Thứ Hai Tuần IX Thường Niên – 05/06/2023

Thánh Bô-ni-phát (Boniface), Giám mục, Tử đạo, lễ nhớ

Lời Chúa – Mc 12,1-12:

Khi ấy, Đức Giê-su bắt đầu dùng dụ ngôn mà nói các thượng tế, kinh sư và kỳ mục Do-thái rằng: “Có người kia trồng được một vườn nho; ông rào giậu chung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Đến mùa, ông sai một đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải nộp. Nhưng họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không. Ông lại sai một đầy tớ khác đến với họ. Họ đánh vào đầu anh ta và hạ nhục. Ông sai một người khác nữa, họ cũng giết luôn. Rồi ông lại sai nhiều người khác: kẻ thì họ đánh, người thì họ giết. Ông chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu: người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ; ông nói: “Chúng sẽ nể con ta.” Nhưng bọn tá điền ấy bảo nhau: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta.” Thế là họ bắt cậu, giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn nho. Vậy ông chủ vườn nho sẽ làm gì? Ông sẽ đến tiêu diệt các tá điền, rồi giao vườn nho cho người khác. Các ông chưa đọc câu Kinh Thánh này sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta!”

Họ tìm cách bắt Đức Giê-su, nhưng lại sợ dân chúng; quả vậy, họ thừa hiểu Người đã nhắm vào họ mà kể dụ ngôn ấy. Thế là họ để Người lại đó mà đi.

Suy niệm:

Dụ ngôn Đức Giê-su kể trong bài Tin Mừng hôm nay làm ta khó chịu. Chúng ta không chấp nhận được sự độc ác của các tá điền, những người làm công cho ông chủ và có bổn phận phải nộp hoa lợi vườn nho cho ông khi đến mùa. Tại sao họ lại đánh đập người đầy tớ đầu tiên do ông chủ sai đến? Tại sao họ lại tiếp tục đánh đập và làm nhục người đầy tớ thứ hai? Tại sao họ dám cả gan giết người thứ ba và tiếp tục làm như thế với nhiều đầy tớ khác? (cc. 2-5). Cuối cùng, ông chủ đã sai đến với các tá điền người con yêu dấu của mình. Ông nghĩ người con của ông sẽ có đủ uy tín để khiến các tá điền phải vị nể. Nhưng đáng thương thay, cậu con thừa tự dấu yêu đã bị bắt, bị giết và bị quăng xác ra ngoài vườn nho.

Chúng ta không hiểu được sự độc ác tàn nhẫn của các tá điền. Nhưng chúng ta lại càng không hiểu được sự cam chịu kiên trì và sự ngây thơ lạ lùng của ông chủ. Tại sao ông lại không phản ứng mạnh mẽ ngay từ tội ác đầu tiên? Tại sao ông lại thiếu cương quyết khiến cho nhiều đầy tớ và chính người con yêu dấu của mình phải chết như vậy?

Dụ ngôn Đức Giê-su kể nhắm vào các nhà lãnh đạo Do-thái giáo, các thượng tế, kinh sư và kỳ mục (Mc 11,27; 12,12). Các đầy tớ trong dụ ngôn là những ngôn sứ đã được sai đến với dân Ít-ra-en. Các tá điền chính là những nhà lãnh đạo dân Ít-ra-en từ bao đời. Người con yêu dấu chính là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, người đã được Thiên Chúa gọi là Con yêu dấu khi chịu phép rửa và khi được biến hình (Mc 1,11; 9,7). Qua dụ ngôn này, Đức Giê-su báo trước cuộc khổ nạn và cái chết sắp đến bởi tay các nhà lãnh đạo đang đứng trước mặt Ngài đây.

Thiên Chúa như ông chủ vườn nho đau khổ, có sức chịu đựng vô bờ dù bao lần dân Ít-ra-en quay lưng từ chối. Nhưng cuối cùng, ông sẽ tiêu diệt các tá điền và giao vườn nho cho người khác. Như thế, dụ ngôn này vẫn mang nét tươi tắn, vì mọi sự không chấm dứt với cái chết của người con. Tảng đá bị thợ xây loại bỏ đã trở nên đá tảng góc tường (c. 10). Đức Giê-su phục sinh chính là tảng đá góc tường cho một tòa nhà mới. Đó là cộng đoàn mới gồm những kẻ tin vào Ngài, gồm cả dân Do-thái và dân ngoại.

Cả một lịch sử cứu độ nằm trong một dụ ngôn, mới nhìn có vẻ buồn. Nhưng nơi đây, ta bắt gặp tình yêu Thiên Chúa làm chủ suốt dòng lịch sử. Một tình yêu kiên nhẫn chịu đựng, một tình yêu có vẻ dại dột và ngây thơ. Một tình yêu bị bẽ bàng và làm nhục qua cái chết của Người Con yêu dấu. Nhưng cuối cùng, tình yêu ấy đã chiến thắng vẻ vang nơi sự phục sinh và nơi công trình kỳ diệu là Giáo Hội (c. 11).

Cha An-tôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Scroll to Top