Những người phụ nữ đi theo Đức Giê-su
1 Sau đó, Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai2 và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ,3 bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.
Dụ ngôn người gieo giống
4 Người ta tụ họp đông đảo. Từ khắp các thành thị, người ta kéo đến cùng Đức Giê-su. Bấy giờ Người dùng dụ ngôn mà nói rằng:
5 “Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất.6 Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt.7 Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cùng mọc lên, làm nó chết nghẹt.8 Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm.” Nói xong, Người hô lên rằng: “Ai có tai nghe thì nghe.”
Tại sao Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói?
9 Các môn đệ hỏi Người dụ ngôn ấy có ý nghĩa gì.10 Người đáp: “Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà không nhìn, nghe mà không hiểu.
Giải nghĩa dụ ngôn người gieo giống
11 “Đây là ý nghĩa dụ ngôn: Hạt giống là lời Thiên Chúa.12 Những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ.13 Còn những kẻ ở trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc.14 Hạt rơi vào bụi gai: đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành.15 Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.
Lãnh nhận và truyền bá giáo huấn của Đức Giê-su thế nào
16 “Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng.17 Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng.18 Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất.”
Những ai thật sự thuộc gia đình của Đức Giê-su
19 Mẹ và anh em Đức Giê-su đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông.20 Người ta báo cho Người biết: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy.”21 Người đáp lại: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”
Đức Giê-su dẹp yên biển động
22 Một ngày nọ, Đức Giê-su xuống thuyền với các môn đệ. Người nói: “Chúng ta sang bên kia hồ đi!” Rồi thầy trò ra khơi.23 Đang khi các ngài đi thuyền, thì Đức Giê-su thiếp ngủ. Một trận cuồng phong ập xuống hồ; các ngài bị ngập nước và lâm nguy.24 Các môn đệ lại gần đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, Thầy! Chúng ta chết mất!” Người thức dậy, ngăm đe sóng gió, sóng gió liền ngừng và biển lặng ngay.25 Người bảo các ông: “Đức tin anh em ở đâu?” Các ông hoảng sợ, kinh ngạc và nói với nhau: “Vậy người này là ai mà ra lệnh cho cả sóng gió, và sóng gió phải tuân lệnh?”
Đức Giê-su chữa người bị quỷ ám tại Ghê-ra-sa
26 Thầy trò ghé thuyền vào vùng đất của người Ghê-ra-sa, đối diện với miền Ga-li-lê.27 Người vừa ra khỏi thuyền và đặt chân lên đất, thì có một người dân trong thành bị quỷ ám ra đón Người. Từ lâu, anh ta không mặc quần áo, không ở trong nhà, nhưng ở trong đám mồ mả.
28 Thấy Đức Giê-su, anh la lên, sấp mình dưới chân Người, và lớn tiếng nói rằng: “Lạy ông Giê-su, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Tôi xin ông đừng hành hạ tôi!”29 Ấy là vì Đức Giê-su đã truyền cho thần ô uế xuất khỏi người ấy. Thật vậy, đã nhiều lần quỷ bắt lấy anh ta, người ta dùng xiềng xích gông cùm mà trói và giữ anh; nhưng anh bứt tung dây trói và bị quỷ đưa vào những nơi hoang vắng.30 Đức Giê-su hỏi anh: “Tên anh là gì?” Anh thưa: “Đạo Binh”, vì rất nhiều quỷ nhập vào anh.31 Lũ quỷ nài xin Người đừng truyền cho chúng rút xuống vực thẳm.
32 Ở đó có một bầy heo khá đông đang ăn trên núi. Lũ quỷ nài xin Người cho phép chúng nhập vào bầy heo kia, và Người cho phép.33 Lũ quỷ xuất khỏi người đó, nhập vào bầy heo. Cả bầy heo từ trên sườn núi lao xuống hồ và chết ngộp hết.
34 Thấy sự việc xảy ra, các người chăn heo bỏ chạy, loan tin trong thành và thôn xóm.35 Thiên hạ ra xem sự việc đã xảy ra. Họ đến cùng Đức Giê-su và thấy kẻ đã được trừ quỷ đang ngồi dưới chân Đức Giê-su, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo. Họ phát sợ.36 Những người chứng kiến đã kể lại cho họ nghe người bị quỷ ám được cứu chữa thế nào.37 Bấy giờ đông đảo dân chúng vùng Ghê-ra-sa xin Người rời họ, vì họ sợ quá. Thế nên Người xuống thuyền trở về.
