rằng ngày nay, một độc giả, chẳng hạn, muốn giải thích các bản văn của Shakespeare, cần phải có năng lực về ngôn ngữ Tiếng Anh đặc thù mà Shakespeare đã dùng để viết; và một độc giả cố gắng chú giải các bản văn Thánh Kinh cần phải hiểu được các ngôn ngữ thánh kinh. Nếu không có năng lực ngôn ngữ như vậy, hoặc chỉ có năng lực hạn chế, thì phép biện chứng giữa người đọc và bản văn không thể được tiến hành một cách thỏa đáng.
1.5. Thông diễn học chuyên biệt hay tổng quát?
1.5.1. Truyền thông bằng lời và không lời
Việc chú giải một bản văn hay một tác phẩm nghệ thuật là một hoạt động ngôn ngữ. Điều đó có nghĩa là nó được thực hiện thông qua ngôn ngữ. Ở đây ‘ngôn ngữ’ được sử dụng theo nghĩa rộng nhất có thể: một tác phẩm điêu khắc, một bức tranh, một bản nhạc, một vở ba lê, một tiết mục của anh hề sử dụng cử chỉ cơ thể - tất cả những điều này và những cách diễn đạt nghệ thuật khác đều được hiện thực hóa trong và thông qua một số dạng ngôn ngữ. Do đó, ‘ngôn ngữ’ không chỉ đề cập đến những cách diễn đạt bằng lời nói đơn thuần. Và như thế, việc phân biệt các hình thức giao tiếp bằng lời và không lời quả là hữu ích.
Trong cuốn sách này, chúng ta sẽ tập trung vào việc giải thích những cách diễn đạt bằng lời, các bản văn ngôn ngữ, bởi lẽ mục đích của chúng ta là minh định bản chất và sự phát triển của việc chú giải bản văn xét như một vấn đề thần học. Tuy nhiên, sự tập trung vào các bản văn viết này không phủ nhận tầm quan trọng của việc nghiên cứu nhiều hình thức giao tiếp không lời của con người, chẳng hạn như những hình thức được sử dụng trong một bối cảnh tôn giáo, bao gồm: biểu tượng, tranh vẽ, tác phẩm điêu khắc, minh họa, cử chỉ, ngữ điệu, sự hiện diện và cách bày trí đầy kịch tính trong bối cảnh phụng vụ. Chắc chắn rằng những hàm ý thông diễn học của tất cả những cách diễn đạt đó đều xứng đáng được nghiên cứu đầy đủ, tuy nhiên, chúng nằm ngoài phạm vi bàn luận của chúng ta ở đây.
1.5.2. Thông diễn học thần học và Thông diễn học văn chương
Ở trên, chúng ta đã đưa ra sự phân biệt giữa thông diễn học vĩ mô và thông diễn học vi mô, điều này có vai trò hữu ích khi chúng ta cố gắng làm sáng tỏ bản tính khác nhau của thông diễn học văn chương và thông diễn học thần học.4 Thông diễn học văn chương quan tâm đến bản chất và chức năng của việc chú giải văn chương. Việc chú giải này nhằm mục đích (1) hiểu một tác phẩm hay một tập hợp các tác phẩm văn chương cụ thể, (2) xem xét các phương pháp và tác động của việc chú giải đó, (3) nghiên cứu cấu trúc của việc giao tiếp bằng văn bản, và (4) suy ngẫm về những điều kiện đang thay đổi ảnh hưởng lên việc chú giải trong thế giới của chúng ta.
Tất nhiên, thông diễn học thần học cũng chia sẻ tất cả những mối quan tâm này, bởi lẽ nó xử lý các bản văn, mà đôi khi, cả các bản văn văn chương (xem Sách Diễm ca và nhiều tác phẩm thiêng liêng khác được sáng tác theo các thể loại văn chương). Tuy nhiên, mặc dù vẫn bao hàm các mối quan tâm về văn học, nhưng trọng tâm cuối cùng của thông diễn học thần học lại rộng hơn nhiều. Nó nhắm tới mục đích hiểu biết vũ trụ này xét là vũ trụ của Thiên Chúa. Nhưng mục tiêu mang tính thông diễn học vĩ mô đó chỉ đạt được thông qua các công việc của thông diễn học vi mô. Về nguyên tắc, mọi bản văn viết đều có thể được chú giải theo quan điểm thần học, nghĩa là mọi bản văn đều có thể làm sáng tỏ sự hiểu biết của chúng ta về ý muốn và sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới. Tuy nhiên, việc hiểu quá nhanh một bản văn từ góc độ thần học thuần túy sẽ làm nảy sinh vấn đề về lối đọc ý thức hệ. Không phải mọi bản văn viết đều được sáng tác theo một thể loại truyền thông thần học đặc thù, và nếu như thế, trước hết, nó phải được hiểu theo nghĩa đúng, tức là phù hợp với vị trí/vai trò chung và ý nghĩa ẩn tàng của riêng nó. Tuy nhiên, có một số bản văn được sáng tác là những bản văn thần học, như chúng ta sẽ thấy về sau; những bản văn này đòi hỏi một cách chú giải thần học đặc thù. Chính việc chú giải các bản văn thần học sui generis [độc nhất vô nhị] này (các bản văn kinh thánh, các kinh cầu nguyện, v.v.) đã thúc đẩy sự phát triển của suy tư thần học, và do đó, chuẩn bị cơ sở cho một khuôn khổ rộng lớn hơn mà chúng ta gọi là thông diễn học thần học vĩ mô, tức là việc chú giải mọi loại văn bản từ góc nhìn của một quan điểm thần học.
