Thứ Sáu Tuần XIV Thường Niên – 08/07/2022

Lời Chúa – Mt 10,16-23:

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu.

“Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.

“Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.

“Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Ít-ra-en, thì Con Người đã đến.”

Suy niệm:

Tháng 8 năm 2008, tại vùng Orissa ở đông bắc Ấn Độ, có một người theo chủ nghĩa dân tộc thuộc Ấn giáo, bị bắn chết. Một tờ báo địa phương đã qui tội cho các Ki-tô hữu. Lập tức, một làn sóng bạo động nổi lên từ những người Ấn giáo cực đoan. Kết quả là hàng chục người chết, hàng ngàn người bị thương, 50 nhà thờ bị đốt, 4000 nhà người Ki-tô hữu bị phá hủy, hàng chục ngàn người không cửa không nhà, phải sống trong các trại cứu trợ. Nhiều Ki-tô hữu thuộc giai cấp thấp nhất trong xã hội Ấn Độ, giai cấp của những người Dalit, những kẻ bị coi là tiện dân. Người Dalit đã bỏ Ấn giáo để theo Ki-tô Giáo và họ đã lấy lại được nhân phẩm cùng những quyền lợi về kinh tế xã hội. Họ được giáo dục tử tế, nên giai cấp thống trị không lợi dụng họ được nữa. Chính vì thế mà họ bị phân biệt đối xử và bị bách hại.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã tiên báo về các bách hại đó. Những gì Ngài phải chịu thì các môn đệ cũng sẽ phải chịu, vì tôi tớ không hơn chủ, môn đệ không hơn thầy. Hãy để ý đến những động từ nói lên nỗi thống khổ của các Ki-tô hữu: bị nộp, bị đánh đập, bị điệu ra nơi hội đường và trước mặt vua quan, bị tra hỏi, bị thù ghét và cuối cùng là bị giết, có khi bởi người nhà (c. 21). Những điều này Đức Giê-su đều đã trải qua. Mọi sự họ chịu đều “vì Đức Giê-su”, “vì Danh Đức Giê-su” (cc. 18.22). Nơi tòa án, có sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa Ba Ngôi. “Chính Thần Khí của Chúa Cha sẽ nói trong anh em” (c. 20), để giúp anh em can đảm tuyên xưng niềm tin vào Đức Giê-su, Con Cha. Bởi đó người Ki-tô hữu ra tòa mà lòng rất bình an, chẳng lo gì (c. 19). Họ được Thiên Chúa dạy điều phải nói và Thần Khí nói qua miệng họ. Với sự nâng đỡ đặc biệt ấy, họ có thể bền chí đến cùng và sẽ được cứu độ.

Các Ki-tô hữu sẽ còn bị bách hại đến tận thế. Họ không phải là những người thích tỏ ra mình anh hùng, đòi tử đạo. Nhưng họ là những người khiêm tốn, khôn ngoan, biết trốn đi thành khác khi bị bắt bớ ở thành này (c. 23). Chịu bách hại là điều nằm trong ơn gọi của người Ki-tô hữu, là cái giá phải trả để sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô. Ngay cả ở những quốc gia Tây phương tự hào là có tự do tôn giáo, vẫn có những kiểu bách hại ngấm ngầm và tinh vi, khác với kiểu đòi bước qua thánh giá thời vua Minh Mạng, Tự Đức.

Sống là Ki-tô hữu như Đức Ki-tô muốn đòi ta phải lội ngược dòng. Lội ngược dòng bao giờ cũng khó và làm người khác bực bội, sợ hãi. Làm sao để các bạn trẻ Công Giáo dám sống theo những giá trị của Giê-su? Làm sao để các gia đình Công Giáo không bị thói đời lôi cuốn?

Cha An-tôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Scroll to Top