Bài 3. Bầu khí Phụng vụ
“Con người, một thụ tạo vừa có thân xác vừa thiêng liêng, diễn tả và tiếp nhận các thực tại thiêng liêng qua dấu chỉ và biểu tượng vật chất. Con người có tính xã hội, nên cần dấu chỉ và biểu tượng để giao tiếp với tha nhân qua ngôn ngữ, cử chỉ, hành động. Trong tương quan với Thiên Chúa cũng thế” (GLHTCG 1146).
Không thể có lễ hội nếu không có nghi thức kèm theo những dấu chỉ và biểu tượng. Bỏ hết đi những dấu chỉ và biểu tượng, đời sống tôn giáo sẽ nghèo nàn và tẻ nhạt. Ngược lại, quá chú tâm đến nghi thức mà đánh mất nội tâm, tôn giáo có nguy cơ biến thành mê tín dị đoan. Khi cử hành Phụng vụ, tất cả con người chúng ta phải tham dự vào việc cử hành, không những tâm tình, trí tuệ mà tất cả mọi cơ năng của thân xác.
I. CON NGƯỜI CẦN DẤU CHỈ VÀ BIỂU TƯỢNG
Giả như chỉ có lời nói xuông thôi, tình yêu của chúng ta đối với nhau sẽ như thế nào? Trong những giờ phút quan trọng nhất của đời người, dù vui hay buồn, cần phải có những lời nói và cử chỉ kèm theo mới có thể đánh động lòng người. Trong lãnh vực tôn giáo, thì cử chỉ nghi lễ càng cần thiết để diễn tả những mầu nhiệm, những gì mà lời nói không thể diễn tả hết ý nghĩa.
Thật vậy, lời nói có khả năng làm cho người ta bùi ngùi cảm động, chạm tự ái hay bị tổn thương, hoặc trấn an,... là vì trong lời nói đó có những ‘dấu hiệu’ diễn đạt tình mến hay khinh khi,... Hơn nữa, con người có tính xã hội nên rất cần đến dấu chỉ và biểu tượng để giao tiếp. Tuy không làm nên cuộc sống, nhưng nghi lễ lại rất cần cho con người vì nó trao ban một ý nghĩa, làm cho con người trở thành người hơn, như chất keo gắn kết mọi người, vì không có nghi lễ, con người sẽ chỉ làm việc như con ong cái kiến.
Biểu tượng là những yếu tố vật chất hữu hình mà qua đó người ta kiến tạo cho nó một ý nghĩa theo tiến trình sau:
- Trước tiên, dấu chỉ phải là một yếu tố hữu hình. Ví dụ: màu sắc, hình ảnh, vật thể,...
- Thứ đến, nhờ dấu chỉ hữu hình này mà chúng ta thấy được một cái khác nó. Ví dụ: nhìn khói nghĩ tới lửa, quốc kỳ nghĩ tới tổ quốc,...
- Sau cùng, biểu tượng hướng chúng ta đến một ý nghĩa hay một thực tại ngoài tầm kinh nghiệm cảm giác. Ví dụ: màu đỏ chỉ máu tử đạo, ngón tay chỉ sức mạnh,...
Tuy nhiên, dấu chỉ nhiều khi cũng có nghĩa tương phản, (nước chỉ sự sống hoặc sự chết), hoặc sự vật tự nó không có nghĩa nhưng do người ta quy ước, hoặc dấu chỉ biểu tượng cho một ý nghĩa khác nhau tùy theo nền văn hóa hay địa phương (màu trắng chỉ tang tóc đối với người Việt, còn Tây phương lại dùng màu đen).
