Thứ Hai Tuần XVII Thường Niên – 31/07/2023

Thánh I-nha-xi-ô Lôi-ô-la (Loyola), Linh mục, lễ nhớ

Lời Chúa – Mt 13,31-35:

Khi ấy, Đức Giê-su kể cho dân chúng nghe dụ ngôn này: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.”

Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”

Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.”

Suy niệm:

Hội nhập văn hóa là việc mà nhà truyền giáo thời nay quan tâm. Làm sao đưa Tin Mừng vào nền văn hóa của người bản xứ? Làm sao đưa những nét đẹp của nền văn hóa bản xứ vào việc sống Tin Mừng? Làm sao để Ki-tô giáo vừa mang nét mới mẻ của ơn cứu độ có tính phổ quát, vừa mang tinh túy của từng vùng, từng nền văn hóa, tôn giáo, xã hội? Đó là một nỗ lực đòi hỏi nhiều thời gian, trí tuệ và tình yêu.

Nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày qua đời của cha Matteo Ricci (1552-1610), ĐGH Bênêđictô XVI đã đề cao gương của vị tu sĩ Dòng Tên này. Với thiện cảm sâu xa đối với văn hóa và tôn giáo của người Trung Hoa, cha Matteo đã đem Tin Mừng đến để bổ sung những truyền thống tốt đẹp. Cha hiểu biết về Khổng giáo như một nhà nho uyên thâm, chấp nhận việc cúi mình để tôn kính Khổng Tử và các bậc tổ tiên. Dùng kiến thức về khoa học của mình để phục vụ, Cha là người vẽ bản đồ thế giới đầu tiên với nước Trung Hoa nằm ở giữa. Mười năm cuối đời ở Bắc Kinh, cha viết sách biện giáo, quen biết với nhiều học giả trong triều đình và đưa họ vào Ki-tô giáo.

Cách truyền giáo của cha Matteo khiến ta nghĩ đến dụ ngôn men và bột. Người phụ nữ đã trộn men vào một lượng bột rất lớn. Ba đấu bột bằng khoảng 50 ký bột, làm bánh đủ cho cả trăm người ăn. Điều đáng để ý ở đây là chuyện trộn men vào bột. Một lượng men nhỏ được người phụ nữ trộn đều với khối bột lớn. Đây là một công việc vất vả, làm bằng tay. Khi được trộn nhuyễn, ta không còn phân biệt được men với bột. Qui trình lên men đòi hỏi thời gian. Men phát huy sức mạnh tiềm ẩn của nó, khi làm cả khối bột dậy men, nở ra. Bấy giờ, ta mới nhận ra sự hiện diện ẩn giấu và tác động của men trong bột. Khi ăn những tấm bánh thơm, chẳng ai thấy men, vì men đã thành bánh rồi. Nhưng không có men, thì cũng chẳng có bánh. Đức Giê-su dùng dụ ngôn này để nói về Nước Trời. Khởi đầu chỉ là một số lượng nhỏ bé, nhưng với thời gian, sẽ gây được một ảnh hưởng lớn lao và tốt lành.

Tỷ lệ người Công giáo tại Việt Nam không đông, một lượng men nhỏ. Nhưng nếu chúng ta khiêm tốn có mặt và phục vụ giữa lòng dân tộc, tôn trọng những giá trị văn hóa và tâm linh của đồng bào, chúng ta có hy vọng làm cho khuôn mặt của đạo Công Giáo trở nên phong phú hơn, dễ mến hơn và hấp dẫn hơn. Phải chấp nhận như men bị chôn vùi, biến mất trong đống bột. Phải có mặt ở mọi nơi, mọi ngành nghề, mọi lãnh vực nghiên cứu. Nhưng cũng phải kiên nhẫn chờ men phát huy tác dụng.

Nếu chúng ta không thể làm cho đất nước này thành tấm bánh thơm ngon, nếu môi trường chúng ta đang sống, đang làm việc, chẳng có gì tiến bộ, chẳng có gì công bằng hơn, huynh đệ hơn, hạnh phúc hơn, trong sạch hơn,… thì có khi chúng ta phải tự hỏi xem mình có còn là thứ men tốt không.

Cha An-tôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Scroll to Top