Thứ Bảy Tuần II Mùa Vọng – 10/12/2022

Lời Chúa – Mt 17,10-13:

Khi ấy, các môn đệ hỏi Đức Giê-su rằng: “Vậy sao các kinh sư lại nói Ê-li-a phải đến trước?” Người đáp: “Ông Ê-li-a phải đến để chỉnh đốn mọi sự. Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế.” Bấy giờ, các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gio-an Tẩy Giả.

Suy niệm:

Các nhà thông luật, dựa trên ngôn sứ Ma-la-khi, nói rằng Ê-li-a phải đến trước để dọn đường cho Chúa (c. 10), để “đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu, và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông” (Ml 3,1.24). Đức Giê-su nhất trí với họ, nhưng nhấn mạnh: “Ê-li-a đã đến rồi, và họ đã không nhìn nhận ông, nhưng đã xử với ông theo ý họ muốn” (c. 12a). Theo Đức Giê-su, chẳng cần phải đợi Ê-li-a nữa. Gio-an Tẩy giả chính là Ê-li-a (c. 13).

Gio-an đã đến để chỉnh đốn mọi sự (c. 11). Đời ông đã là một tiếng kêu to trong hoang địa. Ông mời mọi người sinh hoa trái diễn tả lòng sám hối ăn năn. Dân chúng đã đổ xô đến với ông như đến với một ngôn sứ, để thú tội và nhận phép rửa của ông ở sông Gio-đan. Ông trở nên nổi tiếng đến độ có người tưởng ông là Đấng Mê-si-a. Gio-an đã không bao giờ nhận mình là Đấng Cứu Thế. Ông chỉ xin được cúi xuống cởi dây giày cho Đấng đến sau ông, nhưng cao trọng hơn ông. Kết cục của đời ông là bị cầm tù (Mt 11,2), và sau đó là một cái chết bi đát và đột ngột (Mt 14,10-12). Đầu ông rơi dưới tay của Hê-rô-đê, người vừa sợ, vừa kính nể ông.

Vào Mùa Vọng, chúng ta lại được Đức Giê-su nhắc đến cái chết của người đã giới thiệu Ngài với chính đồng bào của mình. Gio-an đã chu toàn nhiệm vụ của tiếng, nhưng ông không phải là lời. Ông là ngọn đèn, nhưng không phải là ánh sáng (Ga 1,8; 5,35). Bạo quyền có thể làm cho tiếng phải im, ngọn đèn phải tắt, nhưng lời chứng của Gio-an thì vẫn còn mãi trong dòng lịch sử cứu độ. Ông đã sống một đời sống tuyệt vời, hoàn toàn xóa mình, nên qua ông, nhân loại hôm nay có thể tin vào Đức Giê-su.

Ê-li-a đã chịu nhiều đau khổ. Gio-an và Đức Giê-su cũng không được nhìn nhận (c. 12b). Số phận của các ngôn sứ trong mọi thời đại đều như nhau. Họ chịu khổ vì phải nói hay làm một điều gì đó đòi người ta thay đổi. Họ gây khó chịu cho những người có quyền thế vững vàng. Nhìn kết cục cuộc đời của Gio-an và Đức Giê-su, ta thấy khó tin. Một người chết vì bị xử trảm, một người chết vì bị đóng đinh. Khó mà tin được một vị là Ê-li-a và vị kia là Mê-si-a. Ê-li-a phải quyền thế hơn nhiều, Mê-si-a thì không hề nếm mùi thất bại. Để đón lấy một Ê-li-a như Gio-an, đón lấy một Mê-si-a như Giê-su, phải bỏ những định kiến khô cứng, vì Chúa đi đường chẳng ai ngờ. Thế giới hôm nay vẫn cần những ngôn sứ như Gio-an, làm chứng bằng lời giới thiệu và bằng đời sống. Lời giới thiệu hấp dẫn nhờ đời sống thanh liêm. Đời sống thu hút nhờ lời giới thiệu soi sáng.

Cha An-tôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Scroll to Top