38 Kẻ đã được trừ quỷ xin được ở với Người. Nhưng Người bảo anh ta về và nói:39 “Anh cứ về nhà và kể lại mọi điều Thiên Chúa đã làm cho anh.” Anh ta ra đi, rao truyền cho cả thành biết mọi điều Đức Giê-su đã làm cho anh.
Đức Giê-su chữa người đàn bà bị rong huyết và cho con gái ông Gia-ia sống lại
40 Khi Đức Giê-su trở về thì đám đông tiếp đón, vì ai ai cũng đợi chờ Người.41 Bỗng có một người tên là Gia-ia đi tới; ông là trưởng hội đường. Ông sụp xuống dưới chân Đức Giê-su, nài xin Người vào nhà ông,42 vì ông có một đứa con gái duy nhất độ mười hai tuổi, mà nó lại sắp chết. Trong khi Người đi, đám đông dân chúng chen lấn làm Người nghẹt thở.
43 Có một bà kia bị rong huyết đã mười hai năm, không ai có thể chữa được.44 Bà tiến đến phía sau Người và sờ vào tua áo của Người. Tức khắc, máu ngừng chảy.45 Đức Giê-su hỏi: “Ai là người đã sờ vào tôi?” Mọi người đều chối, nên ông Phê-rô nói: “Thưa Thầy, đám đông xô đẩy, chen lấn Thầy đấy!”46 Nhưng Đức Giê-su nói: “Có người đã đụng vào Thầy, vì Thầy biết có một năng lực tự nơi Thầy phát ra.”47 Người đàn bà thấy mình không giữ kín được nữa, thì run rẩy đến phủ phục trước mặt Người, và loan báo trước mặt toàn dân lý do tại sao bà đã đụng vào Đức Giê-su, và bà đã được khỏi bệnh tức khắc như thế nào.48 Đức Giê-su nói với bà: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy đi bình an.”
49 Đức Giê-su còn đang nói, thì có người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo ông: “Con gái ông chết rồi, đừng làm phiền Thầy nữa!”50 Nghe vậy, Đức Giê-su bảo ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi, là con gái ông sẽ được cứu.”51 Khi đến nhà, Người không cho ai vào với mình, trừ ông Phê-rô, ông Gio-an, ông Gia-cô-bê và cha mẹ của đứa bé.52 Mọi người đều đấm ngực khóc thương nó. Đức Giê-su nói: “Đừng khóc! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!”53 Họ chế nhạo Người, vì biết nó đã chết.54 Nhưng Người cầm lấy tay nó, lên tiếng gọi: “Này bé, trỗi dậy đi!”55 Hồn đứa bé trở lại, và nó đứng dậy ngay. Đức Giê-su bảo người ta cho nó ăn.56 Cha mẹ nó kinh ngạc. Nhưng Người ra lệnh cho họ không được nói với ai về việc đã xảy ra.
Lc 13,10.11.13; Mc 4,10-12
Lc 19,26; Mt 13,12; 25,29; Mc 4,25
Mt 8,18.23-27; Mc 4,35-41
n. Đức Giê-su hoàn thành sứ mệnh cùng với nhóm môn đệ đi theo, như các nhà truyền giáo sau này (Cv 8,14; 11,26; 13,2-3...). Nhưng Nhóm Mười Hai chỉ được giao trách nhiệm công cuộc truyền giáo từ 9,1-2.
o. Mt 27,55 và Mc 15,41 cũng nói đến nhóm phụ nữ này. Đây là một sự kiện khác thường ở Pa-lét-tin (x. Ga 4,27).
p. Bà này sẽ đứng dưới chân thập giá (x. Mt 27,56 và ss), có mặt trong lúc mai táng Đức Giê-su (x. Mt 27,61 và ss), chứng kiến ngôi mộ trống (x. Lc 24,10 và ss) và là người đầu tiên được nhìn thấy Đấng Phục Sinh, theo Ga 20,11-18.
q. Ý kiến cho rằng một người có thể bị nhiều quỷ ám cùng một lúc còn được thấy ở 8,27.30 và 11,26. Có lẽ đó là một kiểu người Do-thái hình dung sức ám hại ghê gớm của Xa-tan trên nạn nhân (đặc biệt với con số bảy là số chỉ sự viên mãn trong Kinh Thánh). Đối với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, Lc không nói rõ bà bị bệnh hay bị quỷ ám, càng không nói rõ bà có phải là người đàn bà tội lỗi nói trong 7,36-50 không, như một đôi lần người ta tưởng.
r. Có bản chỉ chép giúp đỡ Người.
