Tông hiến Sacrae Disciplinae Leges

TÔNG HIẾN

SACRAE DISCIPLINAE LEGES

(CÁC LUẬT LỆ CỦA KỶ LUẬT THÁNH)

VỀ VIỆC ẤN HÀNH BỘ GIÁO LUẬT MỚI


Kính gửi chư huynh khả kính là các vị Hồng y,
Thượng phụ, Tổng Giám mục và Giám mục,
các linh mục và phó tế
cùng mọi thành phần dân Chúa.

GIOAN PHAOLÔ, GIÁM MỤC
ĐẦY TỚ CỦA CÁC ĐẦY TỚ THIÊN CHÚA
ĐỂ GHI NHỚ MUÔN ĐỜI


Qua dòng thời gian, Giáo Hội Công Giáo vẫn thường cải tổ và canh tân các luật lệ của kỷ luật thánh cho phù hợp với sứ mệnh cứu rỗi đã được trao cho mình, mà vẫn luôn trung thành với Đấng Sáng Lập thần linh.

Để giữ nguyên đường hướng đó và để đáp ứng lòng mong đợi của toàn thế giới Công Giáo, hôm nay ngày 25 tháng giêng năm 1983, Chúng tôi ra sắc lệnh ban hành Bộ Giáo Luật đã được tu chỉnh. Trong khi quyết định như thế, Chúng tôi nhớ lại là cũng vào ngày này năm 1959, vị tiền nhiệm của Chúng tôi là Đức Gioan XXIII đã công khai loan báo lần đầu tiên việc cải tổ Bộ Giáo Luật hiện hành đã được ban hành năm 1917 trong dịp mừng trọng thể lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Trong cùng một ngày, chính Đức Giáo Hoàng đã đề cập đến việc quyết định canh tân Bộ Giáo Luật cùng với hai quyết định khác, đó là ý định triệu tập công nghị giáo phận Rôma và mở Công đồng chung. Trong hai biến cố ấy, tuy biến cố thứ nhất không có tương quan trực tiếp với việc cải tổ giáo luật, nhưng biến cố thứ hai, tức là Công đồng, có một tầm quan trọng chủ yếu trong vấn đề của chúng ta và chỉ gắn bó mật thiết với vấn đề này.

Nếu có người thắc mắc muốn biết vì sao Đức Gioan XXIII cảm thấy cần phải cải tổ Bộ Luật hiện hành, thì câu trả lời có thể được tìm thấy trong chính Bộ Luật được ban hành năm 1917. Tuy nhiên, cũng còn một câu trả lời khác mang tính cách quyết định: đó là chính Công đồng mong muốn và yêu cầu cải tổ Bộ Giáo Luật, bởi vì Công đồng đã hết sức quan tâm đến Giáo Hội.

Rõ ràng là khi công bố lời loan báo đầu tiên về việc canh tân Bộ Giáo Luật, thì Công đồng lúc ấy còn là vấn đề tương lai. Phải thêm điều này là các văn kiện huấn giáo của Công đồng và nhất là giáo lý về Giáo Hội chỉ được hiệu chỉnh vào những năm 1962-1965; dù vậy, không ai chối cãi được là trực giác của Đức Gioan XXIII chính xác đến mức nào và phải khẳng định là quyết định của ngài nhằm lợi ích của Giáo Hội.

Vậy thì Bộ Giáo Luật mới được công bố hôm nay tất nhiên đòi phải có tác động của Công đồng trước đã; và mặc dù được loan báo đồng thời với việc triệu tập Công đồng chung, nhưng tính theo thời gian thì Bộ Giáo Luật mới lại sinh ra sau Công đồng, bởi vì việc chuẩn bị biên soạn phải dựa vào Công đồng và chỉ có thể bắt đầu sau khi Công đồng kết thúc.

Nếu hôm nay chúng ta hồi tưởng lại khởi điểm của bước tiến này, tức là ngày 25 tháng giêng năm 1959, và hướng về chính bản thân Đức Gioan XXIII là vị khởi xướng việc tu chỉnh Bộ Luật, chúng ta phải nhận rằng Bộ Luật này phát sinh từ một mục đích duy nhất, đó là phục hưng đời sống Kitô Giáo; thật vậy, chính từ mục đích này, mà toàn bộ tác phẩm của Công đồng đã rút ra các luật lệ và hướng đi của mình.

