1 Phàm ai tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô,
kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra.
Và ai yêu mến Đấng sinh thành,
thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra.
2 Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được
mình yêu thương con cái Thiên Chúa:
đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa
và thi hành các điều răn của Người.
3 Quả thật, yêu mến Thiên Chúa
là tuân giữ các điều răn của Người.
Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu,
4 vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian.
Và điều làm cho chúng ta thắng được thế gian,
đó là lòng tin của chúng ta.
Nguồn mạch đức tin
5 Ai là kẻ thắng được thế gian,
nếu không phải là người tin rằng
Đức Giê-su là Con Thiên Chúa?
6 Chính Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu;
không phải chỉ trong nước mà thôi,
nhưng trong nước và trong máu.
Chính Thần Khí là chứng nhân,
và Thần Khí là sự thật.
7 Có ba chứng nhân:
8 Thần Khí, nước và máu.
Cả ba cùng làm chứng một điều.
9 Chúng ta vẫn nhận lời chứng của người phàm,
thế mà lời chứng của Thiên Chúa còn cao trọng hơn,
vì đó là lời chứng của Thiên Chúa,
lời Thiên Chúa đã làm chứng về Con của Người.
10 Ai tin vào Con Thiên Chúa,
người đó có lời chứng ấy nơi mình.
Ai không tin Thiên Chúa,
thì coi Thiên Chúa là kẻ nói dối,
vì kẻ ấy không tin vào lời Thiên Chúa
đã làm chứng về Con của Người.
11 Lời chứng đó là thế này:
Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời,
và sự sống ấy ở trong Con của Người.
12 Ai có Chúa Con thì có sự sống;
ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống.
13 Tôi đã viết những điều đó cho anh em
là những người tin vào danh Con Thiên Chúa,
để anh em biết rằng anh em có sự sống đời đời.
BỔ TÚC
Cầu nguyện cho người tội lỗi
14 Lý do khiến chúng ta được mạnh dạn
trước mặt Thiên Chúa, đó là:
Người nhậm lời chúng ta, khi chúng ta xin điều gì hợp ý Người.
15 Nếu chúng ta biết rằng Người nhậm mọi lời chúng ta xin,
thì chúng ta cũng biết rằng
chúng ta sẽ được những gì chúng ta đã xin Người.
16 Nếu ai biết anh em mình phạm thứ tội
không đưa đến cái chết, thì hãy cầu xin,
và Thiên Chúa sẽ ban sự sống cho người anh em ấy;
đó là nói về những ai
phạm thứ tội không đưa đến cái chết.
Có một thứ tội đưa đến cái chết,
tôi không bảo phải cầu xin cho thứ tội ấy.
17 Mọi điều bất chính đều là tội,
nhưng có một thứ tội không đưa đến cái chết.
Tóm lược bức thư
18 Chúng ta biết rằng phàm ai đã được Thiên Chúa sinh ra,
người đó không phạm tội;
nhưng có Đấng Thiên Chúa đã sinh ra giữ gìn người ấy,
và ác thần không đụng đến người ấy được.
19 Chúng ta biết rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa,
còn tất cả thế gian đều nằm dưới ách thống trị của ác thần.
20 Chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến
và ban cho chúng ta trí khôn để biết Thiên Chúa thật.
Chúng ta ở trong Thiên Chúa thật,
ở trong Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô.
Đức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa thật và là sự sống đời đời.
21 Hỡi anh em là những người con bé nhỏ,
hãy tránh xa các tà thần!
1 Ga 3,22; Mt 7,7-8; Ga 14,13-17
q. Đấng sinh thành là Chúa Cha – Kẻ được Đấng ấy sinh ra là tín hữu, con Thiên Chúa (x. 3,9); có vài người hiểu: thành ngữ này chỉ Chúa Ki-tô, nhưng nghĩa này không phù hợp với mạch văn nói về lòng yêu thương tha nhân – Lòng yêu mến đối với Thiên Chúa là Cha đòi phải có lòng yêu thương đối với anh em cùng một Cha.
r. Nếu các tín hữu yêu mến Thiên Chúa, thì họ sẽ thi hành các điều răn của Người, trong đó có lòng yêu thương anh em. Như thế, lòng yêu mến đối với Thiên Chúa và sự tuân giữ các điều răn là tiêu chuẩn chắc chắn bảo đảm lòng yêu thương anh em.