II. THIÊN CHÚA BAN ƠN QUA DẤU CHỈ
Khi Thiên Chúa làm một dấu chỉ nào đó, Người làm theo khả năng hiểu biết và đón nhận của chúng ta. Bí tích là dấu chỉ nhằm diễn tả một ý nghĩa thiêng liêng nhưng có thực. Dấu chỉ lớn nhất của Thiên Chúa là việc Người sai Con mình đến thế gian để mặc khải cho chúng ta biết về Chúa Cha. Vì thế chúng ta có thể nói rằng Chúa Kitô là Bí Tích tuyệt hảo nhất diễn tả việc Thiên Chúa gặp gỡ loài người. Đến lượt Hội Thánh là ‘bí tích’ diễn tả sự hiện diện của Chúa Kitô ở giữa chúng ta. Trong Hội Thánh, mỗi bí tích là một lời, một dấu hiệu của ơn cứu độ .
Phụng vụ sử dụng rất nhiều dấu chỉ và biểu tượng để chúng ta nhận biết hành động của Thiên Chúa và diễn tả thái độ tôn thờ của con người. Dấu chỉ tự nó không có ý nghĩa, song Hội Thánh mặc cho nó một ý nghĩa, khác với những gì mà chúng ta thấy. Dấu chỉ được dùng trong các bí tích lại là yếu tố thành sự và hữu hiệu làm nên bí tích. Các bí tích thường dùng hai loại dấu chỉ: dấu chỉ bằng lời và dấu chỉ bằng sự vật hay hành động (nước, đặt tay, đọc lời cầu nguyện).
Kinh Thánh dùng rất nhiều dấu chỉ và biểu tượng (xức dầu để phong vương, cầu vồng chỉ Giao Ước). Chúa Giêsu cũng sử dụng dấu chỉ song Ngài mặc cho nó một ý nghĩa mới (Manna / Bánh Hằng Sống, nước giếng Giacóp / nước hằng sống,...)
Hội Thánh là dấu chỉ (Bí tích) của Chúa Kitô vì Hội Thánh có nhiệm vụ lưu truyền sứ điệp của Chúa và được ủy thác trao ban các bí tích cho mọi người. Vì thế, Hội Thánh có sứ mạng tổ chức Phụng vụ và quy định các dấu chỉ và biểu tượng để diễn tả các thực tại thánh thiêng. Các dấu hiệu có thể thay đổi ý nghĩa theo thời gian, môi trường và văn hóa khác nhau. Hội Thánh dành quyền thích nghi Phụng vụ vào các nền văn hóa, cách cảm nghĩ của mỗi dân tộc, cho Giám mục và Hội đồng Giám mục. Về phần người tín hữu, cần tránh lối giải thích dấu chỉ theo trí tưởng tượng cá nhân và cũng đừng làm theo thói quen máy móc.
“Việc cử hành Thánh lễ, cũng như toàn bộ Phụng vụ, được thực hiện qua các dấu chỉ khả giác, nhờ đó, đức tin được nuôi dưỡng, củng cố và diễn tả. Vì thế, phải hết sức lo liệu, lựa chọn và sắp xếp các hình thức và các yếu tố Hội Thánh đã đề ra, để tùy theo hoàn cảnh nhân sự và nơi chốn, các hình thức và yếu tố đó giúp đắc lực hơn cho việc tham dự được tích cực và đầy đủ, đồng thời đáp ứng cách thích hợp hơn lợi ích thiêng liêng của tín hữu” (QCTQ 20).
III. CỬ CHỈ VÀ ĐIỆU BỘ TRONG PHỤNG VỤ
Con người hiện diện bên nhau là nhờ thân xác nên không thể có một Phụng vụ nào ngoài thân xác. Không thể có cử hành Phụng vụ mà không có dáng điệu và cử chỉ. Trước khi có tiếng nói đã có cử chỉ, và ngay cả im lặng cũng là một dấu chỉ. Cử chỉ có ngôn ngữ riêng. Tâm hồn và thể xác gắn liền nhau nên các cử chỉ và điệu bộ cũng góp phần rất lớn vào thái độ cung kính của con người đối với Thiên Chúa.
Có những cử chỉ đi kèm theo lời nói để nêu rõ giá trị của lời nói (đấm ngực khi đọc kinh Thú Nhận, đặt tay khi cầu nguyện, giơ tay khi chào,...), có những cử chỉ có tính biểu trưng, diễn tả một thực tại thuộc lãnh vực khác (chúc bình an, linh mục rửa tay sau khi chuẩn bị lễ vật).
