Thứ Năm Tuần XXI Thường Niên – 25/08/2022

Lời Chúa – Mt 24,42-51:

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.

“Vậy thì ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc? Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. Nhưng nếu tên đầy tớ xấu xa ấy nghĩ bụng: “Còn lâu chủ ta mới về”, thế rồi hắn bắt đầu đánh đập các đồng bạn, và chè chén với những bọn say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không chờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt chung số phận với những tên giả hình: ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

Suy niệm:

Châm ngôn của hướng đạo sinh là “Sắp Sẵn”, nghĩa là hãy sẵn sàng. Không rõ ông tổ của phong trào hướng đạo có được gợi hứng từ bài Tin Mừng hôm nay không. Nhưng “hãy sẵn sàng” đúng là châm ngôn của mọi Ki-tô hữu, từ những Ki-tô hữu sống ở thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ XXI và cho đến tận thế. “Hãy sẵn sàng” vì từng Ki-tô hữu cũng như cả Ki-tô Giáo vẫn luôn ở trạng thái chờ Chúa Ki-tô trở lại. Ngài đã đến làm người cách đây hai ngàn năm, Ngài đã cứu độ nhân loại bằng cuộc sống và cái chết trên thập giá, Ngài vẫn đang ở với Giáo Hội nhờ Thánh Thần, nhưng Ngài sẽ trở lại trong vinh quang như Đấng phán xét cả thế giới. Đó là điều chúng ta chờ mong, điều duy nhất Ngài chưa thực hiện.

Nếu chủ nhà biết canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông sẽ canh thức, không để nó khoét vách nhà mình (c. 43). Còn người Ki-tô hữu, vì không biết ngày nào, giờ nào Chúa trở lại, nên họ phải canh thức luôn luôn, phải sẵn sàng liên lỉ. Canh thức không phải là không ngủ. Canh thức là sống đời sống Ki-tô hữu của mình cách trung tín, quảng đại. Canh thức không làm chúng ta bị căng thẳng thường xuyên vì thấy mình như bị đe dọa bởi một tai họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chúa cũng không cố ý đến bất ngờ, để ta không kịp trở tay. Đơn giản là chúng ta biết chắc chắn Ngài sẽ đến, nên chúng ta luôn sẵn sàng. Chuyện khi nào Ngài đến không làm chúng ta lo âu và sợ hãi nữa, vì cả cuộc sống của chúng ta đã là một sự chuẩn bị, một đợi chờ.

Canh thức cũng có nghĩa là làm tròn phận sự Chúa trao. Ông chủ đi vắng nên trao cho người đầy tớ quyền cấp phát lương thực. Đó là quyền hành và cũng là phận sự đối với các gia nhân. Nếu khi trở về, ông chủ thấy người đầy tớ ấy đang phục vụ nghiêm chỉnh, thì phúc cho anh ta, vì anh sẽ được coi sóc toàn bộ tài sản của ông (c. 47). Nhưng nếu anh ta nghĩ rằng ông chủ sẽ về muộn, anh còn nhiều thời giờ để vui chơi hơn là chu toàn bổn phận. Nếu anh ta lạm dụng quyền lực trong tay để đánh đập các đầy tớ khác, nếu anh ta nhậu nhẹt với bọn say sưa, nên không còn tỉnh thức đủ, thì ông chủ sẽ về bất ngờ, vào ngày và giờ sớm hơn anh nghĩ. Lúc ấy, khuôn mặt thật của anh sẽ lộ ra, khuôn mặt giả hình. Và anh sẽ chịu chung số phận với những người đạo đức giả (c. 51).

Anh đầy tớ xấu xa nghĩ chủ sẽ về trễ, nào ngờ chủ về sớm. Ki-tô Giáo đã chờ Chúa quang lâm từ hơn hai mươi thế kỷ. Có người nản lòng, nên cho rằng chắc còn lâu lắm mới đến ngày đó. Có người đồn thổi lung tung rằng ngày tận thế sắp xảy ra tới nơi rồi. Cả hai thái độ đều không đúng. Điều quan trọng đối với người môn đệ là trung tín chu toàn công việc. Tỉnh thức và sẵn sàng giúp ta luôn bình an, dù ngày mai tận thế.

Cha An-tôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Scroll to Top