Do đó, điểm quan trọng trong bất cứ nghiên cứu nào về thông diễn học thần học là liệu người ta đang thiên về thông diễn học thần học hay thần học thông diễn học. Trong khi bên thứ nhất tuyên bố rằng tất cả các bản văn đều có một chiều kích thần học, ít nhất là ngầm ẩn; thì bên còn lại cho rằng thần học tự bản chất là một công việc có tính thông diễn học, vì nó xử lý một truyền thống qua trung gian ở mức độ không hề nhỏ bởi các bản văn viết và cách chú giải chúng. Trong cuốn sách này, chúng ta sẽ đi theo con đường thứ hai và điều tra bản tính thông diễn học của thần học, cũng như những tác động của nó đối với sự tự hiểu biết của phong trào Kitô Giáo [Christian movement]. Chỉ khi đó, trên cơ sở của một phương pháp thông diễn học được xem xét kỹ lưỡng như vậy, chúng ta mới có thể được trang bị để mạnh dạn bước vào vấn đề có liên quan, nhưng lớn hơn nhiều, về thông diễn học thần học.
1.6. Vấn đề phương pháp trong chú giải
Không phải tất cả các nhà thông diễn học đều bị thuyết phục rằng lý thuyết chú giải nên thảo luận các vấn đề về phương pháp luận. Một mặt, Hans-Georg Gadamer đã đấu tranh suốt đời nhằm chống lại việc áp đặt phương pháp lên hành vi hiểu biết. Ông đã nhấn mạnh nhiều lần rằng một bản văn hay một tác phẩm nghệ thuật sẽ tiết lộ ý nghĩa của nó cho mọi độc giả có năng lực và thiện chí, những người sẵn sàng xem bản văn đó nói gì. Theo Gadamer, việc bộc lộ ý nghĩa của bản văn nên được đề cao như một hình mẫu về chân lý tự biểu lộ, chứ không phải là kết quả của việc áp dụng các phương pháp phức tạp với ít nhiều thành công.5 Mặt khác, Paul Ricoeur nằm trong số những nhà thông diễn học coi việc thảo luận về các phương pháp cho một sự hiểu biết thỏa đáng là thành phần thiết yếu trong tác vụ thông diễn học. Ông không mong đợi sẽ mô tả chính xác những gì xảy ra khi chúng ta hiểu, giống như ý hướng của Gadamer; đúng hơn, ông muốn điều tra những gì có thể làm được để cải thiện sự hiểu biết của con người và bảo vệ nó, cách đặc biệt là để chống lại những sự bóp méo mang tính ý thức hệ có thể xảy ra.6
Những nỗ lực của Ricoeur nhằm bảo vệ sự hiểu biết của con người đã phản ánh truyền thống lâu đời của các nhà thông diễn học thần học, những người luôn cố gắng thiết lập các tiêu chí cho một sự chú giải bản văn thỏa đáng hơn. Cuốn sách này vừa muốn khẳng định truyền thống đó, đồng thời, cũng muốn đối diện với nó bằng một nghiên cứu thông diễn học hiện đại nằm ngoài truyền thống này. Theo một nghĩa nào đó, cuốn sách này thể hiện nỗ lực trong mối tương quan phê bình lẫn nhau7 giữa một bên là thông diễn thần học với một bên là thông diễn học triết học và văn chương.