Cử chỉ và điệu bộ trong Phụng vụ không phải là bộc phát tự do, song đã được sách Phụng vụ quy định rõ ràng :
“Cử chỉ và điệu bộ thân thể của vị tư tế, phó tế, các thừa tác viên, cũng như của giáo dân nhằm làm cho toàn bộ cuộc cử hành toát ra vẻ đẹp, sự thanh cao và đơn sơ, làm cho ý nghĩa thật sự và đầy đủ của các phần khác nhau được nhận thức và làm cho sự tham dự của mọi người được khuyến khích. Do đó, phải chú ý đến những gì được quy định bởi luật Phụng vụ và thực hành truyền thống của nghi lễ Rôma, và những gì mang lại lợi ích thiêng liêng chung cho Dân Chúa hơn là ý thích riêng hay tùy tiện” (QCTQ 42).
Sau đây là một vài điệu bộ liên quan đến toàn thân hoặc từng chi thể được quy định trong Phụng vụ:
1. Đứng
Đứng là tư thế cơ bản của vị chủ tế, và tín hữu để dâng lễ, tiếp đón và chào mừng. Đứng cũng là dấu chỉ kính trọng, cầu nguyện, tôn vinh và tỉnh thức của người tín hữu đối với Chúa và với nhau. Trong Kinh Thánh, đứng còn là tư thế của kẻ sống lại (Kh 7,9; 15,2), của những người vượt qua về miền đất hứa (Xh 12,11), của những con người tự do (Ga 5,1; Ep 6,1-4).
“Tín hữu đứng: từ đầu ca nhập lễ, hoặc khi vị tư tế tiến tới tiến tới bàn thờ, cho đến hết lời nguyện nhập lễ; khi hát Alleluia trong Tin Mừng; khi công bố Tin Mừng; khi đọc kinh Tin Kính và lời nguyện cho mọi người; từ lời mời ‘Anh chị em hãy cầu nguyện’ trước lời nguyện tiến lễ cho đến hết lễ” (Hội Thánh khuyến khích quỳ khi đọc Kinh Nguyện Thánh Thể) (QCTQ 43).
2. Ngồi
Ngồi là tư thế thoải mái của con người được Phụng vụ áp dụng trong việc lắng nghe, chiêm niệm và cầu nguyện.
Dáng điệu ngồi rất thích hợp cho việc các tín hữu lắng nghe các bài đọc Thánh Kinh, trừ bài Tin Mừng, hát Thánh vịnh đáp ca, khi nghe giảng, lúc chuẩn bị lễ vật, hoặc sau khi rước lễ (QCTQ 43).
3. Quỳ
Quỳ là dấu chỉ của lòng sám hối, tôn thờ và khẩn nài. Thánh Kinh nói nhiều đến việc quỳ gối cầu nguyện riêng (Cv 7,50; Cv 9,40; 20,30; Kn 41,43; Et 3,2; Lc 5,8; 22,41).
Trong thánh lễ khi đọc Kinh nguyện Thánh Thể là lúc Phụng vụ khuyên nên quỳ. “Những người không quỳ khi Truyền Phép thì phải cúi mình sâu khi vị tư tế quỳ gối sau Truyền Phép” (QCTQ 43).
4. Cúi mình
Cúi mình, phủ phục chỉ sự kính cẩn, hạ mình trước một ai đó lớn hơn mình. Đây là cử điệu thông thường của dân Chúa khi linh mục ban phép lành. Trong Thánh lễ quy định giáo dân phải cúi mình khi đọc “Bởi phép Chúa Thánh Thần... và đã làm người” trong kinh Tin Kính. Khi vào Nhà thờ hay cử hành Thánh lễ, thay vì bái gối, người Việt chúng ta bái mình, nghĩa là cúi mình sâu. Mỗi khi đọc tên Chúa Giêsu, tên Đức Maria và tên vị thánh mừng kính trong ngày thì vị chủ tế phải cúi đầu chỉ sự tôn kính đặc biệt các vị ấy (QCTQ 275).