Giờ đây, nếu chúng ta nhìn lại các việc đã làm trước khi ban hành Bộ Giáo Luật cũng như cách thức làm, đặc biệt dưới các triều đại của Đức Phaolô VI và của Đức Gioan Phaolô I, rồi từ đó cho đến nay, thì tất nhiên cần phải đề cao một cách rõ ràng là các công việc đã được hoàn thành cách tuyệt vời trong tinh thần tập đoàn. Tinh thần ấy không những được thể hiện trong hình thức biên soạn, mà còn trong chiều sâu, đối với nội dung các điều luật đã được soạn thảo nữa.

Tính cách tập đoàn đánh dấu rõ nét tiến trình phát sinh Bộ Luật này, hoàn toàn phù hợp với giáo huấn và đặc tính của Công đồng Vaticanô II. Do đó Bộ Giáo Luật, không những trong nội dung, mà ngay việc khai sinh, đã thể hiện tinh thần của Công đồng. Thật vậy, các Văn kiện công đồng trình bày Giáo Hội, “bí tích phổ quát của ơn cứu rỗi” (x. Hiến chế Lumen Gentium, 1, 9, 48), như là Dân Chúa, với cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội dựa trên Giám mục đoàn, hiệp nhất với vị thủ lãnh của mình.

Chính vì lý do ấy mà các Giám mục và các Hội đồng Giám mục đã được mời gọi cộng tác vào việc chuẩn bị Bộ Luật mới, để qua chặng đường dài này, nhờ phương pháp tập đoàn trong mức độ có thể, các công thức pháp lý dần dần được chín muồi, và sau đó phải được sử dụng trong toàn thể Giáo Hội. Mặt khác, còn có sự cộng tác của các chuyên viên trong mọi giai đoạn của công việc này, tức là các nhà chuyên môn về thần học, lịch sử, nhất là giáo luật, được tuyển chọn từ khắp nơi trên thế giới.

Hôm nay, Chúng tôi muốn bày tỏ lòng tri ân sâu xa đối với tất cả và từng người một.

Trước hết, Chúng tôi tưởng nhớ các vị Hồng y Chủ Tịch Ủy Ban Chuẩn Bị đã qua đời: Đức Hồng y Phêrô Ciriaci là vị đã khởi sự công việc này và Đức Hồng y Pericles Felici là vị đã hướng dẫn tiến trình làm việc trong nhiều năm, cho đến lúc gần như hoàn tất. Tiếp đến, Chúng tôi nhớ đến các vị tổng thư ký của chính Ủy Ban này: Đức ông Giacômô Violardo, sau này được cất nhắc làm Hồng y, và linh mục Raymondo Bidagor, Dòng Tên, cả hai đã dốc hết tài lực về kiến thức và khôn ngoan để chu toàn trách nhiệm. Cùng với các vị đó, Chúng tôi nhớ đến các Hồng y, Tổng Giám Mục, Giám mục và tất cả các thành viên của Ủy Ban này, cũng như các cố vấn của các nhóm làm việc khác nhau đã dấn thân vào một công tác rất khó khăn suốt bao năm nay và trong thời gian đó, đã được Chúa gọi về lãnh phần thưởng đời đời. Chúng tôi dâng lời cầu nguyện lên Chúa cho từng vị ấy.

Chúng tôi cũng muốn nhớ đến những người đang còn sống, trước hết là vị đương kim quyền chủ tịch Ủy Ban, Đức ông Rosalio Castillo Lara, người anh em đáng kính, đã làm việc cách hoàn hảo trong thời gian rất dài với một trách nhiệm rất nặng nề; tiếp đến là Đức Ông Villelmo Onclin, người con yêu quý của Chúng tôi, đã chuyên cần và nhiệt tâm góp phần vào việc kết thúc công trình này cách tốt đẹp; rồi đến tất cả các vị khác trong Ủy Ban đã góp phần quý báu vào việc biên soạn và hoàn chỉnh một công trình vừa lâu dài vừa phức tạp, với tư cách hoặc là Hồng y thành viên, hoặc là hội viên, cố vấn và cộng tác viên trong các nhóm làm việc khác nhau hay trong các phận vụ khác.

