Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem với tư cách là Đấng Mê-si-a
1 Khi thầy trò đến gần thành Giê-ru-sa-lem và tới làng Bết-pha-ghê, phía núi Ô-liu, Đức Giê-su sai hai môn đệ và2 bảo: “Các anh đi vào làng trước mặt kia, và sẽ thấy ngay một con lừa mẹ đang cột sẵn đó, có con lừa con bên cạnh. Các anh cởi dây ra và dắt về cho Thầy.3 Nếu có ai nói gì với các anh, thì trả lời là Chúa cần đến chúng, Người sẽ gửi lại ngay.”4 Sự việc đó xảy ra như thế để ứng nghiệm lời ngôn sứ:5 Hãy bảo thiếu nữ Xi-on: Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ.
6 Các môn đệ ra đi và làm theo lời Đức Giê-su đã truyền.7 Các ông dắt lừa mẹ và lừa con về, trải áo choàng của mình trên lưng chúng, và Đức Giê-su cỡi lên.8 Một đám người rất đông cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá mà rải lên lối đi.9 Dân chúng, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: Hoan hô Con vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời.
10 Khi Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau: “Ông này là ai vậy?”11 Dân chúng trả lời: “Ngôn sứ Giê-su, người Na-da-rét, xứ Ga-li-lê đấy.”
Đức Giê-su đuổi những người đang mua bán trong Đền Thờ
12 Đức Giê-su vào Đền Thờ, đuổi tất cả những người đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu.13 Rồi Người bảo họ: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi lại biến thành sào huyệt của bọn cướp.”14 Có những kẻ mù lòa, què quặt đến với Người trong Đền Thờ, và Người đã chữa họ lành.15 Nhưng các thượng tế và kinh sư thấy những việc lạ lùng Người đã làm và thấy lũ trẻ reo hò trong Đền Thờ: “Hoan hô Con vua Đa-vít!”, thì tức tối16 và nói với Người rằng: “Ông có nghe chúng nói gì không?” Đức Giê-su đáp: “Có; nhưng còn lời này, các ông chưa bao giờ đọc sao: Ngài sẽ cho miệng con thơ trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen?”17 Rồi Người bỏ họ mà ra khỏi thành, đến Bê-ta-ni-a và qua đêm tại đó.
Cây vả không ra trái
18 Sáng sớm, khi trở vào thành, Người cảm thấy đói.19 Trông thấy cây vả ở bên đường, Người lại gần nhưng không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi. Nên Người nói: “Từ nay, không bao giờ mày có trái nữa!” Cây vả chết khô ngay lập tức.20 Thấy vậy, các môn đệ ngạc nhiên nói: “Sao cây vả lại chết khô ngay lập tức như thế?”21 Đức Giê-su trả lời: “Thầy bảo thật anh em, nếu anh em tin và không chút nghi nan, thì chẳng những anh em làm được điều Thầy vừa làm cho cây vả, mà hơn nữa, anh em có bảo núi này: ‘Dời chỗ đi, nhào xuống biển!’, thì sự việc sẽ xảy ra như thế.22 Tất cả những gì anh em lấy lòng tin mà xin khi cầu nguyện, thì anh em sẽ được.”
Câu hỏi về quyền bính của Đức Giê-su
23 Đức Giê-su vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?”24 Đức Giê-su đáp: “Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.25 Vậy, phép rửa của ông Gio-an do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?” Họ mới nghĩ thầm: “Nếu mình nói: ‘Do Trời’, thì ông ấy sẽ vặn lại: ‘Thế sao các ông lại không tin ông ấy?’26 Còn nếu mình nói: ‘Do người ta’, thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an là một ngôn sứ.”27 Họ mới trả lời Đức Giê-su: “Chúng tôi không biết.” Người cũng nói với họ: “Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”
Dụ ngôn hai người con
28 Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.”29 Nó đáp: “Con không muốn đâu!” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi.30 Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “Thưa ngài, con đây!” nhưng rồi lại không đi.31 Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” Họ trả lời: “Người thứ nhất.” Đức Giê-su nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.32 Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.”
Dụ ngôn những tá điền sát nhân
33 Các ông hãy nghe một dụ ngôn khác: “Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa.34 Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi.35 Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ.36 Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy.37 Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: “Chúng sẽ nể con ta.”38 Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!”39 Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi.40 Vậy xin hỏi: Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?”41 Họ đáp: “Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông.”42 Đức Giê-su bảo họ: “Kinh Thánh có câu: Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta. Các ông chưa bao giờ đọc câu này sao?
