Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Giê-su Hài Nhi
1 Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ Phương Đông đến Giê-ru-sa-lem,2 và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên Phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.”3 Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao.4 Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu.5 Họ trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng:6 Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.”
7 Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện.8 Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.”9 Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở Phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại.10 Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng.11 Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến.12 Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.
Đức Giê-su trốn sang Ai-cập và các anh hài bị giết
13 Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!”14 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.
16 Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh.17 Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a:18 Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rỉ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.
Từ Ai-cập về đất Ít-ra-en
19 Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập,20 báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi.”21 Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en.22 Nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, cai trị miền Giu-đê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê,23 và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Na-da-rét.
k. Thánh gia thất về cư ngụ ở Na-da-rét, đối với thánh Mát-thêu là ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Na-da-rét. Lời trích trống qua các ngôn sứ không thấy đâu trong Cựu Ước. Có lẽ thánh Mát-thêu trích ý chung của nhiều sách Cựu Ước về một đặc điểm của Đấng Mê-si-a, đồng thời cũng muốn đưa về tên Na-da-rét. Cũng có tác giả liên tưởng tới Is 11,1 nói về nëcer = chồi lộc từ gốc I-sai. Cũng có thể thánh Mát-thêu nghĩ đến Na-dia = người được thánh hiến đặc biệt cho Thiên Chúa.
d. Trình thuật này muốn đưa về ý tưởng sau đây: Hài Nhi mới sinh chính là vị Cứu Tinh (Mê-si-a) Ít-ra-en đã từ lâu mong chờ. Chào đời tại Bê-lem, Người làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Mi-kha nói trước: Người thống lãnh toàn thể Ít-ra-en theo ý muốn của Thiên Chúa (Mk 5,1 tt) và đáp ứng nguyện vọng của tất cả các chi tộc như phụ vương Đa-vít (x. 2 Sm 5,2). Ngôi sao vốn là dấu chỉ vương quyền, ở đây gợi lại lời sấm của thầy chiêm tinh Bi-lơ-am trong Ds 24,17 nói về triều đại Đa-vít và về chính Đấng Mê-si-a.
Hơn nữa, Hài Nhi còn nắm một vương quyền bao quát toàn cầu nữa. Quả thế, qua các vị chiêm tinh, dân ngoại đã nhìn nhận vương quyền của Người ngay từ lúc Người mới chào đời. Như thế là ứng nghiệm những sấm ngôn Cựu Ước về tôn giáo phổ quát thời cánh chung (x. Is 49,23; Tv 72,10-15; Is 60,6; v,v). Ở Trung Đông xưa, nhất là tại Ba-tư, các vị chiêm tinh hoặc đạo sĩ là lớp người trí thức của thời đại, thường thường thuộc hàng tư tế và làm cố vấn cho các vua. Các vị trong câu chuyện này đến từ phương Đông, quê hương Bi-lơ-am (x. Ds 23-24). Ông Bi-lơ-am thấy vì sao còn xa; các vị này thấy vì sao đã mọc lên.
Sau hết, câu chuyện còn cho thấy sự đối kháng rõ rệt giữa thái độ thờ ơ và thù nghịch của dân Do-thái đối với Hài Nhi và lòng tin mau mắn, quảng đại của dân ngoại: các thượng tế và kinh sư nắm vững các lời các ngôn sứ mà không nhận ra Đấng Mê-si-a, trong khi những người dân ngoại này (cũng như ông Bi-lơ-am ngoại đạo xưa) lại nhìn nhận Người và đi tìm kiếm mà thờ lạy.
Các Giáo phụ thường giải thích các lễ vật dâng Chúa Hài Nhi theo nghĩa tượng trưng: vàng chỉ Hài Nhi là Vua; nhũ hương chỉ Thiên Chúa; mộc dược chỉ nhân tính.