s. Lc có ghi lại diễn từ bằng dụ ngôn, nhưng ngắn hơn Mt 13,1-52 và Mc 4,1-34 nhiều. Có lẽ tác giả đã gạt ra khỏi diễn từ hai dụ ngôn ở 13,18-21. Hình như tác giả muốn tập trung vào hai chủ đề bổ túc cho nhau là mầu nhiệm Đức Giê-su dành riêng cho các môn đệ trong thời gian Người còn ở dưới thế (8,10), rồi sau mới được công bố trong thời kỳ rao giảng về Chúa Phục Sinh (8,16-17). Về dụ ngôn này, x. Mt 13,3+.
t. Trong Mt 13,5 và Mc 4,5, hạt giống rơi trên nơi sỏi đá nơi không có nhiều đất, còn trong Lc, hạt giống rơi trên đá. Nơi sỏi đá phù hợp với địa lý xứ Pa-lét-tin hơn.
u. Tức là kết quả mỹ mãn. Lc chỉ ghi lại năng suất tối đa này.
v. Đây là lời kêu gọi phải chú ý lắng nghe thì mới hiểu được ý nghĩa của những lời giảng dạy (Mc 4,23; 7,16; Mt 11,15; 13,9.43; Lc 14,35; x. Kh 2,7.11.17.29), đồng thời phải suy nghĩ về dụ ngôn, mới mong dụ ngôn đó được thể hiện nơi mình.
x. Như Mc (4,11), Lc giải nghĩa tại sao Đức Giê-su dùng dụ ngôn, nhưng lời lẽ của Lc ít cứng cỏi hơn của Mc đối với Ít-ra-en.
y. Ở đây, khác với Mc, Lc không trưng dẫn những lời lẽ cứng cỏi trong Is 6,10, nhưng sẽ trưng dẫn đầy đủ và rõ ràng trong Cv 28,26-27, khi đám đông Ít-ra-en dứt khoát khước từ Đức Giê-su.
a. ds: Đây là dụ ngôn. Bây giờ Đức Giê-su mới trả lời câu hỏi các môn đệ đặt ra ở c. 9. Nhưng sau khi định nghĩa Hạt giống là lời Thiên Chúa, Lc lại chuyển qua giải thích về bốn loại đất đón nhận Lời (là những kẻ...), theo hướng của Mc 4,14-20. Do đó “đoạn giải nghĩa dụ ngôn” này thiếu rõ ràng: bốn loại người được kể ra (những kẻ) vừa tượng trưng cho hạt giống, vừa tượng trưng cho bốn loại đất nhận hạt giống. Có thể nguyên thủy, Chúa Giê-su chỉ nói về Lời, nhưng sau đó, trong Giáo Hội, có hướng giảng giải theo kiểu luân lý đạo đức, đặt trọng tâm ở thái độ đón nghe hơn là ở chính Lời của Thiên Chúa.
b. Chỉ có Lc nói rõ phải lấy đức tin mà đón nhận lời Chúa (x. c. 13) và còn nói thêm như thánh Phao-lô là chính đức tin đưa đến ơn cứu độ.
c. Mt và Mc nói đến thảm cảnh ngày tận thế (x. Mt 24,21.29; Mc 13,19.24) và những cơn bắt bớ. Còn Lc thì nghĩ đến đời sống hằng ngày của người tin theo Chúa (x. 9,23).
d. Còn có thể dịch: đó là những kẻ nghe và bước đi dưới gánh nặng những lo lắng...; họ bị chết nghẹt...
đ. ds: đẹp và tốt. Trong tiếng Hy-lạp, hai tính từ này chỉ người có phẩm cách.
e. Kiên trì chỉ thái độ cương quyết chống lại những nguy hiểm đang đe dọa Lời Chúa. Từ này là riêng của Lc ở đây cũng như ở 21,19. Đây cũng là một từ quen thuộc với thánh Phao-lô: 1 Tx 1,3; 2 Cr 1,6; 6,4-5; 12,12; Rm 2,7; 5,3.4; 8,25; 15,4-5; Cl 1,11.
g. Như c. 17 gợi ý, Lc cho đối lập hoàn cảnh ẩn khuất của Đức Giê-su thời bấy giờ còn chưa được mấy ai biết đến, với tương lai rực rỡ của các Tông Đồ khi các ông đi rao giảng lời Người (x. Mc 4,21). Điều này bổ sung cho ý của c. 10.