43 “Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi. [44 Ai ngã xuống đá này, kẻ ấy sẽ tan xương; đá này rơi trúng ai, sẽ làm người ấy nát thịt].”
45 Nghe những dụ ngôn Người kể, các thượng tế và người Pha-ri-sêu hiểu là Người nói về họ.46 Họ tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng, vì dân chúng cho Người là một ngôn sứ.
Mc 11,15-17; Lc 19,45-46; Ga 2,13-16
Mc 11,12-14.20a; Lc 13,6-9
u. Theo Ga 12,1, sáu ngày trước lễ Vượt Qua cuối cùng, Chúa Giê-su tới Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem độ 2,5 cây số, có lẽ vào buổi chiều, và thầy trò nghỉ lại qua đêm tại nhà chị em Mát-ta và La-da-rô. Ở đây, Mát-thêu nói là gần tới Giê-ru-sa-lem. Sáng hôm sau, tức là Chúa nhật, các ngài tiếp tục tiến về thủ đô. Giữa Bê-ta-ni-a và Giê-ru-sa-lem, có làng Bết-pha-ghê (nhà cây vả), nằm dưới chân núi Ô-liu về phía đông. Làng được nói tới trong c. 2 chính là Bết-pha-ghê. Xem ra Chúa Giê-su không đi qua chính làng này, nhưng chỉ tạt qua bên cạnh làng; nếu vậy thì Người chọn con đường gần, leo qua ngọn đồi, thay vì con đường vòng dễ đi nhưng dài hơn, băng qua Bết-pha-ghê.
Người chủ đôi lừa phải là quen với Chúa Giê-su. Lời căn dặn chứng tỏ Chúa Giê-su biết trước và nắm vững mọi chuyện sắp xảy ra cho Người.
v. Ba Tin Mừng kia chỉ nói tới con lừa con để cho Chúa cỡi; nhưng theo Mát-thêu thì có cả con lừa mẹ nữa. Mát-thêu ráp lời Is 62,11 với Dcr 9,9 Thiếu nữ Xi-on là kiểu nói nhân cách hóa dân cư Giê-ru-sa-lem. Nội dung lời sấm nói lên tính khiêm tốn và ôn hòa của Vua Mê-si-a qua cách thức bình dân Người vào thủ đô: trên một con lừa chưa vực. Để nhấn mạnh, tác giả lời sấm đã nhắc lại đó là con của con vật chở đồ tức là lừa mẹ đã thuần. Khi áp dụng vào trường hợp Chúa Giê-su (c. 7), Mát-thêu kể là các môn đệ dắt cả lừa mẹ lừa con về trải áo choàng của mình trên lưng chúng, và Đức Giê-su cỡi lên chúng (!) Bản dịch đã tránh khó khăn, nên không dịch chữ chúng cuối cùng. Có người hiểu là Chúa Giê-su ngồi lên trên các áo choàng. Đơn giản nhất có lẽ là Mát-thêu muốn đưa lời Da-ca-ri-a (thật sự chỉ nhấn mạnh tới con lừa con mà thôi) cho hợp với trường hợp của Chúa Giê-su (thật sự có 2 con lừa), mà không quan tâm tới chuyện trục trặc.
x. Mặc dầu lúc ấy chẳng ai nghĩ tới lời sấm vừa kể (x. Ga 12,14.15), nhưng quần chúng đều nhận ra Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a Thiên Chúa đã hứa, nên họ dùng Thánh vịnh 118,25-26 để hoan hô Người. Tiếng Ho-si-an-na nguyên nghĩa: Cứu đi nào! đã trở thành tiếng tung hô của người Do-thái.
Như vậy, qua sự việc vào thủ đô Giê-ru-sa-lem một cách đột xuất, với vẻ bề ngoài vừa mộc mạc lại vừa náo nhiệt như vậy, Chúa Giê-su đã muốn cho mọi người hiểu Người chính là Đấng phải đến, nhưng Người không phải là Mê-si-a chính trị như người ta mong đợi, một thứ nhà ái quốc xuất hiện một cách oai hùng để giải phóng dân tộc khỏi nền thống trị ngoại bang.
