Thứ Năm Tuần V Thường Niên – 09/02/2023

Lời Chúa – Mc 7,24-30:

Khi ấy, Đức Giê-su đến địa hạt Tia. Người vào một nhà nọ mà không muốn cho ai biết, nhưng không thể giấu được. Thật vậy, một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Người, liền vào sấp mình dưới chân Người. Bà là người Hy-lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà. Người nói với bà: “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.” Bà ấy đáp: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.” Người nói với bà: “Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi.” Về đến nhà, bà thấy đứa trẻ nằm trên giường và quỷ đã xuất.

Suy niệm:

Để có được cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su với người phụ nữ, hai bên đã phải vượt qua nhiều đường ranh, nhiều rào cản. Đức Giê-su đã bỏ đất Ít-ra-en để đến vùng Tia, vùng đất ô uế của dân ngoại. Người đàn bà dân ngoại đã vượt qua sự ngăn cách với người đàn ông Do-thái. Qua câu đáp của bà, bà cũng vượt qua được sự lụy phục thường gặp nơi phụ nữ sống trong một nền văn hóa do đàn ông làm chủ ở thế kỷ đầu.

Trong Tin Mừng Mác-cô, đây là phép lạ duy nhất nhắm đến dân ngoại. Rõ ràng, Đức Giê-su không có ý làm phép lạ trừ quỷ này. Chúng ta ngạc nhiên khi thấy Ngài từ chối giúp người phụ nữ, rồi lại đổi ý. Nhiều người không tin đây là cách cư xử vốn có của Đức Giê-su trước nỗi đau của người mẹ có con bị quỷ ám. Tuy nhiên, nên nhớ rằng sứ vụ của Ngài không bao gồm dân ngoại. Ngài chỉ được sai đến với dân Ít-ra-en, để rồi chính môn đệ Ngài sẽ chịu trách nhiệm đến với dân ngoại.

Hãy lắng nghe cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và người phụ nữ. Bà nài xin Ngài đuổi quỷ ra khỏi con gái của bà, nhưng bà đã phải nghe một câu trả lời rất khó chịu và có thể gây tổn thương. “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con” (c. 27). Đức Giê-su ví dân Do-thái với những đứa con trong nhà, còn dân ngoại là mẹ con bà, được ví với chó con. Con cái dĩ nhiên là có quyền ưu tiên rồi, được ăn bánh trước. Bánh của con cái đương nhiên không nên ném xuống đất cho chó con. Với người khác, câu trả lời gây sốc của Đức Giê-su có thể khép lại mọi hy vọng. Nhưng đối với bà, chính câu nói này lại mở ra niềm hy vọng mới. “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con” (c. 28). Bà khiêm tốn nhận mình là chó con, được nuôi trong nhà, nằm dưới gầm bàn lúc mọi người ăn uống, nên thi thoảng cũng được đám con cái cho ăn những mảnh bánh vụn. Như thế, những đứa con cũng chẳng giữ riêng tấm bánh cho mình. Chúng cũng biết chia sẻ, thậm chí cho mấy chú chó con. Hôm nay, bà chẳng xin Ngài cho tấm bánh trên bàn dành cho con cái, bà chỉ xin Ngài cho vụn bánh dành cho chó con nằm dưới bàn.

Đức Giê-su hẳn đã hết sức bất ngờ với câu trả lời này, vừa tin tưởng, hy vọng, vừa khiêm tốn, khôn ngoan. Chính câu trả lời này đã chinh phục và làm cho Đức Giê-su đổi ý. “Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi” (c. 29). Phép lạ này rất “lạ”, vì Đức Giê-su đã đuổi quỷ từ xa, và Ngài cũng chẳng đưa ra một lời uy quyền nào để đuổi quỷ. Khi người mẹ này về nhà, thì thấy con gái mình đã được bình an.

Chúng ta học được gì nơi cách cư xử của người phụ nữ? Chúng ta học được gì nơi thái độ của Đức Giê-su?

Cha An-tôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Scroll to Top