Thứ Năm Tuần I Thường Niên – 12/01/2023

Lời Chúa – Mc 1,40-45:

Khi ấy, có người bị phong hủi đến gặp Đức Giê-su, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.

Suy niệm:

Đây là quy chế người mắc bệnh phong theo sách Lê-vi (13, 45-46): Người ấy phải mặc quần áo rách, để tóc bù xù, che môi trên, phải vừa đi vừa kêu lên: “Ô uế! ô uế!” để người ta biết mà tránh xa. Người phong phải ở một mình, phải ở một chỗ bên ngoài trại… Như thế, từ xa xưa, người ta đã biết đến sự dễ lây lan của bệnh phong và ảnh hưởng nguy hiểm trên thân xác do chứng bệnh này gây ra. Để được chứng nhận là đã khỏi bệnh, người phong phải trình tư tế, phải qua một quá trình phức tạp để thanh tẩy trong tám ngày và phải dâng những con vật bị sát tế để làm lễ xá tội (Lv 14).

Người phong trong bài Tin Mừng hôm nay đã không giữ Luật Mô-sê. Anh dám lại gần Đức Giê-su, dám tin Ngài có khả năng làm anh được sạch, mặc dù theo truyền thống Kinh Thánh, chỉ Thiên Chúa mới làm được chuyện đó. Đức Giê-su vì thương anh, nên cũng đã làm điều không được phép. Ngài dám đưa bàn tay ra và đụng đến anh, đụng đến da thịt nhơ uế của anh, đến chính số phận hẩm hiu của anh, dù chỉ một lời của Ngài thôi cũng đủ làm anh khỏi bệnh. Cái đụng của bàn tay Đức Giê-su đã không làm Ngài bị ô uế. Trái lại, nó đã đem lại sự thanh sạch cho người bị phong. Để làm phép lạ chữa bệnh rất lừng lẫy này, Đức Giê-su đã phải trả giá. Người phong khi được khỏi đã không tránh được chuyện rêu rao. Vì thế, người ta đổ xô nhau tới khiến Ngài phải ở ngoài thành. Khi người khỏi bệnh vào được thành thì Đức Giê-su lại phải ở hoang địa!

Thái độ chạnh lòng thương và đụng đến người phong của Đức Giê-su đã gợi hứng cho nhiều tâm hồn noi gương bắt chước. Tại nhiều trại phong ở Việt Nam, ta thấy bóng dáng của các nữ tu. Họ ở trại phong Bến Sắn, Di Linh, Quy Hòa, Văn Môn,… Nhiều nữ tu đã hiến dâng tuổi trẻ của mình để phục vụ người phong, đụng đến những vết thương tàn phế nơi thân xác họ. Các chủng sinh Miền Bắc cũng đã quen tiếp xúc với người phong, ở lại với họ, săn sóc và chia sẻ thân phận của họ. Giáo Hội Công Giáo sung sướng được phục vụ người phong ở khắp nơi và coi đây như một nét đặc trưng của khuôn mặt Giáo Hội.

Cha An-tôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Scroll to Top