Thứ Bảy Tuần XXIV Thường Niên – 17/09/2022

Lời Chúa – Lc 8,4-15:

Khi ấy, người ta tụ họp đông đảo. Từ khắp các thành thị, người ta kéo đến cùng Đức Giê-su. Bấy giờ, Người dùng dụ ngôn mà nói rằng:

“Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất. Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt. Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cùng mọc lên, làm nó chết nghẹt. Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm”. Nói xong, Người hô lên rằng: “Ai có tai nghe thì nghe.”

Các môn đệ hỏi Người dụ ngôn ấy có ý nghĩa gì. Người đáp: “Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà không nhìn, nghe mà không hiểu.

“Đây là ý nghĩa dụ ngôn: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Còn những kẻ ở trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc. Hạt rơi vào bụi gai: đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành. Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.”

Suy niệm:

Đức Ki-tô hào phóng gieo vãi lời của Thiên Chúa khắp nơi. Ngài như người gieo hạt giống, tung gieo trong gió, có vẻ như chẳng để ý đến chuyện có hạt rơi vào đất khô cằn và một số hạt không bao giờ sinh hoa lợi. Các Ki-tô hữu sơ khai đã đọc dụ ngôn này và thấy nơi đó một lời nhắn nhủ. Họ thấy mình chính là người đã nhận được hạt giống lời Chúa. Nhưng không phải hạt giống nào cũng thành cây lúa trĩu hạt. Có những hạt giống bị thui chột bởi những lý do bên ngoài và bên trong. Làm sao để mọi hạt giống được gieo trong tim ta đều sinh hoa trái? Câu hỏi của Giáo Hội sơ khai cũng là câu hỏi của Giáo Hội bây giờ. Thửa đất là trái tim con người xưa nay vẫn thế. Hạt giống Lời Chúa hôm xưa và hôm nay cũng vẫn là một. Cả bốn hạng người trong dụ ngôn đều đã nghe (cc. 12.13.14.15), nghĩa là đều đã đón nhận Lời Chúa vào trái tim, vào trung tâm đời mình.

Nhưng có Lời bị đánh cắp. Quỷ đến và lấy Lời đã gieo ra khỏi trái tim người nghe, vì sợ họ tin mà được cứu độ (c. 12). Quỷ giống như chim trời đến ăn mất hạt giống rơi xuống vệ đường (c. 5). Tại quỷ hay tại trái tim con người như đất vệ đường quá cứng? Hạt giống nằm chơ vơ, trở thành mồi ngon cho bao tấn công đe dọa.

Có Lời không mọc rễ. Nghe Lời và vui vẻ đón nhận vẫn chưa đủ. Hạt giống cần có nhiều đất để mọc rễ nuôi sống cây. Đất nhiều sỏi đá chỉ cho một lòng tin nhất thời khi mọi sự dễ dàng, nhưng không đủ sức đứng vững khi thử thách ập tới. Đã và đang có những Ki-tô hữu quỵ ngã trước những thách đố cam go, vì Lời Chúa chưa bao giờ mọc rễ trong tim họ. Thử thách của đời Ki-tô hữu làm lộ ra tình trạng “không rễ” của ta và đòi ta tránh gặp gỡ Lời Chúa một cách hời hợt, nông cạn.

Có Lời bị chết ngộp. Ngộp vì những thứ trói buộc của cuộc đời phù vân này, những lo âu trăn trở, những thèm muốn khoái lạc, giàu sang. Cây lúa có mọc lên cũng bị chết ngộp bởi bụi gai ở ngay nơi tim tôi.

Cuối cùng, có Lời được nắm giữ. Dù thửa đất tốt là trái tim cao thượng và quảng đại, nhưng nắm giữ Lời Chúa cũng đòi hỏi một nỗ lực không ngừng. Bất chấp những tấn công từ bên ngoài hay thèm muốn từ bên trong, chúng ta cần có thái độ kiên trì để vượt qua những khủng hoảng không tránh khỏi.

Xin được trân trọng nghe Lời Chúa trong thánh đường và trong cuộc sống. Xin được khiêm tốn nghe Lời Chúa qua các bậc thầy và qua trẻ thơ. Ước gì Lời Chúa giúp ta làm cho đất của tim mình xốp hơn và mềm lại, bớt sỏi đá, thêm màu mỡ, bớt bụi gai, thêm ẩm ướt.

Cha An-tôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Scroll to Top