Thứ Hai Tuần XIII Thường Niên – 03/07/2023

THÁNH TÔ-MA TÔNG ĐỒ, lễ kính

Lời Chúa – Ga 20,24-29:

Khi ấy, một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các môn đệ khi Đức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”

Suy niệm:

Chẳng rõ vì lý do gì mà ông Tô-ma đã không ở với nhóm môn đệ, khi Đức Giê-su phục sinh hiện ra gặp các ông. Có vẻ có một sự xa cách nào đó giữa Tô-ma và mười ông kia. Chuyện này trở nên rõ hơn khi ông Tô-ma từ chối tin vào lời của họ: “Chúng tôi đã thấy Chúa!” (c. 25). Ông đòi tự mình kiểm chứng, thấy tận mắt, sờ tận tay. Thấy dấu đinh nơi bàn tay Thầy, xỏ ngón tay mình vào lỗ đinh, thọc bàn tay vào cạnh sườn Thầy: đó là những điều kiện ông đòi để tin. Tô-ma không đứng dưới chân thập giá như người môn đệ Chúa yêu, nhưng ông đã được nghe chuyện Thầy bị đóng đinh, bị đâm nơi cạnh sườn. Đối với ông, nếu Thầy thực sự phục sinh, thì thân xác Thầy vẫn còn phải mang những vết thương đó. Phục sinh không làm mất đi những vết sẹo của tình yêu cứu độ.

Đấng phục sinh lại có ý chiều ông, đó mới là chuyện lạ. Ngài biết óc thực tiễn của ông, và Ngài không muốn mất ông (Ga 17,12). Ngài dám thỏa mãn những đòi hỏi táo bạo và cụ thể của ông, để đưa ông về với đức tin, về với cộng đoàn. Một tuần sau, cũng vào ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giê-su phục sinh đến như thể cho một mình ông mà thôi, và mời ông làm những điều ông đòi hỏi. Chẳng rõ Tô-ma có dám thực hiện hay không, nhưng chính thái độ bao dung và yêu thương của Thầy đã chinh phục ông. Môi ông bật lên lời tuyên xưng đức tin cao nhất trong Tân Ước: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (c. 28). Lời tuyên xưng này vượt quá những gì giác quan của ông có thể cảm nhận.

“Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những ai không thấy mà tin!” Chúng ta ngày nay, tuy không được hưởng kinh nghiệm như thánh Tô-ma, nhưng chúng ta lại được hưởng một mối phúc mà ngài không có được. Đó là mối phúc của người tin, không phải nhờ thấy tận mắt, mà nhờ nghe lời chứng của các môn đệ (Ga 17,20), trong đó có Tô-ma. Xin cám ơn sự cứng lòng của thánh Tô-ma, cám ơn lời chứng của ngài. Chính sự cứng cỏi của ngài làm chúng ta mềm mại hơn để tin, vì chúng ta biết chuyện Chúa phục sinh không phải do một ảo giác tập thể. Tô-ma là một người hoàn toàn tỉnh táo.

Trong tập thể chúng ta đang sống, vẫn có những Tô-ma: hoài nghi, bướng bỉnh, đòi hỏi, xa cách với cộng đoàn… Thầy Giê-su dạy chúng ta bao dung và nhẫn nại, chứ không kết án. Quanh chúng ta vẫn có nhiều người chưa biết Chúa, họ cũng đòi thấy và đụng chạm đến Thiên Chúa. Ki-tô hữu chúng ta phải có kinh nghiệm sâu xa như các tông đồ xưa, để làm chứng được rằng: “Chúng tôi đã thấy Chúa” (c. 25).

Cha An-tôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Scroll to Top