1.7. Chú giải Thánh Kinh xét như một vấn đề thần học
Các cộng đoàn Kitô Giáo luôn phải đối mặt với vấn đề chú giải Thánh Kinh theo nghĩa thần học. Vì bản tính của Giáo hội Kitô Giáo là suy ngẫm về sự tự mặc khải của Thiên Chúa, như đã được làm chứng bởi các bản văn thánh kinh, những bản văn này luôn giữ một vị trí nổi bật và chuẩn mực trong cộng đoàn Kitô Giáo. Tuy nhiên, tình trạng này làm cho vấn đề thông diễn học trở nên gay gắt hơn, vì nó đề cập đến hai vấn đề liên quan, đó là vấn đề về các tiêu chuẩn thỏa đáng để chú giải Thánh Kinh và vấn đề xem ai là người có khả năng chuyên môn và thẩm quyền để xác nhận các tiêu chí đó, cũng như bất cứ hành vi cụ thể nào của việc chú giải Thánh Kinh chiếu theo một tập hợp các tiêu chí được chấp nhận như vậy. Trong cuốn sách này, tôi quan tâm đến vấn đề về các tiêu chuẩn thỏa đáng hơn là vấn đề về thẩm quyền trong việc chú giải Thánh Kinh, mặc dù với tôi, vấn đề thẩm quyền là thứ cần được giải quyết trong bất cứ cuộc thảo luận nào về bản tính của Giáo hội Kitô Giáo. Vấn đề về năng lực chú giải có thể được trả lời cách tốt nhất một khi vấn đề về tiêu chí chú giải thỏa đáng đã được giải quyết.
Hơn nữa, trong nghiên cứu của chúng ta, tôi muốn tập trung trước hết vào việc phát triển các tiêu chuẩn chú giải trong lịch sử thần học Kitô Giáo và các bộ môn liên quan, chẳng hạn như triết học và phê bình văn học. Chỉ trong chương kết luận, tôi mới đưa ra một số suy tư mang tính phê bình và xây dựng về tầm quan trọng của những sự phát triển này đối với cuộc thảo luận hiện tại về sự tự hiểu biết Kitô Giáo trong thế giới.
1.8. Kế hoạch nghiên cứu của chúng ta
Cuộc tranh luận đang diễn ra nhằm ủng hộ hay chống lại phương pháp trong chú giải và sự xung đột giữa các phương pháp chú giải có thể được đánh giá tốt hơn dựa trên sự phát triển của tư duy thông diễn học Tây phương. Vì thế, Chương 2 và Chương 3 sẽ cố gắng trình bày một bản phác thảo về lịch sử thông diễn học thần học và thông diễn học triết học. Chương 4 và Chương 5 sẽ khảo cứu phép biện chứng giữa bản văn và việc đọc. Trong Chương 6, chúng ta sẽ quay trở lại cuộc thảo luận gần đây hơn về thông diễn học thần học. Sau cùng, Chương 7 là nơi chúng ta đề cập đến những tác động của thông diễn học đối với sự tự hiểu biết của phong trào Kitô Giáo.
Chú thích
1 Xem thêm cuốn Text and Interpretation as Categories of Theological Thinking [Bản văn và Chú giải xét như Các phạm trù của Tư duy Thần học], đồng tác giả, bản dịch của Thomas J. Wilson (Dublin: Gill and Macmillan, and New York: Crossroad, 1988). Đặc biệt, trong trang 68, tôi đã giới thiệu và bảo vệ thuật ngữ này một cách chi tiết hơn.
2 X. Paul Ricoeur, Essays on Biblical Interpretation [Các bài luận về Chú giải Thánh Kinh], Lewis S. Mudge biên tập (Philadelphia: Fortress, 1980), tr. 106.
3 Hans-Georg Gadamer, Truth and Method [Sự thật và Phương pháp], bản dịch của William Glen-Doepel, tái bản lần thứ hai; John Cumming và Garrett Barden biên tập, tái bản lần thứ hai, (London: Sheed and Ward, 1979), tr. 333 tt.; David Tracy, The Analogical Imagination: Christian Theology and the Culture of Pluralism [Hình dung loại suy: Thần học Kitô Giáo và Văn hóa của Chủ nghĩa đa nguyên] (New York: Crossroad, 1981), tr. 102.
4 X. David Jasper, The Study of Literature and Religion: An Introduction. Studies in Literature and Religion [Nghiên cứu Văn học và Tôn giáo: Một lời Dẫn nhập. Các nghiên cứu về Văn học và Tôn giáo] (London: Macmillan, 1989), đặc biệt là trang 83-96.
5 X. Gadamer, Truth and Method [Sự thật và Phương pháp], tr. 5-10.
6 X. Paul Ricoeur, Hermeneutics and the Human Sciences: Essays on Language, Action and Interpretation [Thông diễn học và Khoa học Nhân văn: Các bài luận về Ngôn ngữ, Hành động và Chú giải], John B. Thompson (Cambridge: Cambridge University Press, 1981), tr. 63 tt.
7 Tôi mượn thuật ngữ này từ David Tracy, Blessed Rage for Order: The New Pluralism in Theology (New York: Seabury, 1975), tr. 45 t.
...