Thứ Hai Tuần IV Mùa Chay – 28/03/2022

Lời Chúa – Ga 4,43-54:

Khi ấy, Đức Giê-su bỏ Sa-ma-ri mà đến Ga-li-lê. Chính Người đã quả quyết: ngôn sứ không được tôn trọng tại quê hương mình. Khi Người đến Ga-li-lê, dân chúng trong miền đón tiếp Người, vì đã được chứng kiến tất cả những gì Người làm tại Giê-ru-sa-lem trong dịp lễ, bởi lẽ chính họ cũng đã đi dự lễ.

Vậy Đức Giê-su trở lại Ca-na miền Ga-li-lê, là nơi Người đã làm cho nước hóa thành rượu. Bấy giờ, có một sĩ quan cận vệ của nhà vua có đứa con trai đang bị bệnh tại Ca-phác-na-um. Khi nghe tin Đức Giê-su từ Giu-đê đến Ga-li-lê, ông tới gặp và xin Người xuống chữa con ông vì nó sắp chết. Đức Giê-su nói với ông: “Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu!” Viên sĩ quan nói: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất!” Đức Giê-su bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Ông tin vào lời Đức Giê-su nói với mình, và ra về. Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi. Ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp: “Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt.” Người cha nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giê-su đã nói với mình: “Con ông sống”, nên ông và cả nhà đều tin. Đó là dấu lạ thứ hai Đức Giê-su đã làm, khi Người từ miền Giu-đê đến miền Ga-li-lê.

Suy niệm:

Trong các sách Tin Mừng, chúng ta thường gặp nỗi sợ hãi, lo lắng của những bậc cha mẹ trước căn bệnh hiểm nghèo của con mình. Ông trưởng hội đường Giai-rô khẩn khoản nài xin Đức Giê-su: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu” (Mc 5,23). Bà dân ngoại gốc Ca-na-an kêu lên: “Xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm” (Mt 15,22). Người cha có đứa con bị động kinh cũng nài van Đức Giê-su: “Xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi” (Mc 9,22). Trong bài Tin Mừng hôm nay viên sĩ quan, có lẽ của vua Hê-rô-đê, cũng năn nỉ: “Xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất” (c. 49). Bệnh tật và cái chết đang đe dọa đứa con khiến cha mẹ khổ đau và bối rối. Họ không muốn mất đứa con đã trở nên một phần của đời họ. Họ vội vã đến với Đức Giê-su như đến với một nơi có thể cấp cứu kịp thời. Họ tin vào sự hiện diện của Ngài, vào sự chữa lành mà Ngài đem lại.

Lòng tin của viên sĩ quan đã lớn lên từ từ. Ông tin nhờ nghe người ta nói về những gì Đức Giê-su đã làm ở vùng Giu-đê. Ông gặp Ngài vì tin Ngài có thể chữa đứa con trai đang nguy tử của ông bằng cách đi với ông về nhà ở Ca-phác-na-um (c. 49). Nhưng sau đó, ông tin vào uy quyền của lời Đức Giê-su: “Ông cứ về đi, con ông sống!” nên ông vâng lời đi về nhà một mình (c. 50). Chẳng cần sự hiện diện, chỉ cần lời của Ngài nói từ xa cũng đủ để con ông khỏi bệnh. Lòng tin của ông được vững vàng hơn khi ông kiểm chứng và biết rõ chính vào giờ Ngài nói thì con mình được chữa lành (c. 53). Bây giờ, hẳn ông đã tin trọn vẹn vào chính con người Đức Giê-su. Lòng tin ấy lôi cuốn cả gia đình ông tin theo. Sau khi dấu lạ xảy ra, không thấy Tin Mừng nói gì về thái độ ngạc nhiên của gia quyến. Kết quả tuyệt vời của dấu lạ là chính lòng tin của mọi người trong nhà. Họ sẽ được ông kể cho nghe từng chi tiết câu chuyện gặp gỡ.

Trong tiệc cưới ở Ca-na, lòng tin của Đức Ma-ri-a đã dẫn đến dấu lạ đầu tiên. Dấu lạ này đã khiến các môn đệ Đức Giê-su tin vào Ngài (Ga 2,11). Trong dấu lạ thứ hai này ở Ca-na, lòng tin của viên sĩ quan, của một người cha, đã dẫn đến lòng tin của những người thân thuộc. Lòng tin thật sự bao giờ cũng có khả năng thu hút, lôi kéo, lan rộng. Ngay trước đoạn Tin Mừng này, chuyện người phụ nữ Sa-ma-ri cũng cho ta thấy điều đó. Từ lời chứng của chị, dân thành Xy-kha đã tin vào Đức Giê-su (Ga 4,39).

Đời chúng ta cũng có những lúc tưởng như tuyệt vọng, khi ta thấy tuột khỏi tay mình những gì rất quý mà mình muốn ôm giữ. Hãy nhìn lên thánh giá để khỏi mất lòng tin. Hãy chấp nhận đi vào những nẻo đường lạ lẫm mà Chúa đang mời gọi. Như viên sĩ quan, ta sẽ gặp tin vui ngay trên đường về nhà.

Cha An-tôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Scroll to Top