Thứ Tư Tuần XXV Thường Niên – 21/09/2022

THÁNH MÁT-THÊU, TÔNG ĐỒ, TÁC GIẢ TIN MỪNG, lễ kính

Lời Chúa – Mt 9,9-13:

Khi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.

Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?” Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

Suy niệm:

Thầy Giê-su gọi bốn môn đệ đầu tiên khi họ đang làm việc. Người thì đang quăng lưới ngoài khơi, kẻ thì đang vá lưới trong thuyền (Mt 4,18-22). Khi Thầy gọi Mát-thêu, anh cũng đang làm việc ở trạm thu thuế. Anh đang ngồi, vững vàng trong nghề nghiệp của mình, dù nghề của anh thường bị coi là nghề rất xấu. Thầy Giê-su như tình cờ đi ngang qua bàn làm việc của anh. Ngài chỉ nói một câu rất ngắn: “Anh hãy theo tôi!” Mát-thêu không đáp lại, nhưng anh trả lời bằng hành động. Từ vị thế đang ngồi, anh bỏ dở công việc để đứng lên và theo Thầy. Từ vị thế vững vàng, anh bắt đầu bước vào cuộc phiêu lưu bấp bênh. Từ vị thế của tội nhân, anh trở thành người môn đệ thân thiết.

Mát-thêu nằm trong danh sách nhóm Mười Hai (Mt 10,3). Thầy Giê-su không sợ mất tiếng khi nhận anh vào nhóm. Nhóm của Thầy không chỉ gồm những người thánh thiện, nhưng có cả những tội nhân giàu lòng hoán cải. Mát-thêu có đóng góp gì cho nhóm Mười Hai không? Nghề thu thuế với giấy bút có giúp gì cho các ngư phủ ít học không? Hôm nay chúng ta mừng lễ Tông đồ Mát-thêu, người thu thuế trở nên Tác giả sách Tin Mừng. Mát-thêu làm nghề bị đồng bào của ông khinh miệt, vì nghề này dễ dẫn người ta đến chỗ lạm thu, bỏ tiền vào túi riêng. Nghề này còn là một sự sỉ nhục vì cộng tác với ngoại bang bóc lột dân, đụng chạm đến đồng tiền ô uế và tiếp xúc với dân ngoại. Khi trở nên môn đệ của Thầy, Mát-thêu đã trở nên người phục vụ đồng bào. Ông dùng khả năng của mình mà viết sách Tin Mừng. Đây là Tin Mừng lớn mà ông loan báo: Đức Giê-su chính là Đấng Mê-si-a. Không phải chờ gì nữa, Đấng Mê-si-a đã đến rồi! Ngài làm trọn những lời đã được loan báo trong Cựu Ước.

Mát-thêu đã tìm ra ngôn ngữ để nói với Dân Chúa sao cho họ hiểu được. Ông đã trình bày dung mạo Đức Giê-su cho người cùng thời với ông. Chúng ta cũng phải có khả năng giới thiệu Đức Giê-su cho người thời nay, nghĩa là biết, hiểu và nói được ngôn ngữ của thế giới, để thế giới nghe và hiểu được. Chúng ta vẫn phải tiếp tục viết các sách Tin Mừng cho thời đại hôm nay, phù hợp với não trạng và tâm thức của họ, với nền văn hóa đương đại. Đâu là khuôn mặt Đấng Cứu độ mà con người hôm nay ngóng chờ? Con người thời nay khỏe mạnh về nhiều mặt, nhưng vẫn là người đau ốm cần đến thầy thuốc (c. 12). Họ mong mình được giải phóng khỏi điều gì? Đức Giê-su Ki-tô có thể đáp ứng được những khao khát đó không? Lời rao giảng và cuộc sống của chúng ta phải cho thấy Đức Giê-su có thể chữa lành và đem lại một thế giới hạnh phúc. Ước gì chúng ta có lòng nhân và sự bao dung như Đức Giê-su, dám đồng bàn với con người hôm nay để dẫn họ đến bàn tiệc thiên quốc.

Cha An-tôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Scroll to Top