Đức Giê-su ra đời. Những người chăn chiên đến viếng thăm.
1 Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ.2 Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri.3 Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi.4 Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê lên thành vua Đa-vít tức là Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít.5 Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai.6 Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa.7 Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.
8 Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật.9 Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng.10 Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân:11 Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa.12 Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.”13 Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng:
14 “Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế
cho loài người Chúa thương.”
15 Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: “Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết.”16 Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.17 Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này.18 Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên.19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.
Đức Giê-su chịu phép cắt bì
21 Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.
Tiến dâng Đức Giê-su cho Thiên Chúa
22 Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa,23 như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”,24 và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông.26 Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa.27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người,28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
Bài ca “An Bình Ra Đi” (Nunc dimittis)
29 “Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này
được an bình ra đi.
30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
31 Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
32 Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”
Ông Si-mê-ôn nói tiên tri
33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người.34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng;35 và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”
Bà An-na nói tiên tri
36 Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm,37 rồi ở góa, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa.38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.
Đức Giê-su tiếp tục sống ẩn dật tại Na-da-rét
39 Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê.40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.
Đức Giê-su ngồi giữa các bậc thầy Do-thái
41 Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua.42 Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ.43 Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết.44 Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc.45 Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.
46 Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi.47 Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu.48 Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!”49 Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”50 Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.
Đức Giê-su còn sống ẩn dật tại Na-da-rét
51 Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.52 Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.
i. Bài tường thuật này đối xứng với bài tường thuật về ông Gio-an (1,57-66), nhưng ít nhấn mạnh đến lễ cắt bì và đặt tên cho bằng sự kiện Đức Giê-su giáng sinh. Khác với ông Gio-an được sinh ra trong cảnh gia đình ấm cúng của một tư tế có thế giá, Đức Giê-su sinh ra trong cảnh bơ vơ của những khách lỡ đường, chỉ có mục đồng với chiên bò vây quanh. Nhưng có những sứ thần tuyên xưng mầu nhiệm của Vị Cứu Thế là Chúa và là Đấng Ki-tô, công bố vinh quang cho Thiên Chúa và bình an cho nhân loại, nhờ cuộc giáng sinh của Người.
k. Làm hoàng đế Rô-ma từ năm 29 tCN đến năm 14 sau CN.
l. ds: đất có người ở. Nhưng hoàng đế Au-gút-tô chỉ có thể kiểm tra dân số trong đế quốc Rô-ma thôi. Một số tài liệu cho biết hoàng đế đã làm điều đó trong nhiều miền.
m. Cuộc kiểm tra đầu tiên: thật ra, yếu tố lịch sử này có lẽ chỉ là ước tính của tác giả.
n. Trong Cựu Ước, thành vua Đa-vít luôn luôn là Giê-ru-sa-lem (x. 2 Sm 5,7.9; 6,10.12; Is 22,9). Tặng tước hiệu này cho Bê-lem, theo Ga 7,42, là do suy diễn của Mk 5,1 (x. Mt 2,6; 1 Sm 16,1).
o. Người đã thành hôn với ông: từ Hy-lạp được dùng ở đây cũng là từ được dùng ở 1,27+.
p. Con trai đầu lòng: có ý nhắc lại luật trong Xh 13,2.12.15 sẽ được áp dụng cho Đức Giê-su (x. Lc 2,23). Từ Hy-lạp này trong Kinh Thánh không nhất thiết ngụ ý sẽ có thêm em, mà chỉ nêu lên trách nhiệm và quyền hành của người con đầu lòng. Có thể Lc cũng gợi lên ý nghĩa có tính cách Ki-tô học ở cc. Rm 8,29; Cl 1,15-18; Hr 1,6; Kh 1,5.
q. Hai ông bà: nhiều bản cổ không có. Có bản còn ghi ông hoặc bà.
r. Nhà trọ: thật ra, theo 22,11, phải dịch là phòng (tiệc ly), vì để chỉ nhà trọ ở 10,34 thì Lc dùng một danh từ khác. Trong bối cảnh ở đây, phải hiểu là gian phòng nơi khách thập phương đến trú ngụ, trong một sân lớn (thường có thêm một chuồng ngựa hoặc lừa, những con vật thồ của khách) hoặc trong một nhà dân (x. Mt 2,11). Hang lừa, chuồng bò thuộc một truyền thống có sau (có lẽ từ thế kỷ thứ II).
s. Hồi ấy, người chăn chiên bị coi chẳng ra gì tại Ít-ra-en. Họ sống ở bên lề xã hội của những người giữ luật Do-thái. Họ là những người nghèo hèn, bé nhỏ.