Hôm nay, khi ban hành Bộ Giáo Luật, Chúng tôi hoàn toàn ý thức rằng hành vi này là một sự biểu lộ quyền Giáo Hoàng của chúng tôi, và do đó mang một đặc tính tối thượng. Tuy nhiên, Chúng tôi cũng ý thức rằng Bộ Giáo Luật này, xét theo nội dung khách quan, phản ảnh mối ưu tư tập đoàn của các anh em Chúng tôi trong chức Giám mục đối với Giáo Hội. Hơn nữa, phần nào giống như Công đồng, Bộ Giáo Luật này phải được coi như là thành quả của một sự hợp tác tập đoàn, bởi lẽ được phát sinh từ sự phối hợp sức lực của những cá nhân và những cơ quan chuyên môn trong Giáo Hội toàn cầu.

Một vấn nạn thứ hai về chính bản chất của Bộ Giáo Luật được đặt ra. Để trả lời đúng câu hỏi này, cần phải hướng tâm trí về di sản xa xưa của luật pháp được hàm chứa trong các sách Cựu Ước và Tân Ước, là nơi đã phát xuất toàn bộ truyền thống lề luật pháp chế của Giáo Hội, như nguồn mạch tiên khởi.

Thực vậy, Chúa Kitô không hề muốn hủy bỏ di sản cổ xưa của lề luật và của các tiên tri đã được hình thành dần dần qua lịch sử và kinh nghiệm của Dân Chúa trong Cựu Ước, nhưng Ngài đã đến kiện toàn di sản ấy (x. Mt 5, 17), đến nỗi di sản ấy đã trở thành một phần của di sản Tân Ước, dưới một bộ mặt mới mẻ và cao siêu hơn.

Vì vậy, mặc dù khi trình bày mầu nhiệm Vượt qua, thánh Phaolô đã dạy rằng sự công chính hóa có được không phải là nhờ công việc của luật pháp mà nhờ Đức tin (x. Rm 3,28; x. Gl 2,16), nhưng ngài không loại bỏ tính cách bó buộc của thập giới (x. Rm 13,8-10; x. Gl 5,13-25; 6,2), và cũng chẳng phủ nhận tầm quan trọng của kỷ luật trong Giáo Hội (x. 1 Cr 5 và 6).

Do đó, các sách của Tân Ước cho phép chúng ta hiểu rõ hơn tầm quan trọng của kỷ luật và giúp chúng ta thấy rõ hơn mối liên hệ giữa kỷ luật và đặc tính cứu rỗi của sứ điệp Tin Mừng như thế nào.

Sự việc như thế rõ ràng cho thấy Bộ Giáo Luật không nhằm thay thế đức tin, ân sủng, các đoàn sủng và nhất là đức ái trong đời sống của Giáo Hội và của các tín hữu. Trái lại, mục đích của Bộ Giáo Luật là thành lập một trật tự trong cộng đồng Giáo Hội, chẳng hạn như khi xếp đức ái, ân sủng và các đoàn sủng vào hàng đầu, Bộ Giáo Luật đồng thời cũng giúp đức ái, ân sủng và các đoàn sủng được phát triển dễ dàng hơn trong đời sống của cộng đồng Giáo Hội cũng như trong đời sống của từng cá nhân là thành phần của cộng đồng ấy.

Phải xem giáo luật là một văn kiện luật pháp chính yếu của Giáo Hội dựa trên di sản luật lệ pháp chế của Mạc khải và Thánh truyền, và là dụng cụ nòng cốt để bảo đảm trật tự phải có trong đời sống cá nhân và cộng đồng, cũng như trong sinh hoạt của Giáo Hội. Vì thế, ngoài các yếu tố căn bản của cơ cấu phẩm trật và cơ cấu tổ chức của Giáo Hội, như ý muốn của Đấng Sáng Lập thần linh, hoặc căn cứ trên truyền thống rất cổ xưa, và ngoài các quy tắc tổng quát quy định việc thi hành ba nhiệm vụ đã được trao cho Giáo Hội, Bộ Giáo Luật cũng phải xác định một số quy tắc và chuẩn mực hành động nữa.