h. Khác với Mc 4,24, Lc đặt trọng tâm ở thái độ của người nghe. Đây mới là câu kết thúc diễn từ Đức Giê-su bằng dụ ngôn.
i. Lc thêm chữ tưởng này vào là giảm nhẹ cái nghịch lý của câu nói. Bản văn song song 19,26 không có chữ đó (x. Mc 4,25; Mt 13,12; 25,29)
l. Mt và Mc xếp đoạn này lên trước diễn từ bằng dụ ngôn. Còn Lc xếp xuống sau để ứng dụng diễn từ cho thái độ sống thực tiễn.
m. Trong Kinh Thánh cũng như bây giờ bên Cận Đông, anh em vừa có nghĩa là những người con cùng một mẹ, vừa có nghĩa là những người có họ hàng với nhau (x. St 13,8; 14,16; 29,15; Lv 10,4; 1 Sb 23,22).
n. Khác với Mc 3,21, ở đây Lc không nói là họ hàng Đức Giê-su đến có ý để bắt Người về.
o. X. Mt 12,50. Lc nói rõ theo hướng của bài diễn từ trên, phải lấy đức tin mà nghe lời Chúa để đem ra thực hành. Tác giả cũng áp dụng điều này cho thân mẫu Đức Giê-su. Tất cả những người như vậy làm thành một gia đình thiêng liêng với Đức Giê-su và cùng có một Cha chung trên trời.
p. ds: bờ bên kia của hồ. Đức Giê-su muốn sang miền đất dân ngoại ở bên kia hồ (x. 5,1+).
q. Hồ Ghen-nê-xa-rét hay bị sóng gió bão táp bất ngờ, khi bị ép giữa những luồng gió từ Địa Trung Hải và những luồng khác từ sa mạc Xy-ri-a cùng thổi tới một lúc.
s. Có nghĩa là Đức Giê-su ra lệnh cho các sức mạnh thiên nhiên, với tư cách là một vì Chúa Tể (Gđ 9). Biển vẫn được coi là sào huyệt của những sức mạnh ác hại (x. Is 51,10; Đn 7,2-7; Tv 65,8; 89,10; 93,3-4).
u. Lời Đức Giê-su trách các môn đệ ở đây nhẹ hơn trong Mc 4,40: các môn đệ có đức tin, nhưng không biết thực hành đức tin.
v. Lc ghi nhận sự hoảng sợ của các môn đệ như Mc 4,41 và sự kinh ngạc của các ông như Mt 8,27. Thường cuối bài tường thuật về phép lạ, tác giả vẫn cho thấy những phản ứng này (x. 1,12.63+).
x. Có bản chép là Ghê-đa-ra. Dù sao, đây là vùng dân ngoại ở bờ phía Đông Biển Hồ.
y. X. cc. 34 và 39. Trong vùng này, chỉ có thể là một thị trấn.
b. Hoặc đục khoét vào khối đá hoặc chỉ là các hang tự nhiên, các mồ mả này có thể là nơi ẩn trú và thường bị coi là ô uế (x. Is 65,4).
d. Trong Lc, quỷ van xin Đức Giê-su, còn ở Mc 5,7 chúng kêu đến danh Thiên Chúa để tìm cách đẩy xa Người.
đ. Trong Cựu Ước cũng như đối với các dân Sê-mít, nơi hoang vắng là chốn cư ngụ của ma quỷ (x. Lv 16,10; Is 13,21; 34,12.14; Tb 8,3; Br 4,35). Đôi khi Tin Mừng cũng dùng theo nghĩa này (x. Lc 4,2; 11,24).
e. Theo những người hành nghề trừ quỷ thời đó, biết tên quỷ là có quyền trên nó. Đức Giê-su ép quỷ phải nói tên nó cho Người. Nó tự xưng là Đạo Binh, nghĩa là nhiều lắm, giống như đạo binh trong quân đội Rô-ma lúc bấy giờ (mỗi đạo binh là sáu ngàn người). Số quỷ đông chỉ tình trạng vô cùng khốn đốn của người bị chúng ám hại (Mt 12,45; x. Lc 8,2+). Ở đây bài tường thuật vượt quá trường hợp người bị quỷ ám và làm nổi bật chiến thắng lẫy lừng của Đức Giê-su đánh bại nước của Xa-tan (x. 11,17-22).
g. Trong Lc, quỷ sợ bị đuổi trở về địa ngục (x. Kh 9,1 và 20,1.3), còn trong Mc chúng ngại bị đuổi ra khỏi xứ.
