TÔNG HIẾN FIDEI DEPOSITUM (KHO TÀNG ĐỨC TIN)
TÔNG HIẾN
“KHO TÀNG ĐỨC TIN”
VỀ VIỆC CÔNG BỐ
SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
ĐƯỢC SOẠN THẢO TIẾP SAU CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II
GIOAN PHAOLÔ II, GIÁM MỤC, TÔI TỚ CÁC TÔI TỚ THIÊN CHÚA ĐỂ GHI NHỚ MUÔN ĐỜI
Kính gửi chư huynh khả kính là các vị Hồng Y, Thượng Phụ, Tổng Giám Mục và Giám mục, các linh mục và phó tế cùng mọi thành phần dân Thiên Chúa.
1. DẪN NHẬP
KHO TÀNG ĐỨC TIN đã được Chúa đã trao ban cho Hội Thánh Ngài gìn giữ, và Hội Thánh vẫn không ngừng chu toàn nhiệm vụ đó. Công đồng chung Vaticanô II, do vị tiền nhiệm đáng nhớ của chúng tôi là Đức Gioan XXIII long trọng khai mạc cách đây ba mươi năm, đã có ý định và ước muốn nêu rõ sứ vụ tông đồ và mục vụ của Hội Thánh, nhờ đó ánh sáng rạng ngời của chân lý Tin Mừng sẽ thúc đẩy mọi người tìm kiếm và đón nhận tình yêu cao vời của Chúa Kitô (x. Ep 3,19).
Đức Gioan XXIII đã ủy thác cho Công đồng nhiệm vụ chính yếu là gìn giữ và giải thích tốt hơn nữa kho tàng quý báu của đạo lý Kitô Giáo, để ý nghĩa kho tàng ấy được sáng tỏ hơn cho các Kitô hữu cũng như mọi người thiện chí. Vì vậy, Công đồng không đặt nặng việc kết án các sai lạc của thời đại, nhưng dành ưu tiên cho nỗ lực bày tỏ một cách thanh thản sức mạnh và vẻ đẹp của đạo lý đức tin. Ngài nói: “Được ánh sáng của Công đồng này soi chiếu, như chúng tôi tin tưởng, Hội Thánh sẽ có thêm nhiều nguồn ơn thiêng liêng phong phú, và nhờ tiếp thu được từ đó những năng lực mới, Hội Thánh sẽ vững vàng nhìn vào tương lai. Chúng ta cần phải bắt tay thực hiện cách phấn khởi và không sợ hãi công việc mà thời đại chúng ta đòi hỏi, để tiếp tục con đường Hội Thánh đã đi từ gần hai mươi thế kỷ qua.”1
Với ơn Chúa giúp đỡ, qua bốn năm làm việc miệt mài, các nghị phụ Công đồng đã đúc kết và trình bày cho toàn thể Hội Thánh một tổng hợp các đạo lý và quy tắc mục vụ rất đáng kính nể. Các mục tử cũng như các Kitô hữu tìm được ở đấy những chỉ dẫn để thực hiện công cuộc “đổi mới suy tư, hành động, phong hóa, phục hưng sức mạnh tinh thần, niềm vui và hy vọng mà Công đồng hết lòng mong muốn.”2
Sau khi kết thúc, Công đồng vẫn không ngừng thúc đẩy đời sống Hội Thánh. Năm 1985, chúng tôi đã có thể tuyên bố: “Đối với chúng tôi là người đã được đặc ân tham dự và cộng tác tích cực vào tiến trình của Công đồng, Vaticanô II luôn luôn là, và một cách đặc biệt trong triều đại Giáo Hoàng của chúng tôi, tiếp tục là điểm quy chiếu thường hằng cho mọi hoạt động mục vụ của chúng tôi, trong nỗ lực có ý thức nhằm thể hiện cách vững vàng và chắc chắn các chỉ đạo của Công đồng, trên bình diện mỗi Giáo Hội địa phương cũng như trên bình diện Hội Thánh toàn cầu. Thật sự, phải luôn luôn trở về với nguồn mạch ấy.”3
Do ý định này, ngày 25/1/1985, chúng tôi đã triệu tập một hội nghị bất thường của Thượng Hội đồng Giám mục, nhân dịp kỷ niệm hai mươi năm Công đồng kết thúc. Mục đích của hội nghị là tạ ơn Thiên Chúa vì các hồng ân và hoa trái thiêng liêng của Công đồng Vaticanô II, đồng thời đào sâu giáo huấn của Công đồng, để toàn thể các Kitô hữu tiếp nhận, thấm nhuần và áp dụng rộng rãi hơn.
