II. KHUYÊN NHỦ
Kêu gọi hợp nhất
1 Vậy, tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em.2 Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau.3 Anh em hãy thiết tha duy trì sự hợp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau.4 Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng.5 Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa.6 Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.
7 Nhưng mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng tùy theo mức độ Đức Ki-tô ban cho.8 Vì thế, có lời Kinh Thánh nói: Người đã lên cao, dẫn theo một đám tù; Người đã ban ân huệ cho loài người.
9 Người đã lên nghĩa là gì, nếu không phải là Người đã xuống tận các vùng sâu thẳm dưới mặt đất?10 Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên cao hơn mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn.11 Và chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ.12 Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Ki-tô,13 cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hợp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô.
14 Như vậy, chúng ta sẽ không còn là những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý, giữa trò bịp bợm của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma chước quỷ để làm cho kẻ khác lầm đường.15 Nhưng, sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Ki-tô vì Người là Đầu.16 Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái.
Đời sống mới trong Đức Ki-tô
17 Vậy đây là điều tôi nói với anh em, và có Chúa chứng giám, tôi khuyên anh em: đừng ăn ở như dân ngoại nữa, vì họ sống theo những tư tưởng phù phiếm của họ.18 Tâm trí họ đã ra tối tăm, họ xa lạ với sự sống Thiên Chúa ban, vì lòng chai dạ đá khiến họ trở nên dốt nát.19 Họ đã mất ý thức nên đã buông thả, sống phóng đãng đến mức làm mọi thứ ô uế cách vô độ.20 Còn anh em, anh em đã chẳng học biết về Đức Ki-tô như vậy đâu;21 ấy là nếu anh em đã được nghe nói về Đức Giê-su và được dạy dỗ theo tinh thần của Người, đúng như sự thật ở nơi Đức Giê-su.22 Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối,23 anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em,24 và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện.
25 Bởi thế, một khi đã cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận, vì chúng ta là phần thân thể của nhau.26 Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn.27 Đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng!28 Ai quen trộm cắp, đừng trộm cắp nữa, trái lại, hãy chịu khó dùng đôi tay của mình mà làm ăn lương thiện để có gì chia sẻ với người túng thiếu.29 Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe.30 Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc.31 Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác.32 Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô.
Rm 12,5; 1 Cr 10,17; 12,12-13
Cl 2,4.8; Hr 13,9; Gc 1,6
Rm 1,21; Cl 1,21; 1 Pr 1,14
Mt 6,12.14-15; Cl 3,12-13
e. Bắt đầu phần khuyên nhủ. Dầu đã được kết hiệp với Đức Ki-tô thành một thân thể, nhưng Hội Thánh không ngừng bị những mối nguy hiểm như bất hòa (cc. 1-3), hiểu sai việc phân chia những thừa tác vụ khác nhau (cc. 7-11), và bị cám dỗ chạy theo những tư tưởng mới lạ nhưng sai lầm (cc. 14-15) đe dọa sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Thánh Phao-lô lần lượt trình bày từng điểm bằng cách đối chiếu với những nguyên tắc và kế hoạch hiệp nhất trong Chúa Ki-tô (cc. 4-6.12-13.16).
g. Có bản dịch khác: Tôi là người đang bị tù, tôi khuyên nhủ anh em....
i. ds: ... xứng với ơn kêu gọi mà anh em được kêu gọi...
k. ds: ... bằng dây bình an.
l. Cc. 4-6 là một lời tuyên xưng đức tin: lý do và nguồn mạch của sự hiệp nhất: chỉ có một thân thể gồm có Đầu là Đức Ki-tô và các chi thể là các Ki-tô hữu, làm nên Hội Thánh (1 Cr 6,5; 10,17; 12,12.27; Rm 12,5). Chỉ có một Chúa Thánh Thần, Đấng đã tràn ngập thân xác Đấng Phục Sinh và được ban cho tất cả các tín hữu, bởi Đức Ki-tô và qua Đức Ki-tô. Như vậy Chúa Thánh Thần thấm nhập toàn thể Hội Thánh, làm cho Hội Thánh được hiệp nhất. Đối tượng duy nhất mà Thiên Chúa dành cho ta khi kêu gọi ta: chiếm hữu phần gia sản (x. 1,14).
m. Chính khi đón nhận phép rửa với lòng tin, người Ki-tô hữu được kết hợp với Đức Chúa độc nhất, tức là Đức Giê-su Phục Sinh (x. Rm 6,1-14); nhờ Người và nhờ Thánh Thần của Người, người Ki-tô hữu được liên kết với Thiên Chúa độc nhất (Rm 15-17). Tuyên xưng niềm tin Chúa Ba Ngôi: Thiên Chúa (Cha), Đức Chúa (Con), Thần Khí (Thánh Thần).
n. Ân sủng ở đây hiểu là ơn đoàn sủng, tức là những ơn được ban để phục vụ lợi ích của cộng đoàn Hội Thánh (x. 1 Cr 12-14; Rm 12,3-8).
o. ds: theo lượng ân huệ của Đức Ki-tô.
