Thứ Bảy Tuần XIII Thường Niên - 02/07/2022
Lời Chúa - Mt 9,14-17:
Khi ấy, các môn đệ ông Gioan tiến lại hỏi Đức Giêsu rằng: “Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Đức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay. Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá mới sẽ co lại, khiến áo rách lại càng rách thêm. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế là giữ được cả hai.”
Suy niệm:
Mỗi năm, người Do Thái dành một ngày chính thức để cả nước ăn chay. Đó là ngày lễ Xá tội (Lv 23,29). Tuy nhiên, cũng có những ngày ăn chay khác có tính tập thể để kỷ niệm những biến cố đau buồn của dân tộc. Ngôn sứ Giôen đã mời người ta ăn chay, khóc lóc và than van (Ge 2,12). Vào thời Đức Giêsu, các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và nhóm Pharisêu còn ăn chay do lòng đạo đức riêng, có người hai lần một tuần (Lc 18,12). Nhìn chung, bầu khí ăn chay không phải là bầu khí vui tươi phấn khởi. Bởi đó, có người cố mang bộ mặt rầu rĩ để khoe là mình đang ăn chay.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu bị các môn đệ của Gioan tra hỏi về chuyện tại sao các môn đệ của Ngài lại không ăn chay như họ (c. 14). Đối với họ, ăn chay là một việc đạo đức quan trọng, không thể thiếu trong đời sống của một nhóm như nhóm của các môn đệ Đức Giêsu. Đức Giêsu đã trả lời họ bằng một câu hỏi khác. Ngài gián tiếp nhận mình là chàng rể, các môn đệ là khách dự tiệc cưới. Chính vì thế, chuyện ăn chay than khóc hoàn toàn không hợp chút nào.
Bầu khí vui tươi là nét đặc trưng của thời kỳ Đấng Mêsia đến. Đúng là cần phải sám hối, vì Nước Trời đã đến rồi (Mt 4,17), nhưng Nước Trời được ví như một tiệc cưới lớn (Mt 22,1-14; 25,1-13), nên phải đón lấy Nước này trong niềm vui của ngày hội. Chỉ khi nào chàng rể Giêsu bị đem đi trong cuộc Khổ nạn, khi ấy các môn đệ của Ngài mới ăn chay.
Các Kitô hữu sơ khai vẫn giữ việc ăn chay (Cv 13,2; 14,23; 2 Cr 6,5) đặc biệt vào những ngày thứ tư và thứ sáu (Điđakê 8,1), thay vì thứ hai và thứ năm như người Do Thái. Nhưng họ ăn chay không phải để chờ một Đấng chưa đến, mà để chuẩn bị lòng mình đón đợi một Đấng sắp lại đến trong vinh quang.
Đức Giêsu đem đến những giáo huấn và tinh thần mới mẻ. Liệu có thể ghép những cái mới đó vào cái khung của lối sống cũ không? Bằng hai ví dụ, Ngài cho thấy điều đó khó thực hiện và gây nguy hại. Miếng vải mới được vá vào chiếc áo cũ, sẽ co lại và làm áo rách thêm. Rượu mới được đổ vào bầu da cũ, thì bầu sẽ bị nứt mà rượu lại chảy ra. Đối với Đức Giêsu, muốn giữ được cả bầu lẫn rượu mới, thì cần có bầu mới. Bầu mới chính là cách sống mới Luật Tôra của Thiên Chúa như đã được Ngài giải thích lại trong Bài Giảng trên núi.
Kitô hữu được định nghĩa là những người luôn sống trong niềm vui, bất chấp những bách hại và giá phải trả để làm môn đệ Đức Giêsu. Chàng rể đã bị đem đi, nhưng Chàng rể vẫn đang ở lại (Mt 28,20). Bầu khí của tiệc cưới và rượu mới vẫn là bầu khí của mọi cộng đoàn Kitô hữu hôm nay.
Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.
Bài viết liên quan