t. Vinh quang của Chúa là một kiểu nói trong Kinh Thánh để chỉ vẻ ngoài rực rỡ, oai phong của mầu nhiệm Thiên Chúa (x. Rm 3,23+). Lc nói Đức Giê-su sẽ được vinh quang đó vào thời thế mạt (x. 9,26; 21,27), đã được ngay lúc Hiển Dung (x. 9,32) và nhất là trong mầu nhiệm Phục Sinh (x. 24,26).
u. Từ Hy-lạp Đấng Cứu Độ trong bản Cựu Ước Hy-lạp thường là một danh hiệu của Thiên Chúa (Đnl 32,15; 1 Sm 10,19; Tv 24,5; 27,1.9; 62,2.7; 65,6; 79,9; 95,1; x. Lc 1,47; 1 Tm 1,1), đôi khi chỉ các thủ lãnh Ít-ra-en (Vị Cứu Tinh: Tl 3,9.15; Nkm 9,27). Các tác giả sách Tin Mừng chỉ áp dụng từ này cho Đức Giê-su ở đây và ở Ga 4,42, nhưng lại nói là Đức Giê-su cứu chữa những người đau yếu (Mc 3,4; 5,23.28.34; 6,56; 10,52; 15,31 và các đoạn song song). Trong phần còn lại của Tân Ước, Đức Giê-su được gọi là Đấng Cứu Độ. Dường như tước hiệu này được dùng nhiều nhất trong các giáo đoàn thuộc văn hóa Hy-lạp.
v. Một vài cổ bản viết là Chúa Ki-tô hay Đấng Ki-tô của Chúa. Kiểu thứ hai thường dùng trong Cựu Ước và Do-thái giáo, và gặp thấy ở Lc 2,26. Nhưng có Ki-tô Đức Chúa trong bản Hy-lạp Ac 4,20, và thánh Phao-lô thường kêu Chúa Giê-su Ki-tô và Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Danh hiệu Đấng Ki-tô Đức Chúa, của riêng Lc, cho thấy Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a, và gợi ý rằng quyền chủ tể và vương đế của Người là do chính Thiên Chúa trao ban (x. Cv 2,36).
x. Các ngôn sứ đã từng loan báo Đấng Mê-si-a ra đời sẽ đem lại bình an (Is 9,5-6; 52,7; 57,19; Mk 5,4; x. Ep 2,14-17). Nay cuộc giáng sinh của Đức Giê-su là bảo chứng của ơn bình an ấy.
y. ds: Loài người (đối tượng) của tình thương (Chúa). Công thức này được thấy trong những bản Cum-ran, chỉ những người được Chúa ưu đãi. Trong Lu-ca có lẽ chỉ dân riêng của Chúa (x. c. 10), hoặc theo quan niệm đại đồng thì nhắm tất cả mọi người. Một số cổ bản viết: dưới đất (là) bình an, cho loài người (là) tình thương, nhưng không có gì buộc phải hiểu như vậy. Trước kia, chỗ này thường dịch là: cho người thiện tâm, nhưng dịch như thế là theo bản Phổ Thông La-ngữ chứ không phải theo nghĩa thông dụng của bản Hy-lạp.
a. ds: lời đã xảy ra (x. 1,65+).
b. Có bản dịch là mọi lời ấy. X. 1,65+. Hơn nữa, Lu-ca thường có dụng ý để các nhân vật suy gẫm những sự việc mà ý nghĩa chỉ được sáng tỏ sau biến cố Phục Sinh.
c. Suy đi nghĩ lại trong lòng là dịch một thuật ngữ Hy-lạp có nghĩa tìm ý nghĩa, dành cho việc tìm hiểu ý nghĩa các lời sấm. Chữ lòng (x. 1,66+).
d. Tôn vinh ca tụng Thiên Chúa: Lc thích ghi lại thái độ này trước những điềm cho thấy Chúa ra tay và trước các phép lạ (x. 5,25-26; 7,16; 13,13; 17,15.18; 18,43; 19,37; Cv 3,8.9; 4,21).