Trong bối cảnh này, các nghị phụ của Thượng Hội đồng đã khẳng định: “Ước nguyện chung là có một sách giáo lý hay một bản tóm lược toàn bộ đạo lý công giáo cả về đức tin lẫn luân lý, để làm điểm quy chiếu cho các sách giáo lý hay bản toát yếu được biên soạn ở các vùng khác nhau. Việc trình bày đạo lý phải có tính chất thánh kinh và phụng vụ, diễn đạt một đạo lý lành mạnh, đồng thời thích nghi với đời sống hiện nay của các Kitô hữu.”4 Ngay khi Thượng Hội đồng kết thúc, tôi đã theo đề nghị đó vì nó “đáp ứng hoàn toàn một nhu cầu thiết thực của Hội Thánh toàn cầu cũng như của các Giáo Hội địa phương.”5
Vì thế, hôm nay chúng tôi hết lòng tạ ơn Thiên Chúa, vì có thể giới thiệu cho toàn thể Hội Thánh “bản văn quy chiếu” này với tên gọi là Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo để canh tân việc dạy giáo lý nhờ các nguồn mạch sống động của đức tin.
Sau việc canh tân phụng vụ và soạn thảo bộ Giáo Luật mới cho Giáo Hội Latinh và các bộ luật cho các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, Sách Giáo Lý này sẽ góp phần rất quan trọng vào công cuộc đổi mới toàn bộ đời sống Hội Thánh, như Công đồng Vaticanô II mong muốn và đã khởi sự.
2. LỘ TRÌNH VÀ TINH THẦN SOẠN THẢO BẢN VĂN
Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo là kết quả của một sự cộng tác rất rộng rãi và được hoàn thiện qua sáu năm làm việc vất vả trong tinh thần cởi mở và tâm hồn nhiệt thành.
Năm 1986, chúng tôi đã ủy thác cho một ủy ban gồm mười hai vị Hồng Y và Giám mục, do Đức Hồng Y Joseph Ratzinger làm chủ tịch, nhiệm vụ soạn thảo một đề cương chuẩn bị cho sách giáo lý theo yêu cầu của các nghị phụ Thượng Hội đồng. Một hội đồng biên tập, gồm bảy vị Giám mục giáo phận là những chuyên gia thần học và dạy giáo lý, đã được thành lập để giúp ủy ban trong công việc này.
Với nhiệm vụ đề ra những nguyên tắc chỉ đạo và quan tâm xúc tiến công việc, ủy ban đã chăm chú dõi theo tất cả quá trình biên soạn của chín bản văn nối tiếp nhau. Về phần mình, hội đồng biên tập đảm nhận nhiệm vụ viết bản văn, sửa đổi theo yêu cầu của ủy ban và lưu ý đến nhận xét của các nhà thần học, các người diễn giải đạo lý Kitô Giáo, các học viện, nhất là của các Giám mục trên toàn thế giới, nhằm hoàn chỉnh bản văn. Trong hội đồng, các ý kiến khác nhau đã được đem ra đối chiếu một cách rất hữu ích. Nhờ đó, bản văn được thêm phong phú, đồng thời vẫn bảo đảm sự thống nhất và đồng bộ.
Bản dự thảo đã được gởi đến tất cả các Giám mục Công Giáo, các Hội đồng Giám mục hay Thượng Hội đồng, các học viện thần học và dạy giáo lý để tham khảo ý kiến. Cách chung, bản dự thảo đã được hàng Giám mục tiếp nhận rất thuận lợi. Có thể khẳng định rằng Sách Giáo Lý này là kết quả cộng tác của toàn thể hàng Giám mục Hội Thánh Công Giáo. Các ngài đã quảng đại đáp lại lời mời gọi của chúng tôi để tham gia trách nhiệm trong một sáng kiến liên hệ chặt chẽ đến đời sống Hội Thánh. Sự hưởng ứng của các Giám mục làm chúng tôi rất vui mừng, vì bấy nhiêu tiếng nói tập hợp lại đã tạo nên như một “bản giao hưởng đức tin.” Việc thực hiện Sách Giáo Lý này cho thấy rõ tính tập đoàn của hàng Giám mục và chứng thực tính Công Giáo của Hội Thánh.