5. Bước đi
Bước đi là cử động di chuyển, rời chỗ khi phải thi hành một chức năng (lên đọc Sách Thánh, lên rước Lễ,...).
6. Rước kiệu
Rước kiệu là dấu chỉ sự tôn vinh, hân hoan, cảm tạ, không nhằm sự khoa trương nhưng là cuộc rước của một cộng đoàn cầu nguyện. Trong Sách lễ Rôma có nói đến bốn lần rước kèm theo bài hát: rước chủ tế ra bàn thờ qua bài ca nhập lễ, rước Sách Tin Mừng đầu lễ và trước bài Phúc Âm qua tiền xuớng trước Phúc Âm, rước của lễ qua ca tiến lễ và đang lúc lên rước lễ qua ca hiệp lễ. Bài hát cũng sẽ chấm dứt ngay khi việc rước đã hoàn tất.
7. Chắp tay, khoanh tay
Chắp tay, khoanh tay chỉ sự nghiêm trang, kính trọng.
8. Đấm ngực
Đấm ngực chỉ sự khiêm nhường, hối lỗi.
9. Dang tay
Dang tay là cử chỉ cầu nguyện ngay từ thời các tông đồ.
10. Làm dấu thánh giá
Làm dấu thánh giá bắt nguồn từ nghi thức trừ tà trong việc tiếp nhận dự tòng, được lập lại trong đời sống thường ngày của Kitô hữu. Đây cũng là dấu chỉ nhận biết và minh chứng đức tin Kitô giáo. Các tín hữu phải tập ý thức mỗi khi làm dấu thánh giá với tất cả sự nghiêm trang, kính cẩn vì đó là dấu đức tin và cứu độ.
11. Thinh lặng
Thinh lặng cũng là một cử chỉ rất quan trọng và cần thiết phải giữ để tạo bầu khí Phụng vụ: im lặng để nghe và im lặng để suy niệm và cầu nguyện.
“Sự thinh lặng, kể như thành phần của việc cử hành Thánh lễ, cũng phải được tuân giữ đúng lúc. Bản chất của sự thinh lặng tùy thuộc vào lúc phải giữ trong Thánh lễ. Thật vậy, trong nghi thức sám hối và sau lời mời cầu nguyện, mỗi người hồi tâm lại; sau bài đọc và bài diễn giảng, mỗi người suy gẫm vắn tắt về những gì đã nghe; còn sau khi hiệp lễ thì ca ngợi và cầu xin Chúa trong lòng” (QCTQ 45).
12. Kêu cầu
Kêu cầu là cầu nguyện lớn tiếng để tung hô hay van xin, như kinh Xin Chúa thương xót, kinh Cầu các thánh.
IV. CÁC YẾU TỐ VẬT CHẤT DÙNG TRONG PHỤNG VỤ
Các vật dụng dùng trong Phụng vụ cũng biểu lộ những tâm tình Phụng vụ của người tín hữu:
1. Nến và ánh sáng
Nến và ánh sáng luôn được sử dụng trong các cử hành Phụng vụ để nói lên hình ảnh Đức Kitô là ánh sáng vĩnh cửu không bao giờ tắt: Nến Phục sinh biểu tượng cho Chúa Kitô; nến được thắp sáng từ nến phục sinh để trao cho tân tòng,...; nến thắp sáng bàn thờ, nến đi rước, canh thức,...
2. Hương lửa
Hương lửa biểu trưng cho các lời nguyện như hương trầm tỏa bay trước tôn nhan Thiên Chúa. Phụng vụ dùng hương lửa cho việc tôn kính các nơi thờ tự, tượng ảnh thánh, sách Phúc Âm, chủ tế và giáo dân (QCTQ 276). Thường là xông hương ba lần, mỗi lần hai nhịp. HĐGM Việt Nam trong thông cáo ngày 14/11/1974 cho phép thi hành và tham dự các nghi lễ thờ cúng tổ tiên nên tại Việt Nam việc xông hương có thể thay thế bằng việc thắp nhang, vái nhang hay niệm hương.
