Bài 14. Phụng vụ Hôn Phối
“Hôn nhân giữa hai người được Rửa Tội là một Bí tích thực sự của Giao Ước Mới, vì biểu thị và thông ban ân sủng cho họ” (GLHTCG 1617).
Phụng vụ Hôn Phối là việc hai Ki-tô hữu, một nam một nữ, kết ước thành vợ chồng trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh trong sự tự do ưng thuận và không mắc ngăn trở tiêu hôn.
I. MỤC ĐÍCH HÔN NHÂN KI-TÔ GIÁO
Cử hành Hôn Phối là đón nhận ơn Chúa để chu toàn hai mục tiêu của đời sống hôn nhân và gia đình.
- Giúp phát triển con người, tức là “hướng tới thiện ích của đôi vợ chồng”, tương trợ nhau trong mọi lãnh vực, nhất là đời sống tính dục (vì nếu không đạt được hành vi vợ chồng thì hôn phối vô hiệu, như trong trường hợp người bất lực vĩnh viễn bị cấm kết hôn).
- Sinh sản và giáo dục con cái: Hội Thánh không còn coi truyền sinh như là chủ đích duy nhất và bắt buộc của hành vi vợ chồng nữa (hôn nhân của những người già và son sẻ vẫn thành sự), nhưng những ai chọn lựa Bí tích này đều phải mở ngỏ cho việc sinh sản.
II. ĐẶC TÍNH CỦA HÔN PHỐI CÔNG GIÁO
Hôn nhân Công Giáo mang những nét đặc trưng sau đây :
- Một tình yêu bất khả phân ly (vĩnh hôn) và độc hữu cho đến chết (đơn hôn), nghĩa là chỉ có một vợ một chồng và không thể đoạn tiêu cho đến khi một trong hai người qua đời. Hôn nhân đã thành sự và hoàn hợp không thể đoạn tiêu do sự thỏa thuận của hai vợ chồng hay của pháp luật xã hội hay do bất cứ một quyền bính nhân loại nào, kể cả Hội Thánh, vì đó là luật do Thiên Chúa thiết định (1 Cr 7,10-11.39; 1 Tx 4,4; Mt 5,31-32; 19,1-9; Mc 10,11-12; Lc 16,18).
- Một tình yêu phong nhiêu hướng về việc sinh sản và lo cho con cái được giáo dục về nhân bản và Ki-tô Giáo.
- Một tình yêu trọn vẹn gồm cả thể xác lẫn tinh thần.
- Một tình yêu toàn diện, san sẻ cho nhau suốt cả cuộc đời vui buồn, giàu nghèo, khổ đau hay an mạnh.
III. THỪA TÁC VIÊN VÀ NGƯỜI CHỨNG HÔN
Đôi nam nữ được coi là thừa tác viên ân sủng của Chúa Ki-tô, và họ ban Bí tích cho nhau khi tỏ bày sự ưng thuận kết hôn trước vị chứng hôn hợp pháp của Hội Thánh. Bày tỏ sự tự do ưng thuận là nghi lễ cốt yếu của việc cử hành Bí tích Hôn Phối, song thừa tác viên và người chứng hôn là nhân tố không thể thiếu trong việc cử hành Hôn Phối.
Người chứng hôn thông thường là những người có chức thánh (Giám mục, linh mục, phó tế) cùng với hai người làm chứng khác. Giáo dân chứng hôn ngoại lệ phải có phép đặc biệt của Giám mục Giáo phận với sự đồng ý của Hội Đồng Giám Mục và Toà Thánh (GL 1112), trừ trường hợp nguy tử (GL 1116).
Chứng hôn là bổn phận (không được từ chối khi họ không mắc ngăn trở nào) và quyền lợi (có thể ủy quyền chứng hôn) của Linh mục quản xứ đối với những người thuộc quyền mình ở bất cứ nơi nào (thuộc nhân), hoặc chứng hôn cho bất cứ ai muốn cử hành hôn phối trong phần đất của mình (thuộc địa) (GL 1109).
IV. HÔN PHỐI HỮU HIỆU VÀ HỢP PHÁP
Điều kiện để Bí tích Hôn Phối hữu hiệu và hợp pháp:
1. Phải là hai Ki-tô hữu, nếu thuộc hai Giáo Hội khác nhau thì phải xin phép Đấng Bản Quyền.
2. Đôi nam nữ bày tỏ sự ưng thuận kết hôn trước vị chứng hôn hợp pháp của Hội Thánh. Những thiếu sót, lầm lẫn về sự ưng thuận làm cho hôn nhân bất thành: lầm lẫn về người kết hôn (tư cách), kết hôn do man trá, giả vờ, bạo lực, sợ hãi (bắt cóc), điều kiện, lầm lẫn về luật.