đ. ds: khi đã trọn tám ngày để cắt bì cho Hài Nhi.
e. Việc tiến dâng trong Đền Thờ này không do luật buộc (không có bài trình thuật và việc tiến dâng ông Gio-an Tẩy Giả). Lc muốn ghi lại sự kiện này để cho thấy nhiệt tâm của cha mẹ Đức Giê-su; và đặc biệt để lưu ý đây là lần đầu tiên Đức Giê-su thi hành việc phụng tự, ngay tại thánh đô Giê-ru-sa-lem. Điểm này quan trọng, vì đối với Lc, Giê-ru-sa-lem sẽ là trung tâm điểm của biến cố Phục Sinh và khởi điểm của công cuộc truyền bá Ki-tô giáo.
g. ds: khi đã trọn những ngày thanh tẩy họ. Một vài cổ bản ghi thanh tẩy bà, có lẽ vì thực ra luật Lv 12,1-8 chỉ buộc người mẹ.
h. Luật này (x. Xh 13,2.12.15) gồm việc chuộc con trai đầu lòng (x. Xh 13,13; 34,20) với giá năm se-ken bạc, nội trong tháng đầu sau ngày mẹ sinh con. Lc không ghi gì về việc chuộc Đức Giê-su, nhưng bản văn ở c. 39 như ngụ ý đó.
i. Đó là của lễ mà người nghèo dâng lên Chúa để làm lễ thanh tẩy cho người mẹ (x. Lv 12,8).
k. Từ khi có Is 40,1; 51,12; 61,2, niềm an ủi của Ít-ra-en hàm nghĩa ơn cứu độ cho Ít-ra-en (x. 2 Cr 1,3+ chữ ủi an).
l. Theo ngôn ngữ Cựu Ước (x. Ds 11,17.25.29; 2 V 2,15; Is 11,2; 42,1; 61,1; Ed 11,5), Thánh Thần ngự trên ai có nghĩa người ấy là ngôn sứ.
m. Đấng Ki-tô của Đức Chúa là danh hiệu cổ truyền chỉ Đấng Mê-si-a trong bản Cựu Ước Hy-lạp (x. 1 Sm 24,7.11; 26,9.11.16.23; 2 Sm 1,14.16...), khác với Đấng Ki-tô, Đức Chúa (x. 2,11+).
n. Dù đã ghi rõ Đức Ma-ri-a thụ thai mà vẫn còn đồng trinh, Lc vẫn dùng chữ cha mẹ (2,41.43) và cả chữ cha nữa (2,33.48). Có những người sao chép đổi ra là bà Ma-ri-a và ông Giu-se để nhấn mạnh rằng Đức Giê-su chỉ có một Cha, Đấng ngự trên trời.
o. Các lời sấm của ông Si-mê-ôn về Hài Nhi Giê-su đối ứng với các lời của ông Da-ca-ri-a về Gio-an Tẩy Giả (x. 1,67-79), nhưng mượn ngôn ngữ của phần II sách I-sai-a. Ông Si-mê-ôn, ngôn sứ cuối cùng của thời Cựu Ước, cùng với ông Da-ca-ri-a, chào mừng cuộc giáng lâm của Đấng Cứu Độ, và mặc khải cho cha mẹ Người vài nét mới của sứ mệnh Người sẽ hoàn thành.
p. Ông Si-mê-ôn lấy làm mãn nguyện thấy lời Chúa hứa nay được thể hiện (c. 26), nên sẵn sàng ra đi.
q. X. Lc 1,69.71.77; 3,6.
r. Đây là lần đầu tiên Lc loan báo dân ngoại được cứu độ. Mãi sau này, c. 24,47 mới công bố rõ rệt, dưới ánh sáng Phục Sinh.
s. Lc cố ý ghi lại rằng sau những lời mặc khải đầu tiên (1,31-35 và 2,11-14), cha mẹ Đức Giê-su vẫn chưa thấu hiểu được tất cả mầu nhiệm của Người.
t. Lời sấm chỉ dành cho Đức Ma-ri-a, có thể vì ông Giu-se sẽ lìa đời trước khi lời đó ứng nghiệm, hay vì Lc đã biết được truyền thống câu Ga 19,25.
u. X. Is 8,14; 28,16; Lc 20,17.18.
v. Đức Giê-su là một dấu hiệu. Người chỉ kêu mời người ta đón nhận trong tự do, chứ không áp đặt đạo lý của mình. Và thật vậy, một số thành phần trọng yếu của Ít-ra-en sẽ chối bỏ Người (x. Cv 28,26-28).