đ. Mát-thêu sử dụng 13 lần động từ bái lạy (cả Tân Ước sử dụng 57 lần); tột đỉnh là các tông đồ bái lạy Chúa Giê-su phục sinh ở điểm hẹn trên núi tại Ga-li-lê. Trong cuộc đối đáp với Xa-tan (4,9-10), Chúa Giê-su đã bảo phải bái lạy một mình Thiên Chúa mà thôi. Vậy thì qua chuỗi bái lạy này, ngay từ đây, Mát-thêu đã đặt người đọc trước mặt Đức Giê-su và mời gọi tuyên xưng Người là Chúa, như Người tuyên bố với các tông đồ ở cuối sách.
e. Câu chuyện được kể với những nét tương tự như chuyện ông Mô-sê trong Cựu Ước, hàm ý rằng Hài Nhi Giê-su chính là Mô-sê mới: vừa chào đời đã là nạn nhân của một bạo chúa ngoại đạo, nhưng Thiên Chúa đã quan phòng cho Hài Nhi thoát hiểm, để lớn lên Hài Nhi sẽ thành nhà lãnh đạo của dân tộc.
Ngoài ra câu chuyện còn cho thấy Hài Nhi cũng là hiện thân của chính dân tộc nữa, đó là ý nghĩa lời sấm của Hs 11,1 được trích dẫn: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập; sau thời lưu ngụ tại Ai-cập, Ít-ra-en được Thiên Chúa dùng Mô-sê giải phóng và dẫn về đất Ca-na-an để trở thành một dân đông đảo (x. St 15,13-16). Thánh Mát-thêu thích ứng lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a (31,15) với hoàn cảnh bi đát của dân Bê-lem. Theo một lưu truyền, mộ bà Ra-khen nằm ngay bên ngoài Bê-lem. Có lẽ vì thế ngôn sứ Giê-rê-mi-a gợi lên hình ảnh bà, tượng trưng cho mẹ một dân tộc khóc thương đoàn con khốn khổ của mình bị quân Ba-by-lon xâm lăng, tàn sát một cách thê thảm, khi thủ đô Giê-ru-sa-lem thất thủ (năm 587 tCN). Ở đây, tại Bê-lem, lại một bạo chúa ngoại bang – Hê-rô-đê là người Ê-đom – gây nên cảnh tang tóc cho khắp vùng.
Có lẽ cũng nên thực tế hiểu rằng vùng Bê-lem lúc ấy cũng không phải lớn lao và đông dân cư; số các hài nhi thiệt mạng vào dịp này chắc không phải là một con số lớn lắm.
g. Công nguyên đã được tính từ năm Chúa giáng sinh. Nhưng ông Đi-o-ni-xi-o, biệt danh là Bé Nhỏ (khoảng năm 556), người đưa ra cách tính này, đã nghĩ rằng Chúa Cứu Thế ra đời vào cuối năm 753 tính từ khi lập thành Rô-ma và ông lấy năm 754 làm năm thứ nhất công nguyên. Thật ra, vua Hê-rô-đê Cả đã chết từ mùa xuân năm 750 rồi và năm sinh của Chúa Giê-su phải lui lại sớm hơn nữa, nhất là khi xét tới chuyện Hê-rô-đê đã hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện (2,7) và đã truyền sát hại các anh hài từ hai tuổi trở xuống (c. 16).
h. Vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi: câu này chính là lời Thiên Chúa báo cho Mô-sê về cái chết của Pha-ra-ô (x. Xh 4,19). Đây lại là một dấu nữa Mát-thêu muốn ám chỉ Hài Nhi là Mô-sê của thời đại mới.
i. Tiểu vương Ác-khê-lao cai trị miền Giu-đê, Sa-ma-ri và Ê-đom, độc ác không kém gì vua cha. Người Do-thái căm ghét và kiện sang Rô-ma, nên sau chín năm cầm quyền, ông bị hoàng đế Au-gút-tô truất phế và đày qua xứ Ga-li-a (Pháp).