3. Không mắc ngăn trở tiêu hôn:
- Ngăn trở về tuổi: Giáo luật qui định nam phải đủ 16 tuổi, nữ phải đủ 14 tuổi, nhưng cũng còn tùy thuộc HĐGM quyết định hạn tuổi, riêng ở Việt Nam là theo luật dân sự (18 và 20 tuổi).
- Ngăn trở do bất lực: bao lâu còn ngăn trở về phía người nam hay nữ (bất lực tạm thời hay vĩnh viễn), dù biết trước hay không biết trước, đều kết hôn bất thành vì nó hủy bỏ một trong những mục đích cốt yếu của hôn nhân là tương trợ nhau trong hành vi vợ chồng, và đương nhiên không thể sinh sản. Nếu bất lực chỉ xảy ra sau một thời gian chung sống thì vẫn được kể là Hôn Phối hữu hiệu và hợp pháp. Trường hợp son sẻ vẫn có thể kết hôn hữu hiệu vì họ không loại bỏ hai mục đích cốt yếu của Hôn Nhân là tương trợ nhau trong đời sống tính dục và hướng đến việc sinh con, dù rằng không đưa đến kết quả thụ thai.
- Ngăn trở do dây hôn phối: một trong hai người hoặc cả hai còn bị ràng buộc bởi Bí tích Hôn Phối hay hôn nhân tự nhiên thì việc kết hôn sau bất thành, trừ đặc ân Phao-lô (1 Cr 7,12-16) đối với hôn nhân tự nhiên.
Trường hợp một người theo đạo mà người kia vì lý do tòng giáo không chấp nhận chung sống thì được tháo gỡ khi người tân tòng tái hôn. Vì thế, đối với một hôn nhân tự nhiên đã ly dị, mà một người theo đạo thì không đương nhiên hủy bỏ dây hôn phối tự nhiên đó khi họ muốn tái hôn. Đặc ân Phao-lô nhằm bảo vệ đức tin của người được Rửa Tội miễn là bên không Rửa Tội đoạn tuyệt với họ (phải làm tờ chất vấn người phối ngẫu cũ theo Giáo Luật điều 1144), chứ không phải vì lý do đã ly dị trước đó.
- Ngăn trở họ máu và họ kết bạn (có họ do việc kết hôn): Cấm kết hôn giữa những người cùng chung một dòng máu trong các đời thuộc hàng dọc, còn hàng ngang thì được kết hôn khi đã quá 4 đời (tính đời bằng cách cộng tất cả các đời của hai bên lại trừ gốc). Đối với họ kết bạn, chỉ cấm kết hôn hàng dọc, có nghĩa là khi người phối ngẫu của mình qua đời thì không được tái hôn với cha mẹ hoặc con riêng của người phối ngẫu.
- Ngăn trở vì có chức thánh hoặc lời khấn trọn trong dòng tu (nếu cố tình kết hôn thì mang vạ tiền kết và huyền chức).
- Ngăn trở vì dưỡng hệ: Hôn Phối không hữu hiệu giữa bố mẹ nuôi với con nuôi hợp pháp (được pháp luật nhìn nhận), giữa anh chị em con đẻ với con nuôi (xin phép chuẩn). Luật này không áp dụng cho các trường hợp con thiêng liêng, đỡ đầu, anh chị em kết nghĩa.
Hôn nhân giữa những người mà một trong hai người trước kia đã từng chung sống công khai với bố mẹ hay con cháu (trực hệ) của người kia thì được xem là vô hiệu.
- Ngăn trở vì mưu sát phối ngẫu: Hôn nhân giữa những người cố tình hay cộng tác vào việc mưu sát người phối ngẫu của mình hay của người kia nhằm mục đích tái hôn thì vô hiệu.
- Ngăn trở vì khác biệt tôn giáo: Hôn nhân giữa một người Công Giáo với một người chưa được Rửa Tội là vô hiệu (phải xin phép chuẩn Hôn Phối khác đạo; tưởng lầm là đã được Rửa Tội cũng vô hiệu, sau đó có được Rửa Tội hay có xin phép chuẩn cũng phải cử hành lại). Trường hợp kết hôn với một người thuộc Giáo Hội khác cũng phải xin phép đặc biệt, nếu không xin phép thì Hôn Phối hữu hiệu nhưng bất hợp pháp (nghĩa là không phải cử hành lại nhưng phải xin phép chuẩn).
Hôn Phối đã cử hành theo nghi thức của Hội Thánh được xem là đã hữu hiệu nếu không mắc ngăn trở tiêu hôn. Tuy nhiên đây mới chỉ là một dấu chỉ chính yếu của Bí tích Hôn Phối (dấu chỉ bằng lời hôn ước), còn một dấu chỉ chính yếu bằng sự việc nữa là việc vợ chồng ăn ở với nhau một lần sau đó thì Bí tích được xem là đã hữu hiệu và hoàn hợp nên không thể tháo gỡ.