y. Để tiện cho khách hành hương từ ngoại quốc về Giê-ru-sa-lem có sẵn tiền Do-thái cũng như các thứ dùng làm phẩm vật dâng vào Đền Thờ, các tư tế để cho người ta đổi tiền và buôn bán dưới các hành lang trên sân dân ngoại, một khu vực xa thánh điện nhất và để ngỏ cho mọi người qua lại. Nhưng sự kiện này đã nên cớ cho những lạm dụng. Chúa Giê-su đã hành động như thế để lên án những lạm dụng kia, nhưng nhất là Người muốn thực hiện lời ngôn sứ Da-ca-ri-a (14,21).
a. Liền đó, Chúa Giê-su chữa những kẻ mù lòa, què quặt đã theo Người vào khu vực Đền Thờ, mặc dầu luật cấm (Lv 21,18; x. 2 Sm 5,8) và như thế Người làm trọn lời sấm của Is 35,5-6. Dân chúng nói chung, và trẻ em nói riêng, càng phấn khởi đón nhận Nước Thiên Chúa bao nhiêu, thì các thượng tế và kinh sư lại càng tức tối hơn bấy nhiêu.
b. Lời Chúa Giê-su trích Tv 8,3 càng làm nổi rõ sự mù quáng và ngoan cố của các bậc thầy tinh thần này. Đại ý Thánh vịnh ca tụng Thánh danh Thiên Chúa trong thiên nhiên: trước bầu trời trong sáng đầy trăng sao, đến trẻ thơ con nít cũng nhận ra công trình của Thiên Chúa. Công cuộc Mê-si-a của ngôn sứ Giê-su người Na-da-rét hiển nhiên đến độ người dân chất phác và lũ trẻ còn thấy; thế mà các ông lại không thấy.
c. Những dịp lễ lớn của người Do-thái, khách hành hương xưa thường có thói quen trọ đêm bên ngoài tường thành Giê-ru-sa-lem. Chúa Giê-su vẫn thường trọ tại nhà chị em Mác-ta, Ma-ri-a (Lc 10,38-42; 21,37.38; Mc 11,19).
d. Theo Mác-cô, chiều hôm vào Giê-ru-sa-lem long trọng, Chúa Giê-su về nghỉ tại Bê-ta-ni-a. Sáng hôm sau, trên đường trở lại thành, Người thấy một cây vả không có trái (vì không phải là mùa vả Mc 11,13) liền nguyền rủa nó. Sau đó thầy trò đi vào Giê-ru-sa-lem. Chiều tối lại trở về Bê-ta-ni-a. Và sáng hôm sau nữa, khi ngang qua chỗ cây vả để vào lại đền thờ, các môn đệ mới phát giác ra cây vả đã héo khô. Bấy giờ Chúa mới nhân cơ hội, nói về lòng tin và việc cầu nguyện. Nhưng Mát-thêu lại muốn nhấn mạnh hiệu quả tức khắc của lời Chúa Giê-su.
đ. Trong Sách Thánh, Cựu cũng như Tân Ước, cây vả hoặc cây nho, hay nói chung là một cây ăn trái, vẫn được dùng như hình ảnh của dân tộc Ít-ra-en. Ở đây, Chúa Giê-su dùng một tác động mang ý nghĩa ngụ ngôn để ám chỉ số phận Ít-ra-en bạc phước: dân tộc này từ sau lưu đày đã hồi sinh dần dần, như cây vả đang giữa mùa xuân. Thế nhưng bên trong cái vẻ huy hoàng tráng lệ (Đền Thờ do Hê-rô-đê xây...) là sự trống rỗng vì không có lòng tin khi được thăm viếng. Cây vả tự nhiên không thể có trái ngoài mùa vả; nhưng Ít-ra-en, hay bất cứ con người nào, không thể nói rằng lúc này đây chưa phải là thời để ăn năn sám hối (tin). Chúa Giê-su dùng quyền của Người làm một việc xem ra nghịch lý. Thế nhưng các môn đệ không thắc mắc gì về chuyện Chúa tìm trái vả trái mùa; họ chỉ ngạc nhiên về hiệu năng của lời Chúa. Đó là vì đối với người Do-thái, cây vả chết cái chết Thiên Chúa muốn, thì không có gì là nghịch lý. Chỉ có con người không sẵn trái trăng của lòng sám hối khi Chúa đến, mới là nghịch lý. Nhất là với Ít-ra-en đã được vun trồng, chăm sóc từ bao thế kỷ.