3. PHÂN CHIA ĐỀ MỤC
Sách Giáo Lý phải trình bày một cách trung thành và có hệ thống đạo lý của Thánh Kinh, của Thánh Truyền sống động trong Hội Thánh, của Huấn Quyền chân chính, cũng như gia sản thiêng liêng của các Giáo phụ, các Thánh tiến sĩ, và các Thánh nam nữ trong Hội Thánh, nhờ đó các mầu nhiệm Kitô Giáo được hiểu biết tốt hơn và đức tin của dân Thiên Chúa được kiện toàn. Cần phải đề ra sự lý giải thích đáng cho các công bố về đạo lý mà Chúa Thánh Thần đã gợi lên cho Hội Thánh qua các thời đại. Hơn nữa, Sách Giáo Lý cũng phải là một trợ giúp cho việc lấy ánh sáng đức tin soi sáng những hoàn cảnh mới và những vấn đề chưa được đặt ra trong quá khứ. Vì thế, Sách Giáo Lý này sẽ gồm cả những điều mới lẫn điều cũ (x. Mt 13,52), bởi đức tin luôn luôn là một và luôn luôn là nguồn mạch của những ánh sáng mới.
Để đáp ứng hai đòi hỏi ấy, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, một mặt lấy lại cách sắp xếp “cũ”, đã trở thành truyền thống mà Sách Giáo Lý của thánh Piô V đã theo, và chia nội dung thành bốn phần: Kinh Tin Kính; Phụng vụ thánh, đứng đầu là các bí tích; Luân lý Kitô Giáo, được trình bày dựa trên Mười Điều Răn; cuối cùng là Kinh nguyện Kitô Giáo. Tuy nhiên, đồng thời, nội dung thường được trình bày theo cách “mới” để đáp ứng các yêu cầu của thời đại chúng ta.
Bốn phần có liên hệ chặt chẽ với nhau: mầu nhiệm Kitô Giáo là đối tượng của đức tin (Phần thứ nhất); mầu nhiệm ấy được cử hành và được truyền thông qua các hành động phụng vụ (Phần thứ hai); mầu nhiệm ấy hiện diện để soi sáng và nâng đỡ con cái Thiên Chúa trong các việc làm của họ (Phần thứ ba); mầu nhiệm ấy đặt nền móng cho kinh nguyện của chúng ta, mà tiêu biểu đặc biệt là kinh Lạy Cha, và tạo thành đối tượng cho lời cầu xin, ca ngợi và chuyển cầu của chúng ta (Phần thứ tư).
Chính phụng vụ là kinh nguyện; chỗ chính đáng để tuyên xưng đức tin là trong cử hành phụng tự. Ân sủng, hoa trái của các bí tích, là điều kiện không thay thế được trong đời sống luân lý Kitô Giáo, cũng như đức tin là điều kiện để tham dự phụng vụ của Hội Thánh. Nếu đức tin không được triển khai bằng việc làm, thì đó là đức tin chết (x. Gc 2,14-26) và không thể mang hoa quả dẫn đến sự sống vĩnh cửu.
Đọc Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, chúng ta có thể nắm được sự thống nhất tuyệt vời của mầu nhiệm của Thiên Chúa, và kế hoạch cứu độ của Ngài, cũng như vị trí trung tâm của Đức Kitô Giêsu, Con Một Thiên Chúa, được Chúa Cha sai đến, làm người trong lòng Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, để trở thành Đấng Cứu Độ chúng ta. Đã chết và đã sống lại, Người luôn hiện diện trong Hội Thánh của Người, nhất là trong các bí tích. Chính Người là nguồn mạch thật của đức tin, là mẫu mực của đời sống luân lý Kitô Giáo và là Thầy dạy chúng ta cầu nguyện.
4. GIÁ TRỊ ĐẠO LÝ CỦA BẢN VĂN
Ngày hai mươi lăm tháng Sáu năm nay, chúng tôi đã phê chuẩn, và hôm nay chúng tôi lấy Quyền Tông Đồ của chúng tôi truyền phổ biến Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo. Đây là bản trình bày đức tin Hội Thánh và đạo lý Công Giáo, được Thánh Kinh cũng như Truyền Thống Tông Đồ và Huấn quyền Hội Thánh xác nhận hoặc soi sáng. Chúng tôi tuyên bố đây là quy luật vững chắc để truyền dạy đức tin, và do đó là một dụng cụ chính đáng cho sự hiệp thông trong Hội Thánh.
Ước gì quyển sách này giúp ích cho công cuộc canh tân mà Chúa Thánh Thần không ngừng kêu gọi Hội Thánh của Thiên Chúa, Thân Thể Đức Kitô, thực hiện trên đường lữ thứ tiến về ánh sáng rực rỡ của Nước Trời!
