Thứ Sáu Tuần XXXI Thường Niên - 04/11/2022
Thánh Carôlô Bôrômêô, Giám mục, lễ nhớ
Lời Chúa - Lc 16,1-8:
Một hôm, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!” Người quản gia liền nghĩ bụng: “Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!”
Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu ô-liu.” Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.” Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: “Một ngàn giạ lúa.” Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.”
Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.”
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay gợi cho ta câu chuyện về Mạnh Thường Quân. Ông là tướng quân của nước Tề vào thời Chiến Quốc. Khi ông sai Phùng Huyên sang đất Tiết đòi nợ về cho mình, Phùng Huyên lại đốt giấy nợ của nhiều người và tha luôn nợ cho họ. Mạnh Thường Quân không hiểu hết được ý nghĩa việc làm này. Một năm sau, khi không được vua Tề tin dùng nữa, Mạnh Thường Quân phải lui về đất Tiết để cư ngụ. Dân chúng đổ xô ra đón ông như một vị ân nhân đáng kính. Bấy giờ, ông mới hiểu việc làm khôn ngoan trước đây của Phùng Huyên.
Bài Tin Mừng hôm nay có thể làm chúng ta bối rối. Người quản gia bị mang tiếng là phung phí tài sản của chủ. Anh phải nghỉ việc, dù không rõ tiếng tiếng đồn ấy có đúng không. Anh không được bào chữa gì cho chính mình. Bây giờ, anh chỉ lo chuyện tương lai, sau khi thất nghiệp. Anh suy nghĩ như một độc thoại: “Mình sẽ làm gì đây?” Và anh nhận ra những hạn chế của mình về thân xác và tâm lý. “Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi” (c. 3). Dường như một ý nghĩ đã lóe lên trong anh. “Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!” (c. 4).
Anh quản gia chỉ có một thời gian ngắn để thu xếp trước khi ra đi. Anh đã gọi các con nợ của chủ đến, và trong tư cách là người còn có quyền, anh cho họ tự tay viết lại giấy nợ. Họ đều là người nợ ông chủ những số nợ lớn. Số nợ này được giảm đáng kể, dưới sự gợi ý của anh quản gia. Một trăm thùng dầu ô-liu, nay chỉ còn nợ năm chục. Một ngàn giạ lúa, bây giờ chỉ còn nợ tám trăm. Dĩ nhiên, đối với anh, tất cả đều phải theo nguyên tắc có qua có lại. Anh đã cho họ được hưởng lợi vào lúc này, thì hẳn họ sẽ phải nhớ đến anh lúc anh sa cơ lỡ vận (c. 4).
Ông chủ chắc đã biết trò gian xảo của anh. Những lời đồn đại trước đây quả không hoàn toàn vô căn cứ (c. 1). Anh đúng là một tên quản gia bất lương. Vậy mà ông chủ đã khen anh, điều này làm chúng ta bị sốc. Nhưng chủ không hề khen sự bất lương của anh. Ông chỉ khen anh về cách hành động khôn khéo (c. 8). Anh khôn khéo vì anh biết nghĩ ra cách để tìm được bảo đảm cho mình, dù đó chỉ là thứ bảo đảm vật chất ở đời này có tính tạm bợ.
Đức Giêsu lấy làm tiếc vì con cái ánh sáng là chúng ta lại không có được sự khôn ngoan như con cái đời này. Người ngoài đời có nhiều bí quyết để làm giàu, để thành đạt. Họ có đủ khôn khéo để công việc kinh doanh được trôi chảy. Họ dám có sáng kiến và dám liều để đem ra thực hiện. Ước gì chúng ta có sự khôn ngoan đích thực và ngay thẳng, nghĩa là biết khéo tận dụng mọi sự mình có, để được gặp Chúa ở đời này và được hạnh phúc ở đời sau.
Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.
Bài viết liên quan