1 Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo.2 Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa:3 để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này.4 Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.
5 Kẻ làm nô lệ, hãy vâng lời những người chủ ở đời này với thái độ run rẩy và sợ sệt, với lòng đơn sơ, như vâng lời Đức Ki-tô.6 Đừng chỉ vâng lời trước mặt, như muốn làm đẹp lòng người ta, nhưng như nô lệ của Đức Ki-tô, đem cả tâm hồn thi hành ý Thiên Chúa.7 Hãy vui lòng phục vụ, như thể phục vụ Chúa, chứ không phải người ta.8 Anh em biết đấy: ai làm việc tốt, sẽ được Chúa trả công, bất luận nô lệ hay tự do.9 Người làm chủ cũng hãy đối xử như thế với nô lệ. Đừng dọa nạt nữa: anh em biết rằng Chúa của họ cũng là Chúa của anh em, Người ngự trên trời và không thiên vị ai.
Cuộc chiến đấu thiêng liêng
10 Sau cùng, anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người.11 Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ.12 Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao.13 Bởi đó, anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế, anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối.
14 Vậy hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính,15 chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an;16 hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần.17 Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa.
18 Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh.19 Anh em cũng hãy cầu xin cho tôi nữa, để khi tôi mở miệng nói, thì Thiên Chúa ban lời cho tôi, hầu tôi mạnh dạn loan báo mầu nhiệm của Tin Mừng;20 tôi là sứ giả của Tin Mừng này cả khi tôi đang bị xiềng xích. Anh em hãy cầu xin cho tôi để khi rao giảng Tin Mừng tôi nói năng mạnh dạn, như bổn phận tôi phải nói.
Tin tức. Lời chào cuối thư.
21 Anh Ty-khi-cô, người anh em yêu quý của tôi và là người trung thành phục vụ Chúa, sẽ cho anh em mọi tin tức, để cả anh em nữa cũng biết tôi ra sao, và tôi đang làm gì.22 Tôi phái anh đến với anh em vì mục đích ấy, để anh em được biết hiện tình của chúng tôi, và để anh khích lệ tâm hồn anh em.
23 Nguyện xin Thiên Chúa là Cha, và nguyện xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ơn bình an và lòng mến cùng với lòng tin.24 Xin Thiên Chúa ban ân sủng cho tất cả những ai yêu mến Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta bằng một tình yêu bất diệt.
Cl 3,22-25; 1 Tm 6,1-2; Tt 2,9-10
Kn 5,17-20; Is 11,5; 52,7; Lc 12,35; 1 Tx 5,8
Cv 4,29; Cl 4,3; 2 Tx 3,1
Cv 20,4; Cl 4,7; 2 Tm 4,12
g. Nhiều bản chép tay không có theo tinh thần của Chúa. ds: trong Chúa. Có lẽ thánh Phao-lô theo những lý lẽ trong luân lý thời đại của người nói về những mối quan hệ. Người đưa nó lên hàng luân lý Ki-tô giáo bằng kiểu nói: trong Chúa (5,21; 6,1.4-5), nghĩa là như chi thể của Chúa trong thân thể nhiệm mầu là Hội Thánh.
h. X. Xh 20,12; Đnl 5,16. Thánh Phao-lô đã thích ứng Xh 20,12: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi để có thể áp dụng cách rộng rãi hơn.
i. Nguyên tắc giáo dục của Ki-tô giáo: Chúa là nhà giáo dục chính yếu, cha mẹ là những người thay mặt Chúa để dưỡng dục con cái của mình và cũng là của Chúa (x. Cn 3,11.12; Hr 12,5-6).
k. Run rẩy và sợ sệt, kiểu nói ước lệ của Kinh Thánh, có ý nghĩa tùy theo văn mạch. Thánh Phao-lô hay dùng (x. 1 Cr 2,3; 2 Cr 7,15; Pl 2,12). Ý nghĩa chung là: khiêm tốn, trọng kính.
l. Thánh Phao-lô không kêu gọi bãi bỏ chế độ nô lệ, hoặc giải phóng nô lệ. Người theo những quan niệm của thời đại bấy giờ. Cái mới mẻ người đem lại cho tương quan nô lệ-chủ nhân là nhắc cho cả hai biết: dù phục vụ ở vị trí nào, chủ nhân hay nô lệ, ai ai cũng phải làm như thể làm cho Chúa và Chúa là chủ của mọi người. Người không thiên vị khi trả công: mọi người đều bình đẳng trước mặt Chúa (x. Cl 3,22–4,1; Plm 15.16; Gl 3,27-29; Cl 3,11; Rm 10,12).