Việc phê chuẩn và công bố Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo thuộc về thừa tác vụ mà người kế nhiệm thánh Phêrô muốn cống hiến cho Hội Thánh Công Giáo, cho tất cả các Giáo Hội địa phương đang sống hòa hợp và hiệp thông với Tòa Thánh Rôma: nghĩa là thừa tác vụ để nâng đỡ và củng cố đức tin cho tất cả các môn đệ Chúa Giêsu (x. Lc 22,32), cũng như tăng cường các mối dây hợp nhất trong cùng một đức tin tông truyền.
Vì vậy, chúng tôi xin các mục tử của Hội Thánh cũng như các tín hữu hãy đón nhận Sách Giáo Lý này trong tinh thần hiệp thông và chuyên cần sử dụng sách này trong khi chu toàn sứ vụ loan báo đức tin và kêu gọi người ta sống theo Tin Mừng. Sách Giáo Lý này được trao cho họ để làm bản tham chiếu chắc chắn và có thẩm quyền trong việc giảng dạy đạo lý công giáo, và cách riêng, trong việc soạn các sách giáo lý địa phương. Sách này cũng được trao cho mọi tín hữu muốn biết rõ hơn về những điều phong phú khôn lường của ơn cứu độ (x. Ep 3,8). Sách này muốn nâng đỡ những nỗ lực đại kết, được khởi xướng từ ao ước thánh thiện muốn đạt tới sự hợp nhất tất cả các Kitô hữu, qua việc nêu rõ sự mạch lạc hài hòa lớn lao và kỳ diệu của đức tin công giáo. Cuối cùng, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo được trao cho tất cả những ai thắc mắc về niềm hy vọng nơi chúng ta (x. 1 Pr 3,15) và muốn biết Hội Thánh Công Giáo tin gì.
Sách Giáo Lý này không có ý định thay thế các sách giáo lý địa phương được phê chuẩn bởi giáo quyền, bởi các Giám mục giáo phận và các Hội Đồng Giám Mục, nhất là khi đã được Tòa Thánh phê chuẩn. Sách này có ý khích lệ và giúp soạn thảo những sách giáo lý mới ở từng địa phương theo những hoàn cảnh và văn hóa khác nhau, nhưng vẫn lưu tâm gìn giữ sự hợp nhất trong đức tin và lòng trung thành với đạo lý công giáo.
KẾT LUẬN
Để kết thúc văn kiện giới thiệu Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, chúng tôi cầu xin Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, Mẹ Ngôi Lời Nhập Thể và Mẹ Hội Thánh, lấy lời chuyển cầu đầy quyền năng của Mẹ mà nâng đỡ công việc dạy giáo lý của toàn thể Hội Thánh trên mọi cấp độ, trong giai đoạn này, khi Hội Thánh được mời gọi có một nỗ lực mới trong công cuộc Phúc Âm hóa. Xin cho ánh sáng đức tin chân thật giải thoát nhân loại khỏi cảnh u tối và nô lệ của tội lỗi, và dẫn đưa họ đến sự tự do duy nhất đúng nghĩa (x. Ga 8,32), nghĩa là sự tự do của đời sống trong Chúa Giêsu Kitô, thể hiện ở đời này dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, và hướng về sự sung mãn của hạnh phúc được chiêm ngưỡng Thiên Chúa mặt giáp mặt trong Nước Trời (x. 1 Cr 13,12; 2 Cr 5,6-8).
Ban hành ngày mười một tháng Mười, năm 1992, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày khai mạc Công đồng Vaticanô II, năm thứ 14 triều đại giáo hoàng của chúng tôi.
Chú thích
1 ĐGH Gioan XXIII, Diễn văn khai mạc Công đồng Vaticanô II, ngày 11/10/1962: AAS 54 (1962) 788-791.
2 ĐGH Phaolô VI, Diễn văn bế mạc Công đồng Vaticanô II, ngày 8/12/1965: AAS 58 (1966), 7-8.
3 ĐGH Gioan Phaolô II, Diễn văn ngày 25/1/1985: L’Osservatore Romano, ngày 27/1/1985.
4 Thượng Hội đồng Giám mục (Khóa bất thường, 1985), Báo cáo tổng kết, ngày 7/12/1985: Enchiridion Vaticanum 9, II, B, a, n. 4, p. 1758, n. 1797.
5 ĐGH Gioan Phaolô II, Diễn văn bế mạc Thượng Hội đồng Giám mục (Khóa bất thường), ngày 7/12/1985, n.6: AAS 78 (1986), 435.