3. Hoa lá
Hoa lá mang ý nghĩa trang trí chỉ sự tôn vinh, niềm vui và tạ ơn.
4. Chén dĩa thánh
Chén dĩa thánh dùng để đựng Mình Máu thánh Chúa Kitô nên nó phải được kính trọng trong cách sử dụng và chế tạo đồ thánh. Các khăn thánh phải luôn được giữ sạch sẽ để nói lên lòng kính trọng.
5. Bánh lễ
Bánh lễ phải là bánh miến không men, rượu lễ phải là rượu nho tinh tuyền để tôn trọng truyền thống muốn tuân giữ các chất liệu mà xưa kia Chúa Giêsu đã dùng để biến đổi trở thành Mình Máu Ngài.
6. Các sách
Các sách dùng trong Phụng vụ như Sách Thánh, sách lễ, sách nghi thức phải được Tòa Thánh phê chuẩn, và mọi tín hữu phải có lòng kính cẩn gìn giữ.
7. Dầu thánh
Dầu thánh phải là dầu ôliu hay thực vật được làm phép do giám mục địa phương vào sáng thứ Năm tuần thánh, gồm ba loại: Dầu Thánh được dùng trước các bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức, Truyền Chức thánh, hay khi cung hiến thánh đường, bàn thờ. Dầu dự tòng xức cho dự tòng trước khi cử hành Bí tích Thánh Tẩy. Dầu bệnh nhân dùng cho Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân.
8. Nước
Nước mang nhiều ý nghĩa biểu tượng như sự sống, sự chết, giải khát, thanh tẩy,... được pha vào rượu nho khi dâng lễ, và đặc biệt trong Bí tích Thánh Tẩy.
9. Lễ phục
Lễ phục và màu sắc được dùng Phụng vụ cũng nói lên vẻ trang trọng và ý nghĩa của buổi cử hành. Y phục chung cho mọi thừa tác viên là áo dài trắng (alba); và theo quy định bất cứ ai xuất hiện trên Cung Thánh vào giờ cử hành Phụng vụ phải mang áo ốp (alba) này, hoặc áo dòng cộng thêm áo trắng ngắn (surplis). Phó tế mặc áo dài trắng với dây các phép (stola) đeo chéo từ vai trái sang hông bên phải. Linh mục mặc áo dài trắng, dây các phép, áo lễ.
Lễ phục màu trắng dùng trong thánh lễ mùa Phục Sinh và mùa Giáng Sinh, các lễ kính Chúa (trừ Cuộc Thương Khó), các lễ kính Đức Maria, các thiên thần, các thánh (trừ thánh tử đạo).
Lễ phục màu đỏ dùng trong Chúa Nhật lễ lá, thứ sáu tuần thánh, lễ Chúa Thánh Thần, lễ các tông đồ và thánh sử, và lễ thánh tử đạo.
Lễ phục màu xanh dùng cho các lễ mùa thường niên.
Lễ phục màu tím dùng trong lễ mùa Chay và mùa Vọng, hoặc trong lễ an táng, cầu hồn.
Riêng ở Việt Nam, lễ phục màu vàng có thể thay cho các màu lễ có tính trang trọng. Lễ phục màu đen cho lễ an táng, và màu hồng cho Chúa Nhật III mùa Vọng và Chúa Nhật IV mùa Chay, ít được sử dụng.