V. NGHI THỨC HÔN PHỐI
Bí tích Hôn Phối được cử hành trong Thánh lễ nhằm diễn tả tình yêu tự hiến mà vợ chồng trao cho nhau theo gương Chúa Ki-tô đã yêu thương Hội Thánh. Tuy nhiên vẫn có thể cử hành ngoài thánh lễ.
1. Phụng vụ Lời Chúa
Phụng vụ Lời Chúa không thể thiếu trong việc cử hành Hôn Phối trong hay ngoài Thánh lễ. Lời Chúa soi sáng cho việc kết ước hôn nhân trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
2. Cử hành Hôn Phối
- Vị chứng hôn thẩm vấn đôi bạn về sự tự do kết hôn.
- Chính đôi bạn công khai nói lời hôn ước trước vị chứng hôn và hai người làm chứng cũng như cộng đoàn. Lời ưng thuận này của đôi bạn là một đòi hỏi bắt buộc trong mọi cử hành Hôn Phối (cả hai có mặt, bày tỏ sự ưng thuận cách nào đó cũng không nhất thiết là lời nói).
- Nghi thức diễn nghĩa là việc trao nhẫn và ký Sổ Hôn Phối như một kỷ niệm để nhắc nhớ, chứ không phải là thiết yếu.
- Lời chúc hôn sau kinh Lạy Cha là xin Thiên Chúa chúc phúc cho hôn ước vừa ký kết.
- Sự hiệp thông Mình và Máu Chúa Ki-tô để củng cố và nuôi dưỡng tình yêu vợ chồng.
Trong trường hợp hôn phối giữa một người Công Giáo với một người chưa chịu phép Thánh Tẩy, hay thuộc một Giáo Hội khác thì cử hành ngoài Thánh lễ.
VI. THÁO GỠ DÂY HÔN PHỐI
Tháo gỡ Hôn Phối không phải là nghi thức Phụng vụ nhưng là công việc của Tòa án hôn phối của Giáo phận hay của Tòa Thánh sau khi đã điều tra, xem xét và phán quyết về một Hôn Phối nghi ngờ là chưa thành sự hoặc chưa hữu hiệu. Hôn nhân đã hữu hiệu và hoàn hợp không thể bị tháo gỡ bởi một quyền bính nhân loại nào, kể cả Hội Thánh, hay một nguyên do nào, ngoại trừ sự chết.
Hôn nhân hữu hiệu mà chưa hoàn hợp có thể được Tòa Thánh (vì còn thiếu một dấu chỉ chính yếu) gỡ bỏ, gọi là đặc ân Phê-rô.
Thực ra, Hội Thánh không có quyền tháo gỡ dây hôn phối đã hữu hiệu và hoàn hợp mà chỉ tuyên bố Bí tích Hôn Phối đã không hữu hiệu ngay từ đầu vì một lý do nào đó (ngăn trở tiêu hôn). Sự bất khả phân ly trong đời sống hôn nhân là giới luật của Thiên Chúa, Hội Thánh chỉ có thể tháo cởi (chuẩn) những gì thuộc luật qui định của con người .
VII. MỤC VỤ GIÁO LÝ
1.Thời gian tìm hiểu
Hôn nhân là một quyết định rất quan trọng, chi phối cả một đời người. Trước khi tiến tới hôn nhân cần có thời gian tìm hiểu, học hỏi, suy nghĩ, cầu nguyện và bàn hỏi vì hôn nhân là một hành trình dài hạn và gia đình là một cuộc chung sống suốt đời. Hơn nữa, cha quản xứ nào nhận chứng hôn đều cần có thời gian dạy giáo lý và điều tra hôn phối.
2. Giáo lý hôn nhân
Giáo lý hôn nhân và gia đình là một đòi hỏi rất quan trọng trong công việc mục vụ gia đình trước khi tiến tới hôn nhân. Học giáo lý hôn nhân không đương nhiên là phải kết hôn nhưng là giúp thanh niên có một cái nhìn và hướng đi đúng đắn về đời sống hôn nhân và gia đình. Trước khi kết hôn, họ phải biết mình sẽ đi đâu và sẽ làm gì trong một gia đình mới. Tiến tới hôn nhân mà không biết gì về trách nhiệm đời sống hôn nhân thì quả là mạo hiểm và hơi liều lĩnh cho chính mình mình và cho người khác.
