Thứ Năm Tuần XXIV Thường Niên – 15/09/2022

Đức Mẹ sầu bi, lễ nhớ

Lời Chúa – Ga 19,25-27:

Khi ấy, đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

Suy niệm:

Chúng ta thường suy ngắm bảy nỗi đau của Đức Mẹ, khi Mẹ nghe lời tiên tri của cụ Si-mê-ôn về Con, đưa Con trốn qua Ai-cập, mất Con nơi Đền thờ, cùng Con lên đồi Can-vê, khi đứng bên Con chịu đóng đinh, hạ xác Con xuống khỏi thập giá, và chôn táng Con trong mộ. Những nỗi đau này đi dọc theo đời của người đã thưa tiếng Xin Vâng. Những nỗi đau trong lòng người Mẹ, đau vì Con và với Con. Ngoài bảy nỗi đau này, còn có bao nỗi đau khác không được kể tới. Chỉ ai yêu mới biết đau.

Khi vẽ hay điêu khắc hình Đức Mẹ, các nghệ sĩ thường trình bày một Đức Mẹ với khuôn mặt rất vui tươi. Lễ Đức Mẹ sầu bi nhắc cho ta thấy đời Mẹ cũng có khi buồn. Vui buồn ở đời là chuyện mấy ai tránh khỏi. Cần ngắm nhìn khuôn mặt lo lắng của Mẹ khi mất Con hay đem con đi trốn. Cần chứng kiến khuôn mặt đớn đau của Mẹ khi đứng bên Con trên núi Sọ. Chính khuôn mặt buồn khổ của Mẹ lại làm chúng ta thấy gần Mẹ hơn. Khi chia sẻ mọi đau khổ của kiếp người long đong, Mẹ cảm thông với cái nặng nề của phận người mà ta gánh chịu.

Chúng ta vẫn thường nghĩ đau khổ là hậu quả của tội lỗi. Điều đó đúng, nhưng không luôn luôn đúng. Mẹ được Thiên Chúa gìn giữ khỏi vết nhơ của tội nguyên tổ, và Mẹ đã đáp lại ơn Chúa bằng việc luôn trung tín, vẹn tuyền. Nhưng điều đó không làm Mẹ tránh được mọi đau khổ. Thánh giá đã phủ bóng trên đời Mẹ ngay từ tiếng Xin Vâng đầu tiên. Khi chấp nhận làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Mẹ đã bắt đầu phải trả giá. Mẹ yêu mến Người Con mà Thiên Chúa ban cho mình, nhưng đôi tay Mẹ không đủ sức giữ kho tàng quý giá ấy. Mẹ hy sinh để Con Mẹ bước đi trên con đường khúc khuỷu gập ghềnh. Nhưng trong đau khổ của hy sinh, Mẹ bình an vì biết mình sống theo ý Chúa.

Hãy đến với Núi Sọ chiều hôm ấy để thấy Mẹ đứng gần thập giá treo Con. Mẹ đã có mặt trong tiệc cưới Ca-na khi Con khởi đầu sứ vụ (Ga 2,1-12). Bây giờ, Mẹ lại có mặt khi Con hoàn tất sứ vụ ấy (Ga 19,30). Dù không theo Đức Giê-su trên mọi nẻo đường loan báo Tin Mừng, nhưng Mẹ là môn đệ của Ngài còn hơn những môn đệ khác. Mẹ không chạy trốn, nhưng muốn nếm trọn nỗi đau của Con để sẻ chia. Chính vào giây phút này, Đức Giê-su hấp hối làm điều không ai ngờ. Ngài nối kết Mẹ Ngài và người môn đệ Ngài dấu yêu, đặt Mẹ làm mẹ người môn đệ ấy: Thưa Bà, đây là con của Bà (c. 26). và muốn người môn đệ ấy làm con của Mẹ: Đây là mẹ của anh (c. 27). Chính dưới chân thập giá, Đức Giê-su đã lập một gia đình mới. Mẹ là Mẹ của Đức Giê-su ở Ca-na, bây giờ thành Mẹ của người môn đệ. Nơi người môn đệ này, các Ki-tô hữu thấy hình ảnh của chính mình. Chúng ta cũng muốn đón Mẹ về nhà và nhận Mẹ làm Mẹ. Mẹ sẽ là người lo cho chúng ta trong ngôi nhà của gia đình mới.

Cha An-tôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Scroll to Top