h. Đối với người Do-thái, heo là loài vật ô uế. Miền đất dân ngoại có nhiều heo cũng là miền đất ô uế.
i. Trong Lc, ngồi dưới chân là thái độ của người môn đệ (x. 10,39; Cv 22,3).
k. Cũng có thể dịch: Những người chứng kiến người bị quỷ ám được cứu chữa thế nào đã kể lại cho họ nghe sự việc. Ở đây Lu-ca đưa vào phần kết từ cứu chữa, vừa hiểu là được chữa lành về phần thể xác (x. 6,9; 8,48.50; 17,19; 18,42; 23,35.37.39), vừa hiểu là được tái sinh về phần linh hồn (x. 7,50; 8,12; 19,10).
l. Lc nói là thành (x. c. 27.34) chứ không phải miền Thập Tỉnh như trong Mc 5,20. Dù là thành hay Thập Tỉnh, vấn đề ở đây là loan báo ơn cứu độ cho dân ngoại. Nhưng Lc nói đến việc này một cách kín đáo hơn, vì đối với ông, lời rao giảng cho dân ngoại chỉ bắt đầu sau biến cố Phục Sinh.
m. Trưởng hội đường là người có trách nhiệm lo việc phụng tự trong một hội đường, nhưng cũng có thể là nhân vật nổi bật trong cộng đoàn.
o. Vài bản thêm: đem hết của cải chạy thầy chạy thuốc.
p. Vì chứng bệnh của bà, nên theo luật, bà bị coi là ô uế (x. Lv 15,18-27), không được trà trộn vào đám đông và nhất là tới gần vị ngôn sứ. Bởi vậy, bà mới phải hành động kín đáo.
q. Như mọi người Do-thái đạo đức, Đức Giê-su mặc áo có tua (x. Ds 15,38-41; Đnl 22,12); người Pha-ri-sêu may tua dài ra để phô trương lòng đạo đức (x. Mt 23,5). Ở tua áo có cột một sợi dây đỏ tía để khi nhìn thấy thì người ta nhớ đến các điều răn của Thiên Chúa, do đó tua áo được người ta tôn kính (x. Mt 14,36; Mc 6,56).
r. Thánh Lu-ca là tác giả duy nhất nhắc đến tên ông Phê-rô. Vài bản thêm: và các đồng bạn ông.
s. Lc đã nói đến quyền lực của Thiên Chúa hoạt động nơi Đức Giê-su (x. 5,17; 6,19). Ở đây, quyền lực ấy được trình bày như một năng lực hoạt động tự do, không tùy thuộc ý muốn của Đức Giê-su, nhưng Người vẫn ý thức được.
t. Lc không nói lý do sâu xa trong lòng người phụ nữ, nhưng Mc 5,28 thì nói rõ, cũng như lời Đức Giê-su sẽ nói ở Lc 8,48. Vậy sự tiếp xúc đầy lòng tin của người đàn bà sờ đến áo của Đức Giê-su khác hẳn với sự tiếp xúc hời hợt của đám đông đang xô lấn: bà nhận ra nơi Người một năng lực có thể cứu chữa mình.
u. X. Lc 8,36+ từ cứu chữa.
v. Ba môn đệ này sẽ được chứng kiến cảnh Đức Giê-su biến đổi hình dạng (x. Lc 9,28 và tt). Mt 26,37 và Mc 14,33 nói đến các ông trong đêm Đức Giê-su ở vườn Ghết-sê-ma-ni. Các ông được đặc biệt tham dự vào hoạt động của Đức Giê-su và đi sâu vào mầu nhiệm của Người. Khác với Mc, Lc đặt ông Gio-an trước ông Gia-cô-bê như trong 9,28 và Cv 1,13, có lẽ vì địa vị đặc biệt mà tác giả Lu-ca muốn dành cho ông Gio-an trong sách Công Vụ. Và cách rõ ràng, ba sách Lc, Cv và Ga thường để hai ông Phê-rô và Gio-an đi đôi với nhau.
x. Con bé đã chết thật rồi (x. c. 53), nhưng đối với Đức Giê-su, chết không phải là hết. Thiên Chúa có thể làm cho kẻ chết sống lại, và như vậy, cái chết đối với Người, chỉ còn là một giấc ngủ (Ga 11,11; x. Cv 7,60; 13,36; 1 Tx 4,13-15; 1 Cr 15,18.20). Có thể ở đây, Đức Giê-su muốn giảm nhẹ tính cách ly kỳ của phép lạ.
a. Xem phép lạ ông Ê-li-a ở 1 V 17,21-22.