e. Theo Mác-cô (11,27), trong những người chất vấn Chúa Giê-su, có cả các kinh sư nữa. Như vậy là có cả ba thành phần của Thượng Hội Đồng Do-thái giáo. Những người này đã thừa biết các hành động và chủ đích của Chúa Giê-su trong những năm qua, nhưng những sự việc bất thường mới đây báo động họ: cao trào Mê-si-a, việc xua đuổi con buôn, chuyện chữa lành những kẻ đui mù què quặt trong Đền Thờ.
g. Họ đặt vấn đề về nguồn gốc quyền hành khiến Chúa Giê-su hành động tự do như thế: do Thiên Chúa hay do ma quỷ, hoặc chỉ tự mình? Nhưng Chúa Giê-su đặt lại vấn đề với họ về sứ vụ của ông Gio-an Tẩy Giả, và dồn họ vào thế lưỡng nan. Câu trả lời chúng tôi không biết càng tỏ rõ sự thiếu thiện chí của họ. Toàn dân đều nhìn nhận ông Gio-an là một ngôn sứ Thiên Chúa sai đến; sứ vụ của ông là làm chứng cho Chúa Giê-su. Các ông là bậc thầy của dân, mà lại không biết!
h. Qua dụ ngôn, Chúa Giê-su cho thấy điều quan trọng không phải là nói, mà là làm theo ý muốn của Thiên Chúa, như ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính nghĩa là thực hành và giảng dạy người ta thi hành điều Thiên Chúa muốn, nhờ đó mà người ta được nên công chính.
Ngoài nghĩa Chúa Giê-su áp dụng, một số các thánh Giáo phụ còn hiểu người con thứ nhất tượng trưng cho dân ngoại, ban đầu đã không biết nghe lời Thiên Chúa nói qua lương tâm (luật tự nhiên), nhưng sau đã tin lời Chúa Ki-tô và gia nhập Giáo Hội. Còn người con thứ hai tiêu biểu cho dân Do-thái, sau khi đã cam kết, thề ước qua luật Mô-sê, cuối cùng đã từ khước Chúa Ki-tô.
i. Đúng là một ngụ ngôn, trong đó tất cả các chi tiết đều mang ý nghĩa riêng: gia chủ là Thiên Chúa; vườn nho là Ít-ra-en, được Thiên Chúa chọn làm dân riêng; Chúa đã thiết lập Giao ước Xi-nai với thể chế Mô-sê để bảo vệ và hướng dẫn dân này, ví như giậu, bồn đạp nho, vọng gác trong vườn; tá điền sát nhân là những người Do-thái thất tín, nhất là các nhà lãnh đạo đã đưa dân vào con đường bội nghĩa; các đầy tớ của gia chủ là các vị ngôn sứ, qua các thời đã bị đối xử tàn tệ. Người con của gia chủ là chính Chúa Giê-su, bị đóng đinh trên thập giá bên ngoài Giê-ru-sa-lem. Người Do-thái tưởng giết Chúa Giê-su để nắm trọn vận mạng dân tộc. Nhưng họ sẽ bị truất quyền và bị trừng phạt; Chúa ám chỉ sự tàn phá Giê-ru-sa-lem sau này. Còn Nước Thiên Chúa thì sẽ được ban cho một dân khác biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi. Dân mới này là Hội Thánh quy tụ lại từ mọi dân thiên hạ.
k. Trong câu chuyện, chi tiết gia chủ cuối cùng đã sai chính người con của mình, mà tưởng rằng các tá điền sẽ nể cậu, là một điểm hơi lạ xét theo lẽ thường. Nhưng chính chi tiết này lại làm nổi bật lên điểm chính, đó là Thiên Chúa đã sai Con Một Người để cứu thế gian tội lỗi, đồng thời cũng cho thấy rõ hơn trách nhiệm của các tá điền gian ác. Ý tưởng này còn được tăng cường bởi lời trích Tv 118,22-23. Tảng đá trong thánh vịnh này là Xi-on, tức là dân Thiên Chúa; thợ xây là các nhà lãnh đạo các dân tộc ngoại giáo. Hình ảnh đá tảng này được áp dụng vào Chúa Giê-su, và các nhà lãnh đạo Ít-ra-en trở thành các thợ xây (Cv 4,11). Như thế, ơn gọi của Ít-ra-en lý tưởng tập trung vào Chúa Giê-su, đá tảng của Hội Thánh (Ep 2,20).