m. Đoạn văn Ep 6,10-17 so sánh cuộc đời người Ki-tô hữu với hình ảnh người lính chiến. Sống đời Ki-tô hữu là chiến đấu với những thế lực của ác thần vốn tìm đủ mọi cách lôi kéo con người xa Thiên Chúa (6,10-13). Sức mạnh để chiến đấu là những vũ khí Thiên Chúa ban cho (6,14-17).
n. Binh giáp vũ khí. Nguồn gốc hình ảnh này ở trong Cựu Ước: Đức Chúa nai nịt để ra trận chống quân thù (x. Is 11,4-5; 59,16-18; Kn 5,17-23). Thánh Phao-lô thích dùng những hình ảnh binh nghiệp (x. Rm 13,12; 2 Cr 6,7; 10,4; 1 Tx 5,8...) để áp dụng vào đời sống của người Ki-tô hữu.
o. ds: ...không phải với huyết nhục. Kiểu nói của Kinh Thánh máu và thịt (Ep 6,12; Hr 2,14). Thịt và máu (Mt 16,17; 1 Cr 15,50) để chỉ con người với những khả năng tự nhiên, ngược lại với những năng lực siêu nhiên.
p. Đó là những thần điều khiển các tinh tú và vũ trụ, theo quan niệm của người cổ xưa. Các thần đó ở trên trời (1,20 tt; 3,10; Pl 2,10) hoặc trên không trung (2,2). Chính họ không trung thành với Thiên Chúa, lại còn muốn lôi kéo loài người theo họ (2,2). Nhưng Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta không những để khỏi làm nô lệ họ (1,21; Cl 1,13; 2,15.30) nhưng còn giúp chúng ta có khả năng để chiến đấu với họ nữa.
q. Những hình ảnh của Cựu Ước: đai chân lý (x. Is 11,5), áo giáp công chính (x. Is 59,17), mau chân loan báo tin mừng bình an (x. Is 52,7; 40,3.9), mũ chiến là ơn cứu độ (x. Is 59,17; 1 Tx 5,8), gươm là Lời Thiên Chúa (x. Is 11,4; 49,2; 51,16; Hs 6,5; Hr 4,12). Thánh Phao-lô trích dẫn những hình ảnh Cựu Ước này theo trí nhớ, lượm lặt...
r. Tên lửa: lao trét nhựa thông, người ta đốt rồi phóng đi; muốn chống cự phải có khiên mộc chắc chắn.
s. Lời: lời Thiên Chúa, Tin Mừng, sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ (Rm 1,16). Kiểu nói và ý tưởng quen thuộc của Kinh Thánh (x. Ed 3,27; 29,21; Tv 51,17; Cl 4,3).
t. Giá trị của lời cầu nguyện trong việc loan báo Tin Mừng: các chi thể trong Hội Thánh cầu nguyện, chịu đau khổ để góp phần vào việc loan báo Tin Mừng (x. Pl 1,7; Cl 4,3) nhất là cầu nguyện cho những người được dành riêng để thi hành sứ mạng đó.
u. Ông Ty-khi-cô quê ở Tiểu Á; ông cùng đi với thánh Phao-lô trong hành trình lên Giê-ru-sa-lem lần thứ ba (x. Cv 20,4), mang theo phẩm vật cứu trợ của giáo đoàn ông (x. 1 Cr 16,3 tt). Ông có nhiệm vụ mang thư này đến Ê-phê-xô và loan báo những tin tức liên quan đến tình trạng của thánh Phao-lô (x. Cl 4,7). Có lẽ ông là một trong những người có nhiệm vụ xây dựng giáo đoàn này.
v. Người anh em (cc. 21.23) không phải chỉ là kiểu xưng hô thông thường, nhưng là cách để gọi người Ki-tô hữu trong Hội Thánh thời ban đầu (x. Pl 2,25; Cl 1,1.2; 4,7.9).
x. ds: ... những ai yêu mến Đức Chúa của chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô... Công thức long trọng, tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô bằng tước hiệu Cựu Ước dùng để chỉ Thiên Chúa Cha (x. 1 Cr 1,2.7.8.10...). Cũng có thể hiểu: Xin Thiên Chúa ban ân sủng cùng với sự sống bất diệt cho tất cả những ai yêu mến Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta, hoặc Xin Thiên Chúa ban ân sủng cho tất cả những ai yêu mến Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta, Đấng ngự nơi vĩnh cửu.