s. Các tín hữu là những người thắng thế gian nhờ lời Thiên Chúa ở trong họ (2,14), nhờ đức tin của họ (5,4.5).
t. Có thể cắt nghĩa câu này nói đến nước và máu theo hai cách: 1. nước nhắc lại phép rửa của Đức Giê-su tại sông Gio-đan; máu làm chúng ta nhớ đến cái chết của Người trên thập giá; 2. nước và máu gợi lại biến cố tường thuật trong Ga 19,34. Nhưng theo hoàn cảnh lịch sử của giáo đoàn và mạch văn, chắc phải giữ lại hai cách cắt nghĩa. Tà thuyết hoành hành trong giáo đoàn thời đó chủ trương tách Đức Ki-tô hiển vinh đã tỏ mình ra tại sông Gio-đan (nước) khỏi con người Giê-su chết trên thập giá (máu). 1 Ga chống lại tà thuyết này và khẳng định về hy lễ của Đức Giê-su là Đấng Ki-tô và là Con Thiên Chúa (nhờ nước và máu; trong nước và trong máu). Nước và máu từ cạnh sườn Đức Giê-su chảy ra (Ga 19,34) tượng trưng cho bí tích thánh tẩy và bí tích Thánh Thể của Giáo Hội.
u. Thần Khí tỏ bày cho các tín hữu biết ý nghĩa của các sự kiện nói đến ở đây về mặt cứu độ và dẫn đưa họ tới chỗ hiểu biết Đức Giê-su Ki-tô đúng theo đức tin chân chính. Thần Khí là sự thật: nhờ Thần Khí, sự thật mặc khải nằm trong lòng Giáo Hội; Thần Khí giúp các tín hữu đào sâu mặc khải đó.
v. Giữa 5,7 và 5,8, có một câu được ghép vào. Câu này được gọi là Comma johanneum, lấy trong PT (Vulgata Sixto – Clementina): ở trên trời Chúa Cha, Ngôi Lời và Thần Khí, cả ba (vị đó) là một. Và có ba chứng nhân ở dưới đất. Không thấy câu này trong bất cứ bản chép tay Hy-lạp nào, trừ bốn bản muộn thời, và trong bất cứ bản dịch Đông phương cổ nào; câu này cũng vắng bóng trong hết mọi tb cổ và khá nhất của Vetus Latina và của PT; không có Giáo phụ Hy-lạp nào đã trích dẫn câu này. Lần đầu tiên ở phương Tây, Đức Cha Priscillien, giám mục A-vi-la (qua đời vào năm 380) đã sử dụng câu này. Đó là một lời chú bên lề bản văn đưa ra một kiểu giải thích tính cách tượng trưng của ba chứng nhân. Vì thế, câu này không phải là một lời Kinh Thánh – Thần Khí, nước và máu: Thần Khí có mặt trong lúc Đức Giê-su chịu phép Rửa tại sông Gio-đan. Thần Khí cùng với nước và máu đều làm chứng về sứ mạng của Chúa Con là Đấng mang sự sống nơi mình (5,9.10b-11).
x. Câu cuối này nhắc lại chủ đề căn bản của 1 Ga. Các tín hữu đã hoặc có thể bị lung lay bởi lời giảng dạy của các ngôn sứ giả. Tác giả có ý định giúp họ hoàn toàn ý thức về đức tin phong phú của họ.
y. Trong cả đoạn này, cái chết chỉ cái chết cánh chung hoặc cái chết thứ hai (x. Kh 20,6).
a. Theo mạch văn, thứ tội này là tội theo tà thuyết, làm cho con người không thể hiệp thông với Thiên Chúa và như thế dẫn đến sự diệt vong thiêng liêng.
b. Trong đoạn cuối tóm lược bức thư, tác giả nhấn mạnh ba lần (5,18.19.20: Chúng ta biết rằng) đến những điểm chính yếu.
c. Trí khôn là khả năng biết Thiên Chúa, nghĩa là đi vào mối tương giao và sống hiệp thông với Người.
d. Ở đây, chắc các tà thần chỉ giáo huấn của các ngôn sứ giả. Con người có thể coi giáo huấn đó như một thứ thần linh và gắn bó với thứ giáo huấn có sức phá hoại đức tin chân chính.