3. Nuôi dưỡng tình yêu
Sự tự do ưng thuận kết hôn là một yếu tố pháp lý và thiết yếu làm nên Bí tích Hôn Phối, song tình yêu mới là nền tảng của hạnh phúc gia đình. Để quyết định hôn nhân được tự do cần có thời gian tìm hiểu, trau dồi kiến thức hôn nhân và gia đình; đồng thời tăng cường và thanh luyện tình yêu để đời sống chung mai này trổ sinh hoa quả thánh thiện. Sự tự do kết hôn ở đây không có nghĩa là đôi bạn được tự đặt ra những điều kiện hay những thỏa thuận ràng buộc, mà chỉ là tự do trong sự lựa chọn người bạn đời mà thôi. Giáo dục giới tính cũng là một nhu cầu khi bước vào hôn nhân, và đó là trách nhiệm trước tiên của gia đình. Các buổi hội thảo, chia sẻ với những người có kinh nghiệm và chuyên môn trong các lớp giáo lý hôn nhân là rất hữu ích.
4. Giáo lý viên có gia đình
Giáo xứ cũng nên có những giáo lý viên có gia đình, đứng tuổi và đời sống ổn định để đội ngũ giảng dạy giáo lý không bị xáo trộn khi lớp trẻ lập gia đình.
“Khi giáo lý viên lập gia đình, đời sống hôn nhân là thành phần của linh đạo. Đúng như Đức Thánh Cha quả quyết: “Giáo lý viên đã lập gia đình phải làm chứng một cách xứng hợp cho giá trị Ki-tô Giáo của hôn nhân, bằng cách sống Bí tích qua việc trung tín trọn vẹn và giáo dục con cái một cách có trách nhiệm”. Linh đạo nối kết với hôn nhân có thể có ảnh hưởng thuận lợi và đặc biệt trên chính họat động của giáo lý viên. Giáo lý viên sẽ đưa cả gia đình hội nhập vào việc phục vụ của mình, đến độ cả gia đình thực sự là một đơn vị truyền giáo” (GLV 6).
TÓM LƯỢC
1. Phụng vụ Hôn Phối là gì?
Trả lời: Phụng vụ Hôn Phối là việc hai Ki-tô hữu, một nam một nữ, kết ước thành vợ chồng trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh trong sự tự do ưng thuận và không mắc ngăn trở tiêu hôn.
2. Hôn nhân Công Giáo có những đặc tính gì?
Trả lời: Hôn nhân Công Giáo có hai đăc tính: một là một vợ một chồng, hai là bất khả phân ly.
3. Đâu là mục đích của Hôn nhân Công Giáo?
Trả lời: Hôn nhân Công Giáo có hai mục đích: một là bổ túc cho nhau trong tình yêu vợ chồng; hai là sinh sản và giáo dục con cái.
4. Để Bí tích Hôn Phối hữu hiệu và hợp pháp cần có những điều kiện gì?
Trả lời: Để Bí tích Hôn Phối hữu hiệu và hợp pháp phải hội đủ ba điều kiện này: một phải là Ki-tô hữu; hai là có sự tự do ưng thuận; và ba là không mắc ngăn trở tiêu hôn.
5. Tại sao Bí tích Hôn Phối lại cần có sự chứng hôn của Hội Thánh?
Trả lời: Đôi nam nữ là thừa tác viên ân sủng của Bí tích Hôn Phối song họ phải trao ban Bí tích cho nhau trước vị chứng hôn hợp pháp của Hội Thánh cùng với hai người làm chứng thì Bí tích Hôn Phối mới hữu hiệu và hợp pháp.
6. Nghi thức chính yếu của việc kết hôn Công Giáo là gì?
Trả lời: Nghi thức chính yếu của việc kết hôn Công Giáo là đôi bạn bày tỏ sự tự do ưng thuận kết hôn trước sự chứng hôn của Hội Thánh.
7. Có thể tháo gỡ Hôn Phối Công Giáo không?
Trả lời: Một khi Hôn Phối đã hữu hiệu và hoàn hợp thì không thể tháo gỡ. Hội Thánh không có quyền hủy bỏ Hôn Phối mà chỉ tuyên bố Bí tích đã không thành sự ngay từ lúc kết hôn vì vướng một ngăn trở tiêu hôn nào đó.
CẦU NGUYỆN
Như đóa sen giữa đầm lầy,
xin giữ tâm hồn con thanh khiết.
Giữa một thế giới đầy hình ảnh vẩn đục, xin gìn giữ mắt con.
Giữa một thế giới tôn thờ khoái lạc,
xin dạy con biết trân trọng thân xác.
Giữa một thế giới bị ám ảnh bởi tình dục,
xin thanh lọc trí tưởng tượng của con.
Xin nâng con lên cao vượt qua những thèm muốn chiếm đọat,
để biết tự hiến trong yêu thương.
Xin đừng để con phung phí sức lực
vào những chuyện tình cảm chóng qua,
nhưng giúp con tự rèn luyện mình để gánh vác
cuộc sống Chúa mời gọi.
Như đóa sen trong đám lầy, xin giữ thân xác con thanh khiết.
Abba 69