x. Như ở nhiều chỗ khác, tâm hồn ở đây chỉ con người. Câu này, như một lời đe dọa ngấm ngầm, phải được hiểu trong mạch văn của nó. Vì Đức Ma-ri-a là thiếu nữ Xi-on thật sự, nên cuộc đời của Người sẽ mang dấu ấn của số phận dân Người. Cùng với Thánh Tử Giê-su, Người ở ngay trọng điểm sự chống báng, nơi mọi thâm tâm phải lộ ra, để ủng hộ hay chống đối Đức Giê-su. Biểu tượng lưỡi gươm là theo Ed 14,17 hoặc Dcr 12,10. Một số nhà chú giải coi đây là một lời tiên báo cuộc Thương Khó (x. Ga 19,25).
y. Đức Giê-su thường tố giác thái độ kém đức tin sâu xa cũng như những lập luận của các thính giả mộ đạo nhất của Người (x. 5,22; 6,8; 9,47; 24,38). Sứ mệnh của Người cuối cùng sẽ làm cho những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra.
a. X. Xh 15,20; Tl 4,4; 2 V 22,14.
b. ds: đã sống với một người chồng bảy năm từ lúc còn con gái.
c. Đây là lý tưởng của một người Ít-ra-en hoàn hảo (x. Tv 23,6; 26,8; 27,4; 84,5.11).
d. X. Cv 26,7. Lc thích nhấn mạnh sự chuyên cần trong việc phụng tự và cầu nguyện (x. Lc 18,7; Cv 20,31; 26,7) và cho là bà An-na có đức tính ấy, mặc dù theo tập tục Do-thái, phụ nữ không được ở trong khuôn viên đền thờ ban đêm.
đ. Đối với Lc, công trình cứu chuộc Ít-ra-en, mà Đấng Mê-si-a sẽ hoàn thành, đương nhiên phải liên can trước hết đến thành đô Giê-ru-sa-lem (x. 9,31.51.53; 13,22.33; 17,11; 18,31; 19,11; 24,47-49.52; Cv 1,8). Vài cổ bản ghi tại Giê-ru-sa-lem hay Ít-ra-en, nhưng tựu trung vẫn nói về ơn cứu độ dành cho dân Chúa.
e. C. 40 nói vắn tắt về buổi thiếu thời của Đức Giê-su, đối xứng với c. 1,80 nói về ông Gio-an Tẩy Giả. Câu đó càng làm nổi bật mầu nhiệm của riêng Đức Giê-su.
g. Đức khôn ngoan, theo nghĩa mạnh trong Kinh Thánh, là phẩm cách của riêng Đức Giê-su (x. 2,52; 11,31; 21,15).
h. ds: Ân sủng của Thiên Chúa ở trên Người. Trên ông Gio-an Tẩy Giả là bàn tay Chúa, như trên các ngôn sứ, còn trên Đức Giê-su là ân sủng của Thiên Chúa (x. 1,28+).
i. Những c. 41-52 không có tương đương trong phần dành cho ông Gio-an Tẩy Giả, và có lẽ được ghi lại để trình bày những lời nói đầu tiên của Đức Giê-su trước phần rao giảng của ông Gio-an: ngay từ khi có khả năng nhận thức theo nhân tính, Đức Giê-su đã biết mình là Con Thiên Chúa.
k. Luật Do-thái buộc phải hành hương mỗi năm ba lần (x. Xh 23,14-17; 34,22-23; Đnl 16,16). Có lẽ ở đây Lu-ca phỏng theo 1 Sm 1,3.7 (x. c. 52+).
l. Tức là vào tuổi mà Do-thái giáo cho là tuổi trưởng thành về mặt tôn giáo.
m. Các bậc thầy này ngồi dạy ở tiền đình, trong khuôn viên Đền Thờ. Đức Giê-su về sau cũng làm như vậy. Hình thức giảng dạy thường là hỏi và thưa, có tính cách đối thoại.
n. Lời đầu tiên, cũng như lời cuối cùng của Đức Giê-su trong Lc (23,46; x. 24,49), là để nói đến Cha của Người. Riêng lời này cho thấy, đối với Đức Giê-su, quan hệ giữa Người với Chúa Cha phải được đặt lên trên mọi quan hệ khác. Thường những lời này được dịch là con có bổn phận lo việc của Cha con. Nhưng dịch như thế không hợp với cách dùng từ và với hoàn cảnh (lúc ấy Đức Giê-su chưa bắt đầu thi hành sứ mệnh của Người).
o. Mầu nhiệm Đức Giê-su là Con Thiên Chúa vượt quá mọi hiểu biết của loài người, ngay cả những người sẵn sàng đón nhận lời Chúa nhất.
q. Câu kết đoạn này lấy lại ý của 2,40 và có lẽ phỏng theo 1 Sm 2,26.