V. PHỤNG VỤ VÀ HỘI NHẬP VĂN HÓA
Con cá sống nhờ nước, con chim sống nhờ bầu trời, song con người không chỉ cần nước để sống, cần khí để thở mà còn nhờ đến văn hóa. Bất cứ nền văn hóa nào cũng cần đến dấu chỉ và biểu tượng để nói lên những ý nghĩa và quan niệm về cuộc sống. Lễ hội và nghi thức tôn giáo luôn phản ánh nền văn hóa dân tộc. Con Thiên Chúa làm người trên một mảnh đất, cho nên Tin Mừng Ngài rao giảng cũng mang đậm nét văn hóa một dân tộc. Tin Mừng lại được rao giảng khắp thế giới nên nó lại cần được bén rễ trong những nền văn hóa khác nhau.
Đó là sứ mạng của Hội Thánh trong việc thích nghi và hội nhập văn hóa:
“Bất cứ những gì trong tập tục, không liên quan mật thiết với dị đoan và lầm lạc, đều được Hội Thánh mến phục với thiện cảm, và nếu có thể, còn được bảo tồn trọn vẹn. Hơn nữa, đôi khi những tập tục đó còn được Hội Thánh nhận vào trong Phụng vụ, miễn sao hòa hợp với những nguyên tắc của tinh thần Phụng vụ đích thực và chân chính” (PV 37).
“Phụng vụ phải được cử hành phù hợp với đặc tính và văn hóa của các dân tộc. Để mầu nhiệm của Đức Kitô được thông báo cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa (x. Rm 16,26), Hội Thánh phải loan báo, cử hành và sống trong tất cả các nền văn hóa. Mầu nhiệm Đức Kitô không xóa bỏ, nhưng cứu chuộc và kiện toàn các nền văn hóa. Chính nhờ nền văn hóa riêng được Đức Kitô tiếp nhận và thanh luyện, đông đảo con cái Thiên Chúa đến được với Chúa Cha để tôn vinh Người trong cùng một Thánh Thần” (GLHTCG 1204).
TÓM LƯỢC
1. Dấu chỉ và biểu tượng là gì?
Trả lời: Dấu chỉ và biểu tượng là những yếu tố vật chất hữu hình, song người ta lại kiến tạo cho nó một ý nghĩa mới.
2. Tại sao cử chỉ và điệu bộ lại quan trọng trong các cử hành Phụng vụ của Hội Thánh?
Trả lời: Cử chỉ và điệu bộ quan trọng vì con người có thân xác và linh hồn nên cần có các cách diễn tả của thân xác để biểu lộ chiều sâu nội tâm. Hơn nữa, các cử chỉ và điệu bộ trong Phụng vụ đều có ý nghĩa riêng biệt, và khi cùng nhau thể hiện lại nói lên tính hiệp nhất của cộng đoàn.
3. Tính không gian của Phụng vụ là gì?
Trả lời: Tính không gian của Phụng vụ bao gồm nhiều yếu tố như dấu chỉ và biểu tượng, cử chỉ và điệu bộ, cùng các yếu tố vật chất sẽ tạo nên một bầu khí Phụng vụ nghiêm trang và linh thánh. Vì thế, các dấu chỉ phải có ý nghĩa, cử chỉ và điệu bộ phải nghiêm túc, các vật dụng và nơi cử hành phải sạch sẽ gọn gàng thì tham dự Phụng vụ mới sốt sắng.
CẦU NGUYỆN
“Lạy Chúa,
con chỉ là một viên gạch tầm thường nằm sát dưới chân tường.
Con không được như viên gạch xây cửa,
ở ngay tầm mắt người ta.
Con không được như viên gạch mặt tiền,
hãnh diện nhìn người qua kẻ lại
và sung sướng được người ta khen đẹp.
Con không được như viên gạch trong phòng khách,
hàng ngày được người ta lau chùi đánh bóng.
Con chỉ là một viên gạch tầm thường nằm sát chân tường.
Nhưng lạy Chúa, con vui vì chỗ ở của con,
con vui với nhiệm vụ của con.
Con mừng vì con cũng có góp phần trong ngôi nhà xinh đẹp này.
Không có những người góp phần nhỏ bé,
âm thầm như con thì bức tường sẽ đổ, ngôi nhà sẽ sập,
và những viên gạch xinh đẹp kia cũng chẳng còn.”