Thứ Tư Tuần VII Thường Niên – 22/05/2024

Lời Chúa – Mc 9,38-40:

Khi ấy, ông Gio-an nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” Đức Giê-su bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.”

Suy niệm:

Sau khi Thầy Giê-su loan báo cuộc Khổ Nạn và Phục sinh lần hai, các môn đệ đã cãi nhau ngay ngoài đường xem ai là người lớn nhất. Như thế, tham vọng cá nhân vẫn tồn tại cả nơi những người đã bỏ mọi sự mà theo Thầy (Mc 9,33-37). Sau vụ tranh cãi có tính nội bộ trên, bài Phúc Âm hôm nay kể lại chuyện tranh cãi với người ngoài nhóm.

Gio-an, “con của Thiên Lôi”, là người khởi đầu câu chuyện. Thực ra, ông chỉ là người nói lên phản ứng chung của các anh em. Họ bực bội vì có người “không theo chúng ta”, không ở trong nhóm, mà lại dám lấy Danh Thầy Giê-su để trừ quỷ (c. 38). Và thực sự người đó đã trừ được một cách thành công. Danh Giê-su có sức mạnh trừ quỷ, đó là điều không thể chối cãi. Nhưng đối với Gio-an và các bạn của ông, chỉ những người trong nhóm mới có quyền dùng Danh ấy. Chính vì thế, Gio-an thú nhận: “chúng con đã cố ngăn cản…” Họ muốn độc quyền sử dụng Danh Thầy, nghĩa là muốn bảo vệ quyền lợi và chỗ đứng của nhóm. Nếu ai cũng lấy Danh Giê-su mà trừ quỷ, thì còn thế giá gì cho các ông!

Chẳng rõ các môn đệ đã làm gì để ngăn cản người kia, chỉ biết Thầy Giê-su không chấp nhận thái độ cấm đoán ấy (c. 39). Thầy bao dung và cởi mở hơn nhiều. Thầy có cái nhìn lạc quan về người đã nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Hẳn người ấy có niềm tin nào đó vào Thầy, vào quyền năng của Danh Thầy. Như thế, anh ấy đã có tương quan ít nhiều với Thầy, dù không theo Thầy làm môn đệ chính thức trong nhóm. “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (c. 40). Nguyên tắc này của Đức Giê-su khiến chúng ta có thêm nhiều bạn, và bớt số người mà ta nghĩ là kẻ thù. Nó khiến chúng ta ra khỏi sự lo sợ vì quyền lợi mình bị đe dọa và tránh được những tranh chấp không đáng có.

Thật ra, thái độ khép kín và độc quyền thường bắt nguồn từ sự ích kỷ chứ không phải từ lòng đạo đức thực sự. Có thứ khép kín ích kỷ của một cá nhân, nhưng cũng có sự khép kín ích kỷ của một tập thể, một họ đạo, một dòng tu, một tôn giáo, một quốc gia. Đức Giê-su mời chúng ta vượt ra khỏi ranh giới của nhóm mình, để mở ra với thế giới, với các Ki-tô hữu khác, với những người không tin. Chúng ta cần thấy những điều chân thiện mỹ nơi họ như những tia nắng đến từ Vừng Đông rực rỡ là Đức Giê-su và cảm được mối dây thầm kín kết nối họ với Thiên Chúa. Cần tập nhận ra Đức Giê-su đang hiện diện và hoạt động ở những nơi, những tổ chức và những người mà ta không ngờ. Rao giảng Tin Mừng cho một người là nói với người ấy rằng anh đã quen biết Giê-su và Giê-su đã ở trong anh từ lâu.

Cha An-tôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Lên đầu trang