Bộ Giáo Luật là một dụng cụ hoàn toàn phù hợp với bản chất của Giáo Hội, đặc biệt đã được trình bày qua giáo huấn của Công đồng Vaticanô II nói chung, và cách riêng trong học thuyết về Giáo Hội. Theo một nghĩa nào đó, người ta có thể thấy trong Bộ Giáo Luật một cố gắng phi thường để diễn đạt giáo lý công đồng về Giáo Hội bằng ngôn từ giáo luật. Tuy nhiên, nếu không thể diễn đạt hoàn toàn bằng ngôn ngữ giáo luật hình ảnh Giáo Hội theo Công đồng, thì ít ra Bộ Luật này cũng phải luôn luôn quy chiếu về hình ảnh ấy như khuôn mẫu tiên khởi, và nhờ chính bản chất của mình diễn tả được những đường nét của hình ảnh ấy ngần nào có thể.

Từ đó, người ta có thể rút ra vài tiêu chuẩn căn bản hướng dẫn tất cả Bộ Giáo Luật mới, trong khuôn khổ của lĩnh vực chuyên môn, cũng như trong ngôn ngữ được dùng. Người ta cũng có thể nói rằng chính từ đó mà Bộ Giáo Luật mang đặc tính bổ túc đối với Giáo Huấn của Công đồng Vaticanô II, và cách riêng đối với hai Hiến chế, Tín lý và Mục vụ.

Bởi vậy, điều tạo nên sự mới mẻ chính yếu của Công đồng Vaticanô II, trong sự liên tục với truyền thống lập pháp của Giáo Hội, nhất là trong những gì liên quan đến Giáo Hội học, cũng làm nên sự mới mẻ của Bộ Giáo Luật mới.

Trong các yếu tố diễn tả hình ảnh trung thực và chân chính của Giáo Hội, chúng ta phải làm nổi bật nhất là những điểm sau đây: giáo lý trình bày Giáo Hội như là Dân Chúa (x. Hiến chế Lumen Gentium, 2) và quyền bính phẩm trật như là việc phục vụ (x. Hiến chế Lumen Gentium, 3); rồi giáo lý bày tỏ Giáo Hội như mối hiệp thông và do đó ấn định những mối liên hệ hỗ tương phải có giữa Giáo Hội địa phương và Giáo Hội phổ quát, giữa tập đoàn tính và quyền tối thượng; rồi giáo lý về việc tham dự của tất cả các thành phần Dân Thiên Chúa, mỗi người tùy theo thể thức của mình, vào ba chức vụ của Đức Kitô: tư tế, tiên tri và vương giả; gắn liền với giáo lý ấy, là giáo lý liên quan đến các nghĩa vụ và quyền lợi của các tín hữu, và cách riêng của giáo dân; sau cùng là việc dấn thân của Giáo Hội vào phong trào đại kết.

Vì vậy, nếu Công đồng Vaticanô II đã rút ra từ kho tàng của Thánh Truyền cũ và mới, và nếu điều mới đó chính là những yếu tố chúng ta vừa nêu trên, thì rõ ràng là Bộ Giáo Luật phải phản chiếu tính cách trung thành trong sự mới mẻ và tính cách mới mẻ trong sự trung thành, và phải phù hợp với tính cách đó trong lĩnh vực riêng của mình và trong cách thế diễn tả riêng của mình.

Bộ Giáo Luật mới ra đời vào lúc các Giám mục trong toàn thể Giáo Hội không những yêu cầu ban hành mà hầu như còn nôn nóng thúc bách mạnh mẽ.