p. Câu dẫn Tv 68,19, LXX. Thánh Phao-lô lý luận theo kiểu các Ráp-bi, chỉ chú ý đến hai từ trong câu dẫn: lên và ban. Ý nghĩa chính là Chúa Ki-tô đã thăng thiên, và các hồng ân của Chúa Thánh Thần được ban xuống để xây dựng Hội Thánh là nhiệm thể của Chúa Ki-tô. Cũng có thể hiểu là Đức Ki-tô Phục Sinh luôn hiện diện và hoạt động ở mọi nơi.
q. So với các đặc sủng nói ở 1 Cr 12,28 và Rm 12,6-8, thì bản liệt kê ở đây vắn tắt hơn. Có lẽ ở đây thánh Phao-lô chỉ nhằm liệt kê những đặc sủng có liên quan đến tổ chức giáo huấn trong Hội Thánh sơ khai.
r. Ở 2,20. Hội Thánh được ví với ngôi nhà, ở đây được ví với thân thể. Hai hình ảnh phối hợp với nhau: Hội Thánh vừa được xây dựng vững chắc, vừa phải lớn lên (c. 16; x. 2,21).
s. Trực tiếp nói đến sự phát triển tới mức hoàn hảo của Hội Thánh, và cũng gián tiếp nói đến mức độ hoàn hảo của mỗi phần tử thuộc về Hội Thánh. Con người trưởng thành có thể hiểu về chính Đức Ki-tô, Con người mới, khuôn mẫu của mọi người đã được ơn tái sinh (2,15; 4,14) cũng có thể hiểu về thân thể của Đức Ki-tô, Hội Thánh, gồm có Đức Ki-tô là Đầu (c. 15; 1,22; Cl 1,18) và các Ki-tô hữu là chi thể (c. 16; 5,30).
t. ds: ... nhờ Người, toàn thân được ăn khớp với nhau và se kết với nhau nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng...
u. Câu khó dịch! ds: ...theo năng lực tùy mức độ của mỗi chi thể.... Theo cách dùng của thánh Phao-lô (1,19; 3,7; Cl 1,29; 2,12; Pl 3,21) phải hiểu là năng lực của Thiên Chúa hoạt động nơi những chi thể đã đón nhận năng lực đó (3,20; Cl 1,29).
v. Người Ki-tô hữu đã được phép rửa biến đổi tận gốc rễ để trở thành con người mới. Con người mới đòi phải có những tiêu chuẩn sống mới. Thánh Phao-lô phác họa lại thế giới cũ và con người cũ (cc. 17-19), và đối chiếu với con người mới (cc. 20-24). Từ nay, người Ki-tô hữu sống dưới ảnh hưởng của Chúa Ki-tô, phải không ngừng đổi mới cả trong cách suy nghĩ lẫn trong hành động.
x. ds: Vậy tôi xin nhấn mạnh điều này và tôi xin làm chứng trong Chúa.
y. ds: anh em đừng sống như người ngoại sống, trong sự phù phiếm của tư tưởng họ.
a. ds: ... bởi vì sự dốt nát ở trong họ, bởi vì họ lòng chai dạ đá.
b. Được dạy dỗ theo tinh thần của Người, ds: được dạy dỗ trong Người; – ... sự thật ở nơi Đức Giê-su: nơi một nhân vật lịch sử, đã sống, đã chết và đã phục sinh, chứ không phải nơi một nhân vật tưởng tượng.
c. Con người mới là con người đã được tái tạo trong Đức Ki-tô khi Người chịu chết trên thánh giá và phục sinh (x. 2,15): Con người mới trong công trình sáng tạo mới so với con người đầu tiên khi được Thiên Chúa sáng tạo; Thiên Chúa cho sống công chính, thánh thiện và hiểu biết chân lý. Tạo vật mới (2 Cr 5,17; Gl 6,15) cũng được hiểu theo nghĩa này.
d. Tuy đã được biến đổi, nhưng người Ki-tô hữu vẫn còn phải sống trong những hoàn cảnh bình thường của thế giới. Vì thế, cụ thể là phải bỏ tất cả những gì trái ngược với đời sống mới, những gì đi ngược với việc nhận biết Chúa Ki-tô, những gì có hại cho anh em, cho Hội Thánh: gian dối (25a), nóng giận (25b), trộm cắp (28), nói lời độc địa (29), lời nói chua cay gắt gỏng... và tóm lại là mọi thứ hành vi gian ác (31). Tấm gương tuyệt đối là Đức Giê-su Ki-tô.
đ. Chúa Thánh Thần là mối dây độc nhất liên kết các chi thể trong nhiệm thể của Chúa Ki-tô (x. 4,4; 1 Cr 12,13). Người ghi trên hết thảy các chi thể một dấu ấn để làm chứng rằng họ đã thuộc quyền sở hữu của Thiên Chúa, trong lúc chờ đợi ngày họ được giải thoát vĩnh viễn và được vào vương quốc vinh quang (x. 1,13-14). Vì thế những gì có hại cho việc hòa hợp giữa các chi thể và đe dọa sự hiệp nhất trong nhiệm thể đều là những việc làm phiền lòng Chúa Thánh Thần.