Thật ra, Bộ Giáo Luật rất cần cho Giáo Hội. Vì được tổ chức như một xã hội hữu hình, Giáo Hội cũng cần có những quy tắc: hoặc để phân định rõ rệt cơ cấu phẩm trật và cơ cấu tổ chức, hoặc để tổ chức cách xứng hợp việc thi hành các nhiệm vụ được Thiên Chúa trao phó, cách riêng những nhiệm vụ của thánh quyền và của việc cử hành các bí tích, hoặc để điều chỉnh các mối tương quan giữa các tín hữu với nhau dựa trên một sự công bằng đặt nền trên đức ái, nhờ việc xác định và bảo đảm quyền lợi của cá nhân; sau hết để nâng đỡ, củng cố và cổ vũ những sáng kiến chung nhắm tới một đời sống Kitô Giáo càng ngày càng hoàn hảo hơn nhờ giáo luật.

Sau cùng, các luật lệ của giáo luật tự bản tính đòi buộc phải được tuân giữ. Vì lý do đó, trong thời gian lâu dài chuẩn bị Bộ Luật, các nhà soạn luật đã hết sức quan tâm đến cách thức diễn tả các quy tắc, và để cho các quy tắc ấy có một nền tảng vững chắc về pháp lý, giáo luật và thần học.

Sau tất cả những nhận định trên, điều rất đáng mong ước là Bộ Giáo Luật mới này sẽ trở nên dụng cụ hữu hiệu để nhờ đó Giáo Hội có thể thăng tiến theo tinh thần Công đồng Vaticanô II và ngày càng trở nên thích nghi hơn để chu toàn sứ mệnh cứu rỗi của mình trong thế giới.

Với niềm hân hoan và tin tưởng, Chúng tôi muốn chia sẻ những nhận định trên vào chính lúc Chúng tôi ban hành Bộ Giáo Luật chính yếu dành cho Giáo Hội Latinh.

Nguyện xin Thiên Chúa làm cho niềm vui, bình an, công bình và vâng phục trở thành những điều bảo đảm cho Bộ Luật; và ước mong tất cả những điều do Đầu truyền ban đều được Thân Thể tuân giữ.

Do đó, tin tưởng vào sự trợ giúp của ơn thánh và dựa vào quyền hành của các thánh Phêrô và Phaolô tông đồ, ý thức rõ ràng hành vi Chúng tôi đang thực hiện và thuận theo các đề nghị của các Giám mục khắp hoàn cầu đã cộng tác với Chúng tôi trong một tinh thần tập đoàn, do quyền bính tối cao của Chúng tôi, Tông Hiến này có hiệu lực trong tương lai, Chúng tôi ban hành Bộ Luật hiện có như đã được chấn chỉnh và duyệt lại. Và Chúng tôi truyền từ nay về sau Bộ Luật này có giá trị pháp lý trong toàn thể Giáo Hội Latinh và Chúng tôi ủy thác cho tất cả các vị hữu trách nhiệm vụ theo dõi, để Bộ Luật được tuân giữ.

Và để mọi người có thể tìm hiểu và lĩnh hội tường tận những quy định này, trước khi Bộ Luật có hiệu lực pháp lý, Chúng tôi tuyên bố và quyết định các quy định ấy chỉ có hiệu lực pháp lý kể từ ngày đầu tiên của Mùa Vọng năm 1983. Điều này đương nhiên bất chấp mọi quy định, hiến chế, đặc ân (cho dù đáng nhắc nhớ cách riêng hay cách đặc biệt) và các tục lệ trái ngược.

Do đó, Chúng tôi kêu mời tất cả mọi tín hữu hãy tuân thủ những quy tắc đã được đề xuất, với một tâm hồn chân thành và thiện chí trong niềm hy vọng rằng kỷ luật canh tân của Giáo Hội sẽ lại khởi sắc, để phần rỗi các linh hồn càng ngày càng được cổ vũ, nhờ sự trợ giúp của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Giáo Hội.


Ban hành tại Rôma, tại điện Vaticanô, ngày 25 tháng giêng năm 1983, năm thứ năm triều đại Giáo Hoàng của chúng tôi.

Đôi lời dẫn nhập và cám ơnLời tựa